Alex – Thai
Tiến sĩ Alex – Thai Vo sinh trưởng tại Quảng Ngãi, là sử gia nghiên cứu về Việt Nam tại Mỹ. Thái kể, đầu năm nay, khi đang làm cho một tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, Thái nhận được công việc tại Viện Vietnam và Lưu trữ thuộc Đại học Texas Tech, sau nhiều vòng tuyển chọn. Thái hỏi ý kiến ba, người vốn là quan chức VNCH, xem mình có nên nhận việc này không, khi mà lương giáo sư thấp hơn lương công chức Bộ Quốc phòng khá nhiều. Ba Thái trả lời: "Con nói rằng một phần của công việc mới là giúp chính quyền Vietnam tìm hài cốt của lính Bắc Việt, ba cho rằng điều đó giá trị hơn tiền". Thái không còn gì phải đắn đo. Hiện anh là giáo sư nghiên cứu tại Texas Tech, chuyên về Vietnam, đặc biệt là Cải cách ruộng đất ở miền Bắc. Thái nói sắp tới mốc 70 năm ngày chính quyền Hanoi bắt đầu phát động quần chúng.
"Bới" lại quá khứ không phải vì hận thù mà là công việc của nhà sử, xem nó đã thực sự diễn ra thế nào, vì sao nó diễn ra, hệ quả là gì.
Từ lâu chúng ta vẫn biết các cố vấn Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong CCRĐ, nhưng có thể chưa rõ đường đi nước bước của họ thế nào. Bài viết sau đây của Alex – Thai cho chúng ta biết điều đó.
10-10-2022 |
Được mô phỏng theo kinh nghiệm của Trung Quốc, Cải cách ruộng đất do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện giai đoạn 1953-56 có lẽ là chính sách đối nội quan trọng nhất của cách mạng Cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên, vì sự khan hiếm của các nguồn tài liệu chính, có rất ít thông tin về ảnh hưởng của các cố vấn Trung Quốc đối với chính sách này.
Khuyến nghị của La Quý Ba về việc phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất là một trong số rất ít tài liệu được biết đến do một cố vấn hàng đầu của Trung Quốc soạn thảo cho giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam. Việc cung cấp tài liệu này giúp bạn đọc có một cái nhìn rõ hơn về quan điểm và sự đánh giá của Trung Quốc về tình hình Việt Nam vào đầu những năm 1950. Nó cũng làm sáng tỏ khía cạnh về vai trò và ảnh hưởng của các cố vấn Trung Quốc trong quan hệ Trung – Việt vào thập kỷ đó, cũng như đối với những quyết định của Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt trong chương trình cải cách ruộng đất, vốn đã gây nhiều tranh cãi hơn nửa thế kỷ qua.
Vào ngày 9 tháng 10 năm 1952, một tài liệu dài bảy trang, viết bằng tiếng Việt với tựa “Ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng năm 1953” đã được chuyển đến Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH).
Trực tiếp và có kế hoạch, bản khuyến nghị đã vạch ra các bước vận động quần chúng. Có thể lập luận bản khuyến nghị này là khuôn mẫu cho cuộc vận động quần chúng và cải cách ruộng đất do Đảng Lao động Việt Nam (ĐLĐ Việt Nam) thực hiện từ năm 1953 đến năm 1956. Cuộc vận động đã thúc đẩy sự ủng hộ của nông dân với chính quyền, điều vô cùng cần thiết cho việc đánh bại quân Pháp tại Điện Biên Phủ vào ngày 7 tháng 5 năm 1954 và tạo điều kiện cho Đảng Lao động củng cố quyền lực của mình ở miền Bắc.
Cuộc vận động quần chúng cũng là một chiến dịch bạo lực mang lại sự thay đổi “long trời lở đất” mà hầu hết người Việt Nam ở nông thôn miền Bắc đã trải qua trong những năm 1950.
Bản khuyến nghị gởi đến Hồ Chí Minh tầm đầu tháng 10, được ký vào ngày 3 tháng 9 năm 1952 bởi “Quý” – viết tắt của La Quý Ba, Trưởng đoàn Cố vấn Chính trị Trung Quốc tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1951 đến năm 1954, và là đại sứ đầu tiên của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc (CHNDTQ) từ năm 1954 đến năm 1957.
Số lượng nghiên cứu lịch sử về các cuộc chiến ở Việt Nam trong thế kỷ XX rất lớn và đang phát triển, nhưng rất ít bài viết về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946-54) và Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai (1959-75). Một số ít nghiên cứu được xuất bản có xu hướng nhấn mạnh mối quan hệ giữa và quá trình ra quyết định, chính sách của các nhà lãnh đạo tầm quốc gia, những chủ đề như tình đồng chí giữa Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh hay ảnh hưởng ngoại giao của Chu Ân Lai đối với việc đàm phán Hiệp định Geneva 1954. Một số tài liệu thảo luận về sự hiện diện của các cố vấn Trung Quốc ở Việt Nam, và đặc biệt là ảnh hưởng của họ trong trận Điện Biên Phủ và chiến dịch cải cách ruộng đất của VNDCCH.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong số này thường chỉ phân nhóm các nhân sự Trung Quốc được cử sang Việt Nam một cách mơ hồ với cụm từ “cố vấn Trung Quốc”, nhưng rất ít nỗ lực để giải thích những cố vấn này là ai, họ đóng vai trò cụ thể nào trong việc ảnh hưởng giới lãnh đạo của ĐLĐ Việt Nam và VNDCCH.
Nhấn mạnh bản ý kiến của La Quý Ba gởi cho giới lãnh đạo Đảng Lao Động Việt Nam và đặc biệt là Hồ Chí Minh, tôi lập luận về sự cần thiết nên phổ biến và nghiên cứu bản tài liệu lịch sử quan trọng này. Lý do vì nó làm sáng tỏ vai trò và ảnh hưởng của các cố vấn Trung Quốc trong quan hệ Việt – Trung trong những năm 1950, đặc biệt là về chiến dịch cải cách ruộng đất gây tranh cãi của VNDCCH.
Tài liệu này quan trọng vì một số lý do:
– Thứ nhất, nó bối cảnh hóa mối quan hệ giữa Cộng sản Trung Quốc và VNDCCH trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, đặc biệt khi mối quan hệ đó liên quan đến việc tiếp thu kinh nghiệm và thực hành mô hình của Trung Quốc vào Việt Nam thông qua các cố vấn Trung Quốc và các khuyến nghị của họ.
– Thứ hai, nó mô tả vai trò quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp của các cố vấn Trung Quốc trong việc hình thành và thực hiện chính sách Cải cách ruộng đất ở Việt Nam từ 1953 đến 1956.
