Nguyễn Thùy Dương
Có vẻ chưa kịp vui mừng vì thủ tục hành chính cấp sổ Hộ Khẩu được huỷ bỏ, người ta đã nhanh chóng chuyển chế độ sang hết hồn khi cuốn sổ Hộ khẩu bị khai tử.
Nếu trước kia, để xác định thường trú, người ta chỉ việc photo sổ hộ khẩu, đem ra phường sao y thị thực mất nửa tiếng tới 1 tiếng đồng hồ để chờ đợi, xếp hàng và cái giấy đó có giá trị 6 tháng. Thì bây giờ, người ta mất một ngày đi lại và gần 3 ngày chờ đợi để nhận giấy xác minh cư trú vì sổ hộ khẩu không được sử dụng nữa, và cái giấy bây giờ có giá trị trong 1 tháng!
Dĩ nhiên, đó chỉ là một phần phiền phức của thủ tục hành chính thôi. Câu chuyện còn tiếp diễn ở nhiều mặt tiêu cực khác nữa. Để tui kể cho nghe.
1. Năm 2012, Tất Thành Cang ký Quyết định cưỡng chế đối với hộ cô P. ở khu phố 1, phường Bình An, Quận 2, Tp. HCM (dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm). Hồ sơ đền bù ghi nhận tại căn nhà của cô P. không có ai sinh sống ở đó nên cô P. không được tái định cư. Cô được nhận một số tiền nhỏ và phải ra đi, dù cô có sổ hồng (Giấy Chứng Nhận Quyền Sở Hữu Nhà và Quyền Sử Dụng Đất). Cô P. khiếu nại khiếu kiện cho tới nay, bằng chứng cô chứng minh đủ điều kiện nhận đất tái định cư là HỘ KHẨU GIẤY. Câu hỏi đặt ra, nếu như bọn lợi ích nhóm cố tình xác nhận một số căn nhà trong quy hoạch về sau không có ai ở, không thường trú thì những người dân không được cấp văn bằng (hộ khẩu giấy) lấy cái gì để làm bằng chứng? Và mất bao nhiêu thời gian để dân xác minh được sự thật, đòi lại được công bằng? Trường hợp cô P. ở trên, tới nay vẫn chưa đòi được Quyền và lợi ích hợp pháp của cô.
2. Mỗi năm có gần 1 triệu học sinh vào lớp 1, một triệu học sinh vào lớp 6, một triệu học sinh vào lớp 10 và 1 triệu sinh viên năm nhất. Các cấp này đều đòi hỏi xác minh thường trú (tạm trú), Công an phường làm xuể không? Bê trễ ai chịu trách nhiệm? Bộ Công an có chịu không?
Tôi có một anh bạn, mẹ anh ấy vừa mất hơn 1 tháng nay. Cho tới nay, vẫn chưa làm được chứng tử do lỗi hệ thống dữ liệu. Số chứng minh nhân dân của bà không tồn tại trên hệ thống Dữ liệu của Bộ Công an, nhưng cũng số chứng minh đó bấy lâu nay vẫn nhận lương hưu, vẫn có bảo hiểm Y tế. Trước đó là đóng bảo hiểm xã hội. Bà cụ cũng là người có chỗ đứng trong xã hội. Lỗi do đâu nếu không do Cơ Sở Dữ Liệu (CSDL) thiếu?
Và,
CSDL thiếu, nên có cả đống người có Chứng Minh Nhân Dân nhưng lại không có tên trong CSDL nên không đổi sang Căn cước Công Dân được.
CSDL sai nên trai thành gái và ngược lại. Hay con anh lối xóm 3 thằng thì 2 thằng quê Quảng Ninh, 1 thằng quê Bắc Giang giống anh hàng xóm kế bên nữa.
Điều đó cho thấy cái gì?
Cơ sở dữ liệu của Bộ Công an có vẻ chưa đầy đủ, cơ sở hạ tầng dữ liệu yếu, lỗi, chồng chéo. Phải chăng các vị đã quá vội vã cho sự đổi mới khi năng lực chưa đủ.
Cũng dĩ nhiên, tôi có biện chứng cho nhận định cá nhân của mình. Hãy nhìn sự thay đổi từ Chứng Minh Nhân Dân sang Căn Cước Công Dân.
