Katsuji Nakazawa, “105-year-old party elder sends blunt message to Xi,” Nikkei Asia, 22/09/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
“Cải cách và mở cửa là con đường duy nhất cho Trung Quốc,” Tống Bình nói.
Ở tuổi 105, Tống Bình (Song Ping) là quan chức về hưu cao tuổi nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nổi tiếng với việc từng thúc ép cựu chủ tịch Giang Trạch Dân phải nghỉ hưu hoàn toàn, mới đây, Tống đã xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên sau nhiều năm.
Do tuổi cao nên ông chỉ xuất hiện trong một đoạn video. Nhưng hành động đó đã gây xôn xao chính giới Trung Quốc trước thềm đại hội toàn quốc của đảng, sẽ khai mạc vào ngày 16/10.
Trong thông điệp chúc mừng một sự kiện diễn ra vào ngày 12/09, vị lão thành trăm tuổi đã nói rằng chính sách cải cách và mở cửa “là con đường duy nhất dẫn đến sự phát triển và tiến bộ của Trung Quốc đương đại, và là con đường duy nhất để hiện thực hóa giấc mơ Trung Hoa.”
Đây là những lời mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói cách đây gần 5 năm. Tống đã khéo léo sử dụng lời nói của chính Tập để gửi một thông điệp đến nhà lãnh đạo cao nhất.
Tập Cận Bình đã đưa ra nhận xét này trong bài phát biểu đầu năm mới được công bố vào ngày 31/12/2017, đánh dấu kỷ niệm 40 năm ngày cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đưa ra chính sách cải cách và mở cửa. Nhưng Tập hiếm khi lặp lại nhận xét đó.
Tống Bình tham dự phiên khai mạc đại hội đảng lần gần nhất, tại Đại lễ đường Nhân dân vào tháng 10/2017. © Getty Images
Trong giai đoạn gần đây, Tập đã chuyển sang các chính sách kinh tế của riêng mình, chẳng hạn như “thịnh vượng chung” và “ngăn chặn bành trướng tư bản vô trật tự.”
Bước sang nhiệm kỳ thứ ba, Tập muốn chứng tỏ rằng ông đã vượt qua Đặng về thành tích. Điều quan trọng là phải mở đường cho nhiệm kỳ thứ tư, và nhiều khả năng, là trở thành nhà lãnh đạo trọn đời.
Tuy nhiên, Tống Bình đã lên tiếng cảnh báo. Sinh năm 1917, từ trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập, ông đã ngầm thể hiện rằng chính sách cải cách và mở cửa của Đặng Tiểu Bình phải được bảo vệ bằng mọi giá.
Đó là một động thái ngoan cường và nguy hiểm về mặt chính trị.
Tống từng là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị dưới thời Đặng, sau cuộc đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Ông cũng từng là thư ký cho cựu Thủ tướng Chu Ân Lai.
Ông nắm rất rõ bản chất phức tạp của cuộc cạnh tranh giữa các phe phái trong đảng.
Cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình (trái) và Chu Ân Lai, thủ tướng đầu tiên của Trung Quốc, nói chuyện trên Khán đài Thiên An Môn ở Bắc Kinh. © AP
Thông điệp của Tống đã bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc vào giữa tháng 9, khi Tập có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi bắt đầu đại dịch – tới Kazakhstan và Uzbekistan.
Sau khi Tập trở về Bắc Kinh, nhà chức trách bắt đầu xóa bỏ các đoạn có liên quan đến cải cách và mở cửa trong phát biểu của Tống.
Điều trớ trêu là họ lại đang xóa chính những lời mà Tập đã nói cách đây vài năm. Đến cuối tháng 9, rất nhiều bài báo liên quan đã không còn xem được. Chuyện này cho thấy sự tức giận và thù hằn của Tập.
Tuy nhiên, Nhật báo Cam Túc, cơ quan ngôn luận của tỉnh ủy Cam Túc, đã cho đăng một bài bình luận táo bạo, trong đó công khai thông điệp của Tống, dù chỉ dừng lại ở việc nhắc đến tên ông.
Tống Bình từng là quan chức hàng đầu của Cam Túc. Bài bình luận viết rằng cải cách và mở cửa “là con đường duy nhất dẫn đến sự phát triển và tiến bộ của Trung Quốc đương đại.”
Trong khi đó, các tờ báo liên quan đến ĐCSTQ ở Bắc Kinh và các khu vực khác đều im lặng.
Cam Túc nổi tiếng với Hang Mạc Cao, một di sản thế giới được UNESCO công nhận ở Đôn Hoàng. Tỉnh này cũng rất quan trọng về mặt chính trị.
Hang Mạc Cao là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận ở Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc. © EPA / Jiji
Theo một trí thức sinh ra ở Cam Túc và am hiểu chính trị địa phương, Tống Bình rất có mắt nhìn người và đã giúp cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, 79 tuổi, và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, 80 tuổi, thăng tiến vào các chức vụ ở Bắc Kinh sau khi hai người này phục vụ ở Cam Túc.
“Tống vẫn thân thiết với Hồ và Ôn,” nhà trí thức nói. “Cần đặc biệt chú ý đến mối quan hệ của ông với Hồ.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, Hồ Cẩm Đào sống ở Cam Túc từ năm 1968 đến năm 1982. Ông đã tỏa sáng trong khi làm công việc về sản xuất điện và cung cấp nước. Ông cũng đã kết hôn vào khoảng thời gian đó.
