Nghị quyết mới của LHQ lên án Nga xâm lược Ukraina: Vì sao sự ủng hộ không giảm?

Trọng Thành

Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga bước sang khúc quanh mới vào tháng thứ 7 của chiến tranh. Chính quyền Putin quyết định sáp nhập 4 tỉnh của Ukraina. Liên Âu vận động Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết mới lên án Nga. Có nhiều lo ngại số lượng quốc gia ủng hộ việc lên án Nga lần này sẽ sụt giảm mạnh trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt kéo dài, thế giới đang chìm trong khủng hoảng nhiều mặt.

Ảnh minh họa : Màn hình kết quả bỏ phiếu lần 2 nghị quyết Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraina, ngày 24/03/2022. Ảnh minh họa : Màn hình kết quả bỏ phiếu lần 2 nghị quyết Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraina, ngày 24/03/2022. Ảnh minh họa : Màn hình kết quả bỏ phiếu lần 2 nghị quyết Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraina, ngày 24/03/2022. Ảnh minh họa : Màn hình kết quả bỏ phiếu lần 2 nghị quyết Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraina, ngày 24/03/2022. Ảnh minh họa : Màn hình kết quả bỏ phiếu lần 2 nghị quyết Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraina, ngày 24/03/2022.

Ảnh minh họa : Màn hình kết quả bỏ phiếu lần 2 nghị quyết Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraina, ngày 24/03/2022. AP – Seth Wenig

Trước diễn biến nói trên, ‘‘chiến dịch quân sự đặc biệt’’ của Nga tại Ukraina về danh nghĩa không bao hàm mục tiêu lãnh thổ. Việc Nga đơn phương sáp nhập đất của Ukraina đã đặt cộng đồng quốc tế trước một thách thức nghiêm trọng hơn. Các nước phương Tây ráo riết vận động để Liên Hiệp Quốc ra một nghị quyết mới lên án Nga. Ngày 30/09/2022, một dự thảo nghị quyết đã bị bác tại Hội Đồng Bảo An, với lá phiếu phủ quyết của Nga. Dự thảo nghị quyết một lần nữa lại được đệ trình lên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Trước thềm cuộc bỏ phiếu ngày 12/10/2022, đã có nhiều dự đoán không mấy lạc quan rằng nghị quyết có khả năng chỉ đạt được từ 100 đến 140 phiếu thuận, có nghĩa là ít hơn khá nhiều so với nghị quyết đầu tiên ngày 02/03/2022 lên án Nga xâm lược (141 phiếu).

Theo nhiều nhà quan sát, số lượng nước ủng hộ nếu sụt giảm sẽ tác động không nhỏ đến tính ‘‘chính đáng’’ của các nỗ lực hậu thuẫn Ukraina từ phía các quốc gia đồng minh, đối tác. Đã diễn ra nhiều vận động ngoại giao để thu hút sự ủng hộ nghị quyết, rút cục đã nhận được 143 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 35 phiếu trắng. Mục Theo dòng thời sự của RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.

***

Các vận động ngoại giao chủ yếu nào có thể đã cho phép điều này?

Dự thảo nghị quyết lên án Nga sáp nhập lãnh thổ của Ukraina đã duy trì được mức độ ủng hộ của các thành viên Liên Hiệp Quốc tương tự như giai đoạn đầu chiến tranh. Các vận động ngoại giao chủ yếu nào có thể đã cho phép điều này?

Có thể nói có ba vận động đặc biệt đáng chú ý.

Thứ nhất là giới chức cao cấp của Liên Hiệp Quốc đã trực tiếp vào cuộc, vận động cho dự thảo nghị quyết lần này. Đây là điều mà nhiều người cho là một nỗ lực bất thường.

Thứ hai là Liên Hiệp Châu Âu, bên chủ trì dự thảo nghị quyết, đã điều chỉnh một vài điểm trong nội dung dự thảo, cho phép thu hút được các quốc gia còn lưỡng lự.

Và thứ ba là các vận động ráo riết của Hoa Kỳ và các đồng minh.

