Một ngày nhiều mây

Tạ Duy Anh

Với tôi, bắt đầu từ năm 1975, ngày 30-4 luôn là một ngày đặc biệt. Tâm trạng của tôi có sự thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, cảm xúc vui mừng về cái ngày chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất, thì luôn hiện hữu trong tâm trí tôi. Nếu không nói đúng như vậy, nếu nói khác đi, tôi trở thành kẻ dối trá và cơ hội.

Sáng nay có hai chuyện đặc biệt đến với tôi: Sau khá nhiều năm, tôi lại xem bản tin thời sự buổi sáng, của VTV1. Tôi muốn kiểm chứng lời của một anh bạn: Chính quyền sẽ không chiếu cảnh “người Việt thắng người Việt nữa” và theo anh, đó sẽ là một tiến bộ. Nhắc lại kí ức đau buồn khi đất nước đã hòa bình, để làm gì?

Nhưng hóa ra bạn tôi sai. Đúng là việc phô trương chiến thắng đã giảm rất nhiều, nhưng bệnh thèm khoe thành tích thì vẫn còn nặng.

Chuyện thứ hai là tôi nhận được bài viết của một giáo sư nổi tiếng người Việt, qua bạn văn từ Canada. Ông khiến tôi rất buồn, khi chỉ ra một cách khá chính xác rằng, cuộc chiến khiến người Việt bị chia rẽ từ trong mỗi gia đình. Tôi quan tâm đến bài viết của ông, vì tôi dành khá nhiều thời gian cho việc người Việt hòa giải với nhau. Dù là ý thức hệ thế nào, thì người Việt vẫn có một điểm để cùng hướng tới, đó là một nước Việt cần phải hùng mạnh, nếu muốn tránh được nạn Bắc thuộc lần thứ hai.

Tôi không bình luận về bài viết. Thay vào đó, tôi trích lại vài quan điểm của tôi liên quan đến ngày 30-4. Đoạn trích cuối cùng, lấy ra từ chuyên luận “Sống với Trung Quốc”, viết cách nay 10 năm, cho thấy tôi có thể là một người ảo tưởng.

Nhưng tôi sẽ tiếp tục nuôi dưỡng ảo tưởng ấy.

Một ngày đúng là nhiều mây. Nhưng hiện tượng đó đôi khi lại báo hiệu một ngày rất đẹp.

______________________

“Tôi đã từng nói người Việt mình thất bại quá lâu cho một cuộc hòa giải thực sự. Nay tôi vẫn bảo lưu ý kiến ấy. Nguyên nhân của nó thì nhiều, nhưng nguyên nhân cơ bản là cả hai phía đều chính trị hóa một cách cực đoan quá trình hòa giải. Cả hai phía đều chưa vượt qua những “mặc cảm” lịch sử. Đành rằng chế độ hiện nay phải chịu trách nhiệm chính cho việc hòa giải chưa thành công. Nhưng vẫn có thể trách mỗi cá nhân về chuyện này. Chúng ta tốn nhiều thời gian cho tranh cãi vô bổ, hơn là bắt tay làm những việc, dù nhỏ, nhưng có ý nghĩa đưa người Việt gần lại phía nhau. Lịch sử là thứ không thể sửa chữa. Mọi trách móc những gì thuộc về quá khứ đáng được cảm thông nhưng nếu chúng ta thực tâm lo lắng cho tương lai của người Việt – trong tiến trình phát triển chung của nhân loại- thì có thể suy nghĩ sẽ khác”.

(Trả lời Nguyễn Thị Thanh Bình)

“Một cuộc chiến tranh khiến hàng triệu người Việt bị giết chết, hàng triệu người phải tha hương (nên nhớ, không chỉ có đồng bào miền Nam tha hương vì cuộc chiến tranh) chắc chắn là một biến cố khủng khiếp của lịch sử dân tộc, có tác động đến không chỉ mỗi người trong cuộc, mà dư chấn của nó sẽ còn lan sang các thế hệ tương lai. Với khá nhiều người miền Nam, ngày 30 tháng Tư năm 1975 là một ngày đau buồn, trong khi với hầu hết người miền Bắc thời điểm ấy, đó là một ngày chấm dứt sự chết chóc. Mỗi trạng thái tình cảm đều có lý do lịch sử và bị chi phối bởi hoàn cảnh xã hội cụ thể của nó. Nhưng bình tâm một chút, chúng ta có thể sẽ gặp nhau ở ý nghĩ: Chiến tranh cần phải chấm dứt, đó là điều quan trọng nhất. Hãy thử giả định nếu chiến tranh không kết thúc năm 1975, thì biết bao người của cả hai phía (họ đều là người Việt), tiếp tục ngã xuống?

(Trả lời Nguyễn Thị Thanh Bình)

“Với niềm tin rằng, không kẻ thù nào chiến thắng nổi một dân tộc có tới ngót 100 triệu quyết tâm, có nhiều hơn thế lòng tự tôn và có vô số khả năng nằm ngoài mọi phán đoán của những kẻ ngoại bang, chúng tôi đưa ra kiến nghị khẩn thiết sau:

Thực hiện triệt để hoà giải dân tộc thể hiện bằng một đạo luật, trong đó nghiêm cấm tất cả những hành vi phân biệt đối xử giữa các công dân Việt Nam qua các thời kỳ và các thể chế khác nhau và hiện sinh sống trên những quốc gia khác nhau, nghiêm cấm trả thù, nghiêm cấm hành vi tuyên truyền, kích động thù hận, hành vi gợi lại nỗi đau của dân tộc. Ngày 30-4 hàng năm trở thành ngày Hoà Bình”.

(Sách SỐNG VỚI TRUNG QUỐC)

Chú thích ảnh dưới: Hãy nhìn bọn trẻ chơi đùa, bạn sẽ biết một cách chính xác mình phải làm gì và không nên làm gì.

clip_image002

 

T.D.A.

Nguồn: Fb Lao Ta

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.