Đại án “Chuyến bay giải cứu”: cựu Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và tham nhũng có tổ chức

TS Luật Cù Huy Hà Vũ

Ngày 11/7 vừa qua, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa đại án tham nhũng có tên “chuyến bay giải cứu” ra xét xử với thời gian dự kiến là 30 ngày. Với 54 bị cáo, số lượng bị cáo trong một vụ án nhiều nhất từ trước tới nay, phiên tòa này mặc nhiên đi vào lịch sử tố tụng Việt Nam.

clip_image002

Nhiều quan chức cao cấp bị đưa ra xét xử trong vụ ‘Chuyến bay giải cứu’. Nguồn: BBC News [CHHV1]

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay được gọi là “giải cứu” để đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước. Thủ tướng Chính phủ giao việc cấp phép các chuyến bay cho Tổ công tác gồm 5 bộ gồm Ngoại giao, Y tế, Giao thông – Vận tải, Công an và Quốc phòng, với Bộ Ngoại giao làm đầu mối. Bộ Ngoại giao đến lượt mình giao Cục Lãnh sự làm đầu mối. 21 quan chức của bảy bộ, ngành và địa phương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn và nhiệm vụ được giao để ép các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay hối lộ cho họ gần 165 tỷ đồng. Do có hành vi này, số quan chức này đã bị truy tố về “Tội nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).

Các bị cáo là cựu quan chức Bộ Ngoại giao gồm: Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao; Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự; Lê Tuấn Anh, cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự; Vũ Hồng Nam, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản; Trần Việt Thái, cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia; Vũ Ngọc Minh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola; Nguyễn Hồng Hà, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka – Nhật Bản. Theo Giáo sư Mỹ Zachary Abuza (1) từ Đại học National War College (Mỹ), "đại án “chuyến bay giải cứu” có liên quan đến quan chức ngoại giao cấp cao, điều này đã làm xấu rất nhiều hình ảnh của Bộ Ngoại giao Việt Nam."

Cách thức “làm tiền” của các quan chức này là phối hợp với nhau để "hành" các doanh nghiệp. Đoàn Minh Dương (2), Chủ tịch Vija Sun, bị cáo buộc “đưa hối lộ”, cay đắng cho biết: “Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan gây khó khăn, nhất quyết không cấp cho bị cáo để bắt bị cáo phải đưa tiền nhưng bị cáo vẫn không đưa. Vì vậy bị cáo bị đưa vào thế khó khăn cùng cực, cứ ngày mai bay thì ngày hôm nay mới cấp bay. Mà một chuyến bay phải nộp rất nhiều tiền để thuê, từ 6 đến 9 tỷ đồng. Những công dân Việt Nam ở nước ngoài muốn về nước thì phải trả tiền nhà, phải đi xin nghỉ việc, rồi gửi đồ đạc. Nhưng ngày mai bay ngày hôm nay mới biết là mình được về. Thành ra người công dân Việt Nam bị hành hạ. Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao không còn là bảo hộ công dân mà là hành dân!”

Vụ tham nhũng lớn có tổ chức này ở Bộ Ngoại giao đã diễn ra từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, giai đoạn mà ông Phạm Bình Minh là Bộ trưởng Bộ này (8/2011 – 4/2021). Thực tế cho thấy mọi vụ tham nhũng có tổ chức trong bất kỳ cơ quan Nhà nước nào đều có sự dính líu, nếu không muốn nói là chỉ đạo trực tiếp, của người đứng đầu cơ quan đó. Do đó, với tư cách người đứng đầu Bộ Ngoại giao, ông Phạm Bình Minh không thể không bị điều tra hình sự.

Tháng 4/2021, ông Phạm Bình Minh thôi làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhưng vẫn tiếp tục giữ chức Phó thủ tướng. Nguyễn Quang Linh, trợ lý cho ông Minh từ năm 2013, tiếp tục giữ chức vụ này. Vẫn theo Cáo trạng, Linh đã nhận hối lộ 5 lần với tổng số tiền hơn 4,2 tỉ đồng từ các doanh nghiệp tổ chức các “chuyến bay giải cứu” để tham mưu, đề xuất lãnh đạo Chính phủ cấp phép cho họ. Linh còn phối hợp với các quan chức khác ở Văn phòng Chính phủ là Nguyễn Tiến Thân và Nguyễn Mai Anh để cùng thực hiện hành vi tham nhũng này.

