Tiếng súng Cư Kuin, Đak Lak

Phạm Đình Trọng

1.   Đất nước thanh bình mà trong một đêm yên tĩnh rạng sáng 11 tháng Sáu năm 2023, hàng chục người dân da đen cháy vì quanh năm trần lưng phát rẫy làm nương bỗng tập hợp thành hai nhóm mang súng đạn cùng lúc lao vào tấn công trụ sở công an hai xã trong huyện Cư Kuin, tỉnh Đak Lak, giết chết chín người gồm bốn sĩ quan công an, hai cán bộ xã và ba người dân, bắn bị thương hai sĩ quan công an khác là sự việc vô cùng nghiêm trọng.  

Nửa đêm khuya khoắt, ba người dân chết ở chỗ nổ súng tấn công chính quyền, chắc chắn không phải dân làm rẫy, chỉ có thể là nhân viên làm việc ở trụ sở công quyền bị tấn công. Nếu vậy, chín người chết đều là viên chức nhà nước.

Tấn công trụ sở công quyền nhà nước, thẳng tay bắn giết viên chức nhà nước đương nhiên là tội ác hoang dại, không biết đến pháp luật, không biết đến đạo đức, không thể chấp nhận, phải bị truy tố và nhận án thoả đáng. Nhưng tiếng súng đó cũng là tiếng nổ, là sức phá của mâu thuẫn xã hội, là tiếng chuông gióng giả vang lên cảnh báo sự bất ổn trong xã hội và sự bất an trong lòng người dân đã lan rộng, lan xa đến tận buôn làng người dân tộc hồn nhiên, chân chất.

Dù những người nổ súng tấn công cơ quan chính quyền, giết cán bộ nhà nước đều là người dân sắc tộc Tây Nguyên nhưng vụ việc không đơn thuần chỉ là xung đột sắc tộc mà còn là bộc lộ trong xã hội đã chứa chất mâu thuẫn tới mức đối kháng, một mất một còn. Mâu thuẫn giữa một bộ phận người dân yếu thế với chính quyền luôn ỷ vào sức mạnh bạo lực nhà nước, ỷ vào lực lượng công an khổng lồ, được trang bị kĩ lưỡng, trang bị từ vũ khí tối tân đến trang bị tư duy nhận thức, không biết đến số phận con người, không biết ơn nghĩa nhân dân, không biết đến những giá trị nhân văn, chỉ biết còn đảng còn mình. Có công cụ trấn áp đầy sức mạnh, nhà nước ngạo nghễ áp đặt ý chí chủ quan của nhà nước chuyên chính vô sản với người dân, không quan tâm đến khát vọng, nhu cầu đơn giản, bình thường và chính đáng từ đời sống vật chất đến đời sống tâm linh của người dân. 

Người dân các dân tộc ít người, nhỏ bé, lẻ loi ở Tây Nguyên có không gian sống riêng biệt và linh thiêng, không gian của Giàng, của thần linh, có tài sản riêng to lớn và quý giá không chỉ là đất đai núi rừng bát ngát mà nền văn hoá riêng rất đặc sắc, độc đáo và cuộc sống tự do cũng là tài sản vô giá của những con người ngàn đời kiêu hãnh là con của Cha Núi, con của Mẹ Rừng nhưng lại là những tộc người dân số ít ỏi, cuộc sống nghèo khổ, phụ thuộc và gắn bó mật thiết với thiên nhiên, là nhóm người yếu thế, thân cô, thế cô nhất, bị coi thường, bị mất mát, bị dồn nén, ức chế lớn nhất. 

Yếu thế, thân cô thế cô, người dân phải nhận từ mất mát, thua thiệt này đến mất mát, thua thiệt khác, đi từ dồn nén này đến dồn nén khác thành quẫn trí, liều thân, chấp nhận thí cả mạng sống, thí cả cuộc đời vào mất mát cuối cùng cho một hành động, một tiếng nói phản kháng. 

