Những bí mật của khinh khí cầu Trung Quốc dọ thám Mỹ

Thanh Hà

05/02/2023

clip_image002

Khinh khí cầu phát hiện trên bầu trời bang Montana, Mỹ. Ảnh ngày 03/02/2023. AP – Larry Mayer

Vì một «quả bóng trắng» trên không phận Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Antony Blinken ngày 03/02/2023 đã quyết định đình hoãn vô thời hạn chuyến công du Trung Quốc. Vụ việc đang làm dấy lên rất nhiều câu hỏi cả về mặt kỹ thuật lẫn mục tiêu của khinh khí cầu "dọ thám" này.

Tại sao Bắc Kinh lại sử dụng khinh khí cầu dọ thám Mỹ? Tại sao Nhà Trắng cho tới tối qua mới «bắn hạ»quả bóng màu trắng đó? Làm thế nào mà «bóng thám không» Trung Quốc bay sang tận tới Hoa Kỳ? AFP mời một chuyên gia trong lĩnh vực dùng khinh khí cầu để theo dõi các hoạt động trên mặt đất, William Kim, thuộc trung tâm chuyên về an ninh The  Marathon Initiative, trụ sở tại Washington, trả lời các câu hỏi trên.

Trước hết theo ông Kim, khinh khí cầu của Trung Quốc được phát hiện trên bầu trời bang Montana gần các cơ sở quân sự của Mỹ được «điều khiển từ xa». Trong ruột quả bóng trắng người ta trông thấy rất nhiều trang thiết bị điện tử, kể cả pin mặt trời.

Chuyên gia Mỹ này không loại trừ khả năng Trung Quốc sử dụng những công nghệ điều khiển từ xa còn quá mới mẻ đối với quân đội Mỹ. Đương nhiên là công nghệ đó đòi hỏi «bộ não» trong quả kinh khí cầu phải được kết nối liên lạc với một căn cứ trên mặt đất.

Về câu hỏi khinh khí cầu có hiệu quả hơn vệ tinh quan sát hay không, ông William Kim trả lời: Các vệ tinh càng lúc càng dễ bị tấn công có thể là từ Trái đất hay trong không gian. Trong khi đó khinh khí cầu có nhiều lợi thế. Một là không dễ bị radar phát hiện. Quả bóng càng nhỏ thì càng dễ thoát khỏi «tai mắt của radar» mà đối phương sử dụng. Lợi thế thứ nhì là một quả bóng như vậy có thể «đứng im tại chỗ» trong một thời gian khá lâu, để «quan sát những mục tiêu, những đối tượng cần nắm». Trong khi các vệ tinh dọ thám phải bay theo các quỹ đạo».

Về khả năng khinh khí cầu Trung Quốc «vô tình lạc lối» vào không phận Mỹ, chuyên gia trung tâm The Marathon Initiative giải thích: «Rất có thể» là ban đầu quả bóng trắng đó được lệnh thu thập thông tin bên «ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ» hay để «hoạt động ở một độ cao cao hơn nữa», nhưng rồi vật thể bay này gặp sự cố kỹ thuật, để bị phát hiện. Ông Kim nói thêm, khinh khí cầu của Trung Quốc đã bị phát hiện ở độ cao 14.000 mét, thay vì từ 20.000 đến 30.000 mét như bình thường».

Tại sao Mỹ lúc đầu không dám bắn hạ khinh khí cầu trên bầu trời Montana?

William Kim trả lời: Khinh khí cầu hoạt động nhờ chất helium. Người ta không thể bắn vào quả bóng đó khiến nó cháy hay phát nổ. Dù có bị chọc thủng, bóng cũng mất nhiều thời gian mới xì hơi. Năm 1998, Không quân Canada đã bắn khoảng 1.000 viên đạn cỡ 20 ly vào một quả bóng tương tự và phải đợi đến 6 ngày sau, quả bóng đó mới xì hơi. Chuyên gia Mỹ này không chắc là ngay cả trong trường hợp dùng tên lửa địa đối không bắn vào mục tiêu, khinh khí cầu này đã rớt ngay lập tức. Ngoài ra, các bộ phận được lắp ráp trong ruột quả bóng có chức năng «săn lùng» những vật thể lạ bay chung quanh.

T.H.

Nguồn: RFI

Đọc thêm:

MỸ tìm mảnh khinh khí cầu do thám’ của Trung Quốc

6 tháng 2 2023

Đội người nhái của Hải quân Hoa Kỳ đang làm việc để thu thập những mảnh vỡ của khinh khí cầu do thám của Trung Quốc, bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển bang Nam Carolina.

Một đô đốc của Hải quân hy vọng việc tìm kiếm sẽ diễn ra tương đối nhanh để các chuyên gia có thể bắt tay vào phân tích thiết bị của nước này.

Chiến đấu cơ đã bắn hạ khinh khí cầu rơi xuống lãnh hải Hoa Kỳ vào hôm thứ Bảy và các mảnh vỡ nằm rải rác trên một khu vực rộng lớn.

Mỹ tin rằng khinh khí cầu đang do thám các địa điểm quân sự nhạy cảm.

Việc phát hiện ra chiếc khinh khí cầu này đã gây một cuộc khủng hoảng về mặt ngoại giao, với việc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ngay lập tức hủy bỏ chuyến công du vào cuối tuần này tới Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc phủ nhận nó được sử dụng để do thám và khẳng định đó là một khinh khí cầu thời tiết bị bay lạc hướng.

clip_image004

Chụp lại hình ảnh: Tuyến đường của quả khí cầu TQ

Đô đốc Mike Mullen, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, cho biết hôm Chủ nhật, ông nghĩ rằng quân đội Trung Quốc có thể đã cố tình phóng khinh khí cầu để cản trở chuyến đi của ông Blinken tới Trung Quốc. Chuyến thăm của ông Blinken sẽ là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc ở Trung Quốc trong nhiều năm.

