Áp đặt “lằn ranh đỏ” cho Luật Đất đai khiến những bất cập sẽ tiếp tục thách thức cải cách, phát triển

Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ – PGS-TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam

2023.03.19

Luật Đất đai, bộ luật được coi là có tầm quan trọng chỉ sau Hiến pháp, cả về chính trị và kinh tế nhưng Luật này luôn “chạy theo” thay vì “dẫn dắt” thực tế. Luật Đất đai 2013 không những đang cản trở chuyển đổi kinh tế sang thị trường mà còn là nguồn cơn của tình trạng tham nhũng do tha hoá quyền lực của chính quyền. Cách tiếp cận “từ trên xuống” áp đặt “lằn ranh đỏ” trong sửa đổi Luật Đất đai năm 2023 sẽ báo trước những bất cập của đang tồn tại trong luật sẽ tiếp tục thách thức cải cách để phát triển.

  clip_image002

Nông dân biểu tình ở Hà Nội năm 2001 phản đối lấy đất nông nghiệp của dân (minh hoạ)Reuters

Bối cảnh sửa đổi

Lần sửa đổi Luật Đất đai năm 2023 diễn ra trong bối cảnh thực tế đã có những thay đổi mạnh mẽ và mang tính xu thế thị trường. Trước hết, kinh tế thị trường đã biến đất đai trở thành nguồn vốn tư bản có vai trò ngày càng lớn đối với tăng trưởng kinh tế và hiệu ứng lan toả. Lĩnh vực bất động sản trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế, hơn thế cần được chú ý như một trụ cột “nội” đảm bảo an ninh kinh tế. Lĩnh vực bất động sản (BĐS) hiện chiếm khoảng một phần năm tổng thu nhập quốc nội GDP, tạo công việc làm và thu nhập cho hàng triệu người dân, thay đổi diện mạo đô thị, du lịch. Ngoài ra, vai trò một đội ngũ doanh nhân được hình thành, đang lớn mạnh, tích tụ và tập trung vốn để có thể trở thành một động lực.

Tuy nhiên, Luật Đất đai đang chứa đựng những bất cập cản trở phát triển thị trường phục vụ cho tăng trưởng kinh tế dài hạn mà còn tạo khoảng trống cho tha hoá quyền lực công ở các cấp chính quyền – tác nhân gây bất ổn thể chế. Thực tế chỉ ra phần lớn các vụ kỷ luật đảng, các vụ án tham nhũng đều có liên quan đến đất đai, trên 70% tổng số các vụ khiếu kiện, oan sai liên quan đến người dân mất đất và vô số biểu hiện trục lợi về đất đai để lại hậu quả tiêu cực về kinh tế xã hội. Tính chất nghiêm trọng do tha hoá quyền lực, như Đảng thừa nhận, đang đe doạ sự tồn vong của chế độ.

Ngoài ra, do thiếu các thể chế mang tính nguyên tắc của thị trường nói chung và BĐS nói riêng cho hoạt động khiến sự vận hành chính sách liên quan đến lĩnh vực BĐS trở nên rất nhạy cảm, thách thức. Chỉ cần một sai lầm chính sách cũng sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn, do tư tưởng nóng vội, chủ quan các nhà điều hành chính sách muốn kinh tế phục hồi nhanh sau đại dịch COVID-19 đã khuyến khích phát hành trái phiếu BĐS, nhưng khi xuất hiện dấu hiệu khủng hoảng đã “hãm phanh” đột ngột. Cú “hạ cánh cứng” này tác động dây chuyền tiêu cực đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, việc làm, giới kinh doanh hoang mang… Đây là một trong những tác nhân khiến kinh tế lâm vào giai đoạn tăng trưởng trì trệ.

“Lằn ranh đỏ”

Thực tế trên đòi hỏi sự sửa đổi cơ bản Luật Đất đai theo hướng phát triển thị trường và kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, lo ngại sự bất ổn, Đảng đã quyết định áp đặt lằn ranh đỏ cho quá trình sửa đổi với việc ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất…”. Đảng coi đây là khung khổ chính trị không được vượt qua, trong đó tái nhấn mạnh các quan điểm: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và phát triển kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa” dưới sự lãnh đạo của Đảng…

Luật Đất đai sửa đổi năm 2023 sẽ lại lần nữa giữ bản chất chủ nghĩa xã hội trong Luật Đất đai 1993, nó cụ thể hoá Hiến pháp 1992 khẳng định chiến lược thời kỳ quá độ lên CNXH. Một phần ba thế kỷ đã trôi qua, đất nước và xã hội chứng kiến nhiều đổi thay trong đó nhờ tăng trưởng kinh tế nhờ thị trường, nhưng “giang sơn thay đổi, ý thức hệ khó dời”, dường như cái hệ tư tưởng đó đang đè mỗi lúc một nặng thêm lên tiến trình cải cách ngăn cản chính sách “đột phá” cần thiết để cho động lực phát triển vượt qua tình trạng tụt hậu về kinh tế.