2.   Thời Pháp cai trị cả Đông Dương, dù là thực dân xâm lược, nhiều quan Pháp cai trị có nền tảng văn hoá nhân loại dày dặn, khi đến Tây Nguyên họ nhận ra ngay nét độc đáo của những bộ tộc dân cư Tây Nguyên làm cho xã hội loài người thêm phong phú, làm cho con người có thêm vẻ đẹp, thêm sức mạnh văn hoá. Họ phát hiện ra ngay nền văn hoá lâu đời vô cùng đặc sắc của các bộ tộc Tây Nguyên góp cho kho tàng văn hoá loài người thêm lung linh, rực rỡ. 

Những trí tuệ văn hoá và tâm hồn nhân văn phát hiện ra vẻ đẹp văn hoá dân gian Tây Nguyên cũng giống như bác sĩ Alexandre Yersin phát hiện ra khí hậu mát lành của Đà Lạt, của Tây Nguyên. Phát hiện của Yersin về khí hậu Đà Lạt được lọc qua lá cây, lọc qua sương mù, tinh khiết và mát lành dẫn đến quyết định của toàn quyền Đông Dương Paul Doumer xây dựng thành phố nghỉ dưỡng Đà Lạt. Phát hiện ra nét đặc sắc văn hoá dân gian Tây Nguyên, chính quyền thực dân Pháp đã có chính sách bảo tồn không gian văn hoá Tây Nguyên, hạn chế người Kinh ở miền xuôi đến khai phá đất rừng hoang hoá bạt ngàn và màu mỡ, tạo ra nguy cơ biến những cánh rừng nguyên sinh thành ruộng lúa, vườn cây, thành làng xóm người Kinh, biến những đồi cỏ thành đô thị náo nhiệt, tất dẫn đến nền văn hoá đầy bản sắc của những bộ tộc ít người ở Tây Nguyên bị nền văn hoá rực rỡ của số đông người Kinh đồng hoá.

Văn hoá không phải chỉ là tiếng cồng của con trai, điệu múa của con gái, tiếng hát khan của người già Tây Nguyên, văn hoá còn là tín ngưỡng, là đức tin. Tin ở Giàng, tin ở thần linh, đức tin tôn giáo là một giá trị sống của người dân Tây Nguyên, làm nên thế giới tâm hồn người dân Tây Nguyên. Trân trọng giữ gìn bản sắc văn hoá Tây Nguyên, đức tin tôn giáo của người dân Tây Nguyên cũng được tôn trọng. Thời Pháp thuộc, người dân được tự do tìm đến đức tin của mình và giáo phái Tin Lành phát triển rất mạnh ở Tây Nguyên. 

Chính sách hạn chế sự ngoại nhập vào không gian văn hoá Tây Nguyên đã giữ cho núi rừng Tây Nguyên màu xanh bạt ngàn, và thần rừng, thần núi vẫn lãng đãng đi về với ngôi nhà rông, với những nếp nhà sàn núp dưới tán rừng thâm nghiêm.

Chỉ đến năm 1937, quản đạo Đà Lạt là Trần Văn Lý thấy đất Đà Lạt dù màu mỡ nhưng chênh vênh dốc không thuận cấy lúa, song lại là đất tốt của hoa màu, cây trái, quản đạo Đà Lạt Trần Văn Lý đề nghị với tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu đưa những nông dân Hà Đông chuyên nghề trồng rau, trồng hoa cung cấp cho Hà Nội vào Đà Lạt. Từ hai mươi tám gia đình nông dân từ Hà Đông vào Đà Lạt năm 1937 đến nay đã là hàng ngàn gia đình trồng rau, trồng hoa, biến những đồi hoang bên đồi thông Đà Lạt thành đồi rau, đồi hoa.

Gần hai mươi năm sau, năm 1954, trong số hơn triệu người di cư từ Bắc vào Nam, chỉ có hơn năm mươi ngàn dân di cư được đưa lên đất rừng Tây Nguyên mênh mông. Lên Tây Nguyên, nhưng dân Bắc di cư chỉ bám theo truc đường giao thông từ Hố Nai lên Đà Lạt. 

