Kế hoạch của Trung Quốc về cuộc chiến Ukraine xen lẫn hòa bình với tư lợi

VOA Tiếng Việt

Ảnh phối hợp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy (AFP) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Reuters).

Ảnh phối hợp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy (AFP) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Reuters).

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đối mặt với những trở ngại khó khăn nếu ông thực sự muốn giúp chấm dứt cuộc chiến kéo dài 14 tháng của Nga ở Ukraine.

Khó khăn lớn nhất là không bên nào sẵn sàng ngừng chiến đấu.

Kế hoạch cử một phái viên tới Ukraine của ông Tập Cận Bình cho phép chính phủ của ông làm chệch hướng những lời chỉ trích về việc ủng hộ Moscow và theo đuổi vai trò lớn hơn như một lực lượng ngoại giao. Thông báo của ông hôm 26/4 trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã làm dấy lên sự lạc quan rằng Bắc Kinh có thể sử dụng mối quan hệ nồng ấm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thúc đẩy hòa bình. Tiếp theo đó là những câu hỏi hoài nghi về việc liệu Bắc Kinh có tập trung hơn vào việc chấm dứt cuộc xâm lược hay chỉ là phục vụ lợi ích của riêng mình. Bắc Kinh từ chối chỉ trích cuộc xâm lược của Nga.

Xuất phát điểm của Trung Quốc là một đề xuất hòa bình được đưa ra vào tháng 2 kêu gọi ngừng bắn, đàm phán và chấm dứt các chế tài đối với Nga. Trung Quốc đưa ra một vài chi tiết, nhưng lặp đi lặp lại cáo buộc của Nga là đổ lỗi cuộc xâm lược là do các chính phủ phương Tây.

Trung Quốc có lý do chính đáng để muốn thấy chiến tranh kết thúc. Chiến tranh làm rung chuyển nền kinh tế Trung Quốc bằng cách đẩy giá dầu, lúa mì và các hàng hóa khác lên cao. Bắc Kinh cũng cảnh báo hôm 26/4 về sự nguy hiểm của chiến tranh hạt nhân, sau khi Nga tuyên bố trước đó sẽ chuyển vũ khí nguyên tử sang nước láng giềng Belarus.

Ông John Delury, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Yonsei ở Seoul, nói: “Lợi ích của Trung Quốc song hành với việc kết thúc chiến tranh.”

Ông Delury nói: “Bắc Kinh không muốn thấy Nga bị bẽ mặt, Trung Quốc cũng không muốn Nga chiến thắng”, “Lựa chọn tốt nhất là ngừng bắn và cùng với đó là các cơ hội kinh tế để tham gia vào quá trình tái thiết Ukraine sau chiến tranh.”

Tuyên bố hôm 26/4 không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc có thể đề nghị giải quyết các vấn đề mà hai nước đang tranh chấp, bao gồm Crimea, bán đảo ở Biển Đen bị Moscow chiếm giữ từ Ukraine vào năm 2014.

Đóng vai trò kiến tạo hoà bình có lợi cho Bắc Kinh

Bằng cách đóng vai người kiến tạo hòa bình, Bắc Kinh cũng có thể đang tìm cách tách các đồng minh châu Âu khỏi Hoa Kỳ, quốc gia mà ông Tập cáo buộc đang cố gắng ngăn chặn sự trỗi dậy về kinh tế và chính trị của Trung Quốc.

Bắc Kinh đang cố gắng hàn gắn quan hệ với châu Âu sau bình luận của một đại sứ Trung Quốc rằng các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có thể không phải là quốc gia có chủ quyền. Nhóm đó bao gồm Ukraine và các thành viên Liên minh châu Âu Estonia, Latvia và Lithuania.

Các nhà lãnh đạo bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thăm Bắc Kinh và kêu gọi giúp đỡ về vấn đề Ukraine, nêu bật những thách thức mà Washington phải đối mặt trong việc liên kết các đồng minh để chống lại các chính sách quyết đoán của Trung Quốc ở nước ngoài.

Ông Alexander Gabuev của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nói: “Cố gắng chia rẽ giữa Hoa Kỳ và các đối tác châu Âu là một mục tiêu quan trọng.” “Để làm được điều đó, Trung Quốc cần phải giả vờ rằng họ là một lực lượng tích cực vì hòa bình.”

Cuộc điện đàm của ông Tập với ông Zelenskyy có thể duy trì hy vọng của châu Âu rằng Trung Quốc có thể bị thuyết phục “sử dụng ảnh hưởng của mình để giúp chấm dứt chiến tranh” nhưng “không có khả năng thay đổi đánh giá của phương Tây về lập trường của Bắc Kinh là một trong những nước “trung lập thân Nga”, các nhà phân tích Eurasia Group cho biết trong một báo cáo.

Ông Tập không phải lúc nào cũng ủng hộ ông Putin

Loan báo này tạo cơ hội cho Bắc Kinh chứng tỏ rằng không phải lúc nào họ cũng đồng ý với Moscow. Các nhà phê bình ở phương Tây phàn nàn rằng Trung Quốc giúp ông Putin chống lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây bằng cách mua dầu khí của Nga và hỗ trợ chính trị.