Nỗ lực đáng nói đầu tiên là từ phía giới lãnh đạo Liên Hiệp Quốc. Nhật báo Le Monde có bài tổng hợp đáng chú ý của nhà báo Carrie Nootten, từ New York, cho biết có sự nhập cuộc hiếm thấy từ phía bộ máy lãnh đạo Liên Hiệp Quốc (1).

Các lãnh đạo Liên Hiệp Quốc trực tiếp vận động cho nghị quyết

‘‘Ngay từ ngày 30/09 (tức sau khi Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết tại Hội Đồng Bảo An), toàn bộ bộ máy của Liên Hiệp Quốc đã được huy động để chống lại việc xâm phạm một trong những nguyên tắc nền tảng của Liên Hiệp Quốc: chủ quyền của các quốc gia thành viên’’.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh là các quyết định sáp nhập này ‘‘xâm phạm mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc’’, đồng thời khẳng định các cuộc trưng cầu dân ý do Nga tổ chức tại Ukraina là ‘‘không thể được coi như một sự biểu đạt thực sự ý chí của nhân dân’’.

Việc chủ tịch Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trực tiếp lên tiếng vận động cho dự thảo nghị quyết là một điểm bất thường khác. Ngay trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, chủ tịch Đại Hội Đồng, người Hungary, ông Csaba Korosi, khẳng định: ‘‘Hiến chương Liên Hiệp Quốc là rõ ràng, Đại Hội Đồng cũng đã có thái độ rõ ràng, tổng thư ký cũng đã rõ ràng: cuộc can thiệp của Nga là bất hợp pháp’’.

Thái độ mạnh mẽ ‘‘khác hẳn với thông lệ’’ ngoại giao của chủ tịch Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã bị đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc lên án dữ dội. Đại diện thường trực của Nga Vassily Nebenzia tố cáo việc chủ tịch Đại Hội Đồng, và nhiều thành viên lãnh đạo khác của Liên Hiệp Quốc đã can thiệp, ‘‘thao túng ở mức độ chưa từng có, làm suy yếu quyền lực của Đại Hội Đồng và toàn thể định chế Liên Hiệp Quốc’’. Đại sứ Nga đe dọa sẽ tẩy chay bỏ phiếu.

”La bàn’’ định hướng

Theo một số nguồn tin ngoại giao châu Âu, các can thiệp trực tiếp như trên của lãnh đạo Liên Hiệp Quốc có thể có tác động như một ‘‘chiếc la bàn’’ định hướng trong bối cảnh không khí ‘‘mệt mỏi’’ bắt đầu hiện rõ trong thái độ của một số quốc gia vốn ủng hộ nghị quyết lên án Nga xâm lăng lần trước, đặc biệt là tại châu Phi, và Cận Đông, nơi cuộc chiến tranh tại Ukraina thường được nhìn nhận như ‘‘chủ yếu là vấn đề của châu Âu’’.

Có thể nói, từ đầu cuộc chiến tranh tại Ukraina cho đến gần đây, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres chủ yếu đóng vai trò của một người trung gian tìm giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, thái độ của lãnh đạo Liên Hiệp Quốc dường như đã có nhiều thay đổi vào thời điểm Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 77 khai mạc giữa tháng 9 vừa qua. Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc trực tiếp đứng ra vận động cho  ‘‘một liên minh toàn cầu nhằm vượt qua các chia rẽ’’, đang đặt ‘‘các lý tưởng của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc trước thử thách hiểm nghèo’’.

Gắn liền nền hòa bình cho Ukraina với ‘‘sự sống còn của Liên Hiệp Quốc’’ 

Trong bài phát biểu khai mạc Đại Hội Đồng lần thứ 77, tổng thư ký Guterres đã coi cuộc chiến tranh tại Ukraina cùng nhiều xung đột và khủng hoảng khác trên thế giới, như các thách thức đe dọa vận mệnh của nhân loại, và sự tồn vong của bản thân các định chế quốc tế lâu đời. Các thách thức chưa từng có đòi hỏi các nỗ lực hợp tác chưa từng có của cộng đồng quốc tế.

Hồi tháng 4/2022, khoảng 200 cựu giới chức Liên Hiệp Quốc đã gửi một thư ngỏ đến tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cảnh báo: Cuộc xung đột chưa từng có kể từ Thế chiến Hai đến nay đang thách thức ‘‘lý do tồn tại’’ của bản thân Liên Hiệp Quốc, một định chế được thành lập nhằm bảo vệ hòa bình.