Dân trồng rau, trồng hoa từ Hà Đông vào Đà Lạt, dân di cư rải dọc đường 20 đều không xâm nhập vào không gian sống và không gian văn hoá của các bộ tộc tạo nên linh hồn núi rừng Tây Nguyên, tạo nên văn hoá Tây Nguyên. Nhờ vậy những cánh rừng đại ngàn vẫn phủ kín đất Tây Nguyên. Hồn rừng, hồn văn hoá của người Tây Nguyên vẫn nguyên vẹn.

Nhưng từ sau năm 1975, những cán bộ công nông chỉ cần có bằng cao cấp lý luận chính trị của trường đảng Nguyễn Ái Quốc, chỉ cần kiên trì chủ nghĩa sắt máu Mác Lê nin, chỉ có ý chí áp đặt chuyên chính vô sản với cuộc sống, với người dân, là trở thành quan cai trị mảnh đất linh thiêng huyền thoại Tây Nguyên.

Quan người Kinh cai trị thì phải có bộ sậu cán bộ người Kinh có bằng lý luận trường đảng Nguyễn Ái Quốc, có khuôn mẫu thiết chế xã hội người Kinh ở đồng bằng áp đặt cho Tây Nguyên. Cả gia đình, cả họ hàng, cả làng xóm quan cai trị từ đồng bằng ven biển tràn lên Tây Nguyên, phá rừng lập làng, bạt núi lập phố trên đất buôn làng, nương rẫy Tây Nguyên.

Tầm nhìn hạn hẹp, chỉ thấy trước mắt, không thấy lâu dài, không có chiều sâu văn hoá, những chủ trương, những dự án phá rừng trồng cao su, cà phê hình thành trong phòng máy lạnh quan cai trị. 

Tư bản hoang dã làm giàu bằng đất đai, bằng tài nguyên thiên nhiên đi đêm với quan cai trị, khoanh vùng chiếm đất Tây Nguyên trên bản đồ. 

Những công ty cao su phá hàng trăm hecta rừng trồng cao su. Hàng trăm hecta rừng mất đi cho sân golf, cho resort, cho những khu đô thị mọc lên. Hàng ngàn hecta rừng chìm dưới lòng hồ thuỷ điện… Những cánh rừng thăm thẳm của thần linh, của huyền thoại, sử thi Tây Nguyên nhanh chóng biến mất.

Năm 1954, các dân tộc Tây Nguyên chiếm 85 phần trăm dân số – 510 ngàn dân trên tổng số 600 ngàn dân. Tỷ lệ và con số đó những năm sau là: Năm 1976 chỉ còn 69,7 phần trăm – 853 ngàn dân Tây Nguyên trên tổng số 1,225 triệu dân. Năm 2004 tỷ lệ dân tộc Tây nguyên chỉ còn chiếm 25,3 phần trăm – 1,181 triệu trên 4,668 triệu dân. [Tây Nguyên. Wikipedia tiếng Việt]

Người Kinh đã thực sự làm chủ dải đất Tây Nguyên. Quan người Kinh nắm quyền. Dân người Kinh chiếm đất. Bên những dãy nhà tầng san sát ở thị trấn người Kinh trên sườn đồi, bên những chòm xóm nhà ngói giếng nước của người Kinh dưới thung lũng là lẻ loi mái nhà sàn tranh tre xơ xác tuềnh toàng của người dân Tây Nguyên. Người chủ ngàn đời của rừng thiêng Tây Nguyên, của văn hoá Tây Nguyên nay thành người ăn nhờ ở đậu, thành kẻ thất thế, lưu vong ngay trên mảnh đất của tổ tiên. 

Rừng vừa là nguồn sống vật chất, là đọt măng rừng, là tổ ong mật. Vừa là nguồn sống tâm linh. Cha Núi cao, Mẹ Rừng rộng là sự che chở, bao bọc, là nơi sống gửi, thác về của người dân Tây Nguyên. Rừng Tây Nguyên không còn. Nguồn sống vật chất không còn. Không gian văn hoá Tây Nguyên không còn. Nguồn sống tinh thần không còn. Thần linh của rừng không còn. Đời sống tâm linh không còn. Đến đức tin tôn giáo cũng không còn!

