Thục-Quyên lược dịch
Có thể nói nhìn trong dài hạn, chúng ta tin rằng nhân dân Ukraine sẽ không bao giờ quay lưng với truyền thống văn hóa của nhân dân Nga, xem thường những đóng góp to lớn của người Nga vào kho tàng văn hóa nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử. Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi hàng trăm nghìn lính Nga đang lăm lăm cây súng trong tay dẫm đạp lên làng mạc phố phường, đền đài, di tích lịch sử của đất nước Ukraine từng ngày; khi bom đạn Nga ngày đêm trút xuống như mưa giết hại trẻ em, người già, tiêu diệt bằng sạch bất kỳ thứ gì là dấu hiệu của sự sống đang tồn tại trên từng mảnh đất hàng ngàn năm nay con người Ukraine vẫn sinh sống, thì những gì là “biểu tượng Nga” in dấu ở đây từ thuở chính quyền Xô viết ngự trị, đã trở thành biểu tượng của CÁI ÁC MAN RỢ, đập vào mắt dân chúng, gây nên một áp lực tâm lý không thể nào chịu nổi đối với trái tim bất khuất Ukraine. Mặt khác chính những biểu tượng thị giác kiểu này cũng làm nhớ lại một thời người Ukraine sống trong vòng cùm kẹp của bạo chúa Stalin và chế độ độc tài của ông ta mà hiện thân trực tiếp và phản cảm của thời kỳ đen tối đó lúc này đây là ngài Putin đang chễm chệ trong điện Kremlin với giấc mơ làm Peter Đại đế đã hạ lệnh dìm 44 triệu dân Ukraine vào trong biển máu không thèm chớp mắt. Vậy thì “tẩy xóa Nga” cũng là cách nhanh chóng lấy lại vị thế bình đẳng của một quốc gia Ukraine độc lập và một dân tộc Ukraine kiên cường, với sắc thái riêng biệt của mình đang ngẩng cao đầu trước năm châu bốn biển, quyết đem sức lực và trí tuệ dạy cho Putin và bè lũ Medvedev bài học biết mình biết người. Nên nhớ rằng trong cuộc cách mạng Pháp ở thế kỷ XVIII, một cuộc cách mạng đánh đổ chế độ phong kiến thiết lập nền cộng hòa nhằm đưa lại tự do bình đẳng bác ái cho toàn dân, vậy mà để xóa đi tâm lý nô lệ đối với dòng họ Bourbon kéo dài nhiều thế kỷ, cuộc cách mạng này cũng đã phải phá bỏ đi không ít di tích văn hóa có hình ảnh các ông vua Louis ngự trị ở đó, như Quảng trường Louis XV được xây dựng từ năm 1757 đến năm 1779, có dựng tượng Louis XV, sau này tôn tạo lại đổi tên là quảng trường Hòa hợp (Place de la Concorde). Hay Quảng trường Quốc gia (Place de la Nation) được xây dựng để vinh danh cuộc hôn nhân của Louis XIV và Marie-Thérèse công chúa nước Áo, cũng để thể hiện quyền lực toàn năng của các vị vua Pháp, trong thời gian nổ ra cách mạng nơi đây được đặt máy chém, chém đầu 1300 người, về sau được xây dựng mới và được đặt tên là Quảng trường Ngai vàng đảo ngược (Place du Trône renversé). Hoặc nữa, Quảng trường Vendôme (tên quận) có dựng bức tượng cưỡi ngựa của vua Louis XIV, vào ngày 13 tháng 8 năm 1789 tượng bị phá hủy và bị đổi tên là Quảng trường Những Ngọn Giáo (Place des Piques)… Bauxite Việt Nam |
Quá trình “Tẩy xoá Nga” của Ukraine đang diễn tiến, khi các thành phố loại bỏ các biểu tượng và những nét văn hóa từ thời Xô Viết.
By Euronews
29/08/2023 – 20:05
Thúc đẩy bởi bom đạn Nga và chính quyền Ukraine, quá trình “tẩy xóa Nga” bắt đầu từ sau khi Liên Xô sụp đổ, đang tăng tốc với cuộc chiến.
Kharkiv là một trong những thành phố tại Ukraine đang xóa bỏ dấu vết quá khứ Xô Viết của mình bằng cách loại bỏ nghệ thuật, biểu tượng, sách và ngôn ngữ Nga.
Không mấy thành phố ở Ukraine đang có nhiều nỗ lực như Kharkiv, một thành phố có truyền thống nói tiếng Nga, để xóa bỏ quá khứ của mình. Hàng trăm con phố mang những tên Liên Xô đã được đổi tên, hàng chục tượng đài bị phá bỏ và vô số sách viết bằng tiếng Ukraine đã thay thế sách tiếng Nga trên các kệ trưng bày.
Nhà sử học và xuất bản sách Oleksandr Savchuk giải thích: "Những cuốn sách này có tác dụng chữa bệnh đối với con người". "Có nghĩa là, người ta dường như nhận được một sự bảo vệ nào đó khi đọc chúng và cảm nhận rằng trên thực tế, có một văn hóa Ukraine, có một nghệ thuật Ukraine, có một nhà nước Ukraine và Ukraine có những nghệ sĩ, họa sĩ, kiến trúc sư, nhà điêu khắc và những nhân vật nổi tiếng.
Tất cả đều là chúng tôi. Đó là cách xác định bản sắc (dân tộc). Đó là lý do tại sao người ta mua những cuốn sách này."
Cuộc xâm lược toàn diện của Nga đã khiến nhiều người dân tìm về sử dụng tiếng Ukraine.
Mykola Kolomiets, một nghệ sĩ và cũng là giáo viên, cho biết: “Khi tôi nói điều gì đó bằng tiếng Nga (vào thời điểm cuộc xâm lược bắt đầu), tôi cảm giác có vị khó chịu trong miệng, như thể tôi đã ăn phải một thứ gì đó đã thối rữa”.
Trong khi đó, Natalya Denisova, Giám đốc nghệ thuật và là người sáng tạo múa rối của Nhà hát Múa rối Hàn lâm Kharkiv, tuy thừa nhận rằng sau 18 tháng chiến tranh, khó có thể tổ chức một cuộc tranh luận bình tĩnh về việc sử dụng ngôn ngữ của kẻ xâm lược, nhưng bà không ủng hộ việc xóa bỏ nó hoàn toàn:
"Mọi người đã sống với ngôn ngữ này. Có những lúc nó bị áp đặt một cách mạnh mẽ. Điều đó gây ra tình trạng dù muốn hay không, mọi người hầu hết đều dùng tiếng Nga. Và nếu chúng tôi nói rằng điều đó đã xảy ra bằng vũ lực, rằng chúng tôi bị nhồi ép tiếng Nga, thì tôi không chắc chúng tôi có nên tống khứ nó ra bằng cách tương tự.
Vì như vậy chúng tôi chẳng khác gì họ."
Dịch giả gửi BVN