Bắt tạm giam một đảng viên già yếu ở tuổi thất thập để làm gì?

Đông Đô

(VNTB) – Góp ý thật lòng cho đảng và nhà nước, lại bị quy chụp là ‘phá hoại’ đường lối chính sách…

clip_image002

Ngày 2-2-2023, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với bị can Nguyễn Sơn Lộ – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển SENA, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Ông Lộ bị điều tra về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên.

Đảng e dè lời nói thật?

Trước đó, cuối tháng 7-2022, cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và ban hành quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lộ. Theo cơ quan an ninh điều tra, khi ra quyết định khởi tố, xét tình tiết bị can là người già yếu (74 tuổi), có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

“Tuy nhiên, trong quá trình điều tra vụ án, bị can Nguyễn Sơn Lộ có dấu hiệu tiếp tục phạm tội. Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với bị can này”, Bộ Công an nêu lý do việc bắt tạm giam trong thông báo phát ra tối muộn ngày 2-2.

Trong một bài viết được tác giả tự giới thiệu là công an huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, đã ‘kết tội’ ông Nguyễn Sơn Lộ là “chống Đảng”, với nội dung cho thấy việc bắt giữ ông Lộ là tất yếu của phe nhóm thanh trừng nhau, vì về nguyên tắc, ông Lộ đang thực hiện quyền “phê và tự phê” của đảng viên đối với tổ chức Đảng. Bài viết như một bản án quy chụp được đưa ra vào trung tuần tháng 1-2021 có nội dung như sau:

“Trước thềm Đại hội XIII, Trung ương Đảng đã tổ chức xin ý kiến đóng góp của toàn Đảng, các Đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với dự thảo các văn kiện trình Đại hội.

Lợi dụng việc này, ông Nguyễn Sơn Lộ (Minh Đường), Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển (SENA) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam dưới danh nghĩa thư ngỏ góp ý xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nhưng thực chất là một hình thức thể hiện quan điểm sai trái, phụ họa cho những luận điệu xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước.

Những luận điệu sai trái đó có tác động tiêu cực, gây tâm lý nghi ngờ, mơ hồ, mất cảnh giác “a dua” theo tư tưởng phản động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Không biết ông Nguyễn Sơn Lộ (Minh Đường) sinh ra, lớn lên ở đâu, với vị trí, chức vụ hiện tại chắc chắn ông đã có quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, đã có những đóng góp nhất định cho các cơ quan, ban, ngành… để được các cấp, các ngành ghi nhận thành tích. Nhưng không hiểu sao trước việc góp ý xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng, ông lại hành động như vậy.

Càng gần đến ngày Đại hội, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, chống đối, cơ hội chính trị diễn ra càng rầm rộ hơn. Đề nghị mọi người dân nâng cao cảnh giác, nhận diện và “miễn dịch” các nội dung thông tin xuyên tạc, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.

Dù bao sóng gió, xong mọi người con đất Việt chân chính luôn vững tin vào Đảng, và chế độ xã hội chủ nghĩa; mong bác Trọng, bác Phúc, bác Ngân và các bác trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương và các cô, dì, chú, bác, anh, chị tham dự Đại hội sẽ thống nhất đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp; sáng suốt lựa chọn những người có đức, có tài, có tâm, có tầm để chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua sóng gió, đưa đất nước ta sánh vai các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ hằng mong muốn” (hết trích).

Thích thì bắt thôi!

Một tình tiết đáng lưu ý, ngày 27-7-2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Sơn Lộ (trú phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Hơn một tuần trước khi ông Lộ bị khởi tố, văn phòng của ông được một số văn sĩ trí thức dùng làm nơi tổ chức hội đàm về văn hoá Ukraine và bày tỏ tình cảm với nhân dân và đất nước Ukraine, với sự hiện diện của tham tán chính trị sứ quán và phu nhân đại sứ nước này.

Sự kiện đang diễn ra thì bị công an cắt điện, trang Asia News dẫn lời những người tham dự sự kiện này cho biết. Đồng thời trang Asia News cũng cho biết thêm rằng một số người tham dự buổi tọa đàm bị ngăn chặn trước khi đến đó.

Với việc bắt tạm giam một đảng viên đồng trang lứa với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho thấy đúng là đang có rất nhiều người có tâm để phản biện, góp ý cho đảng và nhà nước về những chính sách sai lầm chưa phù hợp đối với cuộc sống của người dân, đối với sự phát triển đất nước. Tuy nhiên tiếc thay, có những ý kiến trái chiều làm phật lòng cấp chóp bu nào đó, nên về sau đã bị quy chụp là “phá hoại” đường lối chính sách…

Lẽ nào đây lại là chuyện lập thành tích để chào mừng 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam?

Buổi tọa đàm về văn hoá Ukraine tại Viện SENA

Hơn một tuần trước khi ông Lộ bị khởi tố, hôm 16/7 Viện SENA đã cho một số văn sĩ trí thức mượn một phòng họp của Viện để tổ chức một buổi tọa đàm về văn hoá Ukraine (thơ của Shevchenko) và bày tỏ tình cảm với nhân dân và đất nước Ukraine, với sự hiện diện của bà Tham tán chính trị sứ quán và phu nhân đại sứ nước này. Sự kiện này đang diễn ra thì bị công an cắt điện, trang AsiaNews dẫn lời những người tham dự sự kiện này cho biết như trên. Đồng thời AsiaNews cho biết thêm rằng một số người tham dự buổi tọa đàm bị ngăn chặn trước khi đến đó.

