Xác minh tài sản cán bộ có dễ không?

Lê Thiếu Nhơn

Muốn xác minh tài sản cán bộ thật chuẩn xác, thì nhất định phải dựa vào tai mắt của quần chúng.

Thanh tra Chính phủ đã tổ chức bốc thăm lựa chọn ra 67 cán bộ thuộc 9 bộ, ngành để xác minh tài sản thu nhập năm 2023. Trong số 67 trường hợp ấy, có 17 người thuộc Bộ Công thương, 16 người thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, 11 người thuộc Ngân hàng Nhà nước, 7 người thuộc Bộ Giao thông vận tải, 4 người thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, 3 người thuộc Thanh tra Chính phủ, 3 người thuộc Tập đoàn Dầu khí, 3 người thuộc Tập đoàn Điện lực và 3 người thuộc Tập đoàn Than khoáng sản.

Đây là một sự kiện rất được dư luận quan tâm. Bởi lẽ, thông qua cuộc xác minh này có thể kiểm soát được tài sản của cán bộ và sự trung thực của cán bộ khi kê khai tài sản thường niên.

Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định rất rõ ở điều 35 về những loại tài sản, thu nhập của cán bộ và vợ hoặc chồng, con chưa thành niên. Thế nhưng, việc kê khai tài sản thường niên vẫn chỉ mang tính chất nhắc nhở, chứ chưa thể nào nhận diện những tài sản bất minh của cán bộ.

Vì sao phải bốc thăm lựa chọn 67 cán bộ để xác minh tài sản? Vì hiện tại chúng ta vẫn chưa đủ điều kiện về nhân lực để xác minh toàn bộ đối tượng thuộc diện kê khai tài sản. 67 cán bộ trong đợt này, chỉ là một con số khiêm tốn, song chỉ cần có được kết quả đúng và đủ để bố cáo công khai thì ý nghĩa xã hội sẽ làm hài lòng người dân.

Vấn đề đáng suy ngẫm là, nếu xác minh được tài sản nằm ngoài văn bản kê khai của cán bộ và cán bộ cũng không chứng minh được tính hợp pháp của tài sản, thì phải giải quyết ra sao? Có thể tịch thu tài sản bất minh chăng? Nếu vẫn dùng thái độ nể nang và nương nhẹ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực cho công tác phòng chống tham nhũng.

Lẽ thường, tài sản bất minh thì luôn được che giấu và dịch chuyển khéo léo và khôn ngoan. Có không ít cán bộ chi đứng tên một căn hộ chung cư bình dân, nhưng người thân của họ dù không có thu nhập ổn định lại sở hữu hàng chục biệt thự và siêu xe. Hiện tượng một người làm quan cả dòng tộc giàu có, liệu giải thích tường tận được không?   

Thực tế ở nhiều địa phương, cán bộ có cơ ngơi hoành tráng nhưng đều được hợp lý hóa bằng những công việc kinh doanh của vợ hoặc chồng, hoặc con cái. Vậy thì, trong quá trình xác minh tài sản của cán bộ, có cần thiết yêu cầu trình bày thêm về dòng tiền có được từ những hoạt động kinh doanh kia không? Liệu một quán cà phê hay một tiệm giày dép mỗi năm chỉ nộp thuế vài triệu đồng, có thể mang lại lợi nhuận hàng chục tỷ đồng chăng? Thậm chí, còn phải chú ý đến những món đồ cổ và những cây kiểng có giá trị thị trường rất cao, mà cán bộ đang trưng bày ở tư gia.

Muốn xác minh tài sản cán bộ thật chuẩn xác, thì nhất định phải dựa vào tai mắt của quần chúng. Bởi lẽ, không ai thấu hiểu cán bộ đã phát tài phát lộc với tốc độ nào trước và sau khi có chức vụ, bằng những người hàng xóm xung quanh./.

L.T.N.

Nguồn: Nông Nghiệp

This entry was posted in tham nhũng. Bookmark the permalink.