Chiều 22.3.2023, giáo dân xã Đak Nông, huyện Ngọc Hồi, giáo xứ Kontum đang làm lễ Thánh hợp pháp như thường ngày thì nhóm người mặc đồ dân sự và sắc phục công an xộc vào nhà thờ, tự xưng là chính quyền, giải tán buổi lễ. Người nói tiếng Kinh, giọng miền Bắc xông lên bục linh mục đang làm lễ đòi linh mục dừng lễ đến công an làm việc, rồi cầm sách Kinh Thánh của linh mục, gấp lại, mang đi. Người ngắt cầu dao, cúp điện. Đức tin tôn giáo không còn là phần hồn của người Tây Nguyên cũng không còn!

Mỗi sắc tộc có mặt trong cuộc đời đều cần có không gian sinh tồn của sắc tộc. Có không gian sinh tồn, mới có sức mạnh trường tồn của sắc tộc, mới giữ được bản sắc riêng của sắc tộc và mới thực sự là mình. Không có không gian sinh tồn dù có những cá nhân của sắc tộc có mặt trong cuộc đời thì cá nhân đó đã bị văn hoá nơi sinh sống đồng hoá, còn sắc tộc đó đã bị hoà tan rồi. 

Những sắc tộc Tây Nguyên đang trong quá trình không còn không gian sinh tồn, đang bị hoà tan. Những người chủ ngàn đời của mảnh đất Tây Nguyên, ngàn đời tự do phóng khoáng với cây rừng thân thiết, với đất rừng bao dung phải đau đớn, tuyệt vọng nhận ra một thực tế từ sau 1975 họ dần dần mất hết. Mất nguồn sống hàng ngày. Mất giá trị văn hoá. Mất cả đức tin. Đó là cội rễ sâu xa của tiếng súng Cư Kuin, Đak Lak đêm 11.6.2023.

3.   Tiếng súng Cư Kuin, Đak Lak đêm 11.6.2023 giết chết chín mạng người trong cuộc sống thời yên hàn là thất bại đau đớn trong công cuộc cai trị dân của chính quyền, là thất bại nặng nề trong trọng trách bảo đảm trật tự trị an, an toàn xã hội của bộ máy công an khổng lồ, được trang bị tối đa, được chăm bẵm tuyệt đối. 

Một người nổ súng thì ý đồ và quá trình sự việc diễn ra âm thầm trong suy nghĩ, trong nội tâm, người ngoài khó phát hiện. Nhưng vài chục người cùng hành động là phải có quá trình dài, vận động, tập hợp, tổ chức, phân công, chuẩn bị, với nhiều hoạt động dù lén lút nhưng phải diễn ra trong không gian rộng, cả không gian thực trên mặt đất, cả không gian mạng trên trời và diễn ra trong thời gian dài. Hoạt động nổi cộm ráo riết như vậy mà lực lượng công an rải kín địa bàn, nắm địa bàn từng giây, từng phút không hay biết để ngăn chặn. Máu những sĩ quan công an đổ ra ngay trong phòng ngủ trụ sở công an là một thất bại, một trận thua trắng. Trong thất bại đó, bốn sĩ quan công an đương nhiệm bị giết hại có phần trách nhiệm không nhỏ. Vậy mà những sĩ quan không hoàn thành nhiệm vụ lại được thăng quân hàm như đã lập chiến công xuất sắc!

Lại ngậm ngùi thương nhớ ba sĩ quan công an chết trong sự kiện ba ngàn cảnh sát cơ động rầm rập bao vây tấn công người dân thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội đang trong giấc ngủ bình yên đêm 9.1.2020.

