Michel Damian[*] & Patrick Criqui[**]
Thái Thị Ngọc Dư dịch / “Climat: l’épineuse question de la responsabilité historique des pays industrialisés”, The Conversation, 6.11.2022.
SaintLouis (Sénégal), vào tháng tám năm 2021, một bé gái quan sát công trình xây dựng một con đê chống lại nước dâng vì khí hậu nóng lên. John Wessels/AFP
Các bạn sẽ không bỏ qua: Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung về khí hậu của Liên Hiệp Quốc khai mạc ngày thứ hai 7/11/2022 tại Charm el-Cheikh, Ai Cập. Các cuộc thảo luận, hứa hẹn sẽ gay go, sẽ tiếp tục cho đến ngày 18 tháng 11 tới. Thật vậy, đây sẽ là hội nghị các bên (COP) đầu tiên mà vấn đề bồi thường tài chính cho những thiệt hại mà các nước đang phát triển phải chịu sẽ là ưu tiên trong chương trình nghị sự.
Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh này, qui tụ gần 200 quốc gia, sẽ bị gây rối bởi sự mất tin tưởng ngày càng gia tăng của các nước đang phát triển đối với các nước phát triển (phương Nam/phương Bắc), bởi những yêu sách được lặp lại bởi nhóm “các nước đang phát triển + Trung Quốc”, với chí ít là 6,5 tỷ người trong số 8 tỷ của hành tinh!
Câu chuyện dài 100 tỷ
Để hiểu những căng thẳng và tranh luận chung quanh vấn đề quan trọng này (ai gây ra tình trạng trái đất nóng lên, ai sẽ phải trả?), cần quay ngược trở lại thời gian.
Tháng 12 năm 2009: Khi các cuộc thương thảo tại hội nghị COP 15 tại Đan Mạch đi vào giai đoạn cuối, tổng thống Mỹ Barak Obama đề nghị một gói 100 tỷ mỗi năm, được huy động từ năm 2020 để tài trợ cho các chính sách thích ứng và giảm nhẹ tại các nước đang phát triển.
Đây là một ý định nhằm đạt được một thỏa thuận hơn là một sự “đoàn kết Bắc – Nam [phát triển-đang phát triển]”: đó là những chuyển giao tài chính từ các nước phát triển để đổi lại những cam kết giảm lượng phát khí thải của những nước lớn mới nổi. Tất cả sẽ từ chối, đứng đầu là Trung Quốc, không hứa hẹn bất cứ điều gì.
13 năm sau, theo OCDE (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), 100 tỷ này sắp được tập hợp. Nhưng thông báo này được các nước đang phát triển tiếp nhận với sự hoài nghi, không tin tưởng. Thật vậy, gói này chủ yếu là các món vay – vậy là phải trả – chứ không phải là viện trợ.
Ít minh bạch vì tính chất “mới và phụ thêm” so với viện trợ phát triển truyền thống, sự phân bổ các món tài trợ này gần như vuột khỏi mọi kiểm soát của những nước đang phát triển.
Nguồn cảm hứng mạnh mẽ do hứa hẹn 100 tỷ tạo nên nay đã thay đổi thành một nỗi thất vọng sâu sắc.
Chủ đề nhàm tai và ít tin cậy về những “tổn thất và thiệt hại”
Ngay từ năm 1991, từ những cuộc thương thảo đầu tiên về Công ước khung về khí hậu của Liên Hiệp Quốc, Liên minh các đảo quốc nhỏ (AOSIS-Alliance of Small Island States), tất cả đều dễ bị tổn thương bởi nước dâng, đã đề nghị “một cơ chế quốc tế về đền bù tài chính cho những tổn thất và thiệt hại liên quan đến hiệu ứng tiêu cực của biến đổi khí hậu”.
Thật vậy, một cơ chế quốc tế về đền bù tài chính cho những tổn thất và thiệt hại sẽ được khai sinh vào năm 2013 tại COP Varsovie. Nhưng hai năm sau, hiệp định Paris minh định rõ đó là một công cụ hợp tác chứ không phải công cụ sửa chữa, và nó “không thể tạo cơ hội hay tạo cơ sở cho bất kỳ trách nhiệm hay sự đền bù nào cả”.
Một “cuộc đối thoại về những tổn thất và thiệt hại cho các nước dễ bị tổn thương nhất” rốt cuộc được cam kết ở hội nghị COP26 Glasgow (2021) (gọi là “Pacte climatique de Glasgow” – Hiệp ước khí hậu Glasgow -).
Những năm gần đây, các nước đang phát triển đã gây áp lực để một cơ chế tài chính về đền bù thiệt hại có thể được chính thức khởi động tại hội nghị COP27. Nhưng Mỹ và châu Âu không bao giờ muốn và sẽ không ủng hộ việc lập ra một quỹ mới.
