Việt Nam và thông tin ‘mù mờ’ về gói chuyển đổi năng lượng sạch 15 tỷ USD

BBC tiếng Việt

15 tháng 3 2023

Thủ tướng VN Phạm Minh Chính tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu của LHQ COP26 tháng11 /2021 tại Glasgow, Scotland. Chính phủ VN đã cam kết đại phát thải bầng 0 vào năm 2050 tại hội nghị này

ẢNH: POOL/GETTTY IMAGES. Thủ tướng VN Phạm Minh Chính tại COP26 năm 2021 tại Glasgow, Scotland. Chính phủ VN đã cam kết đại phát thải bằng 0 vào năm 2050 tại hội nghị này

Thông tin về gói hỗ trợ trị giá hơn 15,5 tỷ đô la từ các nước giàu cho Việt Nam để chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch, tới nay vẫn rất mù mờ, ngay cả với chính phủ VN.

Một đối tác của chính phủ Việt Nam đã gọi gói hỗ trợ này là ‘hộp đen’ vì sự mù mờ nói trên.

"Các điều khoản và điều kiện để… tài trợ hiện chưa rõ ràng đối với cộng đồng phát triển nói chung, bao gồm cả chính phủ [Việt Nam]. Chúng tôi đã hỏi [các quốc gia] G7. Tôi tin rằng ngay cả Việt Nam cũng đã hỏi G7," bà Sunita Dubey nói với trang tin ClimateHome, trong khi than phiền về sự thiếu minh bạch trong các thỏa thuận tài chính của các quốc gia giàu.Cuối năm 20222, Việt Nam ký thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một nhóm các nước giàu và các ngân hàng phát triển, trị giá 15,5 tỷ đô la, để đạt mục tiêu phát thải bằng không vào 2050.

Các nước tài trợ nằm trong nhóm International Partners Group, bao gồm các nước G7, EU, Na Uy và Đan Mạch.

Thỏa thuận này nhằm giúp Việt Nam đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 – sớm hơn năm năm so với kế hoạch ban đầu – cho phép Việt Nam sản xuất gần một nửa sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo.

Nguồn tiền sẽ đến một nửa từ các chính phủ, Ngân hàng Phát triển châu Á, Tổng công ty Tài chính Quốc tế, và các nhánh tư nhân của Ngân hàng Thế giới.

Nửa còn lại dự kiến đến từ đầu tư tư nhân do Liên minh Tài chính Glasgow điều phối cho mục tiêu phát thải bằng không.

‘Thiếu minh bạch’

Theo thỏa thuận, quỹ dự kiến sẽ được huy động trong năm năm tới.

Tuy nhiên, đóng góp của mỗi quốc gia là bao nhiêu trong quỹ này đến nay vẫn chưa rõ.

Bà Sunita Dubey cho rằng có sự không minh bạch ở đây. Đến nay vẫn chưa biết trong thỏa thuận này thì bao nhiêu phần trăm là tài trợ, bao nhiêu là cho vay và mức độ ưu đãi là bao nhiêu.

Ông Jake Schmidt, thuộc Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên có trụ sở tại Hoa Kỳ, tin rằng khoản tài trợ sẽ rất nhỏ – giống với khoản cho Nam Phi – chỉ chiếm dưới 4%.

Để nhận được tài trợ, đến tháng 11 năm nay, Việt Nam phải nộp được kế hoạch ban đầu về các cơ hội đầu tư và các phương thức để chuyển đổi năng lượng.

Nhưng trước tiên chính phủ Việt Nam phải thông qua Kế hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8 (Quy hoạch điện 8) đã bị trì hoãn trong hai năm và mới đây lại tiếp tục bị trì hoãn.

Kế hoạch này được lưu hành trước khi Việt Nam ký JETP nên có nhiều điều khoản không phù hợp với thỏa thuận, phải chỉnh sửa, đặc biệt là các mục tiêu về điện than và gas.

Phụ thuộc vào than

Hiện nay, Việt Nam vẫn nằm trong số 20 nước trên thế giới phụ thuộc vào than để sản xuất điện.