“Lằn ranh đỏ” nêu trên đã loại trừ cách tiếp cận “từ dưới lên” được xác định trong Luật 63/2020/QH14 về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, theo đó việc thể chế hoá hay luật hoá cần phân tích chính sách khoa học theo quy trình với điểm xuất phát là xác định “vấn đề” thực tế. Chỉ như vậy thì tính hiệu quả, hiệu lực trong việc xây dựng thể chế mới được đảm bảo.

clip_image004

Tấm biển của người dân Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội tại đoạn đường bị chặn sau xung đột giữa người dân và chính quyền địa phương liên quan đến đất đai hồi tháng 4/2017. AFP

“Bản chất con người”

Thực tế chỉ ra rằng, dưới tác động của kinh tế thị trường hành vi con người, bản chất của họ không dễ thay đổi, trong đó, một mặt các khuyến khích tài chính tạo động lực làm việc tích cực hơn, nhưng mặt khác, đồng thời cũng dễ cám dỗ các hành vi trục lợi, lạm quyền mà các thể chế cần thiết được tạo ra để kiểm soát. Đất đai, như một loại hàng hoá đặc biệt, có sức khuyến khích mạnh mẽ. Điều này đã không được tính đến trong việc việc sửa đổi Luật Đất đai bởi sự níu kéo ý thức hệ giáo điều.

Một trong những luận điểm của Các Mác (1818-1883) về bản chất con người đã không phù hợp với thực tế. Ông viết trong Luận cương về Phoi-ơ-bắc (1845) rằng, bản chất của con người là “tổng hòa của các mối quan hệ xã hội.” Bởi vậy, nếu ta thay đổi các mối quan hệ xã hội, chẳng hạn mối quan hệ giữa nhà tư bản và công nhân, thì con người trong xã hội mới sẽ rất khác so với cách họ sống trong chủ nghĩa tư bản. Sự giải phóng sẽ đạt được thông qua đấu tranh giai cấp mà giai cấp công nhân sẽ tiên phong, và do đó sẽ mang lại sở hữu tập thể các phương tiện sản xuất trên cơ sở phủ nhận tư hữu.

Nhà sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản đã mất cách đây tròn 140 năm đã không được chứng kiến sự thử nghiệm thất bại tư tưởng của ông. Sự sụp đổ của các nước XHCN trước đây và sự chuyển đổi thị trường theo mô hình Trung Quốc cho thấy thực tế ngược lại rằng, việc bãi bỏ quyền sở hữu tư nhân các phương tiện sản xuất không hề làm thay đổi bản chất của con người. Hầu hết con người ta, thay vì cống hiến cho lợi ích chung, lại tiếp tục tìm kiếm quyền lực, đặc quyền, và sự xa hoa cho bản thân và người thân. Đó cũng là những gì đang được chứng kiến ở Việt Nam.

“Bất cập”

Ngoài ra, việc áp đặt “lằn ranh đỏ” trong sửa đổi Luật Đất đai đã không tuân thủ quan điểm “dân là gốc” của Đảng, trong đó sự thiếu vắng những nghiên cứu độc lập, phản biện xã hội về nguyện vọng và nhu cầu của người dân, dân oan mất đất là ví dụ . Bởi vậy, những vấn đề như: “Nếu đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì dân cũng có phần nào quyền sở hữu…” vậy, cơ chế giao quyền cho dân thế nào? “Nền tảng của kinh tế thị trường là sở hữu tư nhân” vậy xác định giá đất thế nào khi không có nền tảng này? Khi tha hoá quyền lực nghiêm trọng và thiếu cơ chế kiểm soát thì “Nhà nước đại diện quản lý” thế nào? Thể chế kiểm soát trục lợi là gì? … đang là bất cập trong luật hiện hành sẽ vẫn tiếp tục thách thức cải cách thể chế thị trường.

Không thể đảo ngược được xu hướng thị trường, nhưng xa rời thực tế vì ý thức hệ Luật Đất đai sẽ cản trở sự phát triển. Những tín hiệu mạnh từ thị trường vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà làm luật. Mới đây việc xác định giá đất năm 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh để bồi thường khi giải phóng mặt bằng đối với đất ở tối đa cao gấp 25 lần và đất nông nghiệp – gấp 38 lần giá nhà nước! Đó là một thực tế.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

This entry was posted in luật đất đai. Bookmark the permalink.