Các cây xăng và bệnh viện đình công trá hình!

Mai Bá Kiếm

Hôm qua, báo đăng có 54 cây xăng ở TPHCM đồng loạt ngưng bán. QLTT kiểm tra, không có cây xăng nào còn xăng mà ngưng bán. Hôm nay, ở P. Tân Thuận Đông có 3 cây xăng, tôi thấy 2 cây đóng cửa.

Các cây xăng không nhập thêm xăng và đóng cửa là cách đình công trá hình mà hợp pháp, làm áp lực để khoản chiết khấu bán lẻ tăng đến mức cây xăng có lãi! Đây là cú tát như trời giáng vào mặt Bộ Công Thương!

Vì xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện do Bộ Công Thương quản lý, nhưng Bộ quản như hạch!

Bộ Công thương cấp phép cho 38 doanh nghiệp (DN) đầu mối nhập khẩu xăng dầu (có 1 DN ngừng kinh doanh) và đầu năm nay cho phép giảm thời hạn điều chỉnh giá xăng dầu từ 3 tuần xuống còn 2 tuần, vậy mà cũng chưa vừa lòng 37 đầu mối.

Bộ Công thương quá bất tài về quản lý nhà nước: cấp 38 đầu mối nhập khẩu mà không làm tăng tính cạnh tranh về giá cả và chất lượng xăng dầu, trái lại các đầu mối có dấu hiệu thỏa thuận hạn chế cạnh tranh! Bộ cho điều chỉnh giá xăng dầu 26 lần/năm vẫn chưa “hả dạ” các cây xăng bán lẻ, thì Bộ quản lý cái quần gì?

Nạn khan hiếm xăng có thể dẫn đến người lao động không đi làm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhưng chuyện khan hiếm dầu Diesel làm cho hàng chục ngàn tàu đánh cá neo dọc bờ biển VN, các máy cơ khí nông nghiệp ngưng hoạt động. Các công trình xây dựng ngưng thi công vì xe hủ lô, xe cẩu, máy cuốc, máy đóng cọc bê tông thiếu dầu!

Không có thế lực thù địch, Việt Tân nào xúi giục các đầu mối giảm chiết khấu bán lẻ và xúi cây xăng đình công! Sau vụ chỉ định thầu Kit Test Việt Á, gần 100 lãnh đạo ngành y bị bắt, Bộ Y tế thừa nhận có 40 BV, Sở Y tế địa phương thiếu thuốc, vật tư y tế “do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, do vậy một số địa phương, đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm”.

Không dám đấu thầu là cách làm eo của các sở và BV, cũng là kiểu đình công trá hình.

Thuốc và trang thiết bị y tế cũng là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, Bộ Y tế quản lý cà chớn y như Bộ Công thương quản xăng dầu.

BV Ung bướu Hà Nội không có hóa chất để truyền cho bệnh nhân theo lịch định kỳ, bệnh nhân chết chắc! Ở BV TP Thủ Đức, bệnh nhân BHYT phải ra ngoài mua thuốc. BV Chợ Rẫy hết thuốc trong danh mục BHYT chi trả, bệnh nhân ghép thận phải mua thuốc bên ngoài tốn từ 6-15 triệu đồng.

BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa không có thủy tinh thể cho người mổ mắt có BHYT, nhưng nếu mổ dịch vụ thì có liền! BV ĐK TP Cần Thơ thiếu thuốc gây mê, gây tê, nhóm tim mạch, thần kinh, tiền liệt tuyến… nên ca phẫu thuật rất thông thường cũng phải chuyển lên tuyến trên.

Nếu để tình trạng thiếu xăng dầu kéo dài, ngành điện lực sẽ cúp điện “đình công” đòi tăng giá điện. Trường THPT Marie Curie không cho HS nghỉ trưa, nếu dư luận phản đối việc thu phí 15.000 đ/giờ. Lúc đó, Bộ Giáo dục cho tăng phí lên 60.000đ, bằng tiền khách sạn cho thuê giờ đầu tiên mới chịu!

M.B.K.

Nguồn: FB Ba Kiem Mai

—-

Đọc thêm:

CÁCH QUẢN LÝ ĐẦU MỐI XĂNG DẦU CỦA HAI THỂ CHẾ

Mai Bá Kiếm

1/ TỪ THỜI PHÁP THUỘC ĐẾN 30/4/1975: MIỀN NAM CHỈ CÓ 3 ĐẦU MÔI XĂNG DẦU

Năm 1911, Hãng dầu Shell (Royal-Dutch) thành lập đầu tiên ở Nhà Bè, sau đó Hãng dầu Socony – Vacuum Oil Company (Mỹ – đến 1960 đổi thành Esso) và Hãng dầu Caltex (Mỹ) lập thành một dãy kho bồn và cảng dầu trải dài từ vàm sông Phú Xuân đến gần mũi Nhà Bè.

