Cù Huy Hà Vũ Ngục ký: Gặp Luật sư và Giám thị trước phiên tòa phúc thẩm (Kỳ 2)

TS Luật Cù Huy Hà Vũ

Giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha 

Tạm biệt Luật sư Trần Quốc Thuận, tôi trở về buồng giam thì đã thấy Tuấn và Tuấn Anh dán mình vào song sắt đợi tôi. Cả hai tíu tít hỏi chuyện gặp luật sư. Tôi đưa cho họ gói ni lông bọc khoanh giò lụa rồi nói: “Luật sư của anh đã chuẩn bị kỹ bài bào chữa. Ông ấy vào chỉ là để chuyển quà của vợ anh và động viên anh thôi”. Nhân đó tôi kể về nhân thân của Luật sư Trần Quốc Thuận. Tuấn Anh lè lưỡi: “Luật sư của anh “to” thế thì ngày mai thể nào anh cũng được về nhà. Để lại đồ của anh cho em nhá!”; Tuấn thì tư lự: “Làm sao em có được một luật sư như thế kia chứ!”. Tôi bảo: “Tù hình sự như các em thì án có thể tùy thuộc vào “to”, “nhỏ” của luật sư. Anh là tù chính trị thì án đã có trước khi bắt. Ngày mai không y án sơ thẩm thì anh cứ đi bằng đầu! Tuy vậy, anh và luật sư vẫn cứ phải chuẩn bị hết tầm. Vấn đề là danh dự”. Tuấn Anh gật đầu: “Ừ phải! Công lý nước mình thì đợi đến Tết Công Gô, anh nhỉ!”. Đến đây, cũng nên cắt nghĩa “Tết Công Gô” là gì. 

Trên thế giới có hai nước có cùng tên Công Gô. Cộng hòa Công Gô và Cộng hòa Dân chủ Công Gô. Ở Cộng hòa Dân chủ Công Gô, xung đột vũ trang và khủng hoảng chính trị diễn ra triền miên nên hơn 50 năm người dân mới có lễ hội. Thành thử, khối công dân nước này khi bị Diêm Vương cật vấn “Tết” là gì thì chỉ biết di di ngón chân thành hình tròn. Chính vì lý do này mà dân Việt Nam có câu “đợi đến Tết Công Gô” để nói điều gì đó rất khó xảy ra, thậm chí là không bao giờ. Mà kể cũng lạ, cứ nước nào ngày nay có chữ “dân chủ” hay “nhân dân” trong quốc hiệu thì y như rằng dân xứ đó đa phần khốn khổ, khốn nạn! 

Khoảng 3 giờ chiều, khi tôi đang căng đầu nhẩm lại bản tự bào chữa vì giấy bút bị cấm thì cánh cửa buồng giam bật mở, một cảnh sát bước vào nói: “Anh Vũ ra ngoài. Giám thị Bùi Ngọc Bình gặp”. Tôi chợt nhớ có lần viên cai ngục này nửa đùa nửa thật: “Ông Vũ có biết võ không? Tôi muốn đấu với ông!” Không lẽ tay này giờ muốn “tỷ thí” với tôi để làm kỷ niệm bởi thời gian tôi ở trại giam này không còn bao nhiêu nữa?

Thực tình mà nói, khi còn học trung học, tôi cũng võ vẽ đôi chút, gọi là theo phong trào. Nhưng nhờ vậy mà tôi đã dăm lần cứu được bạn bè khỏi những kẻ lưu manh. 

Một lần là khi đi xem phim ở Câu lạc bộ Đoàn Kết cùng Trung, em trai của Đặng Dũng, nghệ sĩ kịch câm đầu tiên của Việt Nam và là chồng của nữ ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh Ái Vân. Thấy có kẻ móc ví người đang đi trước mặt, tôi bèn giữ tay hắn lại thì hắn bỏ đi. Nào ngờ khi chuẩn bị vào cổng thì Trung phát hiện có mấy thanh niên nhào tới đánh tôi từ đằng sau. Thế là cậu ta kêu lên cho tôi biết. Đám người đó liền quay lại tấn công Trung, đấm gẫy ngay hai răng cửa của cậu ta. Bản tính tôi yêu hòa bình, không muốn đôi co với ai cả. Nhưng trong tình thế bạn mình bị lâm nguy thì “chiến” là mệnh lệnh. Tôi lập tức ra đòn “móc hàm” nhằm vào đứa đầu lĩnh, khiến tay này bị hất tung lên rồi rơi cái bịch. Đám lưu manh thất thanh “Thằng này có võ bọn mày ơi!”, rồi mỗi đứa chạy một ngả. Tôi quay lại đưa Trung về nhà cậu ta rồi về nhà mình. Chừng nửa tiếng sau có tiếng chuông cổng. Tôi chạy ra thì thấy Trung mồm còn dính đầy bông. Cậu ta nói: “Tôi đến đây chỉ để nói với ông một câu. Tôi rất vinh dự được làm bạn với Cù Huy Hà Vũ!”, rồi quay xe đi. 