Sự hiện diện của La Quý Ba và các cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam
La Quý Ba đã chuẩn bị bản “Ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng năm 1953” vào thời điểm Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam đang cần nhất sự viện trợ của CHND Trung Quốc dưới hình thức vũ khí, vật chất cũng như những cố vấn chính trị và quân sự. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cần củng cố quyền lực và giành được sự ủng hộ của số đông quần chúng để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ba năm trước, vào năm 1949, Đảng Lao động dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh đã sa lầy vào cuộc chiến tranh du kích kéo dài với người Pháp. Liên Xô, ngọn hải đăng của chủ nghĩa cộng sản quốc tế đã quan tâm đến châu Âu hơn là với những diễn biến cách mạng ở Đông Nam Á. Cùng lúc, Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thì lại bận rộn với cuộc nội chiến dữ dội chống lại Chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch. Mãi đến khi Mao Trạch Đông chiến thắng và tuyên bố thành lập nước CHND Trung Quốc vào ngày 1 tháng 10 năm 1949, hy vọng cách mạng của Hồ Chí Minh và ĐLĐ Việt Nam mới được hồi sinh.
Tháng 12 năm 1949, Hồ Chí Minh cử hai đại diện là Lý Bích Sơn và Nguyễn Đức Thủy sang Bắc Kinh để đề nghị Trung Quốc hỗ trợ và công nhận ngoại giao đối với chính phủ của ông.
Khi nhận được yêu cầu của Hồ Chí Minh, Quyền chủ tịch của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ Lưu Thiếu Kỳ đã triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị ĐCSTQ vào ngày 24 tháng 12 nhằm xem xét tình hình Đông Dương. Bốn ngày sau, Lưu Thiếu Kỳ thay mặt cho Ủy ban Trung ương ĐCSTQ gọi điện cho Hồ Chí Minh để nêu rõ rằng CHND Trung Quốc sẽ đồng ý thành lập quan hệ ngoại giao với VNDCCH và rằng Chính phủ CHND Trung Quốc sẽ cử một nhóm đại diện sang Việt Nam nhằm đánh giá các nhu cầu của VNDCCH. Đến đầu năm 1950, Trung Quốc đã mở cửa liên lạc với Việt Nam.
Lưu Thiếu Kỳ, được sự ủy quyền của Mao Trạch Đông khi ông ấy đang trên đường thăm Matxcơva, đã chọn La Quý Ba làm lãnh đạo đại diện liên lạc của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. La Quý Ba được chọn bởi kinh nghiệm cách mạng và lãnh đạo du kích của mình. Ngày 16 tháng 1 năm 1950, La Quý Ba chính thức lên đường sang Việt Nam.
Sinh ngày 14 tháng 7 năm 1908 tại huyện Nam Khang – tỉnh Giang Tây, La Quý Ba trở thành đảng viên của ĐCSTQ vào tháng 1 năm 1927. Từ năm 1927 đến năm 1934, ông là một chỉ huy quân sự và là một trong những thành viên sáng lập của Căn cứ Cách mạng Xô-viết Nam Giang Tây. Từ tháng 11 năm 1930 đến tháng 5 năm 1931, ông tham gia vào cuộc phản công của Hồng quân Công nhân và Nông dân Trung Quốc chống lại chiến dịch bao vây lần thứ nhất và thứ hai của Chính phủ Quốc dân đảng ở Giang Tây. Sau sự sụp đổ của căn cứ Nam Giang Tây, La Quý Ba tham gia cuộc vạn lý trường chinh dài một năm đến Diên An từ tháng 10 năm 1934 đến tháng 10 năm 1935, và ông nằm trong số tám nghìn người ước tính còn sống sót sau cuộc rút lui lịch sử này. Trong chiến dịch quân sự ngày 20 tháng 8 đến ngày 5 tháng 12 năm 1940 chống lại lực lượng Nhật Bản ở miền Trung Trung Quốc, được gọi là "Đại chiến Bách Đoàn", La Quý Ba giữ chức Tư lệnh Mặt trận quân Nam của Khu vực biên giới Sơn Tây – Tuy Viễn. Trước khi được bổ nhiệm làm đại diện liên lạc của Trung Quốc tại Việt Nam, La Quý Ba từng là Tổng đốc của Tổng văn phòng Ủy ban Quân sự Trung ương của CHND Trung Quốc.
Với tư cách là đại diện liên lạc của CHND Trung Quốc với VNDCCH, nhiệm vụ của La Quý Ba bao gồm thiết lập liên lạc với lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, điều tra tình hình chung ở Việt Nam và báo cáo những phát hiện của ông cho Bắc Kinh để các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đưa ra quyết định hỗ trợ VNDCCH.
Trước chuyến đi, La Quý Ba đã gặp gỡ các đại biểu Việt Nam tại Bắc Kinh để làm quen với các phong tục và tập quán Việt Nam. Tháp tùng La Quý Ba trong chuyến đi Việt Nam có 8 nhân viên, bao gồm nhân viên điện báo, thư ký và bảo vệ.
La Quý Ba cùng cộng sự đến Việt Nam vào ngày 26 tháng 2 năm 1950. Đến nơi, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư ĐLĐ Việt Nam Trường Chinh đón tiếp. Chuyến đi tưởng chỉ chừng ba tháng của La Quý Ba đã kéo dài thành bảy năm.
Trong những năm đầu ở Việt Nam, La Quý Ba đã giúp thành lập Nhóm cố vấn quân sự Trung Quốc và Nhóm cố vấn chính trị Trung Quốc. Với tư cách là người đứng đầu Nhóm cố vấn chính trị Trung Quốc, La Quý Ba lãnh đạo hơn một trăm cố vấn có chuyên môn về tài chính, ngân hàng và cung cấp ngũ cốc để tư vấn cho VNDCCH về các vấn đề quân sự, tài chính và kinh tế, an ninh công cộng, văn hóa và giáo dục, và các vấn đề như hoạt động của mặt trận thống nhất, hợp nhất đảng và pháp luật cải cách. Công việc của họ bao gồm giới thiệu kinh nghiệm của Trung Quốc cho Việt Nam; phát triển các chiến lược cấp vĩ mô và các thủ tục hoạch định chính sách; đưa ra khuyến nghị về các vấn đề liên quan đến các quy tắc, quy định và chỉ thị; và giúp giới lãnh đạo Việt Nam thực hiện các chương trình. Đến năm 1952, những cố vấn này đã trở thành công cụ giúp Hồ Chí Minh và chính phủ của ông thành lập các bộ máy pháp lý và các chính sách để củng cố quyền lực quân sự và chính trị xã hội.
Xem kế hoạch của La Quý Ba về huy động quần chúng và thực hiện giai đoạn thử nghiệm của cải cách ruộng đất năm 1953 sẽ cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc đối với VNDCCH tại thời điểm này.
Sau khi ký vào ngày 3 tháng 9 năm 1952, La Quý Ba đã gởi bản ý kiến sơ bộ của mình cho “Thận” – tức Lê Văn Thận, một tên khác của Trường Chinh, người sau này làm Trưởng ban chỉ đạo Ủy ban chỉ đạo Cải cách ruộng đất. Không rõ bản ký kiến này được chuyển cho Trường Chinh trong hoàn cảnh nào, nhưng rất có thể nó đã được chuyển đến tay Tổng bí thư Đảng Lao động trước hoặc trong dịp La Quý Ba được mời tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Lao động vào đầu-giữa tháng 9 năm 1952.
