Nông dân góp ý đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Hoàng Kim

Đề án “1 triệu ha lúa chất lượng cao” không những không giải quyết việc phân chia lợi nhuận hợp lý, mà lại biến doanh nghiệp thành chó sói với mức lợi nhuận tùy ý, và biến nông dân thành cừu khi khống chế mức lời 36% ( 36% trên 35%). Sói và cừu thì làm sao hợp tác với nhau?

H.K.

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” (gọi tắt là đề án) liên quan đến hàng triệu nông dân ĐBSCL lẽ ra Bộ Nông nghiệp và PTNT phải tổ chức lấy ý kiến trực tiếp nông dân ĐBSCL thông qua Hội Nông dân trước khi xây dựng vì nông dân chúng tôi là người thực hiện đề án, thế nhưng nông dân và Hội Nông dân khô.ng hề được tham vấn, giờ đây khi dự án đã được xây dựng xong nông dân cũng không được một lời hỏi han. Không có ý kiến nông dân nên dự án được xây dựng thiếu thực tế, chất lên vai nông dân nhiều gánh nặng phi lý, và sẽ bất khả thi trong thực tế sản xuất.

Hôm nay, nông dân chúng tôi muốn đóng góp cho dự án cũng không biết phải gởi ý kiến về đâu. Đành phải nhờ Bauxite Việt Nam đăng chuyển.

Đề án chỉ là định hướng.

“ 1. Định hướng xác định vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao đến năm 2030.

2. Định hướng thị trường, liên kết sản xuất – tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị”

Đây là nhiệm vụ 1 và 2 trong Phần III Các nhiệm vụ chính của đề án.

Khi được hỏi nội hàm của vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết: “Trước hết là sử dụng giống lúa xác nhận cho chất lượng cao, các giống lúa hướng đến đảm bảo về dinh dưỡng và nhu cầu chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng từ hạt gạo.

Thứ hai, vùng lúa chất lượng cao đảm bảo quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải khí nhà kính theo hướng áp dụng các quy trình canh tác bền vững, giảm sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giống…” ( chữ in đậm tác giả nhấn mạnh) (1)

Giống lúa chất lượng cao là giống lúa gì Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng chưa biết, trong khi gieo sạ giống lúa chất lượng cao là trung tâm của đề án. Vùng lúa chất lượng cao được quy hoạch như thế nào cũng chỉ “theo hướng” mà không biết hướng về đâu.

Làm lúa chất lượng cao mà chỉ định hướng thì khác nào đem thu nhập của nông dân ra làm thí nghiệm.

Đem 40.000 tỷ để níu kéo một mô hình đang lụi tàn.

“– Vùng nguyên liệu 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao sẽ là bước tiến tiếp theo của mô hình cánh đồng lớn.”. Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn. (2)

Vậy chắc mô hình “cánh đồng lớn” đạt được những thành tích tuyệt vời nên bây giờ Bộ Nông nghiệp và PTNT mới kế thừa để phát huy hiệu quả? Sự thật không phải như vậy:

“ Theo ông Dương Văn Chín, nguyên Phó viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, việc triển khai mô hình này ở ĐBSCL đến nay đã được 10 năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổng kết, đánh giá hiệu quả để quyết định có nên tiếp tục nữa hay không.

Cũng theo ông Chín, việc tổng kết, đánh giá hiệu quả cần có sự tham dự của tất cả các thành phần trong chuỗi mô hình, bao gồm địa phương, doanh nghiệp kinh doanh lương thực, hợp tác xã, nông dân… và cần trả lời câu hỏi: chương trình cánh đồng lớn có nên tiếp tục giai đoạn 2 hay không? “Nếu tất cả đồng thuận chương trình là vô ích thì phải “khai tử”, chứ không để kéo dài lê thê, không biết nó chết hay sống”, ông Chín nói.” (3)

Tại sao ông Dương Văn Chín đặt vấn đề xem xét “khai tử” mô hình “cánh đồng lớn”? Bởi vì “ Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL ngày một…”Lụi tàn”.

“Tập đoàn Lộc Trời, đơn vị được xem như “vua cánh đồng lớn” ở ĐBSCL, thì khi trao đổi với TBKTSG Online gần đây, ông Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (thuộc Tập đoàn Lộc Trời) thừa nhận, diện tích mô hình này của Lộc Trời vào năm 2019 chỉ đạt khoảng 30.000 héc ta so với con số 90.000 héc ta đã được ghi nhận vào năm 2015.”

