Nguyễn Khắc Mai
Hôm nay 19 tháng Tám, ngồi chợt nhớ ngày xưa thuở lên mười đã cùng bạn bè cùng trang lứa họp nhau kéo đàn kéo lũ hát những bài ca cách mạng vang rần trong các đường phố, xóm ngõ. Trong những bài hát ấy có những khẩu hiệu đẹp, mà càng lớn lên nhớ lại càng thấy đẹp. Một nhà hiền triết nào đấy từng nói “cái đẹp sẽ cứu rỗi nhân loại”. Cũng như hồi nhỏ đi câu, mỗi lần sẩy một con cá thì tiếc cứ bỗi hỗi bồi hồi. Cho nên người ta hay nói con cá sổng mất là con cá lớn. Cái chi mình đánh mất càng tiếc nhớ nhiều. Câu ca trong bài Chiến sĩ Việt Nam của Văn Cao, cũng thế, càng thấy tiếc nhiều. Các bạn muốn nghe lại bài hát ấy cứ bảo cậu Google, hắn sẽ hát cho các bạn nghe. Tôi cũng vừa mở ra nghe đấy, để hồi tưởng cái thời trẻ dại nghìn năm lưu luyến vẫn không quên ấy. Bây giờ tôi sẽ chép cho các bạn xem cái đoạn ca từ đắc ý nhất:
“Thề phục quốc tiến lên Việt nam
Lập quyền Dân tiến lên Việt nam
Đài hạnh phúc đắp xây tự do
Việt Nam tranh đấu chống quân ngoại xâm”
Cả bốn câu ấy đều có ý nghĩa tuyệt vời. Tuy thế chúng chỉ nằm trong bài hát, nên tôi gọi là Khẩu hiệu văn hóa. Một khẩu hiệu văn hóa bao giờ cũng có hai cuộc đời, hai ý nghĩa. Một là cuộc đời và ý nghĩa tự thân của nó, như cái tên gọi của nó. Cuộc đời thứ hai là khi nó chuyển thành khẩu hiệu chính trị. Bấy giờ hoặc nó được thực hiện, nghĩa là nó đã được chuyển từ trạng thái tinh thần sang trạng thái vật chất, có cái sống thật trong xã hội. Hồn nó có một thể xác cụ thể. Hoặc nó chỉ là một khẩu hiệu suông của lũ người hoạt đầu chính trị, nghĩa là chỉ nói mà không làm. Mà nói như Các Mác thì, nó đã rơi tỏm (tombe’sans faute) vào sự dối trá lừa lọc đểu cáng của những kẻ tiếm danh con người! Người Huế hay nói vui là “sans l’eau dire” – hết nước nói, không còn gì để nói nữa.
Cái khẩu hiệu Lập Quyền Dân tiến lên Việt Nam, thực sự là một khẩu hiệu văn hóa. Vì là văn hóa, nó có đời sống tinh thần, nó làm nền cho những chính sách, nền chính trị nhân văn, dân tộc, tiến bộ. Nó là lợi ích xã hội mà nói như Kinh Dịch là đại lợi. Vì đó là cái lợi cho từng cá nhân và cho toàn xã hội.
Có lần tôi đọc thấy hai cụ Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu, hai nhà văn hóa, hai người chân ái quốc nói với nhau: Giành lại được độc lập mà người dân không có quyền, thì cũng vô nghĩa. Vì thế cái khẩu hiệu văn hóa ấy đã vang lên trong cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm xưa. Cái năm xưa đã đi qua rồi đi mất mãi mãi, cho nên người ta mới tiếc “bao giờ cho đến năm xưa”!
Thật ra cái quyền dân cũng được xác lập nhỏ giọt, rón rén, năm thì mười họa, chỉ là chăng hay chớ có cũng không. Giá mà nó được đàng hoàng như Nhật như Hàn, như ở những dân tộc văn minh thời hiện đại, chắc chắn con rồng Đại Việt đã bay lên chứ có đâu lại cứ tiềm long (rồng ẩn), mà thật ra thì cứ như giun vẫn miệt mài đào đất như chú Đăng Khoa từng dự báo, hay như bậc nữ sĩ Phạm Chi Lan bảo, nó là một loại rồng không muốn bay, thật sự thì không phải là không muốn mà là không dám, nó như bị bóng đè.