Viện SENA từng góp phần soạn thảo lại điều lệ Đảng và Hiến pháp

Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển SENA là do ông Nguyễn Sơn Lộ thành lập từ tháng 4 năm 1992 trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Theo lời tự giới thiệu trên trang web của mình, Viện SENA có vai trò tư vấn chuyên ngành và vai trò Think Tank Việt Nam.

Theo một bài đăng trên trang cá nhân hồi Tháng 5 năm 2021, ông Lê Thăng Long, cựu tù nhân lương tâm, cho biết: “Trong một lần đầu tháng 8/2015 chúng tôi có ghé thăm Viện SENA tại 35 đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội do ông Nguyễn Sơn Lộ (có “bí danh” là Minh Đường) làm giám đốc. Chúng tôi được người có quan hệ thân hữu với Viện SENA tiết lộ cho biết rằng:“Viện SENA đang chuẩn bị tiến hành [góp phần] soạn thảo lại điều lệ đảng và hiến pháp!”.

Ông Long cũng bình luận rằng: “chúng tôi mừng là vì nhận thấy nhiều thành viên thuộc nhóm SENA có nhiều tinh thần cấp tiến, dân chủ, tiến bộ. Những điều dân chủ, cấp tiến, tiến bộ ấy nếu đem lan tỏa ra cộng đồng thì là sự cống hiến rất tốt cho xã hội“.

Thông tin thêm về SENA

Thư ngỏ gửi Bộ Chính trị, Đại hội Đảng

Không rõ cuối cùng Viện SENA có được tham gia vào việc soạn thảo lại hiến pháp hay không, nhưng chắc chắn ông Nguyễn Sơn Lộ (bí danh “Minh Đường”) đã ký tên với tư cách là Viện trưởng Viện SENA vào một lá thư ngỏ đề ngày 09/12/2015 gửi Bộ Chính trị, Đại hội lần thứ 12 và các đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bức thư ngỏ này được ít nhất 127 người ký tên, trong đó có các nhân vật như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Chu Hảo, Đại sứ Nguyễn Trung, Giáo sư Tương Lai, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, ông Nguyễn Mạnh Can, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng, bác sỹ Huỳnh Tấn Mẫm v.v. thẳng thắn đề nghị lãnh đạo Việt Nam đổi tên đảng, đổi tên nước, thay đổi đường lối đối ngoại được cho là lệ thuộc vào Trung Quốc, viết lại báo cáo chính trị và nhiều thay đổi ‘triệt để’ khác.

… Ông Nguyễn Sơn Lộ được khuyên không gửi các cuốn sách góp ý cho địa phương, các tỉnh thành, các Bí thư Tỉnh ủy hay các Đại biểu Quốc hội mà chỉ nên gửi trong nội bộ, ví dụ như Ban Tổ chức, Ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo, Ban Bí thư, Bộ Chính trị…

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Mai thuật lại thì ông Lộ đồng ý chỉ gửi góp ý của mình tới những nơi có trách nhiệm, tuy nhiên không hiểu lý do gì dẫn đến chuyện bị khởi tố.

Một bài viết xuất bản đầu năm 2021 của Công an huyện Bạch Thông – tỉnh Bắc Kạn với tiêu đề “Góp ý xây dựng Đảng hay chống Đảng” đề cập đến viện nghiên cứu SENA, và cho rằng Viện trưởng Viện SENA Nguyễn Sơn Lộ (Minh Đường) gửi thư ngỏ góp ý xây dựng văn kiện Đại hội 13 của Đảng, nhưng thực chất là một hình thức thể hiện quan điểm sai trái, phụ họa cho những luận điệu xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước.

Thu hồi trụ sở Viện SENA để mở rộng trụ sở làm việc cho công an

Năm 1997, sau khi được UBND Thành phố Hà Nội cấp phép, Viện nghiên cứu SENA phá dỡ hoàn toàn ngôi nhà cũ đã xuống cấp tại 35 Điện Biên Phủ, Quận Ba Đình, Hà Nội và xây trụ sở mới như hiện nay. Kinh phí đền bù, phá dỡ và xây mới có từ đóng góp của các nhà khoa học và các nhà tài trợ, hoàn toàn không bằng và không từ vốn Nhà nước.

Vị trí của trụ sở Viện Sena quá đẹp, có giá trị cao, được gọi là “đất vàng“, khiến nhiều kẻ muốn chiếm lấy nó.

Năm 2013, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định thu hồi trụ sở Viện SENA (gồm 565,4 m2 đất có nhà và công trình tại 35 Điện Biên Phủ) để giao cho UBND quận Ba Đình quản lý và tổ chức giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án mở rộng trụ sở làm việc cho Công an quận Ba Đình.

Ông Nguyễn Sơn Lộ, với tư cách viện trưởng Viện SENA, sau đó khiếu nại quyết định trên của TP Hà Nội. Tuy nhiên, các khiếu nại này đều bị bác bỏ. Vụ việc nói trên đã gây lùm xùm trên các mặt báo một thời gian dài.

Đ.Đ.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Xã hội dân sự. Bookmark the permalink.