Đô đốc Mullen bác bỏ ý của Trung Quốc rằng khinh khí cầu có thể đã đi chệch hướng, nói rằng nó có thể được điều khiển vì "có cánh quạt trên đó".

"Đây không phải là chuyện tình cờ mà có chủ đích. Đó là hoạt động tình báo", ông nói thêm.

Trong khi đó, các chính trị gia đảng Cộng hòa cáo buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden lơ là nhiệm vụ khi cho khinh khí cầu đi qua nước Mỹ mà không gặp bất kỳ chướng ngại nào.

Vụ khí cầu Trung Quốc bay vào bầu trời Hoa Kỳ bắt đầu được báo chí đăng vài ngày trong tuần trước rồi chính quyền Biden mới ra lệnh bắn hạ.

Marco Rubio, Phó chủ tịch ủy ban tình báo Thượng viện, nói với CNN rằng đó là một "nỗ lực trắng trợn" của Trung Quốc nhằm làm bẽ mặt ngài tổng thống trước bài phát biểu Thông điệp Liên bang hôm thứ Ba.

Bà nói rằng, hy vọng chính phủ sẽ giải trình việc này đã xảy ra như thế nào và họ sẽ làm thế nào để ngăn chặn nó không xảy ra lần nữa.

Khinh khí cầu dùng trên vùng khí quyển cao – được cho là có kích thước bằng ba chiếc xe bus – đã bị bắn hạ bởi hoả tiễn Sidewinder – từ một chiến đấu cơ phản lực F-22. Nó rơi xuống cách bờ biển Hoa Kỳ khoảng 6 hải lý vào lúc 14:39 EST vào thứ Bảy.

Được biết ba chiến đấu cơ Hoa Kỳ đã cùng xuất kích trong vụ việc nhưng chỉ một chiếc bắn hạ khinh khí cầu TQ.

Các kênh truyền hình của Mỹ đã phát sóng khoảnh khắc tên lửa bắn hạ, với vật thể khổng lồ màu trắng rơi xuống biển sau một vụ nổ nhỏ.

clip_image006

Chụp lại video: Video cảnh khinh khí cầu ‘do thám’ Trung Quốc bị bắn hạ

Martin Willis cho biết ông đang đến Myrtle Beach khi quay được cảnh chiến đấu cơ bắn hạ khinh khí cầu bị cho do thám. Ông nói với BBC rằng ông ấy không thể tin vào mắt mình. "Điều đó thực sự thú vị. Nó tạo cảm giác rất mang tính lịch sử", ông nói.

Cảnh sát đã cảnh báo người dân trong khu vực không được chạm vào hoặc di chuyển bất kỳ mảnh vỡ nào mà họ tìm thấy. "Việc động vào có thể gây trở ngại cuộc điều tra", Sở cảnh sát quận Horry cho biết.

Phần còn lại của vật thể rơi xuống vùng nước sâu 47 ft (14 m) – nông hơn so với dự đoán của các quan chức – và trải rộng trên 11 km.

Giải thích về quyết định bắn hạ khinh khí cầu, một quan chức quốc phòng Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố rằng "trong khi chúng ta thực hiện tất cả các bước cần thiết để bảo vệ việc thu thập thông tin nhạy cảm của khinh khí cầu do thám PRC [Trung Quốc], thì việc khinh khí cầu do thám bay qua lãnh thổ Hoa Kỳ là mang giá trị tình báo đối với chúng ta".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ "sự bất mãn và phản đối mạnh mẽ việc Mỹ sử dụng vũ lực tấn công chiếc khinh khí cầu".

Trong một tuyên bố bằng văn bản, chính phủ Trung Quốc cho biết họ sẽ "kiên quyết bảo vệ" các quyền và lợi ích của công ty vận hành khinh khí cầu và họ có quyền "thực hiện các phản ứng tiếp theo nếu cần thiết".

clip_image008

Lần đầu tiên ông Biden phê duyệt kế hoạch bắn hạ khinh khí cầu là vào thứ Tư, nhưng phải đợi cho đến khi vật thể này ở trên mặt nước để không gây nguy hiểm cho người dân.

Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) đã tạm hoãn tất cả các chuyến bay dân sự tại ba sân bay quanh bờ biển Nam Carolina và khuyến cáo các thủy thủ rời khỏi khu vực.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã trở nên căng thẳng sau vụ việc, với việc Lầu Năm Góc gọi đây là "sự xâm phạm không thể chấp nhận được" đối với chủ quyền của họ.

Các quan chức quân sự Hoa Kỳ hôm thứ Sáu cho biết một khinh khí cầu do thám thứ hai của Trung Quốc đã được phát hiện ở Mỹ Latinh.

Cùng ngày, Lực lượng Không quân Colombia cho biết một vật thể đã được xác định – được cho là khinh khí cầu – đã được phát hiện vào ngày 3 tháng 2 trong không phận của đất nước ở độ cao trên 16.764 mét.

Họ nói rằng đã theo dõi đối tượng cho đến khi quả khinh khí cầu rời khỏi không phận, thêm rằng nó không phải là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Trung Quốc không bình luận công khai về quả khinh khí cầu thứ hai.

Nguồn: bbc.com/vietnamese

This entry was posted in Quan hệ Mỹ - Trung. Bookmark the permalink.