Ngày 9 tháng 10 năm 1952, Trường Chinh ra lệnh cho nhân viên văn phòng của mình chuyển bản ý kiến của La Quý Ba cho Hồ Chí Minh, ngay lúc ông Hồ đang trên một chuyến thăm bí mật đến Bắc Kinh và Matxcơva. Hồ Chí Minh đã rời Việt Nam vào giữa tháng 9 và đến Bắc Kinh vào ngày 29 tháng 9. Thời gian ở lại Bắc Kinh của ông chủ yếu là để thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về Chiến dịch Tây Bắc và các kế hoạch chiến lược khác, bao gồm cả Cải cách ruộng đất. Hồ Chí Minh và ĐLĐ Việt Nam có thể đã sắp xếp chuyến đi để kịp thời cho ông tham gia đi cùng trong phái đoàn của CHND Trung Quốc sang tham dự Đại hội lần thứ mười chín của Đảng Cộng sản Liên Xô.
Do đó, bản ý kiến của La Quý Ba có thể đã đến tay Hồ Chí Minh khi ông đang ở Matxcơva tham dự đại hội (từ ngày 5 đến ngày 14 tháng 10 năm 1952) và gặp trực tiếp Joseph Stalin – lãnh tụ tối cao của Liên bang Xô Viết, để thông báo cho ông ấy về tình hình Việt Nam, bao gồm mục tiêu cách mạng ở Việt Nam và vấn đề Cải cách ruộng đất.
Sau cuộc gặp với Stalin vào ngày 28 tháng 10, Hồ Chí Minh đã gửi hai bức thư cho Stalin vào ngày 30 và 31 tháng 10, để thông báo về tiến độ của chương trình Cải cách ruộng đất của Việt Nam và kêu gọi sự trợ giúp của ông ta. Trong bức thư đầu tiên, Hồ Chí Minh nói rằng ông đã bắt đầu phát triển chương trình Cải cách ruộng đất ở Việt Nam và ông sẽ trình bày nó với Stalin. Trong bức thư thứ hai, Hồ Chí Minh vạch ra chương trình Cải cách ruộng đất của ĐLĐ Việt Nam và yêu cầu Stalin xem xét và cho chỉ thị. Hồ Chí Minh cho biết ông đã lên kế hoạch cho chương trình với sự giúp đỡ của Lưu Thiếu Kỳ và Vương Giá Tường, Đại sứ CHND Trung Quốc tại Liên Xô từ năm 1949 đến 1951. Trong các cuộc trao đổi này, Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Stalin cử các quan chức Liên Xô sang Việt Nam để khảo sát điều kiện và yêu cầu bổ sung 10 tấn thuốc trị sốt rét, vũ khí và cho phép Việt Nam gửi từ 50 đến một trăm sinh viên Việt Nam sang Liên Xô để huấn luyện quân sự và tư tưởng.
Ngày 29 tháng 11, trong thư từ biệt Stalin, Hồ Chí Minh viết rằng ông sẽ làm việc siêng năng để thực hiện Cải cách ruộng đất và tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh chống Pháp. Ông bày tỏ hy vọng sẽ trở lại Matxcơva sau hai hoặc ba năm để báo cáo về kết quả của những nỗ lực đó.
Khuyến nghị sơ bộ
La Quý Ba trình bày đề xuất của mình vào thời điểm Đảng Lao Động Việt Nam đã thu hút được sự ủng hộ của cả Liên Xô và CHND Trung Quốc, những quốc gia cộng sản hùng mạnh nhất thế giới. Sự hỗ trợ này làm giảm bớt nhu cầu của ĐLĐ Việt Nam phải dựa vào giới địa chủ và nông dân khá giả để có nguồn lực chống lại Pháp. Nó đã tạo cho ĐLĐ Việt Nam sự ủng hộ để thực hiện cải cách ruộng đất như một chiến lược xã hội, kinh tế và chính trị hầu củng cố quyền lực địa lý và chính trị ở nông thôn. Đề xuất này cũng được đưa ra hai năm sau khi CHND Trung Quốc bắt đầu thực hiện chương trình cải cách ruộng đất của riêng họ vào mùa hè năm 1950. Do đó, CHND Trung Quốc và các cố vấn được cử sang Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm liên quan. Chưa kể trước đấy, La Quý Ba cũng đã có được kinh nghiệm của riêng mình khi thực hiện cải cách ruộng đất ở Giang Tây và Diên An trong những năm 1930. Kinh nghiệm này cho La Quý Ba đủ điều kiện để đề xuất với giới lãnh đạo Việt Nam đường lối vận động quần chúng và tiến hành Cải cách ruộng đất.
Được chia thành sáu phần, bản khuyến nghị của La Quý Ba nêu ra mục đích, yêu cầu và các bước cần thiết để lãnh đạo phong trào vận động quần chúng, tổ chức lại hệ thống làng-xã và giành ưu thế chính trị ở nông thôn.
Mục tiêu cơ bản được đề ra là kích động quần chúng tấn công lật đổ tầng lớp địa chủ, giành quyền kiểm soát chính trị ở nông thôn, xoa dịu nông dân, tăng gia sản xuất nông nghiệp và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp.
Mục tiêu rộng hơn của đề xuất này là phác thảo các bước cần thiết nhằm tích lũy tài nguyên và sự ủng hộ của số đông để ĐLĐ Việt Nam củng cố vị trí của mình. Nó được viết ra (đặc biệt là các nguyên tắc cơ bản được đặt ra trong phân đoạn thứ tư) dựa trên quan điểm của cố vấn Trung Quốc nhằm thúc giục lãnh đạo Việt Nam áp dụng “lập trường vững” và “thái độ rõ rệt” để vượt qua nỗi sợ hãi rằng việc huy động quần chúng sẽ làm cho mặt trận thống nhất bị hoang mang và chia rẽ, dẫn đến những phản ứng không lành từ giai cấp địa chủ.
Sự khuyến khích này từ La Quý Ba dường như đã đóng một vai trò trong việc khởi xướng động thái của ĐLĐ Việt Nam từ mục tiêu “kéo địa chủ về phe kháng chiến” sang nhấn mạnh vào việc “trung lập một số địa chủ, đánh đuổi đế quốc và đại địa chủ phong kiến phản động”. Nó cũng thể hiện sự trấn an của cố vấn Trung Quốc đối với ban lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam rằng việc đổi mặt đối các tầng lớp giàu có và đặc quyền đã từng ủng hộ chính quyền VNDCCH và cuộc kháng chiến trước đây sẽ không gây ra rủi ro quá đáng, vì CHND Trung Quốc (cũng như Liên Xô) sẽ thay thế các nhóm này làm hậu thuẫn về mặt quân sự và tài chính chính cho cuộc cách mạng của ĐLĐ Việt Nam.
