Có những điều Tập Cận Bình không thể cưỡng lại

07/02/2023

Ngô Nhân Dụng

clip_image002

Theo ước tính hiện nay, cứ 100 người trong tuổi làm việc tại Trung Quốc nuôi 22 người về hưu. Đến cuối thế kỷ, 100 người làm việc phải nuôi 120 người già.

Đài truyền hình ở Bắc Kinh và nhiều thành phố Trung Quốc mới chiếu một “phim bộ” dài 24 hồi được cả guồng máy tuyên truyền đảng Cộng Sản Trung Quốc cổ võ, của ba đạo diễn Khổng Sanh, Mao Lâm, và Vương Hoành. Cuốn phim Huyện Ủy Đại Viện (县委大院) kể chuyện một ông thư ký huyện ủy, đứng đầu một huyện Quang Minh giả tưởng. Nhân vật Mai Hiểu Ca (梅晓歌) được diễn tả như một cán bộ tài ba, hết lòng thương yêu hy sinh cho dân, thành khẩn đến nỗi nhiều người nghe ông ta nói đã khóc vì cảm động.

Đoạn cuối cùng của bộ phim hơi đột ngột, chiếu hình ảnh huyện Quang Minh với những trẻ con chơi đùa và các em bé bụ bẫm, một cảnh tượng không dính dáng chi đến câu chuyện chính. Tại sao các đạo diễn lại kết thúc cuốn phim một cách bất ngờ như vậy? Tuần báo Economist đã bắt mạch, viết rằng vì đảng Cộng sản đang lo dân số Trung Quốc bắt đầu giảm!

Báo South China Morning Post cho biết trong năm 2022 số người chết ở Trung Quốc so với số trẻ mới ra đời chênh lệch 850.000 người. Các bà mẹ năm ngoái sanh 9,56 triệu đứa con, trong năm 2021 sanh 9,98 triệu. Dân số tụt từ 1,4126 tỷ xuống 1,4118 tỷ, theo thống kê của chính phủ. Đây là lần đầu tiên dân số Trung Quốc giảm kể từ thời 1960, khi chính sách “Bước Nhảy Vọt” của Mao Trạch Đông khiến mấy chục triệu dân chết đói.

Liên Hiệp Quốc dự đoán đến năm 2050 dân số nước này chỉ còn 1,31 tỷ; đến cuối thế kỷ 21 sẽ xuống 771 triệu, giảm mất gần một nửa.

Viện Nghiên Cứu Nhân Khẩu Vưu Ngõa (YuWa, 尤瓦人口研究) ở Bắc Kinh giải thích rằng dân số xuống vì số phụ nữ trong tuổi sinh đẻ đang giảm, mà họ lại đẻ ít hơn trước. Năm 2021 cứ 1000 dân thì có 7,52 trẻ ra đời, năm ngoái tụt xuống chỉ có 6,77 em, con số thấp nhất thế giới.

Năm 2016, Cộng sản Trung Quốc đã xóa bỏ “chính sách một con” của thời 1976, khuyến khích dân sanh 2, 3 con, bằng cách trợ cấp khi sinh nở, cho các bà mẹ sinh con được nghỉ đi làm lâu hơn, lập thêm những nhà giữ trẻ. Năm nay, tỉnh Tứ Xuyên bắt đầu công nhận những đứa con của các cặp chưa kết hôn cũng coi là hợp pháp, một biện pháp trái với phong tục chưa nơi nào áp dụng.

Nhưng phụ nữ Trung Hoa không muốn sanh con vì xã hội đã thay đổi. Nhiều người bỏ thôn quê ra thành phố; năm 2022 dân các đô thị tăng thêm 4,5 triệu, lên tới 921 triệu, bằng 65% dân cả nước. Phụ nữ ở thành phố lo kiếm ăn, giữ việc làm và thăng tiến trong nghề nghiệp, họ không muốn lập gia đình sớm. Tuần báo Economist cho biết trong năm 2020 tuổi trung bình của những người kết hôn lần đầu là gần 29 tuổi (28,7); tăng 4 tuổi so với mười năm trước. Trong năm 2021 cả nước Trung Quốc chỉ có 7,6 triệu đám cưới, chưa bao giờ ít như vậy. Cuộc sống đắt đỏ, nhà ở chật chội, công việc không chắc chắn, mọi người không muốn sanh đẻ trước khi thấy có thể bảo đảm một mức sống kha khá cho đứa con.

Muốn dân số một nước không thay đổi, một phụ nữ tính bình quân phải sinh hơn 2 con. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc thì vào năm 2022, tỷ lệ sinh sản bình quân của phụ nữ Trung Quốc là 1,7 đứa con, đứng hàng thứ 148 trong số 193 quốc gia. Dân số Nhật Bản giảm bớt 3 triệu từ 2011 đến 2021 vì một bà trung bình chỉ sanh 1,4 đứa con, đứng hàng 178.

