Nho giáo và chuyên chế

Thái Hạo

Nho giáo [với tư cách một trường phái học thuật trong “Bách gia chư tử” thời Tiên Tần] đã bị tận diệt đến nay là tròn 2000 năm, việc hô hào chống Nho giáo là vừa ngớ ngẩn, vừa chả để làm gì. Cái cần tống tiễn ra khỏi mọi xã hội là nền cai trị chuyên chế, độc đoán, chứ không phải là những căn bản đạo lý như “cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, hay “Đối với trí thức thì chỉ có thể giết chứ không thể sỉ nhục được”.

Ông Khổng Tử nói “Ngô thuật nhi bất tác” (ta chỉ thuật chứ không sáng tác ra). Thuật cái gì? Thuật lại đạo đức, văn hóa thời Nghiêu – Thuấn. Nghiêu – Thuấn là ai? Là hai ông vua không thích làm vua, nhưng vì có tài và có đức lớn nên được dân kính trọng mà một mực đòi hai ông ấy phải nhận lấy việc coi sóc.

Thời Nghiêu – Thuấn, Tàu có hàng vạn nước, cái nước của hai ông này cũng chỉ nhỏ như mọi nước khác, không có đặc quyền đặc lợi gì khác ngoài chuyện được quyền thực hiện Lễ tế trời đất, và được các nước còn lại triều cống (cũng là một nghi lễ). Hai ông này sống giản dị, hòa mục với dân, và chỉ lo dạy dân làm ăn, xã hội rất thái bình. Ông Khổng Tử thấy thế thì lấy đó làm mẫu mực và “thuật” lại, không chế tác gì thêm. Nội dung được thuật lại đó, gọi là Nho giáo.

Trải qua nhiều biến động, cái văn hóa, đạo đức kiểu Nghiêu – Thuấn dần tàn mạt, đến thời Tần Thủy Hoàng thì diệt hẳn. Nho giáo cũng chấm dứt từ đó.

Nhưng vua chúa Á đông từ thời Tần về sau, vì mục đích giữ ngôi cho mình và dòng họ, chiếm lấy dân và nước để làm của riêng, nên không vứt bỏ Nho giáo mà dựa vào đó để lập ra các tà thuyết. Tà được tạo bằng nhiều cách, như chỉ nói một nửa sự thật, bóp méo nội dung khái niệm, đặt thêm ra các điều xằng bậy. Ví dụ, bọn vua chúa bảo “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung”. Tuy nhiên, ngài Kim Định cho rằng câu này là của thái tử Phù Tô, con trưởng của Tần Thủy Hoàng. Còn Nguyễn Đăng Thục trong tác phẩm Lịch sử tư tưởng Việt Nam cho rằng là của Tống Nho. Tóm lại là hậu Tần, tức khi Nho đã bị diệt.

Còn Nho giáo nói khác hẳn: Trong sách Luận ngữ của Khổng Tử (551-479) có câu: “Vua phải ra vua, tôi phải ra tôi, cha phải ra cha, con phải ra con” (Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử). Mạnh Tử (371-289) nói rõ hơn: “Vua coi bề tôi như chân tay, bề tôi sẽ coi vua như tâm phúc; vua coi bề tôi như chó ngựa, bề tôi sẽ coi vua như người đi đường; vua coi bề tôi như đất cỏ, bề tôi sẽ coi vua như giặc thù”. Ông còn nói, “Chỉ nghe giết một người tên Trụ (tức Trụ Vương), có nghe nói giết vua bao giờ đâu”. Tuân Tử (298-238) tuyên bố: “Giết một tên vua tàn bạo có khác gì giết một tên phu xe độc ác”.

Xem qua thế để biết mấy điều sau đây:

Một là, từ sau Tần thì chân Nho giáo không còn nữa mà chỉ có một màu dối trá gian manh do bọn cai trị đặt ra, mục đích là để ngu dân và đè nén dân, hòng thỏa cái xác thịt của chúng. Nước ta cơ bản cũng không khác. Tình trạng này y như Phật giáo ở Việt Nam hiện đang bị thao túng và lợi dụng nhằm trục lợi và đầu độc nhân tâm;

Hai là (điều này hệ trọng): chính cái độc chuyên chế (quân chủ) đã hủy hoại xã hội, giết chết tính tình lành mạnh của con người và tàn phá mọi nền tảng luân lý, đạo đức, biến dân thành thần dân, thành nô lệ cốt để nô dịch nhằm giữ ngôi cao.

Phan Châu Trinh nói, dân sống dưới quyền chuyên chế của vua thì không biết đến đạo đức là gì nữa.

Nho giáo đã bị tận diệt đến nay là tròn 2000 năm, việc hô hào chống Nho giáo là vừa ngớ ngẩn, vừa chả để làm gì. Cái cần tống tiễn ra khỏi mọi xã hội là nền cai trị chuyên chế, độc đoán, chứ không phải là những căn bản đạo lý như “cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, hay “Đối với trí thức thì chỉ có thể giết chứ không thể sỉ nhục được”…

Đánh Nho giáo là một bài rất diệu, để vừa tỏ ra đạo đức, nhưng an toàn, và cứ thế bỏ mặc xã hội cho những kẻ đáng khinh ngày ngày giày xéo, chà đạp.

Phan Châu Trinh trăn trở: “Có người hỏi luân lý ta mất thì ta có đem luân lý của Âu châu về ta dùng hẳn có được không? Tôi xin trả lời rằng: không. Một nước luân lý cũ đã mất là nước không có cơ sở, nay bảo đem luân lý mới về thì biết đặt vào đâu?” […] “Vẫn biết phép chắp cây của người Tây tài tình thật, nhưng nay đem một cây rất tươi tốt như cây luân lý ở các nước bên Âu Tây kia mà chắp với một cây đã cằn cộc như cây luân lý ở nước Việt Nam ta thì tưởng không tài nào sinh hoa tươi, quả tốt được. Muốn cho sự kết quả về sau được tốt đẹp, tưởng trước khi chắp cây cũng nên bồi bổ cho hai bên có sức bằng nhau đã. Tôi diễn thuyết hôm nay là cốt ý mong anh em nên cứu chữa lấy cây luân lý cũ của ta, rồi sẽ đem chắp nối với cây luân lý của Âu châu vậy”.

Bây giờ không ai đoái hoài đến việc “cứu chữa lấy cây luân lý cũ của ta” đã đành, mà cũng chẳng màng đến việc bồi đắp trí dân để gột cái độc chuyên chế đi, mà chỉ suốt ngày múa gậy vườn hoang, đánh vào hư không cho ra vẻ cao đạo hiểu biết. Than ôi, một dân chúng như thế, tương lai nào phía trước?

T.H.

Nguồn: FB Thái Hạo

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.