Lần khác, ấy là khi đám con trai cùng lớp đá bóng trên sân đất dưới chân cầu Long Biên. Bất chợt có toán lưu manh lớn tuổi hơn, và tất nhiên, cao to hơn, tới trấn lột đồ. Đứa thì thủ con dao bấm. Đứa thì nắm đấm thép nơi tay. Lại có đứa cầm cả một thanh nứa vót nhọn… Thấy Hoàng Kỳ Vũ, con một đại tá quân đội, có dây thắt lưng xịn, tên cầm đầu xấn lại thò tay giật. Cả đám chơi bóng lập tức đổ mắt tìm Nguyễn Hữu Tín, biệt danh Tín “lông” (bởi có một sợi lông đen dài mọc nơi má, gọi là “lông tài”, được cho là điềm may mắn, phú quý và thịnh vượng) để có sự giải cứu, được trông chờ là ngoạn mục. Chả là cậu ta lúc nào cũng khệnh khạng, khoe có “võ Ba Tàu”, hai tay luôn thọc vào hai túi áo kiểu bà ba, như thể giấu những đòn đánh “thần sầu quỷ khốc”! Tín “lông” là con một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp định Genève 1954 nên lũ chúng tôi tin sái cổ là cậu ta giỏi võ. 

Thật vậy, trong óc lũ trẻ chúng tôi các cán bộ gốc Nam đều là những hảo hớn đồng nhất với võ nghệ đầy mình. Chúng tôi được thuyết phục bởi nhân vật Võ Tòng ngang tàng nhưng đầy nghĩa khí trong tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi hơn là chủ nghĩa anh hùng cách mạng của “Nam Bộ thành Đồng” được giảng trên lớp. Ngặt một nỗi là Tín “lông” mới đấy hăng hái giành bóng cùng chúng bạn mà giờ đã biến đi đâu mất. Thế là tôi lao thẳng vào tên cầm đầu, tay trái túm lấy tay phải đang cướp của nó, tay phải thoi một cú “direct” vào mặt nó. Tên cướp lập tức buông Kỳ Vũ, vùng chạy như bị ma đuổi. Như Trương Phi trên cầu Trường Bản, tôi lập tức hướng vào đám đệ tử của nó, quát: “Còn thằng nào dám chơi không?!” Bọn này sững lại giây lát rồi túa chạy theo “ông trùm”. 

Sau “trận” ấy, Kỳ Vũ đi đâu cũng khoe “chiến tích” của tôi. Đám bạn cùng lớp thì hết nhìn Tín “lông” như một cao thủ võ lâm. Sau này thì cả Kỳ Vũ lẫn Tín “lông” đều thành đạt, ai cũng làm “quan”. Người thứ nhất là Thượng tá nhà binh, Tổng giám đốc một công ty xây dựng của quân đội. Người thứ hai làm đến phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh. Cũng chẳng có gì là lạ vì Tín “lông” là đệ tử ruột của Lê Thanh Hải, “ông trùm” của “thành phố mang tên Bác” suốt 15 năm, từ 2001 đến 2016, thời kỳ chính quyền nơi đây đập nhà, cướp đất của dân hung tàn nhất. Khi tôi viết những dòng này, Tín “lông” đang thụ án tù dài hạn do tham nhũng. 