Theo tài liệu của Liên Hiệp Quốc, đến cuối thế kỷ này số người trong tuổi làm việc ở Trung Quốc, từ 15 đến 64 tuổi, sẽ giảm từ 579 triệu xuống 378 triệu. Lớp người trong tuổi lao động giảm sẽ đưa tới một hệ quả là việc tuyển mộ binh sĩ sẽ khó khăn hơn. Quân đội khó lôi cuốn được những người ưu tú trong giới trẻ vì họ có công việc làm tốt hơn và, nói chung, xã hội Trung Hoa không coi trọng giá trị của giới cầm súng.

Nhưng hậu quả tức thời khi lực lượng lao động giảm bớt là các công nhân sẽ đòi tăng lương khiến giá sinh hoạt lên cao.

Trong khi số người làm việc giảm, số người già về hưu đang tăng lên. Ở Trung Quốc tuổi về hưu của đàn ông là 60, đàn bà là 55. Sở Thống kê của nhà nước cho biết số người trong lớp tuổi từ 16 đến 59 hiện là 875 triệu, bằng 62% dân số, trong khi những người từ 65 tuổi trở lên là 210 triệu, chiếm 15%; nhưng các tỷ số đó đang thay đổi.

Theo ước tính của Bắc Kinh được hãng tin AP tường thuật, số người 60 trở lên đang chiếm 20% dân số. Đến năm 2035, sẽ lên tới 30%, tổng cộng 400 triệu người. Hiện nay, cứ 100 người trong tuổi làm việc nuôi 22 người về hưu. Đến cuối thế kỷ, 100 người làm việc phải nuôi 120 người già.

Trong 20 năm đầu đổi mới kinh tế, Trung Quốc tiến nhanh nhờ lương công nhân rất thấp. Lợi thế đó bây giờ đã chuyển qua các nước như Ấn Độ, Việt Nam. Trong mươi năm nữa, Ấn Độ sẽ thay thế Trung Quốc trên bàn cờ Á châu.

Đến năm 2026 dân số Ấn Độ sẽ cao hơn Trung Quốc. Nhưng quan trọng hơn nữa là dân Ấn Độ rất trẻ; một nửa dưới 30 tuổi. Phụ nữ Ấn Độ sinh sản nhiều hơn phụ nữ Trung Quốc, trung bình mỗi bà sanh 2,1 đứa con.

Báo South China Morning Post tiên đoán đến năm 2050 số trẻ em ra đời ở Trung Quốc sẽ chỉ bằng một phần ba con số ở Ấn Độ; và đến cuối thế kỷ sẽ xuống bằng một phần tư. Ngày 1 tháng 1 năm 2022, có 60.000 trẻ em ra đời ở Ấn Độ, chỉ có 35.000 bé sơ sinh trong nước Trung Quốc. Theo ước tính của Viện Nghiên Cứu Nhân Khẩu Vưu Ngõa, năm 2050, lớp người đứng giữa trong bậc thang tuổi tác (median age) ở Trung Quốc sẽ là 50 tuổi, ở Mỹ là 42,3 tuổi, còn ở Ấn Độ chỉ mới 37 tuổi rưỡi.

Trung Quốc có thể đối phó với những khó khăn kinh tế khi số người làm việc giảm và phải nuôi nhiều người về hưu hơn. Nhật Bản đã trải qua tình trạng này mà vẫn tiếp tục đóng vai một cường quốc kinh tế. Một giải pháp giản dị nhất là nâng cao sản năng lao động của những người làm việc, với các máy móc đa dụng và tinh xảo. Nước Nhật cũng chủ trương đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, để sử dụng các công nhân nước khác làm việc, sinh lời, và dùng lợi tức đó phụng dưỡng những người Nhật càng ngày càng sống lâu hơn.

Một chìa khóa thành công của nước Nhật là hệ thống kinh tế tự do thúc đẩy các phát minh, sáng kiến. Nền giáo dục Nhật Bản đã tiến bộ từ hơn một thế kỷ, đào tạo những công nhân đứng ra sử dụng những máy móc mỗi năm lại mới hơn.

Không biết Cộng sản Trung Quốc có thể theo bước chân Nhật Bản được không, nếu còn tiếp tục chính sách cai trị độc tài, độc đảng. Nền giáo dục ở Trung Quốc còn chưa cao, nhất là ở các vùng thôn quê. Nhiều sinh viên du học đậu tiến sĩ, đã quyết định không về nước vì muốn được sống tự do.

Ông Tập Cận Bình đã đề xướng kế hoạch “đại phục hưng Trung Quốc”, đặt mục tiêu hoàn tất vào năm 2049, kỷ niệm 100 năm đảng Cộng sản cướp được chính quyền. Đến năm đó, ông sẽ tổ chức lễ lạc, liên hoan cho cả nước chúc mừng đảng của ông. Nhưng từ nay đến năm 2049 số người tham dự sẽ giảm bớt 100 triệu. Tập Cận Bình không thể thay đổi được số trời!

N.N.D.

clip_image004

Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tỵ nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc? Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992. Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương. Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

This entry was posted in Dân số học, Trung Quốc. Bookmark the permalink.