Chính phủ của ông Tập coi Điện Kremlin là một đối tác trong việc chống lại sự thống trị của Hoa Kỳ đối với các vấn đề toàn cầu. Trung Quốc đã sử dụng vị thế là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn các nỗ lực chỉ trích Nga.

Ông Tập và ông Putin nói trong một tuyên bố chung trước cuộc xâm lược vào tháng 2/2022 rằng chính phủ của họ có mối quan hệ “tình bạn không giới hạn”. Hải quân của họ đã tổ chức các cuộc tập trận chung với Iran vào tháng Ba vừa qua.

Mặc dù vậy, chính phủ Trung Quốc nói rằng họ có mối quan hệ “không liên minh”. Bắc Kinh đã hứa sẽ không cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào trong cuộc chiến Ukraine.

Ông Da Wei, một chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh và là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và An ninh, nói: “Trung Quốc chưa bao giờ đứng về một phía nào.”

“Lãnh đạo phương Tây nào đã duy trì liên lạc với lãnh đạo của cả hai bên liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng?” “Tôi nghĩ rằng cuộc gọi này là một dấu hiệu cho thấy mục tiêu công bằng và vô tư của Trung Quốc trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình.”

Một tuyên bố của Trung Quốc hôm 26/4 cũng viện dẫn “sự tôn trọng lẫn nhau đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” là nền tảng của quan hệ với Ukraine.

Trong khi Nga đang cố gắng thay đổi biên giới bằng cách sáp nhập các phần lãnh thổ của Ukraine, Bắc Kinh cực kỳ nhạy cảm về việc tôn trọng chủ quyền lãnh thổ. Trung Quốc nói rằng biên giới phải được tôn trọng và không quốc gia nào có quyền can thiệp vào công việc của nước khác.

Nỗ lực của Bắc Kinh để nâng cao vị thế toàn cầu

Định vị mình là người hòa giải cũng giúp ích cho Bắc Kinh khi nước này theo đuổi vai trò lớn hơn trong việc quản lý các vấn đề toàn cầu như một phần trong nỗ lực để khôi phục Trung Quốc về vị trí mà Đảng Cộng sản coi là vị trí xứng đáng của nó với tư cách là một nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế và văn hóa.

Bắc Kinh nên “tích cực tham gia cải cách và xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu” và thúc đẩy “các sáng kiến an ninh toàn cầu”, ông Tập nói hồi tháng Ba. Một đề xuất về “Sáng kiến An ninh Toàn cầu” được đưa ra vào tháng Hai cho biết Trung Quốc “sẵn sàng tiến hành hợp tác an ninh song phương và đa phương với tất cả các nước”.

Cũng trong tháng Ba, Ả rập Xê-út và Iran tuyên bố chấm dứt 7 năm chia rẽ ngoại giao sau các cuộc đàm phán do Trung Quốc tổ chức. Năm nay, chính phủ của ông Tập cũng đã đề nghị làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine, thiết lập một cấu trúc an ninh Trung Đông mới và giúp các nước châu Phi giải quyết các tranh chấp.

Nếu Bắc Kinh có thể tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình, thì “điều đó hỗ trợ cho tham vọng trở thành một cường quốc toàn cầu của Tập Cận Bình,” ông Delury nói.

Tham vọng ngoại giao của Trung Quốc là một sự đảo ngược từ nhiều thập niên đứng ngoài các tranh chấp của các nước và hầu hết các vấn đề quốc tế để tập trung vào phát triển kinh tế.

Các sáng kiến hòa giải của Bắc Kinh cũng mâu thuẫn với hành vi đối đầu của Trung Quốc đối với các nước láng giềng trong tranh chấp lãnh thổ và đe dọa tấn công Đài Loan, hòn đảo dân chủ tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là một phần lãnh thổ của mình.

Hy vọng hòa bình mờ dần

Chính phủ Ukraine nói trong một tuyên bố rằng cuộc điện đàm của ông Zelenskyy với ông Tập có thể dẫn đến “sự tương tác có thể có với mục đích thiết lập một nền hòa bình công bằng và bền vững cho Ukraine”. Ông Zelenskyy cho biết ngày 29/3 ông đã mời ông Tập đến thăm, nhưng cả hai chính phủ đều không cho biết liệu điều đó có thể xảy ra hay không.

Mặc dù vậy, các nhà phân tích chính trị nhìn thấy rất ít cơ hội để đạt được tiến bộ. Ukraine được cho là đang chuẩn bị một cuộc tấn công mới nhằm tái chiếm lãnh thổ bị Nga chiếm đóng.

Ông Gabuev nói: “Có thể phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên, một giải pháp mới được đưa ra, bởi vì lập trường của Nga và Ukraine vẫn còn cách xa nhau.”

Ông Shi Yinhong, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, lưu ý rằng Bộ Ngoại giao Nga đã nói rằng các cuộc đàm phán hòa bình là “gần như không thể”, trong khi ông Zelenskyy nhấn mạnh với ông Tập về tầm quan trọng của việc thu hồi tất cả các lãnh thổ đã bị chiếm.

Ông Shi nói: “Không bên nào trong cuộc chiến nói theo sáng kiến của Trung Quốc, vốn còn xa vời so với những gì họ đang phấn đấu để đạt được.”

Nguồn: VOA Tiếng Việt

This entry was posted in Âm mưu Tàu Cộng. Bookmark the permalink.