Khi vừa thay đổi từ CMND sang CCCD bản nhựa, người ta còn phải xách theo tờ giấy xác nhận đổi Chứng minh, đổi số Chứng minh. Chẳng bao lâu sau, lại đẻ ra cái thẻ có gắn chip. Khoảng thời gian giữa 3 loại giấy tờ trên cách nhau bao xa? Và trong khoảng thời gian đó, xã hội đã bị xáo trộn như thế nào, ngân sách tốn bao nhiêu?
Không dừng lại ở đó, báo chí chính thống đưa tin, có người đổi Căn cước tới 6 tháng chưa nhận được căn cước, có người qua 6 tháng thì được biết hồ sơ làm sai phải lên làm lại???
Tất cả như một mớ hổ lốn và cơ quan chức năng đang làm việc theo mớ hổ lốn đó. Còn người dân phải chịu đựng nó.
Căn cước và hộ khẩu là bộ đôi đính kèm. Nếu hệ thống dữ liệu của Căn Cước chưa hoàn chỉnh thì việc "khai tử" Hộ Khẩu giấy là quá vội vàng. Lời khuyên của tôi dành cho người dân là hãy giữ lại hộ khẩu giấy để làm bản tham chiếu khi có những sự cố đáng tiếc xảy ra.
Góp ý của tôi dành cho Bộ Công an sẽ rất khó nghe. Nhưng quả thật tôi không thể nghĩ ra câu từ nào thích hợp hơn những câu từ dưới đây:
– Tôi mong quý vị đừng có đi tắt đón đầu bằng những mảnh chắp vá vụng về, đừng đi móc bọc những mảnh kỹ thuật mỗi nơi một chút về ghép thành cái bộ máy xộc xệch thảm hại như thế này nữa!
Cổ nhân dạy là, vẽ hổ không giống, lại giống chó! Khổ nỗi ở đây cũng không ra con chó lành lặn.
N.T.D.
Nguồn: FB Nguyễn Thùy Dương
—
Đọc thêm:
PHẢI CHẤM DỨT "HÀNH" DÂN
Phạm Dương
Những ngày qua đã có không ít phàn nàn về sự phiền toái, rắc rối khi người dân giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến thông tin cư trú, trong khi trước đây, với những thủ tục hành chính này, họ chỉ trình ra cuốn sổ hộ khẩu là xong. Bỏ sổ hộ khẩu hóa ra có việc lại phiền toái hơn.
Có từ thời bao cấp, sổ hộ khẩu được xem như một "giấy thông hành" đặc biệt quan trọng với các gia đình. Cuốn sổ hộ khẩu được các gia đình gìn giữ như là thứ quý giá nhất trong nhà bởi mọi thủ tục hành chính liên quan tới nhân thân đều liên quan tới sổ hộ khẩu, tới đâu cũng phải "trình" ra. Thế nhưng, sổ hộ khẩu ngày càng bộc lộ những bất cập, nhất là cản trở quyền của người dân đã được quy định trong Hiến pháp như quyền tự do đi lại, cư trú, làm việc, quyền có nhà ở…
Theo quy định tại điều 38 của Luật Cư trú năm 2020, từ ngày 1-1-2023, sổ hộ khẩu hết giá trị sử dụng. Khi sổ hộ khẩu đã "hoàn thành sứ mạng", các cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin công dân bằng dữ liệu điện tử trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được tích hợp trên căn cước công dân gắn chip.
Cũng từ luật này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2022, trong đó bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, chủ yếu thuộc nhiều lĩnh vực như việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, đăng ký kết hôn, nuôi con nuôi… Khi thực hiện các thủ tục trên, người dân chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ, trong số này có CCCD.
Ai ai cũng thở phào cho rằng trút được nỗi e ngại về một thủ tục hành chính khi cuốn sổ hộ khẩu bị "khai tử", song thực tế đang diễn ra không phải như vậy.
UBND TP Hà Nội trước phản ánh của dư luận đã có văn bản chỉ đạo và tăng cường công tác kiểm tra công vụ để chấn chỉnh. Đây là việc làm cần thiết, song thiết nghĩ còn chưa đủ. Để thủ tục hành chính thực sự không còn "hành" dân, cần chỉ rõ và chế tài những cá nhân, đơn vị, cơ quan còn tiếp tục có những yêu cầu không đúng quy định pháp luật, gây khó cho dân.
P.D.
Nguồn: Người Lao động