06/02/2023
Ông Nguyễn Lân Thắng bị bắt vào ngày 5/7/202.
Nhà chức trách Việt Nam vừa hoàn tất quá trình điều tra vụ án “Tuyên truyền chống nhà nước” đối với nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Lân Thắng, theo tin từ gia đình và luật sư.
Từ Hà Nội, bà Lê Bích Vượng, vợ của ông Thắng, cho VOA biết hôm 6/2:
“Sau kỳ nghỉ Tết tôi được luật sự thông báo rằng các văn phòng luật sư đã nhận được thông báo việc điều tra đối với anh Thắng đã kết thúc từ ngày 17/1”.
Bà Vượng cho biết rằng văn phòng của Luật sư Lê Văn Luân ở Hà Nội đã nhận được thông báo vào ngày 30/1 trong khi đó một văn phòng của một luật sư ở thành phố Hồ Chí Minh nhận được thông báo tương tự vào đầu tháng 2.
“Vụ án ông Nguyễn Lân Thắng đã kết thúc điều tra và đã vừa chuyển sang giai đoạn truy tố, được thụ lý bởi Viện kiểm sát TP. Hà Nội”, luật sư Lê Văn Luân viết trên Facebook hôm 2/2.
Luật sư Lê Văn Luân cho VOA biết hôm 6/2: “Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện đăng ký luật sư tại Viện Kiểm sát TP Hà Nội theo luật định”.
Theo quy định tố tụng hình sự của Việt Nam, một vụ án qua bốn giai đoạn bao gồm: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Trong đó giai đoạn điều tra được cho là “vô cùng quan trọng” bởi trong giai đoạn này các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành thu thập những thông tin, chứng cứ phục vụ cho các giai đoạn tố tụng sau.
Đối với các vụ án “an ninh quốc gia” như trường hợp của ông Thắng, chính quyền Việt Nam không cho phép gia đình và luật sư thăm gặp trong giai đoạn điều tra.
Bà Vượng kỳ vọng rằng vụ án của chồng bà sẽ sớm đưa ra xét xử vì rằng trong suốt hơn 6 tháng qua gia đình và luật sư không được thăm gặp ông.
“Tôi mong đợi rằng gia đình thông qua luật sư sẽ được phép gặp anh Thắng và sẽ biết rõ được tình trạng của anh Thắng.
“Kết thúc điều tra, sẽ được xử sớm để anh có thể ra các trại khác với điều kiện sinh hoạt sẽ tốt hơn so với ở trại giam trong thời gian điều tra”.
Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Lân Thắng bị bắt vào tháng 7/2022 với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 117 Bộ luật Hình sự.
Vào đầu tháng 11/2022, các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc gửi văn thư đề nghị chính phủ Việt Nam giải trình việc giam giữ “tùy tiện” 18 nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có trường hợp ông Thắng, với các cáo buộc mà nhóm này gọi là các điều khoản “mơ hồ” như “Tuyên truyền chống nhà nước” và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.
Bộ Ngoại giao và Bộ Công an Việt Nam không phản hồi yêu cầu bình luận của VOA về các trường hợp mà các chuyên gia LHQ đề cập.
Theo theo một bản báo cáo thường niên của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) được công bố vào tháng 12/2022, Việt Nam đứng thứ tư thế giới với 39 nhà báo bị chính quyền bỏ tù trong năm qua.
Nguồn: voatiengviet.com