Bài toán nhập siêu, mất cân bằng trong cán cân mậu dịch Việt – Trung: giải thế nào?

Quốc Phươngcộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London

03-07-2023

 

Hình minh hoạ: Container hàng hoá xếp hàng ở cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn chờ sang Trung Quốc hôm 20/2/2020. Reuters

 

Quan hệ kinh tế, thương mại, mậu dịch với Trung Quốc là một chủ đề hết sức phức tạp đối với Việt Nam. Hàng hóa Trung Quốc thâm nhập Việt Nam lâu nay từ ‘cái kim, sợi chỉ’ cho tới các hàng hóa máy móc công cụ bao phủ khắp thị trường Việt Nam và mặc dù ‘rất khó khăn’, cần có những cách thức mới để cân bằng lại cán cân mậu dịch mà lâu nay luôn là nhập siêu đối với Việt Nam. Đó là ý kiến nhà nghiên cứu kinh tế và chính sách công từ Hà Nội Phạm Quý Thọ chia sẻ với RFA Tiếng Việt hôm 29/6 vừa qua. 

 

Kinh tế gia Bùi Kiến Thành cũng có nhận định về mối quan hệ thương mại Trung- Việt:

 

“Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc lại ở ngay biên giới với Việt Nam, và ngoài vấn đề ngoại thương bình thường, còn có các hoạt động gọi là ‘tiểu ngạch’ nữa, do đó thị trường Trung Quốc lại càng hết sức quan trọng với Việt Nam. Do đó chuyến thăm của phái đoàn của Chính phủ Việt Nam mới đây qua Trung Quốc để làm tốt hơn sự giao thương với họ là một việc cần thiết phải làm, và chuyến đi tới Trung Quốc của ông Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vừa rồi là việc đúng theo trách nhiệm cấp quản lý nhà nước vốn phải quan tâm, thế nhưng đối với Trung Quốc, không đơn giản”.

 

“Lý do là vì trong sản phẩm, hàng hóa của Trung Quốc có nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về chất lượng, vấn đề về độc hại, v.v. Đồng thời, khi Trung Quốc nhập hàng của Việt Nam, có những vấn đề mà lâu nay Trung Quốc chèn ép Việt Nam, từ khâu mà những người mua hàng của Trung Quốc đi tới tận nơi, tận vườn, tận ruộng, rồi ép giá tại nguồn xuống.

 

Và khi sản phẩm của Việt Nam nhiều, thì Trung Quốc làm cho ế ẩm, nào là trái cây, nào là dưa… bị thối trên ruộng. Đến khi chở lên biên giới Việt – Trung, như tới Lạng Sơn, thì bị đọng lại hàng trăm xe tải lớn, để ở ngoài trời trong suốt nhiều ngày, để cả tuần lễ, khiến bao nhiêu sản phẩm của Việt Nam bị hư hỏng.

 

Do đó, vấn đề giao thương với Trung Quốc có nhiều tầng cấp mà Việt Nam phải giải quyết. Trong đó, từ vấn đề sản phẩm của Trung Quốc thế nào, qua Việt Nam ra sao, kiểm tra chất lượng thế nào để tránh vấn đề độc hại. Rồi còn vấn đề thương mại, mậu dịch tiểu ngạch của Việt Nam còn chuyện không phải đi qua các nhà xuất khẩu lớn, mà lại đi qua những người vác hàng đi xuyên qua biên giới…, cũng phải giải quyết. Cho nên giao thương với Trung Quốc có rất nhiều vấn đề mà nhà nước Việt Nam cần phải quan tâm đặc biệt. Nhiều vấn đề tôi cũng biết là cấp quản lý nhà nước của Việt Nam có quan tâm, nhưng chưa làm gì được, một lý do là do hiệu quả của quản lý nhà nước ở cấp địa phương của Việt Nam rất yếu kém”.

 

Xe tải chở nông sản chờ thông quan ở cửa khẩu Lạng Sơn. AFP

 

VN cần tư duy lại giao thương với Trung Quốc thế nào?

 

PGS. TS. Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm khoa Chính sách công của Học viện Chính sách & Phát triển, nhắc lại trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vừa diễn ra cuối tháng 6/2023, Trung Quốc có phát biểu cho hay nước này sẽ nhập khẩu gạo của Việt Nam, song phía Việt Nam theo ông cũng cần lưu ý thêm một số khía cạnh.

 

“Tất nhiên, Trung Quốc phải tính đến lợi ích của họ, chứ không phải là Trung Quốc yêu quý gì Việt Nam mà họ nhập gạo của Việt Nam, bởi vì Trung Quốc đang rất tính toán trong vấn đề bảo đảm an ninh lương thực của họ. Cho nên đừng hy vọng nhiều vào những khía cạnh này để có thể giải quyết, làm cho cán cân thương mại với Trung Quốc ổn định được”.

 

Theo ông Phạm Quý Thọ, việc ổn định cán cân thương mại ngày nay không còn có thể giải quyết theo tiếp cận đơn giản được nữa, ông giải thích:

 

“Tôi nghĩ việc ổn định cán cân này, bây giờ không thể nhìn một cách đơn phương giữa hai nước, mà có lẽ phải có sự cạnh tranh giữa hàng nhập khẩu giữa các nước.