Đối với COP27 này ở Charm el-Cheikh, họ sẽ chỉ hạn chế vào việc đề nghị tăng cường các thể chế hiện hữu – đó là lập trường chính thức của Liên minh châu Âu -.
Những căng thẳng cao độ này có gốc rễ trong sự thể hiện các “trách nhiệm lịch sử”, một khái niệm đã cấu trúc nên các cuộc thương thảo từ đầu những năm 1990.
Các trách nhiệm lịch sử, một chiều kích làm nên cấu trúc của các cuộc thương thảo về khí hậu
Nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng khác nhau”, được ghi trong Công ước khung về khí hậu năm 1992, đã thiết lập một cách lâu bền sự phân chia thế giới thành hai khối cũng như khái niệm về trách nhiệm lịch sử của riêng các nước phát triển.
Cho đến nay, nguyên tắc này đã miễn trừ mọi nghĩa vụ về giảm lượng phát khí thải cho các nước đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc; rồi đưa vào chủ đề cung cấp tài chính cho sự thích ứng, và cuối cùng là các đền bù tài chính cho những thiệt hại mà các nước đang phát triển phải chịu.
Từ 30 năm nay, đó là yếu tố quan trọng nhất của những thương thảo về khí hậu, thể hiện đòi hỏi một sự đoàn kết quốc tế trước những đe dọa của sự nóng lên toàn cầu. Ít nhất là trong các diễn ngôn, bởi vì luôn luôn có các khó khăn. Thật vậy, nguyên tắc trách nhiệm lịch sử này theo thời gian đã biến thành những đòi hỏi càng ngày càng cấp thiết, tất cả được diễn đạt với tư cách là “công bằng khí hậu”.
Mỹ luôn luôn là nước khăng khăng chống đối nguyên tắc này. Mỹ không bao giờ tham gia vào nguyên tắc này và nó vẫn nằm trên giấy ngay từ hội nghị thượng đỉnh Rio (1992). Như vậy không thể diễn dịch nguyên tắc này như là sự thừa nhận của Mỹ về các nghĩa vụ quốc tế; lại càng không thể như là “một sự giảm thiểu trách nhiệm của các nước đang phát triển”.
Lập trường này vẫn là sợi chỉ đỏ của chính sách ngoại giao khí hậu của Washington.
Các trách nhiệm lịch sử, tất cả đều là tương đối
Olivier Godard (1949-)
Nhà kinh tế học Olivier Godard đã nhấn mạnh rằng trách nhiệm lịch sử của các nước phát triển, vốn là cơ sở của các yêu cầu về đền bù cho những tổn thất và thiệt hại, không đơn giản để thực hiện như ta tưởng, dù là về phương diện cơ sở pháp lý và đạo đức, hoặc ngay cả về thông kê.
Nhưng đối với những người bảo vệ nguyên tắc trách nhiệm lịch sử, đại diện cho những nước mới nổi hay những nước ít phát triển, các sự việc đã rõ ràng. Ngay từ 1991, South Centre, một phòng thí nghiệm ý tưởng của các nước đang phát triển, chỉ ra rằng về mặt lịch sử các nước phát triển đã chiếm mua trước không gian môi trường. Và chỉ việc xác nhận lượng phát khí thải tích lũy liên quan cũng đủ để chứng minh trách nhiệm này. Sẽ là có cơ sở khi quy trách nhiệm về các cách làm của các thế hệ trước cho các quốc gia và dân cư hiện nay của họ. Thế là các nước này phải đảm nhận nghĩa vụ sửa chữa những thiệt hại do hành vi của tổ tiên họ gây ra. Nhưng trong các số liệu thì như thế nào? Để thấy rõ hơn, cần nghiên cứu diễn biến tương đối của các lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của các nước phát triển, theo năm và tích lũy (nhóm Phụ lục 1 – Annexe 1 – trong Công ước khung về khí hậu) và của các nước đang phát triển, các nước lớn mới nổi và bao gồm cả Trung Quốc (nhóm ngoài phụ lục 1 – Non-Annexe 1).
Các tác giả, dữ liệu PRIMAP, PIK (Viện khí hậu Postdam), CC BY-NC-ND
Khảo sát lượng phát khí thải hàng năm cho thấy có một sự đứt đoạn trong các nước thuộc Phụ lục 1 kể từ năm 1980 (khủng hoảng dầu mỏ lần thứ hai), kể từ đó là một sự suy giảm chậm. Trái lại, đối với các nước ngoài Phụ lục 1, lượng khí thải không ngừng gia tăng, và theo cấp số nhân. Kết quả: năm 1980, lượng khí thải các nước phát triển lớn gấp hai lần lượng khí thải của nhóm “các nước đang phát triển + Trung Quốc”, nhưng ngày nay tỷ lệ này đang đảo ngược.