Tỉnh Long An cũng chung số phận với Tập đoàn Lộc Trời:

“ Báo cáo tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2020 và triển khai kế hoạch sản xuất cây trồng vụ Đông xuân 2020 – 2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An – một trong những địa phương sản xuất lúa chủ lực của ĐBSCL – cho thấy, năm 2020, địa phương này thực hiện được 128 cánh đồng lớn với diện tích 13.924 héc ta, giảm 4.967 héc ta so với năm trước và thấp hơn kế hoạch được đề ra đến 19.522 héc ta (kế hoạch diện tích sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn” năm 2020 là 33.446 héc ta), tức chỉ đạt hơn 41% so với kế hoạch đề ra…(4)

Tôi làm lúa, và tôi đã từng hợp tác làm lúa nhiều năm cho tập đoàn Lộc Trời, vì nhận thấy làm với tập đoàn Lộc Trời có lợi hơn là làm tự do rồi bán lúa cho thị trường trôi nổi.

Nhưng đây không phải là mô hình nông dân chúng tôi mơ ước, vì giá lúa do tập đoàn Lộc Trời đưa ra cũng là giá của thị trường trôi nổi cộng thêm một vài trăm đồng một Kg. Điều nông dân mơ ước là giá lúa phải căn cứ vào giá bán gạo xuất khẩu, và nhà nước phải phân chia lợi nhuận công bằng cho nông dân và doanh nghiệp chứ không phải doanh nghiệp ấn định giá lúa tức ấn định lợi nhuận của nông dân.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức tổng kết đánh giá hiệu quả mô hình “cánh đồng lớn” hay chưa, đã khắc phục được hết các điểm yếu của “cánh đồng lớn” hay chưa, mà lập đề án đem 40.000 tỷ đồng để đổ vào mô hình “cánh đồng lớn” đang lụi tàn?

Xem doanh nghiệp là yếu tố quyết định.

“Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, mục tiêu sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao chỉ là phương tiện, còn mục đích cần phải đạt khi thực hiện đề án là nâng cao giá trị, thu nhập cho người nông dân, xây dựng được một diện mạo mới cho ngành lúa gạo Việt Nam. Theo ông Hoan, hiện nay, ĐBSCL đứng trước những thách thức về biến đổi khí hậu, suy thoái, đất đai manh mún, những khó khăn về thị trường… Do đó, việc thực hiện đề án trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao không hề dễ. Bộ NN&PTNT xác định vai trò quan trọng nhất thuộc về các DN.” (5)

“Điều quan trọng nhất cho sự phát triển của đề án, bên cạnh sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, vai trò của các doanh nghiệp mang tính quyết định. Nếu không có sự tham gia của các doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng đề án của chúng ta khó đạt kết quả mong muốn” – Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường khẳng định. (chữ đậm do tác giả nhấn mạnh) (6)

Trong đề án Bộ Nông Nghiệp và PTNT buộc lãnh đạo đia phương phải mời gọi doanh nghiệp:

“Sau khi xác định được vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao (trên bản đồ số và trên thực địa), địa phương giới thiệu, mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất – tiêu thụ.”

Trong Đề án không hề nói tới ưu đãi gì để mời gọi doanh nghiệp, nhưng nhìn kỹ chúng ta sẽ thấy cái ưu đải lớn nhất là doanh nghiệp được phép mua lúa cho nông dân với giá nông dân lời 35% bất chất doanh nghiệp bán gạo xuất khẩu giá bao nhiêu.

Khống chế giá lúa của nông dân và đặt nhiều gánh nặng lên vai nông dân.

Trong phần Mục tiêu đến năm 2025 thì quy định “ – Lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35%”. Trong phần Phụ lục 4: Khái toán Hiệu quả đề án mục tăng lợi nhuận cho nông dân ghi chú: 35% = 20 triệu/ha.

Vậy phải chăng Bộ Nông nghiệp khống chế mức lời 35% hoặc 20 triệu/ha cho nông dân?

Mức lời 35% nghe rất trừu tượng, như nếu biết giá thành lúa hiện nay khoảng 3.000 đồng/kg lời 35% giá thành là 1.050 đồng/kg thì giá lúa mà doanh nghiệp có quyền mua cho nông dân 1 kg lúa theo để án chỉ hơn 4.050 đồng nột chút. Nhìn vào mức giá khống chế ở 4.050 đồng/kg so với mức giá hiện hành khoảng từ 6.000 – 7.000 đồng/kg mới thấy hết sự gớm giếc của quy định này.

Lời 20 triệu đồng/ha là mức lời chết đói. Ai cho phép và căn cứ vào đâu mà Bộ Nông nghiệp và PTNT áp mức lời này cho nông dân.

Buộc nông dân phải vào hợp tác xã, hỗ trợ tiền cho nông dân 24.568 tỷ đồng (61,3%), nhưng bắt nông dânh phải bỏ ra 15.480 tỷ đồng (38,7%) để hoàn thiện hợp tác xã.

