Trung Quốc có thể phạm tội ác chống lại loài người ở Tân Cương – Báo cáo của Liên Hiệp Quốc

1 tháng 9 2022

This photo taken on June 2, 2019, shows buildings at the Artux City Vocational Skills Education Training Service Center, believed to be a re-education camp where mostly Muslim ethnic minorities are detained, north of Kashgar in China's north-western Xinjiang region.

Trung Quốc bị cáo buộc giam giữ lên đến một triệu người Uyghur và người Hồi giáo khác trong các trại tạm giam ở Tân Cương. ẢNH: GETTY IMAGES

Liên Hiệp Quốc đã cáo buộc Trung Quốc "vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" trong một báo cáo vốn được chờ đợi từ lâu về những cáo buộc việc lạm dụng, ngược đãi ở tỉnh Tân Cương.

Trung Quốc đã thúc giục LHQ không công bố báo cáo, và Bắc Kinh gọi đây là "trò hề" do các cường quốc phương Tây dàn dựng.

Báo cáo đánh giá các tuyên bố về việc ngược đãi người Hồi giáo Uyghur và các dân tộc thiểu số khác – điều mà Trung Quốc phủ nhận.

Nhưng các nhà điều tra cho biết họ đã lần ra những "bằng chứng đáng tin cậy" về việc tra tấn có thể tới mức gây "tội ác chống lại loài người".

Xem thêm:

Nghị sĩ Anh tuyên bố diệt chủng người Uighur đang diễn ra ở Trung Quốc

Mỹ: Trung Quốc ‘phạm tội diệt chủng người Uighurs’

Theo đó, Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng luật an ninh quốc gia đầy mơ hồ để kìm hãm quyền của người thiểu số và thiết lập "hệ thống giam giữ tùy tiện".

Báo cáo do Văn phòng Cao ủy Nhân quyền của LHQ cho biết rằng các tù nhân đã phải chịu "các hình thức đối xử tệ bạc". Trong đó có "các vụ bạo lực tình dục và bạo hành dựa trên giới".

Những người khác, họ nói, phải đối mặt với việc điều trị y tế bắt buộc và "thi hành các chính sách kế hoạch hóa gia đình mang tính phân biệt và kiểm soát sinh sản".

LHQ khuyến nghị Trung Quốc thực hiện ngay các bước để trả tự do cho "tất cả các cá nhân bị tước đoạt tự do một cách tùy tiện" và cho rằng, một số hành động của Bắc Kinh có thể bị quy vào "tội ác quốc tế, bao gồm cả tội ác chống lại loài người".

Trong khi LHQ nói họ không thể chắc chắn có bao nhiêu người bị chính phủ giam giữ, các nhóm nhân quyền ước tính rằng, hơn một triệu người đã bị bắt nhốt tại các trại ở khu vực Tân Cương, phía Tây Bắc Trung Quốc.

Có khoảng 12 triệu người Uyghurs, chủ yếu là người Hồi giáo, sống ở Tân Cương. LHQ cho biết các thành viên không theo đạo Hồi cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các vấn đề nêu trong báo cáo.

Một số quốc gia trước đây đã mô tả các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương là diệt chủng.

Nhưng Bắc Kinh – bên đã xem trước báo cáo này – phủ nhận các cáo buộc ngược đãi và cho rằng các trại này là công cụ để chống khủng bố.

Phái đoàn của họ ở Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva đã bác bỏ những phát hiện trong báo cáo, cho đó là "bôi nhọ và vu khống Trung Quốc" và xía vào chuyện nội bộ của đất nước.

"Cái gọi là ‘đánh giá’ này là một tài liệu chính trị hóa đã phớt lờ sự thật và phơi bày hoàn toàn ý định của Mỹ, các nước phương Tây và các lực lượng chống Trung Quốc sử dụng nhân quyền như một công cụ chính trị", tuyên bố viết.

Map showing Uyghur population in Xinjiang

Báo cáo được công bố vào ngày làm việc cuối cùng của bà Bachelet – sau bốn năm bà ở Cao ủy Nhân quyền của LHQ.

Nhiệm kỳ của bà hầu như bị chi phối bởi các cáo buộc ngược đãi nhắm vào người Uyghurs.

Văn phòng của bà Bachelet cho biết, một cuộc điều tra về các cáo buộc diệt chủng ở Tân Cương đã được tiến hành hơn một năm trước.

Tuy nhiên, việc xuất bản đã bị trì hoãn nhiều lần, dẫn đến việc một số nhóm nhân quyền phương Tây cáo buộc Bắc Kinh đang giục bà ém đi những phát hiện gây hại trong báo cáo.

Và ngay cả trong những giờ phút cuối cùng trước khi báo cáo được công bố, Trung Quốc đã gây áp lực buộc bà Bachelet không được tung ra báo cáo.

Trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm tuần trước, bà thừa nhận mình đang phải chịu "áp lực rất lớn về việc công bố hay không công bố" bản báo cáo.

Xem thêm:

Trung Quốc ‘có thể cắt giảm hàng triệu ca sinh ở Uyghur’

BBC điều tra về ‘nạn nhân Uighur bị hãm hiếp tập thể’: Mục tiêu là hủy diệt tất cả?

Những khuôn mặt từ trại cải tạo người Uyghur, Tân Cương

Nhưng bà bảo vệ cho sự trì hoãn rằng, nói rằng phía bà tìm kiếm đối thoại với Bắc Kinh về bản báo cáo không có nghĩa là bà "nhắm mắt ngó lơ" trước nội dung của báo cáo.

Sophie Richardson, Giám đốc Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói những phát hiện của báo cáo cho thấy "lý do tại sao chính phủ Trung Quốc làm tới cùng để ngăn việc công bố báo cáo".

"Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nên sử dụng báo cáo này để bắt đầu một cuộc điều tra toàn diện về tội ác chống lại loài người của chính phủ Trung Quốc nhắm vào người Uyghurs và những nhóm khác – và bắt họ phải chịu trách nhiệm", bà nói thêm.

Và Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế, Agnès Callamard, đã lên án "sự chậm trễ không thể lý giải được" trong việc tung ra các phát hiện.

Bà Callamard nói: "Chính phủ Trung Quốc phải có trách nhiệm giải trình cho những tội ác chống lại loài người, bao gồm cả việc xác định danh tính và cuối cùng truy tố những cá nhân bị nghi ngờ có trách nhiệm".

Members of the Muslim Uighur minority hold placards as they demonstrate to ask for news of their relatives and to express their concern about the ratification of an extradition treaty between China and Turkey at Uskudar square in Istanbul on February 26, 2021.

Các vụ Trung Quốc bị cáo buộc ngược đãi người Uyghurs ở Tân Cương đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn cầu kể từ khi leo thang vào năm 2017. ẢNH: GETTY IMAGES

Đầu năm nay, BBC đã thu được các tài liệu bị rò rỉ, vén màn một hệ thống có tổ chức gồm các vụ hãm hiếp, lạm dụng tình dục và tra tấn người Hồi giáo Uyghurs có tổ chức tại một mạng lưới các trại giam.

Được gọi là Hồ sơ Cảnh sát Tân Cương – đã được chuyển cho BBC và hé lộ một chuỗi mệnh lệnh được đưa ra từ lãnh đạo cao nhất, ông Tập Cận Bình.

Vào năm 2020, Ngoại trưởng Vương quốc Anh khi đó là Dominic Raab đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền "thô bạo và nghiêm trọng" đối với cộng đồng người Hồi giáo sau khi một video được phát tán cho thấy người Uyghur bị bịt mắt và dẫn đến tàu hỏa.

Đoạn ghi hình đã gây ra sự phản đối kịch liệt của quốc tế, nhưng ông Lưu Hiểu Minh, khi đó là đại sứ Trung Quốc tại Anh, khẳng định rằng "không có trại tập trung nào như vậy ở Tân Cương" khi xuất hiện trên chương trình Andrew Marr của BBC.

Trung Quốc nói gì?

Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Hồi đáp về Hồ sơ Cảnh sát Tân Cương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với BBC rằng, các tài liệu này là "ví dụ mới nhất về những tiếng nói chống Trung Quốc đang cố gắng bôi nhọ Trung Quốc".

Ông cho biết Tân Cương được hưởng sự ổn định và thịnh vượng và người dân đang sống hạnh phúc, viên mãn.

Trung Quốc nói rằng, cuộc đàn áp ở Tân Cương là cần thiết để ngăn chặn khủng bố và nhổ bỏ tận gốc chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Các trại này là công cụ hiệu quả để cải tạo tù nhân trong cuộc chiến chống khủng bố.

Bắc Kinh khẳng định rằng các chiến sĩ Uyghur đang mở một chiến dịch bạo lực cho một nhà nước độc lập bằng cách âm mưu đánh bom, phá hoại và gây bất ổn trong dân chúng. Nhưng luận điệu này bị cáo buộc là phóng đại mối đe dọa để biện minh cho việc đàn áp người Uyghur.

Trung Quốc cũng bác bỏ tuyên bố việc họ đang cố gắng làm giảm dân số Uyghur thông qua việc triệt sản hàng loạt là "vô căn cứ", và nói rằng những cáo buộc về lao động cưỡng bức là "hoàn toàn bịa đặt".

Nguồn: BBC Tiếng Việt

This entry was posted in Mặt thật Tàu cộng, Tân Cương. Bookmark the permalink.