Ngày mất của Stalin 70 năm trước và người đầu bếp

Nguyễn Xuân Thọ

5-3-2023

Trong lịch sử nước Nga và Liên Xô không ai vượt qua được Josef Stalin về tính tàn bạo và sự chuyên quyền. Người ta từng nghĩ rằng ông bất tử và ở tận nước Việt nam xa xôi, khẩu hiệu Stalin muôn năm được treo khắp nơi.

Vậy mà đêm 28.02.1953 ông ta bỗng ngã vật trong nhà riêng ở ngoại ô Moskva vì xuất huyết não. Sáng 01.03 các nhân viên bảo vệ thấy ông dậy muộn nhưng không ai dám vào phòng. Ai cũng sợ nhà độc tài khó tính. Mãi đến 10 giờ sáng, một anh lính mới lén mở cửa phòng ngủ và phát hiện ra ông đang nằm trên sàn nhà. Toàn bộ thủ hạ của ông ta, từ Khrushev đến trùm mật vụ Beria đều luống cuống và không ai dám đưa ra quyết định nào về phương cách cứu chữa. Trước một Stalin đã hôn mê, mọi người vẫn sợ trách nhiệm và không ai dám khẳng định vai trò của mình. Không khí nghi kị từ 26 năm qua vẫn bao trùm chế độ. Stalin cứ nằm đó hàng chục tiếng đồng hồ nữa không được cấp cứu.

Ngay cả việc mời bác sỹ nào cũng là vấn đề tranh cãi. Chỉ cách đó vài tuần, Stalin đã ra lệnh cho Beria bắt giam bác sỹ riêng, giáo sư Vinogradov cùng nhiều bác sỹ giỏi khác trong vụ án “Âm mưu bác sỹ” [1]

Mãi đến ngày 2.3 bác sỹ mới được cử đến và phải điều trị một bệnh nhân nằm trong vũng nước tiểu trên ghế sofa. Mọi biện pháp cấp cứu đều vô nghĩa vì quá muộn.

Điều trớ trêu của lịch sử. Stalin trở thành nạn nhân cuối cùng của chế độ độc ác mà ông tạo ra. Bị cấp cứu muộn vì không ai dám quyết định gì mà không có ý kiến của ông. Những bác sỹ có thể cứu được ông đều đã bị bắt giam.

Ngày 05.03.1953, ngày này 70 năm trước đã chấm dứt cuộc đời nhà độc tài, người đã xây dựng ra một đế chế Xô Viết kéo dài từ eo biển Bering sát nước Mỹ đến tận bờ sông Elbe nằm giữa nước Đức.

Cuối năm 1989, đế chế này bắt đầu sụp đổ, khi người dân Đông Đức nổi dậy phá bỏ bức tường Berlin, và toàn bộ Đông Âu bỗng thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Liên-Xô. Người chứng kiến sự sụp đổ này là đại úy Wladimir Putin, khi đó là nhân viên tình báo KGB ở Dresden. Đối với Putin, thế giới xung quanh anh ta sụp đổ. Việc biến Đông Âu thành khu vực phên dậu của nước Nga được Putin coi là “chiến lợi phẩm” của cuộc chiến tranh thế giới II đã giết chết 27 triệu công dân Xô Viết. Từ bỏ Đông Âu và các nước lân bang khác là điều không thể chấp nhận đối với Putin.

Lãnh thổ nước Nga 1914 do Sa Hoàng để lại (màu đỏ + sọc chéo) và biên giới nước Nga hiện nay (màu đỏ). Nguồn T-Online.de

Mặc dù trong những năm qua, Putin có lúc tỏ ra đoạn tuyệt với chế độ Stalinist, như việc năm 2017 ông ta khánh thành “Bức tường đau thương” ở Moskva để tưởng niệm các nạn nhân của Stalin, nhưng Putin luôn coi Stalin và các vua Sa Hoàng là những tấm gương. Putin không tiếc xương máu của thanh niên Nga trong các cuộc chiến tranh ở Chechnia, Gruzia, Syria và nay ở Ukraine chỉ để thỏa mãn giấc mộng đế quốc của ông ta. Trong tay áo của Putin còn có nhiều quân bài, như các cộng đồng Nga ở Moldavie, ở các nước Pribaltic và các nước Trung Á. Nếu như Nga không bị quân đội Ukraine chặn đứng bên bờ sông Dniepr như hiện nay thì thế chẻ tre của Putin đã làm thay đổi biên giới châu Âu khá nhiều.

