Tội ác & Hình phạt

Nguyễn Lương Thịnh

1. Trong tuần rồi, chương trình ca nhạc ”100 năm Văn Cao” và các bài báo triển chiêu đề nghị “Giảm án” cho các tên sát nhân (Mass Killings) trong Thảm án Đại dịch COVID – 19, ngẫu nhiên được hệ thống Tuyên giáo phát hành đan xen trên sóng.

Hình ảnh Nguyên Chủ tịch nước và Phu nhân đường hoàng sánh đôi xuất hiện trở lại, nghiêm cẩn nghe và hát Quốc ca “… Đường vinh quang xây xác quân thù…”. Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thành Long thành thật khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, nộp lại tiền chiến lợi phẩm sau cuộc thảm sát dân lành…

Thành tâm chăng!? Bi thiết chăng!? Những làn hương vật vờ quanh những túi liệm xác giữa khuya, oan linh u uất không về… Trong ngữ cảnh này, có lẽ Văn Cao đã lại thêm một lần khóc, khi nghe 3 ca từ ngẫu nhiên cùng âm vận, “xác quân thù” và “xác dân lành” điền thế lẫn nhau…

2. Nhân vật Chí Phèo của Nam Cao đã gầm lên trước ngõ cụt hoàn lương: “Tao muốn làm người lương thiện!… Ai cho tao lương thiện?”! Chẳng có ai cho ai sự lương thiện! Chí Phèo chết trong vô vọng. Bởi không nhận thức được rằng, nhân cách được hình thành từ chuỗi hành vi lương thiện. Và hạt giống của sự lương thiện chỉ có thể nẩy mầm từ tấm lòng nhân ái của chính mỗi người..

Nhân vật có thật Papillon, người tù khổ sai trong tác phẩm của Henry Charriere, sau chuỗi 13 năm thụ án, vượt ngục-bị bắt-vượt ngục, trở thành công dân Venezuela, sau khi tự gẫm “Ta chỉ có thể được trở lại làm Người lương thiện, khi chính ta là phải tự hối bằng cách sống lương thiện gấp bội lần người khác.” Trong lá thư thống hối gởi cho cha trong ngày đầu tiên đủ nội lực làm “Người tự do”, Papillon đã khẳng định với chính mình: Lương tâm là giá thể duy nhất tương thích, để ươm trồng và phát triển nhân cách lương thiện.

Trong tác phẩm văn học nổi tiếng “Tội ác và Hình phạt – Преступление и наказание –“ của nhà văn Nga Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky, nhân vật Raskolnikov đã tự hỏi mình sau khi gây thảm án sát nhân: “Ta là con sâu bọ run rẩy hay một kẻ có quyền lực?” Hình phạt ghê gớm nhất với Raskolnikov, không phải là tù đày, mà là nỗi nhức nhối dai dẳng, dằng xé nội tâm, cho đến khi nhận thức được rằng, mình đã giết chết nhân phẩm của chính mình. ”Ta đã giết không phải một con người, ta đã giết một nguyên lý đạo đức”. Và Sonya, xuất hiện như một Nữ thánh Thiện lương giữa đời thường, trao password, giúp Chàng mở túi gấm hạt giống tâm hồn. Raskolnikov tự gieo, tái sinh lòng lương thiện.

3. Thẻ Đảng không thể là bằng cấp chứng nhận lòng yêu nước. Càng không phải là Giấy Chứng minh Đạo đức. Tấm thẻ đó chỉ thể hiện lời thề chân thực hay giả trá của một cá nhân đối với lý tưởng tự chọn.

Nhân dân lập đền thờ các vị tiền nhân để chiêm bái Chí khí Nhân kiệt hóa ngọc phi vật thể. Nhân dân không bái lạy vì nhân vật đó có chứng thư sắc phong do vương triều quá vãng vinh danh.

Nhân dân biết thủ phạm hại dân, bán nước từng thời kỳ.

Bia đá mòn, vỡ, tàn hoại trên dòng thời gian. Ký ức lịch sử là vĩnh cửu.

Không có không gian tâm linh nào được Thượng đế quy hoạch làm thị trường mua bán sự lương thiện. Và nếu, Điạ ngục-Thiên đường là không gian địa lý có thật, thì ở đó, không hề căn cứ vào Thẻ Đảng, Nghị quyết, Quan điểm của TW, làm cơ sở “Giảm nhẹ” hay Tăng nặng” hình phạt.

Đọa mệnh địa ngục là một trạng thái tâm lý tự thân và nhãn tiền. Từ hệ quy chiếu nhân văn, nhà tù không hề bó khung trong vách cách ly vật thể và tội ác không chỉ khấu trừ bằng số tháng năm thụ án, đo lường bằng độ ngắn dài của lịch dương gian.

Di chứng Tội ác của Bạo quyền và Di huấn lịch sử uất chiết từ nước mắt Dân oan, không thể bị đánh tráo bằng Cáo trạng, không thể bị hủy diệt bằng Nghị quyết của thế lực đương quyền. Mạch văn hiến tồn sinh và liên thông vĩnh cửu.

N.L.T.

Nguồn: FB Thịnh Nguyễn Lương

This entry was posted in Cơ chế và tham nhũng, tham nhũng. Bookmark the permalink.