Ngô Huy Cường
Cầm tay chỉ việc trong đào tạo cử nhân luật hiện nay nguy hiểm vô cùng cho khâu làm luật. Tôi đã từng phục vụ nhiều năm cho Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nên biết cái sai bên trong của khâu làm luật diễn tiến như sau:
(1) Đạo luật ra đời không dựa trên những hiểu biết pháp lý nền tảng nên đã sai ngay từ quá trình soạn thảo (đó là nói tới giai đoạn gần đây khi mà các luật gia được đào tạo từ thời Pháp thuộc đã ra đi gần hết hoặc không còn tham gia nổi vào qui trình xây dựng luật nữa);
(2) Các cơ sở đào tạo luật dựa vào hơi thở của nguyên tắc “pháp chế xã hội chủ nghĩa” để lười biếng không chịu nghiên cứu và “bôi” những quy định của những đạo luật thiếu chuẩn mực mới ra đời thành những lời lẽ thông thường trong các giáo trình;
(3) Đạo luật đó phải sửa đổi ngay vì có quá nhiều bất cập; và dự luật mới ra đời;
(4) Các em giúp việc cho các Ủy ban của Quốc hội, nhất là Ủy ban Pháp luật được đào tạo lệch chuẩn từ mấy cơ sở đào tạo luật dựa vào giáo trình vừa viết của mấy cơ sở đào tạo đó để phán dự luật và viết báo cáo thẩm tra dưới những ý kiến chỉ đạo thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng và hết sức chủ quan của thường trực Ủy ban;
(5) Lãnh đạo Ủy ban thẩm tra dự luật đó đọc báo cáo thẩm tra trước Quốc hội;
(6) Các đại biểu khác tin tưởng đóng góp thêm; rồi biểu quyết tán thành; và
(7) Cứ thế cái sai kéo dài lê thê và ngày càng đi xa cái gốc pháp lý của vấn đề cần điều chỉnh bởi pháp luật.
Đào tạo luật ư?
Dễ thấy nhất, người ta hiện đang có trào lưu biến các trường đại học thành các trường phổ thông dạy nghề cấp IV để chạy theo mấy đồng học phí và gọi đó là đáp ứng các nhu cầu xã hội, bất chấp tới nền tảng trí tuệ để phát triển đất nước. Nếu chỉ xét tới việc cung cấp nhân lực cho mấy tay đầu tư nước ngoài mang công nghệ lạc hậu vào nước ta mà đào tạo như vậy thì có khác nào tự xếp đất nước vào bảng các nước tụt hậu?
Hoạt động trong lĩnh vực pháp luật bao hàm cả hành nghề luật. Muốn hoạt động trong lĩnh vực pháp luật không thể thiếu những hiểu biết chuyên sâu về khoa học pháp lý hay luật học (không kể tới cái gọi là “theo định hướng nghiên cứu hay theo định hướng ứng dụng, thực hành”). Vì vậy hình thành và phát triển tư duy pháp lý, cung cấp những tri thức đủ về khoa học pháp lý, cũng như rèn giũa đạo đức luật gia mới thực sự vừa đủ để biến một người thường thành một luật gia. Còn việc phải làm một cái biên bản như thế nào (ví dụ), thì một người được đào tạo đúng về cử nhân luật chỉ cần liếc qua một biên bản thực tế một hoặc hai lần là biết, đôi khi còn chỉ ra được những cái chưa đúng, chưa hay của biên bản thực và có khi còn có đóng góp hoàn thiện.
Cần nói thêm: Việc cóp nhặt thông tin, kiến thức từ các truyền thống pháp luật khác nhau để có cái gọi là kinh nghiệm nước ngoài thì trước hết phải có kiến thức khoa học pháp lý nền tảng. Không hiểu biết Họ pháp luật La Mã – Đức, pháp luật xã hội chủ nghĩa, pháp luật Hồi giáo… khác cơ bản như thế nào với Họ pháp luật Anh – Mỹ thì đừng có vội vã mà nói tới học tập kinh nghiệm nước ngoài. Cũng như vậy đối với chính trị học so sánh.
N.H.C.
Nguồn: FB Cuong Huy Ngo