Đối với lượng phát khí thải cộng dồn (là lượng khí thải có thể đo lường trách nhiệm lịch sử) cho đến cuối thế kỷ XIX, trước khi cách mạng công nghiệp tại các nước phát triển hoàn thành, chính là lượng phát khí thải của các nước nghèo lại vượt trội.
Sau đó, tình hình thay đổi hoàn toàn mãi cho đến năm 1980, thời điểm mà tỷ lệ lượng phát khí thải của các nước phát triển đạt mức tối đa (70%). Từ đó, tỷ lệ này đã không ngừng suy giảm do sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nước mới nổi. Ngày nay, tỷ lệ này vẫn còn trên 50% nhưng sẽ không cần đến mười năm nữa để tỷ lệ lượng khí thải cộng dồn của các nước đang phát triển và các nước mới nổi vượt qua tỷ lệ của các nước phát triển. Lúc đó các trách nhiệm lịch sử sẽ được phân chia bằng nhau.
Một trách nhiệm đạo đức?
Mặt khác, trước năm 1990 những điều kiện cơ bản để xây dựng một lập luận về trách nhiệm chưa được hội đủ. Các thế hệ trước không có kiến thức tiên quyết về thực tế là khí thải gây hiệu ứng nhà kính ảnh hưởng xấu đến khí hậu, do đó không thể trách họ, và huống hồ là quy trách nhiệm cho các thế hệ sau về vấn đề này. Và đương nhiên là các thế hệ hiện tại hoàn toàn không có năng lực hành động, không có bất kỳ phương tiện gì để đổi hướng các lựa chọn về năng lượng và về phát triển của các thế hệ trước.
Vả lại, chính là từ những năm 1990 mà sự tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước mới nổi, dựa trên sự gia tăng ồ ạt của tiêu thụ năng lượng hóa thạch đưa đến hậu quả là một sự gia tăng cũng mạnh mẽ của lượng khí thải. Kết quả hàng năm từ 20 năm nay là lượng khí thải của các nước này luôn cao hơn lượng khí thải của các nước trong Phụ lục 1.
Cũng như vậy, về phương diện trách nhiệm cá nhân tức thì, lượng phát khí thải tính theo đầu người ở các nước phát triển cao hơn các nước đang phát triển rất nhiều, đặc biệt là vì cường độ tiêu thụ năng lượng của họ. Tuy nhiên có một ngoại lệ quan trọng, bởi vì ngày nay lượng phát khí thải tính theo đầu người của Trung Quốc cao hơn của Liên minh châu Âu.
Phòng Dữ liệu và nghiên cứu thống kê, Bộ chuyển tiếp sinh thái Pháp (Số liệu chính về khí hậu 2022)
Ta thấy là sẽ không thể giải quyết vấn đề trách nhiêm lịch sử. Vấn đề này sẽ không giải quyết được, quyết liệt và ở đỉnh điểm chính trị. Không bao giờ một con số nào, một lý thuyết công bằng nào có thể thiết lập một sự đồng thuận, và vấn đề này sẽ mãi mãi tạo nên một “chướng ngại” (“skandalon”), có nguy cơ gây trục trặc cho cuộc thương thảo.
Một cuộc xung đột nan giải
Những yêu cầu của các nước đang phát triển sẽ không thể hoàn toàn được đáp ứng tại Charm el-Cheikh.
Về các “tổn thất và thiệt hại”, một nghiên cứu qui mô được công bố năm 2018 ước lượng chí ít cũng từ 290 đến 580 tỷ đô la mỗi năm từ đây đến năm 2030. Với sự nóng lên toàn cầu gia tăng, phí tổn của các tác động có thể vượt quá 1000 tỷ đô la mỗi năm từ đây đến năm 2050.
Bất luận độ tin cậy của những đánh giá này như thế nào, sẽ là không thực tế khi nghĩ rằng Mỹ và Liên minh châu Âu, bị ràng buộc với một trách nhiệm buộc họ phải chi ra hàng trăm tỷ đô la mỗi năm.
Tuy nhiên không ai có ý muốn COP27 có một cái kết thất bại. Một thỏa hiệp, không được như ý, và nhất là đối với các nước đang phát triển sẽ phải được tìm ra. Ngoại giao cũng là nghệ thuật che giấu những xung đột không bao giờ tìm thấy giải pháp.
Nathalie Rousset – tiến sĩ kinh tế, nguyên phụ trách chương trình thuộc Plan Bleu [Kế hoạch Xanh], hiện nay là nhà tư vấn – đã đóng góp vào việc xử lý dữ liệu và soạn thảo viết văn bản này.
Chú thích:
* Giáo sư danh dự, Đại học Grenoble Alpes (UGA)
** Giám đốc nghiên cứu émérite tại CNRS, Đại học Grenoble Alpes (UGA)
Nguồn: phantichkinhte123