Phạm Trần
Cách nay 6 năm, khi còn giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông Võ Văn Thưởng đã đề xướng “tổ chức đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước” (báo Pháp luật, ngày18/05/2017)
Ông nói: “Đây là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”
Khi ấy ông Thưởng cho biết, Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Ý kiến của ông Võ Văn Thưởng gieo vào tâm trí người đọc một tia hy vọng.
Tuy nhiên, Ban Bí thư do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cầm đầu đã không làm theo ý Ban Tuyên giáo. Sáng kiến “đối thoại” tắt lặng từ đấy.
ĐÀN ÁP ĐÒI TỰ DO
Tiếp theo là cuộc đàn áp những ngưởi đòi tự do tư tưởng. Ngày 29 tháng 11 năm 2019, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Phạm Chí Dũng bị bắt giữ về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 – Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) Trưa ngày 5-1-2021, Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên phạt ông Phạm Chí Dũng 15 năm tù.
Sau đó, vào ngày 24 tháng 5 năm 2020, Phó Chủ tịch Nguyễn Tường Thụy bị bắt tạm giam để điều tra về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự.
Lê Hữu Minh Tuấn, một thành viên trẻ của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, tham gia từ 2015, vào ngày 12 tháng 6 bị cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh triệu tập làm việc và bắt đưa về Trại giam Chí Hòa.”
Đến ngày 14 tháng 12 năm 2021, Nhà đấu tranh dân chủ nổi tiếng nhất trong giới nữ, Phạm Thị Đoan Trang bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 9 năm tù giam về tội tuyên truyền chống nhà nước.
CHÂU ÂU LÊN TIẾNG
Trước đàn áp của phía Việt Nam, ngày 22.01.2021, Nghị viện châu Âu ra tuyên bố “kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam thả ngay lập tức và vô điều kiện những nhà bảo vệ nhân quyền và các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, và Lê Hữu Minh Tuấn, cũng như tất cả những người đang bị giam cầm và kết án trong nước chỉ vì đã thực hiện quyền bày tỏ tự do ngôn luận, và xóa bỏ tất cả các bản án dành cho họ.
Các nghị sĩ của Nghị viện châu Âu bàng hoàng và lên án sự đàn áp ngày càng mạnh mẽ đối với vấn đề bất đồng quan điểm và sự vi phạm nhân quyền ngày càng gia tăng tại Việt Nam.
Các nghị sĩ nhắc lại rằng việc tôn trọng nhân quyền cấu thành một nền tảng quan trọng cho quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu và là một yếu tố chủ đạo trong Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam. Nghị viện châu Âu kêu gọi tất cả các bên liên quan tận dụng các hiệp định hiện có giữa EU và Việt Nam để cải thiện tình hình nhân quyền trong nước. Nghị viện cũng yêu cầu Ủy ban châu Âu và Cơ quan Ngoại giao châu Âu thực hiện một đánh giá về việc hiệp định thương mại tự do hiện tại có thể tác động tình hình nhân quyền ở Việt Nam như thế nào.
Nghị quyết đã nhận được 592 phiếu thuận, 32 phiếu chống và 58 phiếu trắng.”
(Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ngày 22.01.2021)
VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP
Văn đoàn Đoàn độc lập Việt Nam do Nhà văn Nguyên Ngọc đứng đầu ra mắt tại Hà Nội ngày 3/3/2014, tuy bị cấm hoạt động nhưng không ai bị bắt.
Ban Vận động Văn đoàn Độc lập quy tụ những cây bút quen thuộc như Bùi Chát, Bùi Minh Quốc, Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường, Đặng Tiến, Đỗ Lai Thúy, Đỗ Trung Quân, Giáng Vân, Hoàng Hưng, Nguyễn Duy, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang Lập, Phạm Đình Trọng…
Một danh sách khởi đầu gồm 55 Văn nghệ sỹ tham gia Văn đoàn Độc lập được công bố và được hoan nghênh trong giới hoạt động văn học tự do và dân chủ.
Để tđáp lại, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông, vào ngày 13/3/2018 đã ký chỉ thị 4112 ra lệnh “rút toàn bộ tác phẩm của các tác giả tham gia Tổ chức ‘Văn Đoàn Độc lập’ ra khỏi Chương trình sách giáo khoa.”
PHẢN ỨNG
Nhà văn Phạm Đình Trọng, một thành viên của Văn Đoàn Độc lập tại thành phố Hồ Chí Minh, nói với VOA rằng việc loại bỏ tác phẩm của các nhà văn tham gia Văn Đoàn Độc lập ra khỏi sách giáo khoa ngữ văn trong nhà trường là “việc làm nhỏ nhen, thiển cận và rất phi chính trị của những nhà chính trị cộng sản.”
“Đây là một quyết định của Ban Tuyên giáo, một việc làm nhỏ nhen, hẹp hòi và phi chính trị, vì một nền chính trị lành mạnh thì phải hướng đến nhân dân, hướng đến một nền văn hóa của nhân dân chứ không phải là của đảng phái, phe nhóm vì đó không phải là một chính trị chân chính.”
