Trả lại môn Văn cho nhà trường phổ thông

Phạm Đình Trọng

1. Không biết từ bao giờ môn Văn trong nhà trường phổ thông bị đổi tên thành môn Ngữ Văn. Đương nhiên việc đổi tên môn Văn thành Ngữ Văn phải do những người thầy dạy văn trong nhà trường, những người soạn sách giáo khoa môn văn và những người lãnh đạo Bộ Giáo dục, đều là những ông thầy, những ông giáo sư, tiến sĩ văn chương. Sự đổi tên môn Văn thành Ngữ Văn đã chứng tỏ những ông thầy dạy văn, những ông giáo sư, tiến sĩ văn chương chỉ là những người sính thuật ngữ, ham khoe thuật ngữ mà không hiểu đầy đủ, thấu đáo về môn Văn.

Vâng, sính thuật ngữ, bội thực thuật ngữ, xênh xang thuật ngữ là điều có thật trong học thuật văn chương. Đọc nhiều bài lí luận phê bình văn chương của một số giáo sư, tiến sĩ văn chương tôi có cảm giác như người viết cho một nắm thuật ngữ văn học và thuật ngữ chính trị vào cái rổ, xóc lên rồi nhặt các thuật ngữ ra, xếp lại thành bài. Bài viết ngoài mớ thuật ngữ cao siêu nhưng mòn cũ, sáo rỗng ra chẳng còn gì nữa. Đọc mệt mà chẳng có được một ý tứ gì để nhớ!

2. Con người và loài vật đều có trái tim và bộ não nhưng con người khác loài vật ở chỗ cùng là trí khôn như mọi loài vật, bộ não con người còn biết tư duy để phát triển trí khôn, tạo ra những ngành khoa học đưa tầm vóc con người ngày càng khổng lồ, làm chủ cả vũ trụ. Vì vậy nhà triết học người Pháp Blaise Pascal (1623 – 1662) thời triết học Ánh sáng mới định nghĩa con người là cây sậy biết tư duy. Ngoài việc tạo ra động lực vận hành máu tuần hoàn trong cơ thể như mọi con vật, trái tim con người còn biết cảm xúc, rung động trước cái đẹp, cái cao cả, tạo ra thế giới tâm hồn của con người.

Môn Toán đánh thức và phát triển năng lực tư duy thì môn Văn đánh thức thế giới tâm hồn con người. Toán và Văn, hai tên gọi chính xác nhất, đầy đủ nhất, đúng bản chất nhất và lung linh vẻ đẹp nhất về hai bản thể, hai phẩm chất Người cao nhất: Trí tuệ và Tâm hồn. Cầu kì, phức tạp, khoe chữ mới gọi môn Văn là môn Ngữ Văn.

Những người giỏi và thực tài đều khiêm nhường, bình dị. Những người thầy dạy toán đều có kiến thức toán vững vàng, uyên thâm, dày dặn nên đều không cần ngôn từ ngân nga, hào nhoáng để gọi tên môn Toán thành Thuật Toán.

Lại nhớ câu tôi đã đọc được trong một cuốn sách hồi còn đi học. Hơn nửa thế kỉ đã qua, tôi không còn nhớ tên sách nhưng câu hay trong cuốn sách thì tôi nhớ mãi không bao giờ quên. Đó là câu: Hãy đưa tay lên ngực, gõ vào trái tim anh, thiên tài là ở đấy. Đúng vậy. Hãy đánh thức tâm hồn ở mỗi người sẽ có những nghệ sĩ, những nhà văn thiên tài. Môn văn chính là bàn tay gõ vào trái tim lớp người trẻ gọi những thiên tài bước vào cuộc đời. Bàn tay gõ vào trái tim như câu thần chú “Vừng ơi mở cửa ra” dội vào vách đá, mở ra kho tàng châu báu trong truyện thần thoại.

Môn học về những con số, những phép tính, nền móng của thế giới tự nhiên, mở ra năng lực tư duy vô tận của con người phải có tên gọi là Toán và chỉ có thể là Toán. Môn học cơ bản mở ra thế giới tâm hồn, làm giầu có, sáng đẹp tâm hồn phải có tên gọi là Văn và chỉ tên Văn mà thôi.

3. Thế giới tâm hồn con người thức dậy đã sáng tạo ra văn chương và nghệ thuật, tạo ra kho tàng văn chương đồ sộ và những tác phẩm nghệ thuật lấp lánh mãi trong thời gian.

