Việt Nam chặn không gian pháp lý của Xã hội Dân sự

Mark Sidel – Asia Sentinel

Hồ Động Đình, chuyển ngữ

clip_image002

GS Mark Sidel. Nguồn: ĐH Wisconsin-Madison

Khi chúng ta nghĩ về việc sử dụng luật pháp và chính sách để hạn chế xã hội dân sự, khu vựa châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ là những quốc gia thường được nghĩ đến.

Ở Trung Quốc dưới thời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tập Cận Bình, chúng ta thấy một số tổ chức vận động chính sách bị cấm, những người lãnh đạo của họ bị bắt giữ, nguồn tài trợ nước ngoài bị hạn chế nghiêm trọng và các hoạt động hàng ngày chịu sự giám sát ngày càng gia tăng.

Ở Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, là người theo chủ nghĩa dân tộc và đạo Hindu, các tổ chức Hồi giáo và dân chúng phải đối mặt với những giới hạn ngày càng nghiêm ngặt hơn. Tài trợ nước ngoài cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nước phải tuân theo các quy tắc và thủ tục phức tạp, cả các nhóm vận động trong nước và quốc tế đều gặp rắc rối.

Nhưng có xu hướng đóng cửa không gian dân sự vượt xa hai quốc gia này. Ở Việt Nam, một nhà nước Cộng sản độc đảng, trước đây đôi khi có thái độ linh hoạt hơn đối với xã hội dân sự, nhưng những năm gần đây, không gian cho các hoạt động này đã bắt đầu bị thu hẹp. Ngày nay, Việt Nam là một ví dụ điển hình về nhiều cách thức mà các chính phủ độc tài hoặc phi dân chủ có thể bóp nghẹt xã hội dân sự vào thời điểm mà nó đang chuẩn bị phát triển. Giai đoạn đại dịch COVID càng làm gia tăng các biện pháp kiểm soát này.

Trước sự ớn lạnh mới này, xã hội dân sự Việt Nam gồm một loạt các tổ chức dịch vụ xã hội (được chính quyền khuyến khích), một số nhóm vận động chính sách (chỉ biết chịu đựng), một lãnh vực từ thiện trong nước đang phát triển, và một số ít các tổ chức xã hội dân sự độc lập luôn bị giám sát chặt chẽ và đôi khi bị hủy bỏ hoặc tổ chức lại.

Thu nhập gia tăng và sự quan tâm từ những người trẻ tuổi trong công việc phi lợi nhuận đã giúp lĩnh vực này phát triển. Một phần của bối cảnh này vẫn còn, đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ phục vụ xã hội và các nhóm từ thiện. Nhưng những tổ chức khác phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng khi Đảng Cộng sản và chính phủ tăng cường kiểm soát xã hội theo cách tiếp cận của Trung Quốc.

Việt Nam bắt đầu sử dụng luật thuế và bộ luật hình sự để bỏ tù các nhà lãnh đạo xã hội dân sự với tội danh trốn thuế, tuyên truyền chống nhà nước và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

Những người bị kết án với những cáo buộc bịa ra như vậy, gồm các nhà lãnh đạo của Mạng lưới Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), cơ quan thúc đẩy quyền của người lao động lớn hơn. Bà Ngụy Thị Khanh là người sáng lập Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh Hà Nội, là người đã giành được giải thưởng môi trường Goldman, một trong những giải thưởng môi trường uy tín nhất thế giới, và một số nhà hoạt động xã hội dân sự và môi trường nổi bật khác là những ví dụ điển hình.

Một số người chỉ trích chính trị và bất đồng chính kiến cũng đã bị bắt và bị kết án trong những năm gần đây, gồm các nhà báo độc lập, các blogger và các nhà hoạt động khác. Và mới tháng trước, Hà Nội đã bỏ tù Giáo sư Hoàng Ngọc Giao, lãnh đạo đôi khi bộc trực và nóng nảy, có nhiều mối quan hệ, của một nhóm xã hội dân sự về chính sách pháp lý, cũng về tội trốn thuế.

Đôi khi các biện pháp khác được sử dụng để trừng phạt các tổ chức xã hội dân sự độc lập. Năm ngoái, Tổ chức Hướng tới Minh bạch Việt Nam, chi nhánh ở Việt Nam của tổ chức Minh bạch Quốc tế Toàn cầu, đã ngừng hoạt động sau khi chính quyền thành phố Hà Nội phạt và đóng trang web của tổ chức này vì sử dụng bản đồ do tổ chức quốc tế cung cấp mà không hiển thị quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông, thuộc lãnh thổ Việt Nam. Một nhà quan sát viết cho ban Việt ngữ BBC, đặt câu hỏi, liệu mục tiêu thật sự có phải là bịt miệng một tổ chức giám sát tham nhũng độc lập hay không.

Các tổ chức phi chính phủ bảo trợ – giúp xây dựng năng lực cho các tổ chức phi chính phủ nhỏ hơn, tập hợp họ thành mạng lưới và đôi khi giúp họ gây quỹ – cũng bị Đảng Cộng sản và các cơ quan nhà nước giám sát chặt chẽ hơn. Trong những tháng gần đây, hai tổ chức phi chính phủ có uy tín tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bị đóng cửa.