Cựu nhà văn quân đội từng phục vụ dưới chế độ cộng sản nói thêm rằng quyết định này của lãnh đạo Ban Tuyên giáo là hành động “chống lại nhân dân, chống lại đất nước về văn hóa, làm méo mó, xấu xí, nghèo nàn gương mặt văn hóa đất nước với thế hệ trẻ hôm nay và ngày mai.” (VOA Tiếng Việt, ngày 26/03/2018)
LÝ DO THÀNH LẬP
Nhà văn Nguyên Ngọc nêu lý do thành lập Văn đoàn Độc lập: “Sau năm 1975, kết thúc một thời kỳ lịch sử kéo dài hơn trăm năm, đất nước cần một cuộc phục hưng dân tộc căn bản, mà nền tảng là phục hưng văn hóa. Tiếc thay công cuộc cần thiết và nghiêm trang ấy đã không diễn ra như mong đợi. Trái lại văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc.”
Ông Nguyên Ngọc nhấn mạnh: “Về mặt khách quan, một xã hội như chúng ta đang có, trong đó các quyền tự do cơ bản của con người thực tế bị vi phạm trầm trọng, đương nhiên đè nặng lên tâm lý sáng tạo của người cầm bút, làm mờ nhạt và tắt lụi các tài năng. Quyền tự do sáng tác và tự do công bố tác phẩm đang là đòi hỏi sống còn của từng nhà văn và của cả nền văn học. Không có những quyền tự do tối thiểu đó thì không thể có một nền văn học đàng hoàng.”
Trong khi đó, Nhà báo Phạm Chí Dũng nêu lý do: “Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là một hội "chuyên nghiệp báo chí độc lập", một tổ chức "xã hội dân sự", được thành lập vào ngày 4 tháng 7 năm 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh, có mục đích: "phục vụ cho các nhà báo không phân biệt người trong nước và người ngoài nước, các cộng tác viên báo chí độc lập, và cả những nhà báo quốc doanh".
TỪ CHỐI ĐỐI THOẠI
Trước đòi hỏi của 2 Tổ chức dân sự Nhà văn và Nhà báo độc lập, Ban Tuyên giáo của đảng CSVN, nói chung và Trưởng ban Võ Văn Thưởng nói riêng, đã giữ thái độ im lặng.
Chủ trương “mũ ni che tai” của đảng trước đòi hỏi dân chủ, tự do và quyền con người của người dân Việt Nam không mới, nhưng đề xướng đối thoại là do ông Võ Văn Thưởng đưa ra rồi rút lại là hành động thiếu tự trọng của những người lãnh đạo.
Không có bất cứ lý do nào được đảng hay ông Thưởng đưa ra để bảo vệ cho quyết định bỏ “đối thoại”, nhưng báo Quân đội Nhân dân, có thể vì sợ bị bị động nên đã đặt điều kiện: “Thiết nghĩ, “dự thảo” về hoạt động đối thoại mà Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra là để làm rõ và nếu có thể để hoàn thiện các quyết định của Đảng, Nhà nước. Các cuộc đối thoại với một số cá nhân nào đó cũng trong khuôn khổ đó chứ không phải để đưa ra hoặc thay đổi các quyết định của Đảng và Nhà nước; không thế đứng trên Hiến pháp của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nói cách khác, các cuộc đối thoại phải nhằm phát huy dân chủ XHCN-nền dân chủ dựa trên những nguyên tắc căn bản. Đó là xác định mục tiêu và con đường xây dựng xã hội XHCN ở nước ta. Mục tiêu và con đường đó dựa trên nền tảng lý luận Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh (bao gồm sự vận dụng và phát triển sáng tạo của Đảng ta, nhất là trong thời kỳ đổi mới), đồng thời lấy vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội và Nhà nước làm tiền đề. Nói cách khác, các cuộc đối thoại không thể vượt qua “lằn ranh đỏ” chính trị nói trên, vì đấy chính là lợi ích của quốc gia, dân tộc. Chủ đề các cuộc đối thoại do đó cũng không thể nhằm “xem lại”, bác bỏ các giá trị của dân tộc ta, trong đó có thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thành quả vĩ đại của các cuộc kháng chiến anh hùng, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc…” (QĐND, ngày 28/05/2017)
Lạ nhỉ? Đã gọi là đối thoại thì phải có 2 bên, “bên Đảng” và “bên Dân”. Một cuộc đối thoại chỉ thành công khi được hai bên đồng ý các vấn đề thảo luận. Không bên nào có quyền áp đặt điều kiện cho bên kia phải thảo luận theo ý riêng của mình.
Vì vậy, khi báo QĐND chỉ muốn có cuộc đối thoại một chiều và hình thức theo ý đảng thì nhân dân tiếp tục lánh xa, dù có mâm cao cỗ đầy cách mấy.
Tuy nhiên ý của QĐND cũng đã được nhắc đến trong Phát biểu nhậm chức Chủ tịch nước của ông Võ Văn Thưởng hôm 2/3 (2023). Ông nói: “Vấn đề mang tính nguyên tắc có ý nghĩa sống còn, nền tảng vững chắc đối với đất nước ta, chế độ ta là phải kiên định vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới của Đảng…”
Tuy vậy, ông vẫn hứa: “Không ngừng chăm lo xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chân thành lắng nghe các ý kiến vì dân, vì nước của mọi người Việt Nam yêu nước.”
Nhưng nếu “yêu nước” mà phải “yêu Chủ nghĩa Cộng sản” thì làm sao tìm được điểm chung để đối thoại giữa hai bên?
Vậy liệu bây giờ, trong tư cách Chủ tịch nước, ông Võ Văn Thưởng có còn muốn tổ chức “đối thoại” nữa hay thôi?
Đó là điều xin chân thành được hỏi lại ông.
(03/023)
Tác giả gửi BVN. Quan điểm và thủ pháp ngôn từ trong bài là thuộc về tác giả.