Các cựu giới chức Liên Hiệp Quốc báo động nguy cơ Liên Hiệp Quốc ‘‘dần dần trở nên hoàn toàn bất lực, và đi theo vết xe đổ của Hội Quốc Liên trước đây’’. Hội Quốc Liên (League of Nations / La Société des Nations) thành lập năm 1919, sau Thế chiến thứ nhất, đã không ngăn được châu Âu rơi vào Thế chiến thứ hai (2).

Liên Âu đã có những điều chỉnh nào để thu hút thêm nước bỏ phiếu thuận?

Cuộc chiến tranh kéo dài tại Ukraina với các tội ác chiến tranh của quân đội Nga gây phẫn nộ, một mặt tăng cường sự đoàn kết của khối các nước ủng hộ Ukraina, nhưng mặt khác, viễn cảnh bất trắc của chiến tranh và tình hình kinh tế khó khăn có thể khiến sự ủng hộ suy giảm. Việc Brazil và Gabon – hai quốc gia vốn bỏ phiếu thuận cho nghị quyết chống xâm lược Nga đầu năm nay – vừa bỏ phiếu trắng tại Hội Đồng Bảo An hôm 30/09, gây lo ngại lớn.

Theo một số nhà quan sát, trong dự thảo mới nhất, được đưa ra ngày 07/10 (ít ngày trước cuộc bỏ phiếu), vấn đề chủ quyền bán đảo Crimée đã được gác sang một bên. Năm 2014, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã từng ra một nghị quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimée, vùng lãnh thổ mà Nga đã đơn phương sáp nhập đầu năm 2014, sau chính biến Maidan. Nghị quyết lúc đó chỉ được 100 quốc gia ủng hộ. Nếu giữ nội dung này như trong dự thảo trước, số lượng nước tham gia ký tên có thể khó lòng vượt mốc 100.

Một điều chỉnh đáng chú ý thứ hai là, dự thảo đã đề xuất thúc đẩy ”đối thoại chính trị’’ giữa các bên xung đột (tức bao gồm Nga) đã được đưa vào khổ cuối của dự thảo nghị quyết, so với nội dung yêu cầu ‘‘xuống thang căng thẳng’’ chung chung như trong dự thảo ngày 04/10. Theo báo mạng độc lập EUobserver, một phương tiện truyền thông có uy tín chuyên về chính trị châu Âu, đây là hai thay đổi đáng chú ý, có thể giúp thu hút thêm các nước bỏ phiếu thuận (3).

Về các vận động ngoại giao thu hút các quốc gia ủng hộ nghị quyết, không thể không kể đến nỗ lực của Mỹ và các đồng minh. Trước ngày bỏ phiếu, đài France 24 có bài ‘‘Guerre en Ukraine: Washington s’emploie à rallier les soutiens pour un vote à l’ONU’’, cho biết, riêng ngoại trưởng Antony Blinken và nhân vật số ba của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoiria Nuland, đã có các cuộc trao đổi trực tuyến với đại diện khoảng 100 nước, để tìm cách thuyết phục.

Ghi chú

1/ Bài ‘‘Divisés, les pays de l’ONU vont se prononcer sur l’illégalité des annexions russes’’ (Bị chia rẽ, các thành viên Liên Hiệp Quốc chuẩn bị bỏ phiếu về tính bất hợp pháp của các quyết định sáp nhập lãnh thổ Ukraina của Nga), Le Monde, ngày 11/10/2022.

2/ Bài “EU open to ‘dialogue’ with Putin in UN resolution” / ‘‘Liên Âu mở cánh cửa ‘đối thoại’ với Putin trong dự thảo nghị quyết Liên Hiệp Quốc’’, trang euobserver, ngày 10/10/2022, https://euobserver.com/world/156249).

3/ ‘‘L’Ukraine, nouveau ‘‘défi existentiel’’ pour l’ONU’’, Le Devoir, 30/04/2022.

T.T.

Nguồn: RFI Tiếng Việt

This entry was posted in Liên Hợp Quốc, Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.