Ngành than Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi lượng than nhập khẩu mỗi năm cho sản xuất công nghiệp trong thập kỷ tới, theo tờ trình chính phủ cuối năm 2022 của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).

coal

Theo đó, tổng nhu cầu than trong nước năm 2022 hơn 108,4 triệu tấn, sẽ tăng lên:

•2025: gần 115 triệu tấn

•2030: 137,3 triệu tấn

•2040: 150,5 triệu tấn

Để đáp ứng nhu cầu nói trên, Việt Nam có kế hoạch nhập:

•Từ nay đến 2025: 71 triệu tấn than mỗi năm

•2025-2030: 90 triệu tấn mỗi năm

•2030-2035: 105 triệu tấn mỗi năm

•2035-2040: 107 triệu tấn mỗi năm

Chỉ từ 2045 Việt Nam mới dự kiến giảm dần lượng than nhập khẩu xuống còn 32-35 triệu tấn/ nắm, với kỳ vọng đảm bảo được cam kết phát thải bằng 0 vào năm 2050 mà chính phủ Việt Nam đã đặt ra tại Thượng định Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26).

Theo bà Courtney Weatherby, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, nói với BBC News Tiếng Việt hồi cuối tháng 1/2023 rằng nếu Việt Nam tiếp tục quay trở lại đầu từ cho điện than thì sẽ chẳng khác nào ‘mua dây buộc mình’, tự ‘trói’ mình vào một loại năng lượng đã ‘hết thời’.

Bà Weatherby cũng cảnh báo khả năng các công ty đa quốc gia đang đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam sẽ tìm đến các quốc gia khác – nơi chính phủ quan tâm đầu tư hơn cho năng lượng tái tạo.

Còn theo số liệu do bà Flora Champenois, chuyên gia phân tích tại Global Energy Monitor cung cấp cho BBC, ngoài các nhà máy điện than đang hoạt động, Việt Nam còn có 11 nhà máy điện than mới đang và sẽ được xây dựng trong những năm tới.

Hầu hết trong số đó là vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Ông Jake Schmidt bình luận Climate Home rằng "Vẫn còn một số lực lượng ở Việt Nam muốn sử dụng nhiều than và khí đốt hơn."

Các nước đã ký JETP?

Hiện nay, có ba quốc gia đã ký thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) để nhận hỗ trợ từ G7 và các nước phát triển khác.

•Nam Phi, ký JETP năm 2021 với gói tài trợ 10 tỷ USD

•Indonesia ký JETP tại sự kiện G20 ở Bali tháng 11/2022, nhận 8,5 tỷ USD

•Việt Nam ký ngày 14/12/2022, với 15,5 tỷ USD

Mục tiêu của thỏa thuận?

Với thỏa thuận này, các nước phát triển sẽ giúp Việt Nam:

•Đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính vào năm 2030, thay vì dự kiến trước đây vào năm 2035

•Giảm tới 30% phát thải hàng năm của ngành điện từ 240 triệu tấn xuống 170 triệu tấn

•Giới hạn công suất điện than tối đa ở mức 30,2 gigawatt (GW) thay vì 37 GW theo kế hoạch ban đầu

•Cung cấp 47% điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030, so với kế hoạch dự kiến hiện tại chỉ tăng 36%

Một số vụ việc quốc tế quan ngại khi thực hiện thỏa thuận JETP?

Năm 2018, bà Khanh là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng Môi trường Goldman,

ẢNH: GOLDMANPRIZE.ORG.’Anh hùng khí hậu" Ngụy Thụy Khanh hiện đang thụ án tù 2 năm

• Việt Nam đã bỏ tù bốn nhà hoạt động môi trường, trong đó có anh hùng khí hậu Nguỵ Thị Khanh – người nhiều năm qua đã tích cực vận động để Việt Nam bỏ dần điện than, chuyển sang năng lượng sạch.

• Ngành điện lực Việt Nam – do nhà nước độc quyền – đã ngưng mua điện mặt trời từ nhiều nhà máy do quá tải điện lưới và không thống nhất được giá bán điện – khiến nhiều nhà đầu tư lao đao, nguy cơ thua lỗ, phá sản.

• Việt Nam hiện chỉ đứng sau Trung Quốc về điện than trong số các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong. Nhiều nhà máy điện than đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay là do Trung Quốc đầu tư

• Việt Nam nhiều lần trì hoãn thông qua Dự thảo Quy hoạch Điện 8, khiến hàng tỷ đô la đầu tư nước ngoài vào các dự án năng lượng sạch như điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, không thể triển khai được, làm nản lòng các nhà đầu tư.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

This entry was posted in Năng lượng. Bookmark the permalink.