Trọng chứng hay trọng cung?

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, thì thay vì phân biệt khác nhau, nhà làm luật đã đánh đồng trộn lẫn “chứng cứ” với “lời khai” khi quy định lời khai cũng chính là chứng cứ.

Bào chữa cho cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong đại án gian lận đấu thầu xảy ra tại bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, luật sư cho hay thực tế không thể tiếp xúc được với thân chủ để thu thập các tài liệu, chứng cứ, cũng không thể biết “có nhận tội hay không nhận tội”.

Cơ quan công tố cho rằng trường hợp bà Nhàn và các bị cáo bỏ trốn không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền tự bào chữa. Hội đồng xét xử đã chỉ định luật sư Dương Văn Nghị bào chữa cho bà Nhàn.

Trong bản luận tội, viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – cựu chủ tịch Công ty AIC (đang bỏ trốn) 14-15 năm tù tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, 16-17 năm tù về tội đưa hối lộ, tổng hợp hình phạt bị đề nghị 30 năm tù.

“Đây là vấn đề mới do trước nay chúng tôi chưa từng dự các phiên xét xử vắng mặt. Việc bị cáo có thực hiện hành vi phạm tội hay không, những người ngồi đây không ai biết, chỉ có bị cáo biết, từ đó định hướng cho luật sư bảo vệ theo hướng nhận tội hay không”, một luật sư cho biết, và nói rằng việc bị cáo bị truy tố tội đưa hối lộ chỉ dựa vào lời khai của các bị cáo khác.

Trong khi các bị cáo khai về việc nhận tiền này đều không có người làm chứng. Toàn bộ hồ sơ vụ án không có chứng cứ vật chất nào thể hiện việc đưa tiền để các lãnh đạo tỉnh và bệnh viện Đồng Nai chỉ đạo ưu ái trúng thầu.

Về quy định của tố tụng thì phía công tố buộc tội các bị cáo được cho là rời khỏi Việt Nam từ trước khi xảy ra việc khởi tố vụ án, là có căn cứ, mặc dù điều đó cho thấy rất cần được làm sáng tỏ mà luật pháp còn bỏ ngỏ.

“Điều 86. Chứng cứ

Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Điều 87. Nguồn chứng cứ

  1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:
  2. a) Vật chứng;
  3. b) Lời khai, lời trình bày;
  4. c) Dữ liệu điện tử;
  5. d) Kết luận giám định, định giá tài sản;

   đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

  1. e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;
  2. g) Các tài liệu, đồ vật khác.
  3. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự” – trích Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (tu chỉnh 2017).

Theo quy định trên thì lời khai cũng được xác định là chứng cứ và được xem xét đánh giá ngang hàng với vật chứng, trong khi rất lạ là điều luật về chứng cứ lại không nhắc đến ‘nhân chứng’ như một phần tương ứng với ‘vật chứng’.

Trong vụ án liên quan bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – cựu Chủ tịch Công ty AIC, kể trên, thì phần chứng cứ ghi nhận từ bị cáo cũng không có; chứng cứ ghi nhận từ “đối chứng” là các bị cáo đã rời khỏi Việt Nam từ trước khi khởi tố hình sự, cũng không có…

Lâu nay ở Việt Nam vẫn xảy ra tình trạng bức cung, do đó về nguyên tắc, thì trong án hình sự, để kết tội một người có tội hay không thì phải dựa vào chứng cứ, do đó người ta thường cho rằng “trọng chứng hơn trọng cung”.

Việc dựa vào lời khai phải phù hợp với những chứng cứ các vật chứng và những lời khai của những người làm chứng… Tuy nhiên, lời khai đó cũng chỉ là để tham khảo để xem nó có phù hợp với các chứng cứ khác không? Không thể dựa vào lời khai duy nhất để buộc tội.

Thế nhưng sẽ như thế nào khi vụ án được điều tra, mang ra xét xử khi không có lời khai của bị cáo đầu vụ, tức là không hề có khẩu cung nên chuyện phù hợp với các chứng cứ khác ở đây sẽ là tùy nghi mang tính định hướng từ phía cơ quan tố tụng. Điều này trái ngược với các nguyên lý khoa học tư pháp, làm giảm sút sự chính xác trong việc phán đoán, từ đó dẫn đến nhầm lẫn oan sai.

Vụ án liên quan bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – cựu Chủ tịch Công ty AIC là thuộc “án chỉ đạo” từ Bộ Chính trị. Vậy thì có lẽ không nên băn khoăn gì về tính khoa học, bởi lâu nay Đảng đã phán quyết thì sẽ luôn đúng.

Hiến pháp tại Điều 4 đã khẳng định điều “miễn bàn cãi” ấy rồi.

H.N.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in luật pháp, Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Bookmark the permalink.