Người dân thôn Hoành khiếu kiện đất đai là tranh chấp dân sự rất bình thường và nhỏ nhặt. Tranh chấp dân sự phải  được giải quyết ở toà án, và những người quyết liệt khiếu kiện giữ mảnh đất tạo ra nguồn sống cho dân làng đều là người dân lương thiện, là đảng viên đang sinh hoạt đảng, chưa ai là tội phạm bị truy tố. Chưa ai phải bị cưỡng chế bằng bạo lực nhà nước. Nhưng ỷ sức mạnh bạo lực nhà nước, công an mở ngay chiến dịch lớn đánh vào dân thôn Hoành, phá cửa xông vào tận giường ngủ, xả súng giết dân như xông vào đồn địch, như giết kẻ thù của dân tộc Việt Nam, của lịch sử Việt Nam! 

Trang bị vũ khí hiện đại, chủ động đánh vào dân trong giấc ngủ mà ba sĩ quan công an hy sinh liền lập tức được truy tặng huân chương chiến công. Dân thôn Hoành đều là người dân lương thiện vì không ai là tội phạm bị truy tố. Đánh vào người dân lương thiện mà là chiến công là đã đẩy người dân lương thiện, cần cù lao động đóng thuế cho nhà nước trở thành kẻ thù của nhà nước!

Máu con người đều quý. Máu chiến sĩ công an, quân đội càng vô cùng cao quý. Nhân dân thầm lặng mà tinh tế, bao dung và công bằng. Nhân dân biết rõ và không quên từng sự hy sinh cho cuộc sống của nhân dân, đất nước. Những chiến sĩ công an, quân đội đổ máu hy sinh cho đời sống nhân dân, cho đời sống đất nước được nhân dân thương tiếc và biết ơn mới là sự phong tặng xứng đáng, cao quý và trường tồn.

P.Đ.T.

Nguồn: FB Phạm Đình Trọng

——

Đọc thêm: 

Người dân có quyền được biết chân tướng sự việc ở Tây Nguyên 

Nguyễn Trường Sơn

Đã 5 ngày kể từ khi sự việc hai đồn cảnh sát ở Đắk Lắk bị tấn công xảy ra khiến một số công chức và viên cảnh sát ở địa phương tử vong, đây là sự việc làm chấn động cả nước, bởi tính chất nghiêm trọng của nó xét về hành vi gây án, cộng với mức độ nhạy cảm chính trị và sắc tộc ở địa phương. 

Nhưng cho đến nay thông tin về sự việc vẫn rất nhỏ giọt, không phải vì không có gì để báo chí khai thác bởi rõ ràng với một vụ việc như thế này thì có vô vàn câu hỏi vẫn còn đang treo lơ lửng chờ được trả lời. Nhưng bởi vì chính sách “hạn chế đưa tin” mà nhà nước ban hành và yêu cầu các cơ quan báo chí phải tuân thủ. 

Hậu quả nhãn tiền là người dân bị đói thông tin bởi vì những gì mà nhà nước cung cấp cho báo chí quá là quá ít ỏi, trong khi báo giới lại không được phép tự mình khai thác. Nhưng hậu quả nghiêm trọng hơn nữa đó là nó tạo ra điều kiện xấu để nhà nước muốn nói gì thì nói, muốn tuyên truyền thế nào thì tuyên truyền, để rồi, toàn dân chỉ được nghe từ một phía và chỉ hiểu từ một góc độ. 

Theo cơ quan công an thì đã có gần 50 người bị bắt vì thuộc diện tình nghi, nhà nước cũng đã kết luận luôn ai là đầu sỏ, và động cơ gây ra án mạng nghiêm trọng trên là gì. “Vì tiền, và vì bị xúi giục” là điều mà chính quyền đem ra để giải thích cho hành động tấn công trụ sở nhà nước và giết chết nhiều người. Liệu có quá đơn giản hay không? 