 

Tôi nhận thấy rằng gần đây Hàn Quốc, với quan hệ có vẻ tốt đẹp hơn, ngoài việc nước này cũng là nhà đầu tư nhiều nhất ở Việt Nam, thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc tăng lên rất nhiều. Trong đó phải nói rằng hàng hóa của Hàn Quốc, đặc biệt những hàng tiêu dùng, gần đây cạnh tranh với hàng Trung Quốc khá là tốt.

 

Điều đó cũng một phần nào đấy giúp cho cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trở nên sáng sủa hơn một chút, tuy không dám nói là tốt đẹp”.

 

Vẫn theo ông Phạm Quý Thọ, đây là một bài toán khá lâu dài với Việt Nam, nhưng theo dõi bang giao Việt Nam – Trung Quốc gần đây, đặc biệt qua chuyến thăm Trung Quốc vừa diễn ra của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, ông bình luận tiếp:

“Gần đây, xin nói thêm rằng nếu Trung Quốc đáp ứng những kêu gọi đầu tư của Thủ tướng Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, mà Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ trong chuyến đi Trung Quốc, rồi cũng có kêu gọi làm một khổ đường sắt mà có thể giúp cho Việt Nam qua Trung Quốc, xuất khẩu cho nước thứ ba, tôi chưa biết rằng tính chất chính trị của điều này sẽ đến đâu.

 

Bởi vì trong lĩnh vực kinh tế, người ta thường kêu gọi đầu tư, nhưng trong tình hình khó khăn này, nếu Việt Nam không tính toán hết, mà cứ kêu gọi như thế, có thể sẽ có những ảnh hưởng lâu dài. Đó là điều nên cân nhắc, tuy rằng vẫn chưa có những ký kết cụ thể nào về lĩnh vực đầu tư như tôi vừa đề cập.

 

Tôi cho rằng, về mặt hình thức Việt Nam nói là quan hệ với Trung Quốc là hữu nghị láng giềng, rồi cùng ý thức hệ, song vẫn phải cân nhắc kỹ, bởi vì suy cho cùng vẫn là kinh tế, những lợi ích kinh tế quyết định, chứ không phải là những gì viển vông, hay là qua những phát biểu qua những cuộc họp lãnh đạo hai bên mà chúng ta biết được trên báo chí nhà nước”.

 

Nhân viên y tế Việt Nam đứng nhìn một thương nhân Trung Quốc trong bộ đồ bảo hộ đi hoverboard qua các xe container chở hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị ở Lạng Sơn hôm 20/2/2020. Reuters

 

Hôm 29/6, liên quan tình hình ‘xuất siêu’ và ‘nhập siêu’ của Việt Nam đối với một số thị trường quan trọng của Việt Nam, trong đó có Trung Quốc, tạp chí điện tử về kinh tế Việt Nam, VnEconomy, dẫn nguồn từ Tổng cục Thống kê của Việt Nam, cho hay:

 

“Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 37,2 tỷ USD, giảm 24,9% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 14,5 tỷ USD, giảm 9,8%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,2 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,7 tỷ USD); nhập siêu từ Trung Quốc 24,5 tỷ USD, giảm 30,9%; nhập siêu từ Hàn Quốc 13,4 tỷ USD, giảm 34,8%; nhập siêu từ ASEAN 4 tỷ USD, giảm 39,1%” (1).

 

Còn theo một bài báo có tựa đề “Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc” trên tạp chí của Hội dầu khí Việt Nam, PetroTimes, hôm 29/6/2023, tình hình giao thương Việt Nam – Trung Quốc trong năm gần nhất theo số liệu từ phía Việt Nam cho thấy nhập siêu đã tăng trên 10%:

 

“Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%; nhập siêu ở mức 60,1 tỷ USD, tăng 10,18%. Trong năm tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 61,5 tỷ USD. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam” (2).

 

Vẫn theo PetroTimes, ngày 28/6, trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Việt Nam thăm Trung Quốc, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã có buổi hội đàm song phương với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào về thúc đẩy, tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước, tại sự kiện này, người đứng đầu ngành Công thương Việt Nam đã trao đổi với phía Trung Quốc một số nội dung chính:

 

“Đề nghị Bộ trưởng Vương Văn Đào tích cực thúc đẩy mở rộng quy mô thương mại song phương, mở rộng hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước để hỗ trợ đưa hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa Trung Quốc. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn hai nước sẽ nâng cao hiệu suất thông quan tại cửa khẩu, đồng thời thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu trong năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam quá cảnh đường sắt Trung Quốc đi các nước thứ ba…

‘Hai bên cần xây dựng kế hoạch hành động để triển khai bản ghi nhớ, xây dựng mạng lưới hậu cần kết nối chuỗi cung ứng giữa hai nước từ vùng nguyên liệu đến các khu công nghiệp; từ các nhà máy sản xuất đến các cảng/cửa khẩu và trung tâm phân phối tại địa phương hai nước’”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, được tạp chí PetroTimes của Việt Nam dẫn lời, nói với phía Trung Quốc.

 

Q.P.

 

Nguồn: RFA Tiếng Việt

 

This entry was posted in kinh tế, Quan hệ Việt - Trung. Bookmark the permalink.