So sánh nội dung đề xuất của La Quý Ba với các chính sách vận động quần chúng ở nông thôn của ĐLĐ Việt Nam trước và sau đó cho thấy rõ ảnh hưởng đáng kể của cố vấn Trung Quốc đối với việc phát triển cấu trúc phương pháp luận cho chiến dịch vận động quần chúng của ĐLĐ Việt Nam – từ ý tưởng đến thực hành.
Nội dung và ngôn ngữ của năm phần đầu tiên trong bản đề xuất của La Quý Ba đã trở thành khuôn mẫu để lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam phát huy rõ định hướng chính sách cũng như lý luận của mình, chủ yếu trong các chỉ thị, nghị định, thông tư, báo cáo, thông báo, cũng như những tập huấn luyện được lưu hành nội bộ. Ảnh hưởng này được thể hiện rõ nhất trong Chỉ thị 37/CT/TW do Tổng Bí thư Trường Chinh ban hành ngày 24 tháng 4 năm 1953, đêm trước đợt thi hành chiến dịch thí nghiệm phát động quần chúng, vì nó đã dùng giọng điệu và nội dung của La Quý Ba để xây dựng khuôn mẫu phát động quần chúng.
Hơn nữa, phần thứ sáu của đề xuất cho thấy ảnh hưởng trực tiếp của La Quý Ba đối với sự chuẩn bị của ĐLĐ Việt Nam cho việc bắt đầu chiến dịch cải cách ruộng đất.
Để chuẩn bị cho một chiến dịch thử nghiệm mà các chiến dịch trong tương lai có thể sử dụng làm hình mẫu, La Quý Ba khuyến nghị nên cẩn thận đặt nền tảng cho việc huy động quần chúng để “thu được kết quả mong muốn, không xảy ra hoặc ít xảy ra lệch lạc”. Công việc này bao gồm khảo sát vùng nông thôn, tuyên truyền các chính sách của ĐLĐ Việt Nam, đào tạo cán bộ và lựa chọn các khu vực để thực hiện Cải cách ruộng đất. Cụ thể hơn, ông ta đã khuyên ĐLĐ Việt Nam phân công và đào tạo hai trăm cán bộ để thực hiện chiến dịch này tại hai mươi xã trong Liên khu I – hay Việt Bắc – và Liên khu IV, hai khu vực này từ lâu đã là thành trì của ĐLĐ Việt Nam.
Đã xin được sự chấp thuận và hậu thuẫn của Stalin và Mao, sau khi trở về từ Bắc Kinh và Mátxcơva, Hồ Chí Minh đã làm việc cùng với các thành viên còn lại của ban lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam để bắt đầu thực hiện đề xuất của La Quý Ba về vận động quần chúng. Họ đã thực hiện các bước để thay đổi lập trường trước đây của họ về cải cách ruộng đất.
Họ bắt đầu bằng cách yêu cầu một cuộc điều tra sâu hơn về các điều kiện ở nông thôn. Từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 1 năm 1953, họ đã triệu tập Hội nghị Trung uơng lần thứ tư của đảng để bắt đầu đưa ra các mục tiêu và đặt nền móng cho một chiến dịch cải cách ruộng đất rộng lớn. Nền tảng này bao gồm việc xây dựng nhiều khía cạnh trong đề xuất của La Quý Ba và đưa chúng vào chính sách của họ.
Tại Hội nghị Trung ương, Hồ Chí Minh đọc báo cáo nêu rõ hai nhiệm vụ chính cần chú trọng trong năm 1953 để giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Những nhiệm vụ này bao gồm: lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp và đưa ra các chính sách quân sự liên quan, vận động quần chúng giảm địa tô hơn nữa và thực hiện cải cách ruộng đất. Về chính sách ruộng đất, Hồ Chí Minh cho rằng, vì “hoàn cảnh đặc biệt”, chỉ thực hiện giảm địa tô và giảm lãi suất trong những năm trước năm 1953. Tuy nhiên, do hoàn cảnh đã thay đổi nên hiện nay cần thiết cho cuộc cách mạng mở rộng chính sách ruộng đất và “nâng cao quyền lợi kinh tế và chính trị của nông dân” bằng cách thực thi cải cách ruộng đất một cách triệt để hơn. Những cải cách này sẽ bao gồm việc phân phối lại ruộng đất cho nông dân. Khi mục đích này thành công, ĐLĐ Việt Nam sẽ có thể huy động đầy đủ nhân lực cần thiết từ giai cấp nông dân để tiến hành cuộc chiến kéo dài và giành thắng lợi tuyệt đối.
Để hiểu rõ quyết định đẩy mạnh Cải cách ruộng đất triệt để hơn vào thời điểm này, cần phải chấp nhận một thực tế rằng Cải cách ruộng đất đã là một mục tiêu cách mạng hàng đầu của Đảng Cộng sản kể từ khi thành lập năm 1930. Tuy nhiên, trong những năm đầu tiên của cuộc chiến Đông Dương với Pháp, các chính sách của ĐLĐ Việt Nam đối với lĩnh vực nông nghiệp chỉ giới hạn trong việc giảm tô và thuế. Lý do vì giới lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam sợ rằng cải cách nông nghiệp triệt để hơn sẽ làm suy yếu sự thống nhất của mặt trận thống nhất chống Pháp bằng cách tạo sự chia rẽ với giai cấp địa chủ cũng như phú nông. Trong bối cảnh này, điều quan trọng cần lưu ý là các chủ đất và những người có tài sản là những người ủng hộ kinh tế chính cho nỗ lực chiến tranh, vì cho đến năm 1950 ĐLĐ Việt Nam vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ các đồng minh cộng sản. Do đó, đảng chỉ có thể giới hạn việc thúc đẩy các chính sách cấp tiến hơn ở các khu vực do quân đội trực tiếp kiểm soát, chẳng hạn như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Tuy nhiên, khi ĐCS Trung Quốc đã thành công trong cuộc chiến chống lại Chính phủ Quốc dân đảng, bắt đầu cử cố vấn sang Việt Nam, trực tiếp hỗ trợ quân sự và tài chính qua biên giới phía Nam của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Việt Nam tin rằng đã đến thời điểm thích hợp để thực hiện toàn bộ cuộc vận động nông dân xóa bỏ “giai cấp thống trị” ở nông thôn miền Bắc và tập hợp nhân lực cần thiết để kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trong một báo cáo dài sau bài phát biểu của Hồ Chí Minh, Trường Chinh cho rằng cần tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô và Trung Quốc để lật đổ đế quốc Pháp và phong kiến.