Có thể có những ngành nghề trong nông nghiệp đòi hỏi cần thành lập hợp tác xã để phát triển mau chóng, nhưng riêng làm lúa quá đơn giản nên nông dân chúng tôi thấy không cần phải vào hợp tác xã mới phát triển được, mà chỉ cần các chính sách hiệu quả.

Hợp tác xã là một hình thức hùn vốn, trong hùn vốn phải minh bạch thu chi, nhưng ở Việt Nam hiện nay rất khó để minh bạch thu chi nên nông dân chúng tôi rất ngại vào hợp tác xã. Còn nhớ hợp tác xã kiểu trước đây ở trên cử đảng viên về làm lãnh đạo, mấy ông này chả biết gì về làm lúa lại tiêu cực tùm lum nên hợp tác xã tiêu tùng. Bộ Nông nghiệp và PTNT xin hãy giải thích xem tại sao nông dân chúng tôi phải vào hợp tác xã và ai sẽ lãnh đạo hợp tác xã.

Buộc nông dân phải liên kết với doanh nghiệp, nhưng lợi nhuận cho doanh nghiệp hưởng hết.

Buộc nông dân phải gánh tăng trưởng xanh, mặc dù tăng trưởng xanh là kế hoạch của cả nền sản xuất lúa.

Doanh nghiệp và nông dân không thể tự nguyện hợp tác với nhau.

Ta hãy xem chuỗi giá trị lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp:

Lợi nhuận nông dân = Giá bán gạo xuất khẩu quy lúa – ( Lợi nhuận doanh nghiệp + giá thành làm lúa + chi phí làm lúa thành gạo + chi phí xuất khẩu gạo).

Nhìn vào chuỗi lợi nhuận lúa gạo này chúng ta thấy cùng một giá bán gạo cụ thể thì lợi nhuận của nông dân và lợi nhuận của doanh nghiệp tỷ lệ nghịch với nhau: Nếu nông dân lời nhiều thì doanh nghiệp lời ít và ngược lại.

Chính vì lợi nhuận tỷ lệ nghịch nên trong thực tế đã có sự tranh giành lợi nhuận giữa nông dân và doanh nghiệp: doanh nghiệp muốn mua lúa rẻ để lời nhiều, còn nông dân muốn bán lúa cao giá để lời nhiều. Sự tranh giành lợi nhuận này sẽ khiến cho hợp tác đổ vỡ, như đã làm cho mô hình “cánh đồng lớn” lụi tàn.

Muốn doanh nghiệp và nông dân hợp tác với nhau, Chính phủ phải tạo ra được cơ chế mua bán lúa gạo mà lợi nhuận của nông dân và của doanh nghiệp tỷ lệ thuận với nhau thì lúc đó doanh nghiệp và nông dân mới tự nguyện hợp tác với nhau được.

Không khắc phục được mâu thuẫn lợi nhuận này thì mọi mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân chỉ là ảo tưởng.

Tóm lại, nông dân chúng tôi có quyền hưởng lợi nhuận chính đáng từ sản xuất lúa, doanh nghiệp có quyền hưởng lợi nhuận đầu tấn [7] chính đáng từ việc mua lúa và bán gạo xuất khẩu, mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp phải thực hiện trên tinh thần cả hai cùng có lợi.

Thế nhưng, Đề án không những không giải quyết việc phân chia lợi nhuận hợp lý, mà lại biến doanh nghiệp thành chó sói với mức lợi nhuận tùy ý, và biến nông dân thành cừu khi khống chế mức lời 36% ( 36% trên 35%). Sói và cừu thì làm sao hợp tác với nhau?

H.K.

(1) https://tuoitre.vn/1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-cua-viet-nam-se-duoc-quy-hoach-the-nao-20220912142707838.htm

(2) https://thesaigontimes.vn/khac-phuc-khiem-khuyet-mo-hinh-canh-dong-lon-de-phat-trien-1-trieu-hec-ta-lua-chat-luong-cao/

(3) https://thesaigontimes.vn/muoi-nam-ngac-ngoai-canh-dong-lon/

(4) https://thesaigontimes.vn/mo-hinh-canh-dong-lon-o-dbscl-ngay-mot-lui-tan/

(5) https://tienphong.vn/de-an-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-can-tranh-vet-xe-do-post1465627.tpo

(6) https://nongnghiep.vn/1-trieu-ha-chuyen-canh-lua-chat-luong-cao-vung-dbscl-giong-la-quan-trong-nhung-phai-dem-lai-duoc-gia-tri-d336907.html

[7] Chưa hiểu chữ “đầu tấn” tác giả viết có nghĩa là gì  – BVN

This entry was posted in Nông dân và doanh nghiệp, Nông nghiệp. Bookmark the permalink.