Đến các nhà độc tài ở Belarus hay ở các quốc gia hậu Xô viết Trung Á và Kavkaz nay cũng bắt đầu nhìn tham vọng lãnh thổ của Putin bằng cặp mắt lo ngại. Chỉ còn số ít người Việt tin vào luận điệu “chống phát xít” của Putin ở Ukraine.

Khi đọc lại mối quan hệ giữa Putin và Stalin, tôi bỗng phát hiện ra một liên hệ rất thú vị:

Đầu những năm 1920 có một ông già tên là Spiridon Putin (sinh năm 1879) làm đầu bếp cho gia đình Lenin ở thị trấn Gorki, ngọai ô Moskva. Lenin lúc này đang ốm nặng nên cần có chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Ông Spiridon từng là đầu bếp giỏi trong các khách sạn sang của chế độ Sa Hoàng nên được nhiều nhà cách mạng lúc đó biết đến, vì đa số họ đều xuất thân từ tầng lớp trên của xã hội Nga. Thế là họ điều ông về nấu cho Lenin [2].

Sau khi Lenin qua đời, Spiridon tiếp tục nấu ăn cho các cán bộ cao cấp của Liên Xô trong điện Kremlin. Đặc biệt là Stalin. Ông ta rất thích các món thịt, nhất là thịt cừu và súp do Spiridon nấu.

Ông Spiridon cưới bà Olga và sinh ra 5 người con: Mikhail, Wladimir, Aleksei, Anna und Aleksander.

Người con thứ hai, ông Wladimir cưới bà Maria Iwanowna. Họ sinh được ba người con: Albert, Viktor… và cậu út là Wladimir [3].

Wladimir Wladimirowitsch Putin là cái tên Nga cúng cơm (Wladimir, con ông Wladimir Putin) của nhà độc tài mới. Ông nội cậu không thể ngờ rằng cháu mình lại leo cao đến thế. Ông ta mất năm 1965, khi Putin cháu mới 12 tuổi. Trong những năm cuối đời, ông kể cho cậu cháu nghe về nỗi sợ khủng khiếp của ông khi sống bên cạnh nhà độc tài Stalin. Putin rất tự hào về ông nội khi nói:

“Rất ít người thân cận xung quanh Stalin sống sót một các êm thấm. Ông tôi là một trong số ít này”.

Và một bài học mà cựu sỹ quan KGB rút ra từ kinh nghiệm của ông già đầu bếp: Putin không dùng một đầu bếp riêng nào cả. Ông sử dụng một tổ đầu bếp thân cận, để họ kiểm soát nhau, để tránh bị đầu độc.

Lại một sự trùng lặp của lịch sử mà tôi nhận ra:

Trong số các đầu bếp của Putin từng có một người tên là Jewgeni Prigoschin. Tay này hiện đã là một tỷ phú lớn ở Nga. Từ nấu súp cho Tổng thống, anh ta đã rỉ tai để được thầu bếp ăn cho quân đội Nga, gần một triệu suất ăn mỗi ngày. Từ đó gã bành trướng rồi thành thủ lĩnh quân đội đánh thuê Wagner khét tiếng. Hiện Prigoshin chưa dám làm gì Putin, nhưng y đang lấn át các nhân vật thân cận như tướng Gerashimov, tổng tham mưu trưởng, tướng Schoigui, bộ trưởng bộ quốc phòng. Y đang muốn biến quân Wagner thành lực lượng tinh nhuệ nhất nước Nga.

Tin đồn về việc Putin bắt đầu coi chừng ông cựu đầu bếp không phải là vô cớ.

Cũng như Stalin, những kẻ độc tài thường trở thành nạn nhân của chính chế độ chúng tạo ra.

_____

[1] https://www.britannica.com/event/Doctors-Plot

[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Spiridon_Putin

[3] https://de.quora.com/Welcher-Zufall-hat-Dich-sprachlos-gemacht

[3] https://www.elmundo.es/loc/2015/05/09/554d187222601dc3648b4576.html

N.T.

Nguồn: FB Tho Nguyen

This entry was posted in Putin, Stalin. Bookmark the permalink.