Nếu từ những mốc thời gian 45, 54, 75 rồi 86 mà quyền dân được đề cao, được xác lập đích thực đàng hoàng thì với thời đại của tốc độ như hiện nay, Dân ta cũng không kém gì những Hàn, những Nhật, những Sing, những Đài… Chỉ trong vòng 30 đến 50 năm là đã có thể bay lên. Thật ra năm 86 người ta đã ra rả nói cái nguyên lý Dân là gốc của nước. Nhưng cũng chỉ là một khẩu hiệu đầu lưỡi, làm thuốc an thần ru ngủnhiều hơn là ích dụng thiết thực. Nguyên cái quyền là chủ mảnh đất cắm dùi của mình vẫn bị đánh tráo khái niệm để tước đoạt. Ông Mã Khắc Tư [Các Mác] khi đề xướng cái Tuyên ngôn năm 1848 chỉ nói đến sự tước đoạt tư bản chủ nghĩa. Bây giờ trong cái Định hướng nó lại đè Dân ra để tước đoạt.
Còn nhớ trong công trình nghiên cứu của nhóm học giả Harvard Việt Nam phát triển theo hướng rồng bay họ chỉ ra rằng vào năm 1960 cả nhóm Đông Á và cả Đông Nam Á đều có chung mức thu nhập bình quân trong vòng dưới 1.000 USD. Nhưng đến năm 2004 thì Hàn Quốc đã vượt lên có thu nhập bình quân 27.000USD, còn VN vẫn lẹt đẹt có mấy nghìn. Tính ra Hàn Quốc chỉ 5, 6 năm là họ đã nhân đôi thu nhập. Việt nam phải 21 năm rưỡi mới nhân được lên đôi. Gần đây nghe nói ông Thủ tướng bảo phải sang Hàn Quốc học cái công nghệ giải trí của họ. Thật ra Việt nam từng có mô hình công nghệ giải trí rất hiệu quả, đó là cái Paris By Night của GS. Tô Văn Lai, mỗi cuộc diễn họ cũng thu hàng trăm tỷ như chơi, sao không mời họ về hợp tác mở rộng mà phải sang Hàn làm chi? Cơ mà cái đáng học ở Hàn là cái yếu tố căn bản của một nền dân chủ, dân quyền đích thực, không cần một triệu, rồi một vạn lần hơn. Chỉ cần là một mà có thật cũng hơn hẳn cái triệu cái vạn trong trí tưởng tượng!
Kể ra cụ Tản Đà cũng tài tình thật, bây giờ tôi nghĩ cụ thật là thánh. Không thánh sao phán được từ đầu thế kỷ 20, cái lịch sử có thật bi ai đau đớn tủi nhục của những năm tháng đầu thế kỷ 21 này. Cụ bảo:
Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân nó dễ làm quan
Quân nó càng dễ làm quan càng dễ dàng tước đoạt quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền tự do làm chủ vận mệnh của người dân. Kể cả cái quyền mà Ăngghen từng mơ ước, làm chủ để bảo ban và phê bình đám quan chức không để chúng biến thành lũ–quan-liêu-không-bao-giờ-mắc-sai-lầm (Những bức thư từ Luân đôn). Tôi nhớ câu này ổng nói như sau: Hãy chấm dứt một tình hình tế nhị, cớ sao các đảng viên thường, thay vì coi đám quan chức của đảng là đầy tớ để bảo ban phê bình thì lại quay ra coi họ là lũ quan liêu không bao giờ mắc sai lầm. Tôi tưởng không có định nghĩa nào hay hơn thế.
Có lần tôi cũng đọc thấy Hồ Chí Minh nói (nói thôi) rằng quan tham vì dân dại. Trong thực tế ngu với dại đi đôi với nhau.
Làm sao để bớt ngu bớt dại rồi hết ngu hết dai?
Làm sao để đảng viên, cán bộ đảng biết tự chuyển hóa, tự diễn biến trở thành những người cầm quyền dân chủ?
Làm sao bỏ được đảng chủ quan chủ?
Làm sao trả lại quyền cho Dân, xác lập quyền dân đích thực?
Làm sao Tiến lên Việt Nam, mà lại không Lập quyền Dân?
Cũng là một cách nhớ lại ngày xưa chăng?!
N.K.M.
Tác giả gửi BVN