Theo sát các khuyến nghị của La Quý Ba, Trường Chinh xác định mục đích, ý nghĩa, phương châm và phương pháp cụ thể của các chính sách Cải cách ruộng đất và đề ra kế hoạch thực hiện chúng. Báo cáo của Trường Chinh phản ánh sự thay đổi lập trường của đảng đối với tầng lớp địa chủ khi cho rằng lý do mà các chính sách cấp tiến về đất đai không được thực hiện trong những năm trước năm 1953 là do đảng này đã đánh giá quá cao mức độ hợp tác của giai cấp địa chủ. Trường Chinh tiếp tục cáo buộc các thành viên của tầng lớp này là những kẻ phản động phong kiến bất hợp tác, những người đã làm việc chống lại các chính sách của đảng và các nỗ lực chiến tranh. Do đó, ông đã mạnh mẽ kêu gọi “phóng tay phát động quần chúng, triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức; chuẩn bị tiến tới cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng ở vùng tự do”. Chỉ khi các chính sách này được thực thi đầy đủ thì ĐLĐ Việt Nam mới “động viên nông dân hăng hái hy sinh cho kháng chiến, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, củng cố được chính quyền nông thôn”.
Trên cơ sở các mục tiêu mà Hồ Chí Minh và Trường Chính đã vạch ra, Hội nghị Trung ương lần thứ tư đã đề ra nghị quyết kêu gọi phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất ở những vùng do đảng trực tiếp kiểm soát. Hồ Chí Minh và ban lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam bắt đầu ban hành một loạt đạo luật và quy định để mở đường cho việc thực hiện đề xuất của La Quý Ba.
Để hỗ trợ cho giai đoạn quan trọng này của chiến dịch, vào mùa xuân năm 1953, ĐCS Trung Quốc đã bổ nhiệm Kiều Hiểu Quang sang Việt Nam để đứng đầu Ban Cải cách ruộng đất và Hợp nhất Đảng thuộc Nhóm cố vấn chính trị của Trung Quốc tại Việt Nam. Bắc Kinh đã cử thêm 42 chuyên gia cải cách ruộng đất trong cùng năm đó để củng cố đội ngũ của Kiều Hiểu Quang. Theo đề xuất của La Quý Ba, các cố vấn này đã dạy các cán bộ Việt Nam, vốn đã được giới lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam chọn, cách khảo sát, phân tích và phân loại các điều kiện kinh tế xã hội và giai cấp của các làng xã. Sau khi các cán bộ cải cách ruộng đất được đào tạo, ĐLĐ Việt Nam phát động đợt thí nghiệm phát động quần chúng vào ngày 15 tháng 4 năm 1953. Chiến dịch kéo dài đến tháng 8 năm 1953, được thực hiện ở 23 xã – nhiều hơn ba xã so với bản khuyến nghị của La Quý Ba – ở Việt Bắc và Liên Khu IV.
Chiến dịch vận động quần chúng thực nghiệm được thực hiện theo một quy trình phức tạp bao gồm nhiều bước để kích động đấu tranh giai cấp. Nó bắt đầu bằng việc cử một đoàn cán bộ phát động quần chúng được đào tạo đặc biệt đến một địa điểm được chọn, thường là một xã, để khảo sát các mối quan hệ giữa các tầng lớp của người dân trong xã và phân loại họ thành các tầng lớp xã hội khác nhau. Cải trang thành nông dân, những cán bộ này thâm nhập vào xã bằng cách tiếp xúc với những nông dân và bần cố nông nghèo nhất. Họ làm quen với điều kiện của nông dân bằng cách áp dụng chiến lược “ba cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Thông qua quá trình “thăm nghèo hỏi khổ,” các cán bộ gieo vào lòng nông dân sự căm thù đối với tầng lớp địa chủ (và sau này là phú nông và trung nông) bằng cách so sánh sự nghèo khổ của họ với sự sung túc của địa chủ. Các cán bộ phát động xúi giục giới nông dân phát động, nổi dậy chống lại địa chủ. Khi lòng căm thù đã dấy lên và điều kiện đấu tranh giai cấp đã chín muồi, cán bộ vận động tập hợp các địa chủ trong xã và đưa họ ra xét xử trước một “Tòa án Nhân dân đặc biệt”, trong đó họ khích những người từ giới nông dân và bần cố nông tố cáo những “tội ác” và sự lộng hành của địa chủ. Sau phiên đấu tố, các tòa án đưa ra quyết định về số phận của các địa chủ, gia đình và tài sản của họ. Quá trình phát động này đã trở thành khuôn mẫu cho phần còn lại của chiến dịch Cải cách ruộng đất từ tháng 4 năm 1953 đến tháng 7 năm 1956.
Trớ trêu thay, một trong những người đầu tiên bị đưa ra xét xử và hành quyết là Nguyễn Thị Năm, một địa chủ yêu nước được mệnh danh là “mẹ kháng chiến”, người đã ủng hộ cuộc chiến chống thực dân và nhiều lãnh đạo của Việt Minh, bao gồm Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh và Phạm Văn Đồng.
Bản ý kiến sơ bộ của La Quý Ba có thể không phải là bản khuyến nghị duy nhất hoặc cuối cùng đã dẫn ĐLĐ Việt Nam đến việc thi hành chương trình Cải cách ruộng đất. Nhưng bối cảnh lịch sử La Quý Ba đưa ra những khuyến nghị đó và mức độ giới lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam tuân theo lời khuyên của người đại diện ĐCS Trung Quốc cho thấy cố vấn Trung Quốc và những góp ý của họ đóng vai trò vô cùng quan trọng, có thể nói là khung sườn cho chiến dịch vận động quần chúng và Cải cách ruộng đất của ĐLĐ Việt Nam từ tháng 4 năm 1953 đến tháng 7 năm 1956. Nó không phải là một bản thiết kế từng bước cho nỗ lực Cải cách ruộng đất lâu dài, phức tạp và nhiều bạo lực, nhưng nó vừa là khuôn khổ để Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam xây dựng và phát triển, vừa là phương tiện để các cố vấn Trung Quốc tiếp tục gây ảnh hưởng đến nỗ lực đó. Quan trọng hơn, đề xuất này cho thấy chính xác những gì các cố vấn Trung Quốc đã thực sự trao đổi với các lãnh đạo của ĐLĐ Việt Nam, điều chưa nghiên cứu nào về Cải cách ruộng đất đề cập trước đây.
Tài liệu có thể giúp chúng ta hiểu cách các cố vấn đó đã định khung các khuyến nghị của họ và mức độ mà phía Việt Nam chấp nhận chúng. Nó cho phép chúng ta hiểu cách lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc quan hệ với nhau như thế nào khi họ xử lý tình hình xã hội, kinh tế và chính trị ở Việt Nam. Đó là bản khuyến nghị cho thấy niềm tin của giới lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam và ĐCS Trung Quốc rằng một chương trình cải cách ruộng đất nghiêm ngặt, thậm chí đầy bạo lực là cần thiết nếu ĐLĐ Việt Nam muốn giành được không gian địa chính trị, nhân lực và tài lực cần thiết để tiến hành cuộc chiến toàn diện đối với Pháp".
A.T.
* Bài nghiên cứu này được đăng trên tạp chí khoa học SOJOURN vào năm 2016, nay nhân dịp 70 năm việc khởi xướng chiến dịch Cải cách ruộng đất ở Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, xin dịch sang tiếng Việt và đăng lại cùng với bản photo của bản tài liệu gốc để độc giả rộng đường tham khảo.