Các nhà chức trách sử dụng luật hiện hành để thực hiện việc đàn áp của họ, nhưng cũng thực hiện các bước để thắt chặt khuôn khổ pháp lý, trong đó có các tổ chức phi chính phủ hoạt động. Tháng 8 năm 2022, chính phủ trung ương ban hành nghị định mới về đăng ký và quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (Nghị định số 58/2022/NĐ-CP), thay thế các quy định có từ năm 2012. Nghị định mới thắt chặt đáng kể các hạn chế đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài ở Việt Nam, bằng cách thu hẹp định nghĩa về các nhóm được phép, trong khi vẫn giữ nguyên các lệnh cấm mở rộng đối với các hoạt động vi phạm “lợi ích quốc gia”, “trật tự xã hội”, “đạo đức xã hội”, “thuần phong mỹ tục”, “truyền thống” hoặc “đoàn kết dân tộc” của Việt Nam, trong số các quy định khác.

Nghị định mới cũng làm cho việc đăng ký ở Việt Nam trở nên quan liêu và khó khăn hơn. Quy định rõ ràng rằng, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài không được gây quỹ từ các nguồn địa phương, đồng thời làm rõ và mở rộng các trường hợp trong đó các tổ chức phi chính phủ có thể bị đình chỉ hoặc bị đóng cửa. Theo nhân viên của các tổ chức phi chính phủ quốc tế ở Việt Nam, nghị định mới chủ yếu được sử dụng để làm chậm quá trình phê duyệt và thu hẹp không gian của các tổ chức này hoạt động ở Việt Nam.

Mối quan tâm thậm chí còn lớn hơn đối với các tổ chức xã hội dân sự trong nước của Việt Nam là cú hích mới để áp dụng những hạn chế mới đối với đời sống hiệp hội. Mùa hè năm 2022, chính phủ Việt Nam để lấy ý kiến công chúng về dự thảo nghị định mới của chính phủ trung ương, ban hành Quy chế Tổ chức, Hoạt động và Quản lý Hiệp hội. Ngay từ thập niên 1990, các tổ chức phi chính phủ non trẻ của Việt Nam đã bắt đầu thúc đẩy việc gia tăng quyền của Luật về Hội. Nhưng trong nhiều năm, luật như vậy đã bị chặn bởi những người trong đảng cầm quyền và chính phủ, những người phản đối sự phát triển của xã hội dân sự. Giờ đây, quả lắc trong trận chiến trường kỳ này đang đứng về phía các lực lượng hạn chế và dự thảo được công bố sẽ hệ thống hóa một số biện pháp hạn chế gần đây.

Dự thảo cung cấp các khoản trợ cấp tài chính cho các hiệp hội trực thuộc đảng và chính phủ, củng cố vai trò của đảng trong việc quản lý các hiệp hội, và đưa ra một danh sách mở rộng và mơ hồ về các hoạt động bị cấm, có thể khiến các nhóm xã hội dân sự phải chịu các biện pháp trừng phạt đáng kể.

Dự thảo quy định cũng làm cho quá trình thành lập tổ chức trở nên khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải có sự chấp thuận của chính phủ đối với nhiều thay đổi về điều lệ, quy tắc hoặc ban lãnh đạo của tổ chức, đồng thời cung cấp nhiều căn cứ để các hiệp hội có thể bị đình chỉ hoặc chấm dứt hoạt động. Một tài liệu dài từ Bộ Nội vụ Việt Nam đã trình bày các điều khoản quy định mở rộng và so sánh chúng với các quy định trước đó.

Những lời chỉ trích dự thảo luật mới bắt đầu nổi lên ngay lập tức. Tại một hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), tổ chức bảo trợ chính thức, tổ chức hội thảo với sự tham dự của nhiều tổ chức phi chính phủ, cũng như các tổ chức nghiên cứu và kinh doanh, những người tham dự đã chỉ ra “nhiều bất cập” trong dự thảo quy định và thúc giục mở rộng phạm vi cho phép, vận động chính sách của các hiệp hội, trong số các khuyến nghị khác.

Các ý kiến của các tổ chức và công chúng dự kiến sẽ được gửi đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – một nhóm xúc tiến kinh doanh chính thức đóng vai trò là cơ quan trung gian cho nhiều ý kiến về dự thảo luật kinh doanh và các luật khác – trước cuối tháng 8 năm 2022. Kể từ đó tới nay, dự thảo Quy định vẫn đang được xem xét.

Nhìn chung, các hoạt động của Việt Nam trong những năm gần đây đã gây áp lực ngày càng gia tăng đối với xã hội dân sự và không gian dân sự, thường sử dụng các biện pháp để điều hành, nhưng đôi khi được dùng để truy tố hình sự. Sự phản kháng đã phần nào bị dập tắt, có thể hiểu được, do lo sợ trở thành nạn nhân kế tiếp. Không gian dân sự khép kín của Việt Nam có thể nằm trong tầm ngắm so với hai nước láng giềng lớn hơn là Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng xu hướng này tương tự [như hai nước láng giềng kia] là đáng ngại.

M.S.

Tác giả: Mark Sidel là giáo sư luật và quan hệ công chúng tại Đại học Wisconsin-Madison và là thành viên hội đồng quản trị tại Trung tâm Quốc tế về Luật Phi Lợi nhuận.

Bài viết đã được dịch và đăng lại từ NYU USALI, ngày 31-1-2023: https://usali.org/usali-perspectives-blog/vietnams-closing-space-for-civil-society

Nguồn: Báo Tiếng Dân

This entry was posted in XHDS. Bookmark the permalink.