Tại tòa, Nguyễn Quang Linh (3) khai rằng trên cơ sở đề nghị của Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ đã đề xuất lãnh đạo Chính phủ cho Văn phòng Chính phủ trực tiếp tiếp nhận hồ sơ từ các doanh nghiệp để trình lãnh đạo Chính phủ cấp phép các "chuyến bay giải cứu" và đề xuất này đã được chấp thuận. Linh cũng thừa nhận rằng việc Văn phòng Chính phủ và bản thân Linh trình Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cấp phép các chuyến bay là trái với việc Thủ tướng đã giao Tổ công tác 5 Bộ làm việc này.

Chắc chắn không có chuyện Thủ tướng Phạm Minh Chính phá vỡ quy định do chính mình đề ra. Vậy ai là “lãnh đạo Chính phủ” đã cho phép Văn phòng Chính phủ phá vỡ quy định của Thủ tướng Chính?

clip_image004

Cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh. Nguồn: Getty images

Tại Quyết định số 1460/QĐ-TTg ngày 6/9/2021 (4), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Phó thủ tướng Phạm Bình Minh làm Phó thủ tướng thường trực, thay mặt Thủ tướng Chính phủ theo dõi và chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội. Như vậy, ngoài Thủ tướng Phạm Minh Chính, chỉ ông Minh mới có quyền chỉ đạo Văn phòng Chính phủ. Vậy là rõ, ông Minh chính là "lãnh đạo Chính phủ" đã cho phép Văn phòng Chính phủ phá vỡ quy định của Thủ tướng Chính. Hành vi này bản thân nó là rất nghiêm trọng khi nó cho thấy một sự “vô chính phủ”, trớ trêu thay, diễn ra ở ngay cơ quan hành pháp cao nhất của Việt Nam.

Bất luận thế nào, các chứng cứ cho thấy Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã cùng Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ mà ông trực tiếp chỉ đạo lập ra một đường dây tham nhũng, trục lợi trên sự hoạn nạn có tính sinh tử, hay nói thẳng ra, trên tính mạng của “đồng bào” Việt Nam ở ngoài nước. Một hành vi táng tận lương tâm!

Tóm lại, với tư cách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và tiếp đó Phó thủ tướng thường trực phụ trách Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ, ông Phạm Bình Minh phải bị điều tra hình sự về vai trò của ông trong các vụ tham nhũng nghiêm trọng và có tổ chức liên quan đến các “chuyến bay giải cứu” xảy ra tại hai cơ quan này của Chính phủ. Trong lúc chờ đợi, chỉ riêng với việc đã để xảy ra tham nhũng nghiêm trọng và có tổ chức tại Bộ Ngoại giao khi ông làm Bộ trưởng và hành vi cố ý làm trái quy định của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Phạm Bình Minh phải bị truy cứu hình sự về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 360 và "Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).

Vấn đề còn lại là liệu Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo có muốn xử lý hình sự ông Phạm Bình Minh để hiện thực hóa công cuộc chống tham nhũng "không có vùng cấm", chống tình trạng "vô chính phủ" ở ngay Chính phủ cũng như lấy lại uy tín cho Bộ Ngoại giao và Nhà nước Việt Nam trong con mắt cộng đồng quốc tế mà Việt Nam đang nỗ lực mở rộng và tăng cường quan hệ.

Chú thích:

1. Việc xét xử đại án ‘Chuyến bay giải cứu’ có tính chính trị?, BBC News, 16/7/2023

2. Luật ngầm hối lộ trong vụ án ‘chuyến bay giải cứu’,

3. Lời khai của Ông Nguyễn Quang Linh cựu trợ lý của nguyên PTT Phạm Bình Minh, Process with Mr Jaja, 13/7/2023

4. Phân công ông Phạm Bình Minh làm Phó thủ tướng thường trực, Công an thành phố Hồ Chí Minh, 06/09/2021

Garden Grove, California, Hoa Kỳ, 16/7/2023

C.H.H.V.

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống với phu nhân, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, tại California, Hoa Kỳ.

Tác giả gửi BVN. Trên tinh thần “pháp bất vị thân” BVN đăng bài viết này của ông CHHV.

.

This entry was posted in Chuyến bay giải cứu, cù huy hà vũ, Phạm Bình Minh. Bookmark the permalink.