** Giáo sư Alex-Thái Đình Võ hiện công tác tại Viện Việt Nam và Lưu Trữ, Đại học Texas Tech, Hoa Kỳ. Ông nhận bằng Tiến sĩ từ Đại học Cornell, và chuyên về lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á
Nguồn: FB Đỗ Hoàng Diệu
Phụ lục:
Bản “Ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng năm 1953” của La Quý Ba, người được Bắc Kinh cử sang Việt Nam để trực tiếp cố vấn cho giới lãnh đạo nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (VNDCCH), trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trường Chinh
Ngày 9-10-1952.
VĂN PHÒNG
TỔNG BÍ THƯ
Số 241 VP/TBT
Kính gửi Bác,
Đồng chí Quý có gửi đến anh Thận bản “Ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng năm 1953,” vậy anh Thận gửi đến Bác để tham khảo.
Kính thư,
TL/ anh Thận.
Tuan
***
Ý KIẾN SƠ BỘ VỀ VẬN ĐỘNG QUẦN CHÚNG NĂM 1953
(Để tham khảo)
1- Phương châm:
Thẳng tay phát động quần chúng, đả kích thế lực phản động, làm sụt thế lực phong kiến thỏa mãn đòi hỏi của quần chúng cho đúng mức, tổ chức quần chúng tích cực tham gia sản xuất, tích cực tham gia kháng chiến.
2- Nội dung:
a) Tố cáo những Việt gian, ác bá, phản đối những Việt gian, ác bác chiếm giữ và thao túng, tham ô những ruộng đất và tài sản của đình chùa, nhà chung, hộ và phe giáp, tịch thu và phân phối ruộng đất và tài sản của Việt gian và ác bá để chia cho nông dân không có ruộng hay ít ruộng cày cấy.
b) Kiểm tra việc giảm tô và thoái tô. (Nếu kiểm tra ra những địa chủ không theo lệnh giảm tô sau sắc lệnh giảm tô của Chính phủ nhân dân đã công bố thì phải triệt để giảm tô, số tô đã thu quá mức thì phải trả lại cho nông dân).
c) Thanh toán nợ cũ. (Tiền tức của nông dân nộp cho chủ nợ nếu đã gấp đôi số vốn thì không trả tức nữa mà chỉ trả vốn thôi; nếu số tức đã gấp ba số vốn thì không trả cả vốn lẫn tức nữa, sau khi đã thanh toán xong nợ cũ thì nông dân được thu hồi những văn tự và ruộng cầm, không phải chuộc lại nữa. Nhưng không bao gồm quan hệ vay nợ đi lại có tính chất thương nghiệp). Phụ chú: Chủ nợ là chỉ những địa chủ cho vay chứ không bao gồm quan hệ vay nợ giữa nông dân với nhau.
d) Phân phối những công điền, ruộng nhà, ruộng hộ, ruộng của Việt gian phân phối cho nông dân không có ruộng hay ít ruộng sử dụng một cách công bằng và hợp lý (nhất là đối với những gia đình quân nhân và tử sĩ không có ruộng hoặc ít ruộng).
e) Xóa bỏ những quy định không hợp lý có tính chất phong kiến về rừng núi, thủy lâm, đình chùa, do hội nghị đại biểu nông dân thảo luận và đặt ra quy định hợp lý, do chính quyền địa phương quản lý, hoặc do ủy ban địa phương nhờ nông hội quản lý.
f) Điều tra những ruộng man bao (sic), phản đối đun sự đóng góp cho nông dân. Bình định sản lượng một cách công bằng và hợp lý, sửa chữa những hiện tượng đóng góp quá nặng hoặc quá nhẹ trong việc đóng thuế nông nghiệp.
3) Mục đích và yêu cầu:
Mục đích và yêu cầu là để thực hiện ưu thế chính trị trong nông thôn, củng cố mặt trận thống nhất ở nông thôn, đoàn kết để tăng gia sản xuất, đoàn kết để kháng chiến.
4) Cần nắm vững những khâu chính dưới đây:
a) Cần phải có lập trường vững, thái độ rõ rệt, thấm nhuần phương châm thẳng tay phát động quần chúng, đề phòng và khắc phục những quan điểm tư tưởng không đúng đắn dưới đây, đó là điều kiện trước tiên để phát triển phong trào.
1/ Sợ thẳng tay phát động quần chúng thì sẽ chia rẽ mặt trận thống nhất làm sụt lực lượng kháng chiến. Cần phải biết rõ: chỉ có phát đồng được quần chúng, Đảng dựa vào quần chúng, thì mới có thể làm cho quần chúng phát huy được lực lượng lớn mạnh trong sản xuất và trong cuộc kháng chiến thì mới có thể đập tan âm mưu chia rẽ của địch; thì mới có lực lượng giữ vững cuộc trường kỳ kháng chiến và chuyển sang tổng phản công.
2/ E rằng sẽ làm cho những phần tử lớp trên trong mặt trận thống nhất hoang mang và sợ sệt. Cần phải biết rõ: miễn là nắm vững và thi hành đúng chính sách; sách lược vận dụng được đúng mức; công tác tuyên truyền làm được khá; thực sự phát động được quần chúng, thì đại đa số phần tử lớp trên không đến nổi xảy ra hoang mang và giao động, hoặc hiểu nhầm nhất thời, rút cục thì cũng sẽ ổn định. Còn đối với một số ít phần tử phản động, những người xấu xa của dân tộc ẩn núp trong mặt trận kháng chiến, sau khi quần chúng đã thực sự vùng dậy thì sẽ vạch được mặt nạ của chúng, vì do việc chúng sợ sệt giao động, thậm chí chạy theo địch do (sic), không có hại đến sự nghiệp kháng chiến, mà trái lại chỉ giảm bớt lực lượng phá hoại; đối với mặt trận kháng chiến mà nói, thì không những không bị sụt yếu đi mà trái lại càng củng cố thêm.
3/ E ngại sẽ làm cho giai cấp địa chủ chống lại, phân tán tài sản của họ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự của xã hội ở vùng tự do, ảnh hưởng đến việc cung cấp vật chất cho bộ đội. Cần phải biết rõ: miễn là chúng ta biết nắm vững chính sách hiện này là “làm yếu thế lực phong kiến, chưa phải là tiêu diệt thế lực phong kiến” cho đúng; và biết nắm đúng sách lược “tranh thủ đa số, cô lập thiểu số, lợi dụng mâu thuẩn, đánh tan từng bọn”; biết nắm đúng phương châm sản xuất kết hợp với vận động quần chúng, và sau khi vận động kết thúc thì kịp thời chuyển sang sản xuất, như vậy sự chống cự của giai cấp địa chủ cũng sẽ không lan tràn được, sự chống cự của một số ít người cũng sẽ có thể kịp thời dập tắt. Dựa vào lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần tích cực sản xuất của quần chúng, sẽ cung cấp cho cuộc kháng chiến nguồn nhân lực, vật lực và tài lực vô tận.