Ôn Gia Bảo, người sinh cùng năm với Hồ, khi đó cũng đang làm việc trong lĩnh vực liên quan đến địa chất ở Cam Túc.
Hồ Cẩm Đào (trái), Thủ tướng Lý Khắc Cường, Tập Cận Bình, và Ôn Gia Bảo chụp ảnh cùng nhau tại phiên bế mạc của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 17/03/2013. (Ảnh của Reuters)
Đặng Tiểu Bình đã thăng cấp đặc biệt cho Hồ, theo sự tiến cử của Tống, và vào năm 1992, để ông tham gia Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng. Hồ vừa 49 tuổi khi tham gia ủy ban này.
Ôn, một đồng minh của Hồ, người từng là thủ tướng trong chính quyền Hồ, cũng được Tống Bình lựa chọn vì tài năng của mình. Ôn sau này cũng chủ trương cải cách chính trị.
Thông điệp về cải cách và mở cửa đến từ Cam Túc là rất đáng chú ý, và đã khiến người ta suy đoán rằng bộ ba Tống-Hồ-Ôn đang gửi đi một thông điệp.
Thông điệp nhằm cảnh báo Tập đừng nên đi quá xa với các chính sách và thay đổi nhân sự của mình, thay vào đó hãy đề bạt một nhà lãnh đạo trẻ hơn, người bảo vệ chính sách cải cách và mở cửa, vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Tập Cận Bình và Hồ Xuân Hoa © Kyodo
Trong số các ứng cử viên hiện tại, chỉ có một người phù hợp với yêu cầu này: Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa, 59 tuổi.
Hồ Cẩm Đào và Hồ Xuân Hoa (không có quan hệ họ hàng) lần lượt được gọi là “Đại Hồ” và “Tiểu Hồ.” Hồ Xuân Hoa thuộc phe Đoàn phái do Hồ Cẩm Đào lãnh đạo.
Mười chín năm trước, vào mùa hè năm 2003, một nhóm đảng viên lão thành, bao gồm cả Tống Bình, đã kêu gọi Giang Trạch Dân nghỉ hưu hoàn toàn. Ở thời điểm đó, Giang đã nhường chức tổng bí thư kiêm chủ tịch nước cho Hồ Cẩm Đào, nhưng vẫn giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương đầy quyền lực.
Mãi đến mùa thu năm 2004 – gần một năm rưỡi sau yêu cầu của các vị lão thành do Tống dẫn đầu – Giang mới thực sự từ bỏ chức vụ quân sự của mình.
Lời kêu gọi duy trì cải cách và mở cửa gần đây của Tống có lẽ cũng sẽ không sớm được hồi đáp.
Thông điệp của Tống được đưa ra 4 tháng sau khi Văn phòng Trung ương Đảng ra thông báo kêu gọi những đảng viên cao tuổi đã nghỉ hưu không được chỉ trích ban lãnh đạo đương nhiệm.
Ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, thông báo này cảnh cáo.
Nửa năm trước khi thông báo được đưa ra, đã xảy ra một vụ bê bối lớn. Ngôi sao quần vợt nổi tiếng Trung Quốc, Bành Soái, cáo buộc một vị lão thành trong đảng – cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ – đã lạm dụng tình dục mình.
Vụ việc liên quan đến mối quan hệ của Bành và Trương đã trở thành chủ đề quốc tế trước thềm Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh. Nhưng đối với chính trị trong nước ở Trung Quốc, nó còn mang một ý nghĩa khác.
Nó tạo cho Tập một cái cớ hoàn hảo để giám sát và thu thập thông tin về các nhà lãnh đạo đảng đương nhiệm cũng như đã nghỉ hưu.
Vụ bê bối của Bành Soái đã tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực của Tập nhằm củng cố quyền lực của mình hơn nữa.
Vụ bê bối của Bành Soái tạo cho Tập một cái cớ hoàn hảo để đặt cả các lãnh đạo đảng đương nhiệm và đã nghỉ hưu vào tầm ngắm. © Reuters
Thông điệp video của Tống Bình là một đòn phản công chống lại thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng.
Cách chính quyền Tập xử lý vụ bê bối của Bành, thông báo “không được chỉ trích,” và hành động công khai bảo vệ cải cách và mở cửa của Tống có liên quan mật thiết với nhau.
Chẳng bao lâu nữa, ĐCSTQ sẽ tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương khóa 19, nơi các quyết định cuối cùng về chương trình của Đại hội Đảng lần thứ 20 sẽ được đưa ra. Những quyết định này bao gồm cả các thay đổi về nhân sự.
Tập đã không vội vàng xuất hiện trước công chúng sau khi trở về từ chuyến thăm Kazakhstan và Uzbekistan. Ông hẳn là đã bận rộn với việc chuẩn bị cho cuộc đọ sức cuối cùng với những kẻ thù chính trị của mình.
Thông điệp của Tống Bình, phản ánh nội tình cuộc tranh giành quyền lực hiện nay ở Trung Quốc, chắc chắn là một vấn đề lớn đối với Tập.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
K.N.
Nguồn bản dịch: nghiencuuquocte.org