Có thể là hình ảnh về 1 người và ngoài trời

Có thể là hình ảnh về 1 người và ngoài trời

Mỗi hãng quy hoạch vị trí cây xăng trên quốc lộ và tỉnh lộ ở miền Nam, hợp tác với chủ đất ở đó đầu tư cây xăng. Chủ đất bỏ vốn xây cây xăng theo thiết kế mẫu. Hãng lắp đặt bồn xăng, trụ bơm rồi bấm niêm chì, cây xăng treo bảng hiệu của hãng (Esso, Shell hoặc Caltex).

Mỗi hãng có phòng hóa nghiệm kiểm mẫu xăng nhập từ tàu bơm lên bồn và kiểm mẫu lấy ngẫu nhiên lấy từ các cây xăng.

Không cần kiểm thị viên (giống QLTT) và kiểm hóa viên (giống chi cục kiểm tra đo lường chất lượng), nhân viên lấy mẫu của hãng ngẫu nhiên ghé cây xăng của mình đổ vào lít mẫu (bằng inox) dán niêm phong có chữ ký chủ cây xăng và nhân viên lấy mẫu, đem về phòng hóa nghiệm kiểm tra.

Nếu chủ cây xăng ăn gian dung tích hoặc chất lượng sẽ bị cắt hợp đồng, còn bị truy tố ra tòa về tội gian lận thương mãi. Chính quyền không cần nhúng tay vào chất lượng xăng, và chỉ kiểm soát việc buôn lậu hay ăn cắp xăng dầu từ tàu, xà lan, xe bồn qua Cảnh sát Tài nguyên (giống Cảnh sát Kinh tế).

Chính quyền hiện nay có trong tay: Cục Chống buôn lậu, Cục Quản lý thị trường, Cục Cảnh sát kinh tế, Cục Kiểm tra Đo lường Chất lượng mà xăng lậu, dầu giả cứ diễn ra liên tục.

2/ XHCN CÓ 38 ĐẦU MỐI XĂNG DẦU

Thời ông Trương Đình Tuyển làm bộ trưởng chỉ có 11 doanh nghiệp quốc doanh làm đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Đến đời Trần Tuấn Anh (bắt chước Nguyễn Thiện Nhân cho thành lập đại học ồ ạt) cho “trăm hoa đua nở” thành “38 đầu mối xăng dầu”, trong đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân không có kho bồn chứa dầu, không có cảng nhập dầu, tàu chở dầu, nên chỉ bán quota nhập xăng dầu hưởng chênh lệch.

Có 38 đầu mối mà không có 38 nhãn hiệu cây xăng, để mỗi đầu mối tự kiểm soát chất lượng các cây xăng của mình cung cứng, thì dù có 1 sư đoàn QLTT + 1 sư đoàn HQ chống buôn lậu + 1 sư đoàn đo lường chất lượng cũng không kiểm tra hết mấy chục ngàn cây xăng cả nước.

VNCH nắm 3 thằng có tóc (Shell, Esso, Caltex) có đủ chức năng: thăm dò, khai thác, chưng cất, có tàu vận tải trên 200.000 tấn, phân phối và bán lẻ xăng dầu). Bộ Công thương CHXHCN VN chỉ nắm vài anh có tóc (Petrolimex, MIPECORP, Saigon Petro, Petect, Petechim PVOil, Thalexim…) còn lại là một lũ trọc đầu!

Bộ Công thương quy định, mỗi cây xăng phải ghi rõ đơn vị đầu mối cung ứng để hậu kiểm “nguồn xăng dầu”. Nhưng nạn mua bán phiếu xăng dầu lòng vòng cứ xảy ra! Thậm chí, các cây xăng còn mua xăng lậu của Mai Văn Huy (Cty Xăng dầu Đồng Tháp), của Hùng “xì tẹt” (Cty TNHH Thành Phát, Tiền Giang), của bà “trùm” Nguyễn Thanh Phương (Cty TNHH Hoàng Sơn).

Chưa hết, trong vụ án xăng dầu giả của Lương Đình Tiến – giám đốc Petrolimex Long An, các cây xăng đã mua trên 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng từ tháng 8/2020.

Tương tự, các cây xăng mua của Trịnh Sướng (Gđ Cty TNHH Mỹ Hưng, Sóc Trăng) hơn 133 triệu lít xăng giả, gần 1,6 triệu lít dầu DO giả. Tổng giá trị hàng giả tương đương với giá trị hàng thật hơn 2.500 tỷ đồng.

Trịnh Sướng có công thức pha chế theo cáo trạng: “Chúng dùng hàng ngàn tỷ đồng mua hoá chất pha chế dung môi (Naphtha, Solmix, Orgasol, BMSol White, BMSol Petro) với xăng nền, hóa chất tăng RON (Toluene, MTBE, Xylene, Ethanol) và hỗn hợp màu Azo để tạo thành xăng A95, E5, RON 92 giả”.

Sau hơn một năm điều tra vụ án Trịnh Sướng, Công an phát hiện thêm 42 tên đồng bọn của Trịnh Sướng đã sản xuất thêm 200 triệu lít xăng dầu giả!

Bộ Công thương đã không quản lý nổi chất lượng xăng dầu, nay không quản lý được nạn đình công của các cây xăng!

This entry was posted in Quản lý nhà nước, Xăng dầu. Bookmark the permalink.