Trong phong trào quần chúng, có thể gặp trường hợp thế lực của địa chủ phong kiến lợi dụng một vài thiên hướng quá “tả” trong phong trào, để kêu la ầm ĩ, tổ chức chống lại, thậm chí một số cán bộ ta tư tưởng không trong sạch, lập trường giai cấp không vững, thiếu quan điểm quần chúng, cũng có thể đứng trên lập trường của giai cấp địa chủ để chống cự, cần phải chuẩn bị tinh thần về điều đó và phải có biện pháp xử trí cho được ổn thoả. Đối với những lời kêu la có tính chất phản động của giai cấp địa chủ, phải căn cứ vào lý do mà bác lại, đối với những hành vi chống cự của địa chủ thì phải dựa vào sức mạnh của quần chúng mà đả kích; đối với những hành vi chống cự của một số cán bộ, ngoài việc tiến hành giáo dục đầy đủ trước, sau khi việc chống cự xảy ra thì phải theo tình hình mà thi hành kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước một cách nghiêm ngặt.
b) Theo đòi hỏi cấp bách của quần chúng đông đảo, với tinh thần củng cố và mở rộng mặt trận thống nhất ở thôn quê, đoàn kết để sản xuất, đoàn kết để kháng chiến, chính phủ trung ương cần phải quy định và ban bố chính sách và sắc lệnh cần thiết, nông hội thì cần phải đặt cương lĩnh đấu tranh. Việc đặt ra và ban bố những chính sách, sắc lệnh và cương lĩnh đấu tranh, sẽ có một tác dụng dựa lưng và làm hậu thuẫn cho nông dân. Các cán bộ làm dân vận và các cán bộ đảng, chính, quân, dân khác, đều phải lấy đó làm vũ khí mạnh để phát động quần chúng, giải quyết những thắc mắc trên tư tưởng của quần chúng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh với thế lực phong kiến một cách có phân biệt, và giúp đỡ quần chúng giải quyết các vấn đề trong phạm vi chính sách pháp luật cho phép. Phương pháp dựa lưng và làm hậu thuẫn từ trên xuống dưới kếp hợp với phát động quần chúng từ dưới lên trên là một khâu quan trọng để quyết định cuộc vận động quần chúng thành công hay thất bại.
c) Cần phải tăng cường sự nắm lãnh đạo trong phong trào:
1/ Đối với những đối tượng đấu tranh, đối tượng tịch thu và đối tượng cần xử tử, thì cần phải điều tra kỹ lưỡng, phân tích và nghiên cứu, cần phải nắm nguyên tắc “diện” không nên quá rộng, quá lớn, và cần phải do cơ quan lãnh đạo nhất định và chuẩn y, và phải trải qua thủ tục pháp luật nhất định.
2/ Sách lược đấu tranh cần phải theo nguyên tắc có lý, có lợi, có mức. Và khéo nắm vững và áp dụng sách lược đấu tranh “có đánh có kéo, trong việc đánh lại có kéo”. (Nghĩa là có đã kích, có tranh thủ trong khi đã kích cũng tranh thủ).
3/ Trong việc lãnh đạo đấu tranh cần phải quán triệt tác phong phát động tư tưởng và đường lối quần chúng; phản đối lối bao biện làm thay.
4/ Cần phải giáo dục và tổ chức quần chúng nhằm mục đích đoàn kết để sản xuất, đoàn kết để kháng chiến.
5/ Nếu cần sửa chữa hoặc quyết định những vấn đề về chính sách và vấn đề về nguyên tắc lớn thì cần phải xin chỉ thị trước và báo cáo sau khi thi hành.
6/ Phải luôn luôn báo cáo tình hình công tác lên trên để xin chỉ thị. Cấp trên phải luôn luôn kịp thời chỉ đạo cấp dưới một cách cụ thể, mọi phát hiện thiên lệch thì phải sửa chữa kịp thời, và kịp thời giới thiệu, phổ biến những kinh nghiệm hay.
5) Trong vận động quần chúng kết hợp tiến hành việc chấn chỉnh các tổ chức cấp xã:
Để thực hiện ưu thế chính trị của Đảng trong nông thôn, đảm bảo chính sách, sắc lệnh của Đảng và Chính phủ được triệt để thi hành cho đúng, trong cuộc vận động quần chúng cần phải kết hợp với việc chấn chỉnh tổ chức cấp xã – chi bộ đảng, nông hội, chính quyền, vũ trang ở xa v.v…
Hiện nay chi bộ thôn quê của Đảng vẫn ở trong tình trạng bí mật hoặc nữa bí mật; thế lực phản động, thế lực phong kiến trong thôn quê chưa bị đả kích đến một chừng nào; đối với công việc này cơ quan và cán bộ lãnh đạo các cấp còn thiếu kinh nghiệm nhất định. Cho nên trong vận động quần chúng kết hợp với việc chấn chỉnh các tổ chức và công tác ở xã, hiện cần áp dụng phương pháp vững chắc. Do đó, việc vận động quần chúng kết hợp với việc chấn chỉnh tổ chức và công tác của chi bộ ở thôn quê, thì phải áp dụng phương pháp dựa vào những phần tử ưu tứ trong Đảng, mở mang đấu tranh chống khuynh hướng xấu trong Đảng (như chống tư tưởng, lập trường của địa chủ, chống quan điểm và tác phong thoát ly quần chúng, chống tham ô, chống tự tư tự lợi v.v.), đề xướng tư tưởng tự giác (tức là tăng cường giáo dục giai cấp, giáo dục chính sách, giáo dục quan điểm quần chúng, nâng cao giác ngộ giai cấp và trình độ chính sách, quan niệm quần chúng chung v.v.). Kết hợp với việc chấn chỉnh tổ chức mà không áp dụng phương pháp trải qua chi bộ của Đảng, mời quần chúng tham gia cuộc họp của Đảng để cùng nhau thẩm tra đảng viên và cán bộ. Những bước tiến cụ thể là:
a) Trước khi bắt đầu cuộc vận động đó, cấp trên phái cán bộ xuống dưới phổ biến trong Đảng về những phương châm chính sách vận động quần chúng, đi sâu vào quần chúng, mở mang phê bình, tự phê bình và đấu tranh tư tưởng trong Đảng, nghe những ý kiến của quần chúng trong và ngoài Đảng đối với cán bộ và đảng viên, trải qua một cuộc thẩm tra sơ bộ, thì cải tạo lại cơ quan lãnh đạo bước đầu, thay đổi những cán bộ mất lập trường giai cấp và thoát ly quần chúng đến nổi quan trọng, tổ chức những phần tử ưu tú trong Đảng thành tập đoàn lãnh đạo để phụ trách lãnh đạo cuộc phong trào vận động quần chúng.