Một người bình thường thì không ai lại tự dưng cầm súng lao vào uỷ ban rồi bắn chết cán bộ chỉ vì có ai đó hứa cho tiền. Đây là điều hoang đường. Đằng này, đây lại là một cuộc tấn công, mà theo mô tả của cơ quan chức năng, là có tính tổ chức cao. Tức là người ta phải lên kế hoạch, phải phân vai, phải bố trí nguồn lực. Mà muốn thực hiện thì phải có động cơ cực kỳ lớn vì hậu quả là rất khôn lường, đã làm là xác định tù tội, thậm chí nhận án tử. Không ai tự dưng lại lên kế hoạch tấn công trụ sở công an chỉ vì tiền cả, bởi vì ai cũng trân quý tự do và mạng sống của mình. Phải có động cơ gì ghê gớm lắm thì người ta mới bất chấp những thứ đó chứ không thể đơn thuần bị “xúi giục”. 

Việc tìm ra chân tướng sự việc phải được thực hiện thông qua quá trình xét xử bởi toà án một cách công khai và công bằng, với sự tiếp cận và đưa tin đầy đủ của báo chí và các cơ quan truyền thông, để những người bị buộc tội có điều kiện nói ra câu chuyện từ phía họ. Và cũng là dịp để cơ quan công tố trưng bày bằng chứng cho bàn dân thiên hạ được thấy. Cứ thế, cả hai bên đều có cơ hội được trình bày rõ ràng. Và người dân như vậy mới có thể hiểu sự việc một cách cặn kẽ. 

Đằng này, giai đoạn điều tra mới chỉ bắt đầu, mà Nhà nước đã ngay lập tức đưa ra kết luận về cả động cơ lẫn thủ phạm gây án. Đã thế lại không cho báo chí đưa tin một cách tự do và công khai. Như vậy, có phải là gây ra nghi ngại về tính minh bạch và trong sáng của luồng thông tin mà nhà nước đưa ra hay không? 

Vì sao việc hiểu ngọn ngành sự việc lại quan trọng? 

Bởi vì trong sự việc này, bắt và xét xử thủ phạm đúng là rất quan trọng. Luật pháp phải được duy trì, kẻ phạm pháp phải bị trừng phạt, và gia đình nạn nhân phải nhận được công lý. Nhưng quan trọng hơn nữa là hiểu rõ nguồn cơn để rồi tìm giải pháp để tránh những sự việc tương tự xảy ra trong tương lai. Nếu chúng ta chỉ chăm chăm tìm ra kẻ gây án và nhanh chóng giáng xuống đầu họ những bản án nặng nề để trừng trị thích đáng. Rồi sau đó ai về nhà nấy, sự việc khép lại, thì không được. Như vậy thì mới chỉ giải quyết vấn đề ở phần ngọn, chứ không truy ra vấn đề tận gốc rễ. 

Tôi tin rằng không ai lại muốn có một vụ việc đau lòng như vậy xảy ra thêm lần nữa cả. Mà muốn ngăn chặn thì không còn cách nào khác là phải hiểu được ngọn ngành sự vụ để nhà nước biết cách mà giải quyết vấn đề một cách hệ thống. Người dân cũng cần biết cặn kẽ để mà ứng xử cho phù hợp. 

Chúng ta muốn công lý, muốn đòi công bằng cho gia đình nạn nhân là điều rất tốt. Nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu trong tương lai sẽ không còn gia đình nào phải mất đi người thân ở những sự việc tương tự. Ngoài ra, chúng ta càng không muốn có oan sai ở những vụ việc như thế này. Nếu chẳng may một người, chỉ một người trong số gần 50 người bị oan, thế là sẽ sinh ra một gia đình bị nhấn chìm trong oan khuất và thù hận. Chúng ta không thể viện lý do đòi công lý để rồi đẻ ra bất công được. 

Để đảm bảo điều đó không xảy ra thì không còn cách nào khác là phải công khai và minh bạch quá trình điều tra và xét xử. Chứ không thể tiếp tục cách làm như hiện tại. Khi mà bưng bít thông tin và vội vã kết luận đã làm hoen úa đi tính công minh của cả vụ việc.

N.T.S.

Nguồn: FB Nguyễn Trường Sơn

 

 

 

 

This entry was posted in Tây Nguyên. Bookmark the permalink.