Thanh tra EVN: Câu chuyện về thế độc quyền ngành điện

BBC

10 tháng 6 2023

Vấn đề thiếu điện tại Việt Nam đang ngày càng trở nên nhức nhối. Từ đầu tháng Sáu, thủ đô Hà Nội và các địa phương miền Bắc thường xuyên bị cắt điện kéo dài và phần nhiều là không báo trước, gây ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Ngày 6/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thanh tra về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo đó, đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Công thương bắt đầu thanh tra EVN và các đơn vị liên quan về quản lý và cung ứng điện từ hôm nay 10/6.

Động thái này diễn ra sau khi câu chuyện thiếu điện đã “nóng” lên tới tận Nghị trường Quốc hội, khi các đại biểu Quốc hội yêu cầu làm rõ các bất cập của EVN hiện nay. Các mối quan tâm chính được nêu bao gồm tại sao EVN báo lỗ triền miên, mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng, liệu đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý không?

Đáng chú ý, truyền thông Việt Nam dẫn lời đại biểu Lê Thanh Vân từ đoàn Cà Mau đặt ra các câu hỏi: “Vì sao tập đoàn mẹ là EVN thì báo lỗ, nhưng các đơn vị thành viên lại có lãi?” hay “Cơ chế độc quyền có dẫn đến nguy cơ lộng hành giá cả, thao túng thị trường điện không?”…

     Việt Nam: Dân chật vật, doanh nghiệp ngưng sản xuất vì mất điện trong nắng nóng

     Giá điện VN tăng 3%: Chuyên gia nhận định không giải quyết được vấn đề

     Việt Nam và con đường đến đích ‘Phát thải Zero’

Việc thanh tra về hoạt động của EVN được nhiều người đồng tình, ủng hộ, nhưng cũng có không ít lo lắng về sự minh bạch khi Bộ Công thương thanh tra chính đơn vị mà mình quản lý.

Trong một video của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, phát biểu rằng chỉ đạo thanh tra EVN rất kịp thời, nhưng theo ông, nên để Thanh tra Chính phủ thậm chí là thanh tra liên ngành kiểm tra nhằm tránh tình trạng “chuyện nhà, đóng cửa bảo nhau”.

“Việc giám sát chưa tốt”

Việt Nam hiện nay có nhiều công ty sản xuất điện nhưng chỉ có một đầu mối là EVN, thực hiện mạng lưới truyền tải thông suốt từ Nam ra Bắc thông qua đường dây truyền tải 500 kV.

Trao đổi với BBC hôm 9/6, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002 nhận định với mô hình độc quyền của EVN thì “đúng là cần phải có sự giám sát của cơ quan giám sát độc quyền của Việt Nam”.

“Nhưng cho đến nay thì các đại biểu Quốc hội không có được đầy đủ thông tin cần thiết về tình trạng của EVN như thế nào”, ông nói.

Mặc dù cho rằng việc độc quyền truyền tải điện cũng có phần hợp lý để đảm bảo sự thống nhất, nhưng chuyên gia kinh tế này đánh giá việc giám sát sự độc quyền đó hiện nay làm chưa tốt nên mới dẫn đến các phê phán và những khó khăn hiện nay.

Trên thực tế EVN là một tập đoàn mà trong đó các doanh nghiệp thành viên sản xuất điện hiện nay đã độc lập, đều báo cáo hoạt động tốt và có lãi.

Chỉ có EVN là đơn vị thực hiện việc truyền tải điện trên cả nước thì đang báo cáo lỗ vì giá than và các nguyên liệu đầu vào của ngành điện đều tăng lên, trong khi đó thì giá điện của Việt Nam do nhà nước quy định và mới đây thì mới được điều chỉnh tăng 3% theo đề nghị của EVN.

Theo tiến sĩ Doanh, kết luận cuối cùng về khoản lỗ của EVN còn phải chờ kết quả từ thanh tra chính phủ, nhưng “rõ ràng là EVN đã ít chuẩn bị cho các tình huống xấu như giá nhiên liệu tăng, nhiều hồ thuỷ điện đến nay đã cạn dưới mức tối thiểu do biến đổi khí hậu”.

Một hồ thuỷ điện lớn nhất của miền Bắc là thuỷ điện Hoà Bình hiện nay chỉ còn sản xuất điện được trong vài ngày tới đây. Và có lẽ là sau ngày 13/6 thì thuỷ điện hoà bình có lẽ sẽ phải hạn chế sản xuất điện.

“Đó là một điều rất đáng tiếc ở Việt Nam”, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói.

Chụp lại hình ảnh: Khu vực trung tâm TP Hà Nội đã tiết giảm tối đa việc chiếu sáng công cộng để tiết kiệm điện

 

“Ảnh hưởng đến kinh tế”

Tình trạng thiếu điện hiện nay chủ yếu diễn ra gay gắt ở miền Bắc, nơi chủ yếu sản xuất điện bằng thuỷ điện và nhiệt điện than.

Hàng loạt nhà máy trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh… phải tạm ngưng hoạt động sản xuất vì không có điện.

Truyền thông điạ phương cũng nêu lên hiện tượng khách du lịch nước ngoài đến vịnh Hạ Long không hài lòng khi lưu trú ở những khách sạn thị bị cắt điện trong thời tiết nắng nóng.

“Với tình hình thiếu điện như thế này thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng là một thách thức, và mục tiêu tăng trưởng 6,5% GDP năm nay có đạt được hay không cũng còn là một câu hỏi lớn”, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói với BBC.

Theo ông, vấn đề đề cấp bách hiện nay là phải giải quyết việc cung cấp điện cho miền Bắc để sản xuất và du lịch được hoạt động bình thường.

“Tôi nghĩ phải làm sao tránh được những điều đó để sản xuất và dịch vụ hoạt động bình thường. Trên cơ sở đó tạo thu nhập cho người dân và đóng thuế cho nhà nước”, ông Doanh kết luận.

Nguồn: BBC Tiếng Việt 

 

This entry was posted in Điện Việt Nam. Bookmark the permalink.