b) Sau khi đoàn cán bộ công tác đã tiến hành việc phổ biến tuyên truyền và giáo dục, thì chia nhau phải xuống các làng tiến hành việc giáo dục tuyên truyền chính sách trong quần chúng cho được sâu và rộng, phát động quần chúng tích cực tham gia. Trải qua việc tuyên truyền giáo dục chính sách nhất định thì có thể do quần chúng bầu đại biểu lên xã hoặc huyện dự hội nghị đại biểu nông dân để tiến hành việc động viên và giáo dục vào sâu thêm, và thảo luận những vấn đề làm thế nào để tiến hành cuộc vận động. Việc bầu đại biểu cần phải nhắm những bần cố nông tốt, có tinh thần tích cực đấu tranh, lập trường giai cấp vững vàng, tác phong đúng đắn, có liên hệ với quần chúng và một số trung nông tốt.
c) Sau khi phong trào quần chúng đã lên, Đảng phải tập trung lực lượng lãnh đạo phong trào quần chúng, đả kích thế lực phản động và thế lực phong kiến và sát hạch đảng viên vào sâu một bước trong cuộc vận động; chú ý giúp đỡ những đảng viên lạc hậu hoạt động.
d) Sau khi cuộc vận động quần chúng đã kết thúc, có thể tiến hành một cuộc giáo dục về điều lệ đảng tương đối có hệ thống và mở mang phê bình và tự phê bình, căn cứ vào những cuộc đấu chanh chống khuynh hướng xấu trong Đảng và những cuộc đấu tranh chống thế lực phong kiến ngoài Đảng để nhận xét từng đảng viên đã được thử thách trong những cuộc đấu tranh, rồi phân biệt thẩm tra và xử trí. Nguyên tắc thẩm tra và xử trí là:
– Đối với những phần tử địch dôi (sic) của giai cấp, phần tử gián điệp, phần tử thoái hoá vong bản, mà không sửa chữa được thì quyết không thương tiếc, nhân nhượng, phải thanh trừ khỏi Đảng.
– Đối với những đảng viên và cán bộ tự tư tự lợi, tác phong xấu, thoát ly quần chúng, nhưng trải qua quần chúng phê bình và giáo dục đã bằng lòng sửa chữa sai lầm, sau khi được quần chúng tha thứ thì cho phép sửa chữa sai nhầm, cải thiện quan hệ.
– Đối với những đảng viên hữu danh vô thực, trải qua những cuộc giáo dục, rèn luyện thực tế trong phong trào quần chúng nếu vẫn chưa đủ điều kiện làm đảng viên, thì có thể khuyên họ rút lui khỏi Đảng. Nếu họ không bằng lòng rút lui khỏi Đảng thì có thể theo nguyên tắc “tạm hoãn” rồi thi hành.
– Đối với những phần tử ưu tú, tích cực tranh đấu, lập trường quan điểm vững vàng, trung thành với cách mạng, chăm chỉ sản xuất, liên hệ quần chúng, tác phong đúng đắn thì phải mạnh dạn đề bạt lên tham gia công tác lãnh đạo, nếu đã đủ điều kiện thì có thể kết nạp vào Đảng.
Phương pháp chấn chỉnh tổ chức và công tác của nông hội, chính quyền và dân quân du kích xã kết hợp với phong trào quần chúng là bằng cách mở mang phê bình và tự phê bình, sửa chữa tư tưởng, tác phong của cán bộ, giải quyết những thắc mắc của quần chúng đối với cán bộ, tăng thêm đoàn kết giữa hai bên.
Trong thời kỳ đầu và thời kỳ giữa của cuộc vận động phải tập trung lực lượng đấu tranh với thế lực phong kiến nên chỉ kịp thời xử trí những phần tử phá hoại cá nhân trở ngại phong trào (những phần tử địch dôi (sic) của giai cấp, những phần tử phản động, phần tử gián điệp). Đối với những cán bộ thường có tư tưởng lệch lạc hoặc có tác phong xấu, thì tạm thời chưa xử trí. Lúc xử trí những phần tử phá hoại nằm vùng đừng để cho quần chúng chuyển mục tiêu đang đấu tranh chống lại thế lực phong kiến sang hướng khác, không để thế lực phong kiến có chỗ lợi dựng để tiến hành phá hoại.
Nếu đã có những điều kiện dưới đây, mới có thể lấy chấn chỉnh tổ chức làm trọng tâm công tác:
1/ Ưu thế chính trị của thế lực phong kiến đã căn bản bị đánh đổ;
2/ Ưu thế chính trị của quần chúng đã căn bản lập vững;
3/ Trong thực tiễn của cuộc vận động đã thử thách và nhận xét rõ cán bộ nào tốt hay xấu;
4/ Đã xuất hiện rất nhiều phần tử tích cực mới trong quần chúng.
Việc chấn chỉnh các tổ chức cấp xã kết hợp với vận động quần chúng, phải luôn luôn chú ý đề cao sự tỉnh táo chính trị, đề phòng thế lực phong kiến có thể tiến hành cuộc tấn công và phản công lại.
6) Công tác chuẩn bị cuộc vận động quần chúng:
Để cho cuộc vận động quần chúng thu được kết quả mong muốn, không xảy ra hoặc ít xảy ra lệch lạc, cần phải chuẩn bị cho chu đáo và đầy đủ. Công tác chuẩn bị hiện nay phải chú ý những điểm dưới đây:
a) Điều tra nghiên cứu, tìm hiểu tình hình. (Như tình hình quán triệt giảm tô giảm tức và tịch thu ruộng đất của Pháp và Việt gian để phân phối và xử dụng công điền; thế lực địch nguỵ và phong kiến phản động cũng như những đặc điểm và quan hệ nội bộ của chúng; thành phần giai cấp phân chia có đúng không; tình hình các tổ chức và công tác của ta, nhất là tình hình cán bộ v.v…).
b) Chuẩn bị cán bộ, huấn luyện cán bộ. Trung ương nên chuẩn bị điều động và huấn luyện 200 cán bộ, chuẩn bị tổ chức đoàn cán bộ, những cán bộ được điều động huấn luyện phải đảm bảo một phần ba là cốt cán. Cố làm cho những cán bộ hiểu rõ chính sách, phương châm và mục đích yêu cầu của cuộc vận động quần chúng, cũng như những nguyên tắc quan trọng trong các khâu chính. Phải biết liên hệ thực tế áp dụng cụ thể.
c) Tuyên truyền chính sách đại quy mô bằng hình thức và phương thức báo chí, đài phát thanh, yết thị của Chính phủ, cán bộ phụ trách báo cáo trước quần chúng, soạn thành những bài hát v.v. để được tuyên truyền sâu rộng chính sách, phương châm của cuộc vận động quần chúng.
d) Chuẩn bị tổ chức đoàn cán bộ tiến hành thí nghiệm trọng điểm để rút kinh nghiệm, rồi mới phổ biến; Trung ương nên chuẩn bị hai mươi (20) đoàn cán bộ công tác, ở Việt Bắc và Liên Khu 4 mỗi một liên khu chọn mười xã tiến hành thí nghiệm trọng điểm.
Ngày 3-9-1952
Quý.
Nguồn: FB Alex Thai