Sau này ngẫm lại thì thấy mấy đám lưu manh kia “ù té quyền” không phải vì tôi biết “đánh đấm”, mà chính là vì chúng khiếp đảm trước một thái độ quyết liệt vì việc nghĩa. Mà cái máu “Giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha” ấy là tôi có được từ Lục Vân Tiên và người bác ruột và là cha nuôi của tôi, Xuân Diệu. Điểm khác nhau giữa hai người này là nhân vật anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu đã đánh tan toán cướp và giải cứu thành công người đẹp Kiều Nguyệt Nga, còn Xuân Diệu thì bị nhừ đòn vì “tương quan lực lượng” quá chênh lệch. Thi sĩ “tóc như mây vương trên đài trán ngây thơ”, tham gia Việt Minh từ đầu 1942, đã dừng xe đạp để đánh nhau tay không với cả một nhóm Việt Quốc (1) và Việt Cách (2) chừng 30 người có lính Tưởng Giới Thạch hộ tống đang hung hăng biểu tình chống Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn trứng nước trên đường Garnier (nay là Đinh Tiên Hoàng), Hà Nội (3). “Con ngựa sắt” mà ông phải bỏ lại sau đó được một người dân trả lại vì trên biển xe có đề “Xuân Diệu”.

Chuyện võ vẽ của tôi là nhắc lại vậy thôi, bởi tình huống bây giờ khác hẳn rồi. Sự sòng phẳng có thể đến từ một cuộc đấu sức ngoài đường, chứ trong trại giam thì tù nhân thua cai ngục là cái chắc! Huống hồ, tôi đã “giã từ nắm đấm” để chuyên vào “bút nghiên” từ rất, rất lâu rồi, cho dù cái máu dẹp bất công chưa bao giờ ngừng sôi trong con người tôi. Sự “giã từ” này không đơn thuần là hệ quả của vấn đề sức khỏe và tuổi tác, mà còn là, và trước hết, của nhận thức. 

“Nắm đấm” vật chất có thể giải cứu được một người, như tôi đã trải nghiệm. Nhưng để có thể giải cứu được nhiều người, nhất là khi bất công ở Việt Nam đã biến toàn xã hội thành nạn nhân của nó thay vì một số cá nhân riêng lẻ, nhất thiết phải có những phương tiện khác. Điều này cần phải tính sớm, trước khi mọi cái trở nên quá muộn, khi mà bản thân quốc gia Việt Nam bị bất công biến thành nạn nhân tiếp theo của nó. Trong các phương tiện ngoài “nắm đấm” ấy, tôi đã chọn “bút nghiên”. Đầu tiên là vì nó phù hợp với đường lối hành động phi bạo lực của tôi. Sau nữa, nó phù hợp với sở học của tôi. Bất luận thế nào, với “bút nghiên”, tôi tưởng có thể mãi đồng hành cùng đất nước. 

Chú thích:

1.    Tên gọi tắt của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sau khi Nhật đầu hàng Đông minh, ngày 20/8/1945, Việt Quốc theo quân đội Trung Hoa Dân Quốc có nhiệm vụ giải giáp quân Nhật vào Việt Nam. Từ đây, Việt Quốc xung đột với Việt Minh và tiếp đó với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Việt Quốc tổ chức ám sát Hồ Chí Minh nhưng không thành.

2.    Tên gọi tắt của Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội. Việt Cách gồm nhiều tổ chức chính trị hoạt động bí mật tại Việt Nam và có cơ sở tại Trung Quốc, trong đó có Việt Minh (Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, do Đảng cộng sản Đông Dương thành lập ngày 19/5/1941). Hồ Chí Minh là ủy viên trung ương của Việt Cách nhưng cuối năm 1944 đã rời bỏ tổ chức này. Cũng như Việt Quốc, Việt Cách theo quân đội Trung Hoa Dân Quốc vào Việt Namxung đột với Việt Minh và tiếp đó với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

3.    Việt Quốc và Việt Cách tổ chức một cuộc biểu tình chống Tổng tuyển cử do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức. Cuộc biểu tình mà Xuân Diệu đã đụng độ này được ông mô tả trong bài thơ “Một cuộc biểu tình”, đăng trên Báo Độc lập ngày 23/12/1945, in lại trong tập thơ “Dưới Sao Vàng” (1949).  

(Còn tiếp)

Garden Grove, California, Hoa Kỳ, 7/8/2023

C.H.H.V.

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống cùng phu nhân, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, tại California, Hoa Kỳ (Tác giả ghi).

Tác giả gửi BVN  

This entry was posted in cù huy hà vũ, Pháp Luật, tù nhân lương tâm. Bookmark the permalink.