Kho tàng văn chương đồ sộ mà loài người đã và đang tạo ra lại đòi hỏi, lại tạo ra hai môn khoa học. Môn khoa học nghiên cứu tác phẩm văn chương được gọi là Lí luận Văn học. Môn khoa học nghiên cứu ngôn ngữ văn chương được gọi là môn Ngôn ngữ học. Và Ngữ Văn là tên gọi chung của ngành khoa học xã hội nghiên cứu văn chương.

Diễn giải sơ qua như vậy để thấy Văn và Ngữ Văn hoàn toàn khác nhau, ở hai thang bậc, hai tầng nấc khác nhau. Văn là nghệ thuật. Ngữ Văn là khoa học. Văn ở tầng phổ quát, mở ra thế giới tâm hồn, nạp giá trị nhân văn cho lớp người trẻ. Văn là lá dâu nuôi lứa tằm đang lớn. Ngữ Văn ở tầng khoa học chuyên biệt của những người làm nghề bằng kiến thức văn chương, lứa tằm đang nhả kén. Tằm ăn lá dâu chứ tằm không ăn kén. Chuyển môn Văn trong nhà trường thành môn Ngữ Văn là đổi tên lá dâu thành cái kén. Học Văn là con người nhập vào văn, hồn người nhập vào hồn văn, văn ở trong người. Với Ngữ Văn, văn ở ngoài con người, là đối tượng nghiên cứu của con người.

Môn Văn có hai chức phận chủ yếu. Một là đánh thức thế giới tâm hồn con người để con người biết hướng tới cái đẹp, cái thiện, biết phẫn nộ, không chấp nhận sự có mặt, sự lộng hành của cái xấu, cái ác, biết phát hiện ra cái đẹp trong cuộc sống và trong con người, biết sống đẹp, làm đẹp thêm cho cuộc đời. Hai là môn văn rèn giũa năng lực thể hiện, bộc lộ, diễn giải cái đẹp, diễn giải thế giới tâm hồn con người. Ngôn ngữ nghèo nàn của ông Thủ tướng một thời vừa qua đi đến tỉnh nào, thành phố nào cũng chỉ biết nói một câu, nơi nào cũng phải là đầu tàu chứng tỏ thời đi học ông Thủ tướng không được học văn đến nơi, đến chốn.

Văn là môn học khám phá cái đẹp của văn chương. Còn Ngữ Văn là thuật ngữ chỉ ngành khoa học nghiên cứu văn chương. Ở bậc đại học có khoa Ngữ Văn. Còn ở bậc phổ thông học trò học môn Văn chứ không phải học môn Ngữ Văn. Đổi tên môn Văn thành môn Ngữ Văn, nhà trường phổ thông chưa dạy lớp người trẻ khám phá cái đẹp của văn chương đã đại lí sự văn chương.

4. Cái đẹp của văn chương mở ra thế giới tâm hồn lớp người trẻ. Có thế giới tâm hồn, con người mới thực sự là Người, mới biết hành xử nhân văn. Phải học Ngữ Văn, không được học môn Văn, thế giới tâm hồn mãi mãi khép kín.

Con người khác con vật bởi con người có trí tuệ và tâm hồn. Thế giới tâm hồn còn đóng kín, chưa được mở ra, chưa có thế giới tâm hồn, con người đó dù sống ở kỉ nguyên văn minh tin học vẫn chỉ là hạng nửa người, nửa thú.

Những người có tính Người mà mâu thuẫn với nhau, nhỏ thì giải quyết bằng tình người, bằng bao dung, chín bỏ làm mười, nhường nhịn, bỏ qua, lớn thì giải quyết bằng luật pháp. Xã hội luôn yên bình, tử tế, cuộc sống luôn đắm say.

Không được học môn Văn mở ra thế giới tâm hồn, những lớp người trẻ bước vào đời xài điện thoại thông minh vẫn chỉ là hạng nửa người nửa thú. Mọi ứng xử của con thú đều bằng bạo lực, bằng đổ máu, thắng thua, còn mất. Xã hội hôm nay tràn ngập bạo lực, lênh láng máu những án mạng bởi đám nửa người, nửa thú đang nghênh ngang khá đông trong đời sống xã hội.

P.Đ.T.

Nguồn: FB Phạm Đình Trọng

This entry was posted in Giáo dục, Ngữ văn. Bookmark the permalink.