Cá mập Trung Quốc: Sắp đến lúc “táp” các con nợ?

Lê Tây Sơn

Khi các khoản nợ khổng lồ của Trung Quốc (TQ) cho các nuớc nghèo vay đã đến hạn và những nước nghèo nhất thế giới không có tiền để trả, bộ mặt đạo đức hay con buôn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ được phô bày.

clip_image002

Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất đối với nhiều quốc gia châu Phi (ảnh: Dong Jianghui/Xinhua via Getty Images)

Chủ nợ “cơ hội” nhất thế giới

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và các quan chức hàng đầu sắp có một sự lựa chọn khó khăn vào cuối tuần này. Nó sẽ cho thấy rõ hơn loại vai trò kinh tế toàn cầu nào mà TQ định thực hiện trong tương lai gần: kẻ hào phóng xoá nợ hay gã nhà giàu bần tiện dùng nợ để tống tiền các nước nghèo? Câu hỏi lớn đặt ra ở đây là liệu TQ có đồng ý xóa một phần khoản trả nợ vay từ các nước đang phát triển giống như hầu hết các chủ nợ chính phủ hàng đầu khác, kể cả Hoa Kỳ và Ấn Độ đã làm.

Hành động của TQ đang được thế giới nhìn vào với cả góc độ đạo đức và tài chính. Nếu TQ từ chối tham gia với các nước giảm nợ, thì cũng đồng nghĩa với việc Bắc Kinh khẳng định không sẵn sàng chấp nhận các trách nhiệm kinh tế và đạo đức đi kèm với tham vọng trở thành nhà lãnh đạo kinh tế toàn cầu, vượt cả Mỹ. Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào Trung Quốc khi những người cầm đầu tài chính thế giới gặp nhau vào Thứ Bảy 25 Tháng Hai bên lề hội nghị tài chính của Nhóm 20 (G20) ở Ấn Độ để thảo luận về việc xóa nợ vào thời điểm nhiều quốc gia nghèo nhất thế giới đang khốn đốn về nợ nần với những khoản nợ không trả được.

Theo bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 60% quốc gia có thu nhập thấp đang ở trong tình trạng kinh tế khó khăn hoặc gần khó khăn. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng đã đến một số nước. Năm ngoái, Sri Lanka vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử và nền kinh tế của nước này tan rã. Người biểu tình đã lật đổ tổng thống. Zambia vỡ nợ năm 2020 vẫn chưa phục hồi.

clip_image004

Ngoại trưởng Vương Nghị trong một cuộc họp với Ngoại trưởng Stanley Kasongo Kakubo (Zambia) vào Tháng Ba 2022 (ảnh: Zhou Mu/Xinhua via Getty Images)

The Washington Post cho biết, tuần trước, Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema đã gọi khoản nợ của nước ông là “tự sát” và “black mamba kiss of death” (nụ hôn chết chóc của rắn mamba đen, ám chỉ loại rắn độc cắn chết người). Hãy nhìn lại một số bằng chứng lịch sử. Vào giữa thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia châu Âu đã đồng ý hạ giá trị các gói cho vay đến các quốc gia nghèo nhất (động thái được giới tài chính gọi là “taking a haircut” (thành ngữ ám chỉ việc chấp nhận hoặc nhận lại ít hơn những gì bị nợ). Kể từ đó, nhiều quốc gia G-7 cung cấp các khoản vay lớn trở lại trong tâm thế miễn cưỡng. Vì vậy các quốc gia châu Phi và Đông Nam Á phải chuyển sang TQ và các nhà cho vay tư nhân khi cần vốn phát triển.

Bộ mặt thật sẽ được phô bày

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), TQ hiện là chủ nợ chính phủ lớn nhất thế giới của các nước đang phát triển, chiếm gần 50% tổng số nợ của họ, tăng từ 18% so với năm 2010. Các khoản vay của TQ thường có lãi suất cao. Thường phải mất rất nhiều thời gian các quốc gia nghèo mới có thể trả hết nợ, ngay cả khi tình hình kinh tế thuận lợi. Nhưng nay họ không thể làm được như thế nữa vì đại dịch toàn cầu và cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã tàn phá các nền kinh tế thu nhập thấp, nơi người dân phải vật lộn với bữa ăn hàng ngày.

Kịch bản lý tưởng là tất cả các chủ nợ chính phủ và khu vực tư nhân (kể cả TQ) đồng ý giảm nợ hay xoá nợ cho các nước nghèo. Sau đó, các tổ chức quốc tế như IMF và WB có thể can thiệp để bổ sung các khoản vay và tài trợ lãi suất thấp mà các nước nghèo rất cần. Nhưng sẽ không thể thực hiện được kế hoạch này nếu không có TQ tham gia. Điều đó chứng tỏ TQ đã trở thành một chủ nợ lớn thế nào trong bài toán nợ nần của thế giới.

Ví dụ, gần một phần ba số nợ nước ngoài của Zambia, Pakistan và khoảng 12% nợ nước ngoài của Sri Lanka là nợ từ TQ (theo một phân tích dữ liệu của WB được thực hiện bởi Trung tâm Phát triển Toàn cầu – Center for Global Development). Khi TQ yêu cầu IMF và WB cùng chia sẻ khoản lỗ, đòi hỏi này được xem là… rất bất thường! Theo thông lệ, hai tổ chức tài chính này là “người cho vay cuối cùng” với mức lãi suất rất thấp.

IMF và WB từng lỗ nặng trong cái gọi là sáng kiến ​​giúp các nước nghèo giải quyết các món nợ nặng nề cách đây 25 năm khiến Hoa Kỳ và các quốc gia G-7 khác phải đổ thêm vốn vào để giúp cả hai hoạt động bình thường. Nếu một kịch bản tương tự xảy ra vào lúc này, nhiều quốc gia phương Tây sẽ phải giúp thanh toán các khoản nợ TQ của các nước nghèo. Thực tế là TQ là nước cho vay cắt cổ nên ít có ai ngạc nhiên khi nhiều nước trong 150 quốc gia vay nợ của TQ không thể trả nợ theo hợp đồng vay.

Cho đến nay, trợ giúp của TQ vẫn chủ yếu là đề nghị hoãn trả nợ một vài năm. Làm thế là không nhân đạo vì TQ với hơn $3 ngàn tỷ dự trữ không quá cần tiền. Rõ ràng, TQ đã và đang sử dụng các quốc gia đang phát triển làm con tốt mặc cả trong nỗ lực tranh giành ảnh hưởng với Hoa Kỳ, nhưng bằng một chiến lược tồi tệ mà các nhà chỉ trích gọi là “ngoại giao bẫy nợ” (debt-trap diplomacy). TQ tuyên bố hỗ trợ người nghèo thế giới, nhưng thực tế TQ đang bóc lột họ. Bây giờ, khi các hóa đơn sắp đến hạn thanh toán, câu hỏi đặt ra là ai sẽ thanh toán chúng và bộ mặt thật của TQ sẽ được phô bày.

L.T.S.

Nguồn: Saigonnhonews.com

This entry was posted in Âm mưu Tàu Cộng, Ngoại giao bẫy nợ. Bookmark the permalink.