RFA
2022.08.27
Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫy tay chào giới truyền thông trước cuộc họp Quad tại văn phòng của Thủ tướng Kishida ở Tokyo, ngày 24/5/2022. AFP
Ở bài trước, RFA trao đổi với TS. Nagao Satoru ở Hudson Institute về chiến lược bành trướng của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Nagao đã làm sáng tỏ chiến lược "lấp đầy khoảng trống quyền lực" của Trung Quốc để bành trướng lãnh thổ.
Rõ ràng, những quốc gia và khu vực yếu kém trong khả năng tổ chức hệ thống an ninh sẽ không thể đối phó với chiến lược bành trướng của Trung Quốc.
Trong bài thứ 2 này, nhà nghiên cứu Nagao Satoru chia sẻ với độc giả RFA về tổ chức Đối thoại Tứ giác An ninh (The Quadrilateral Security Dialogue – QUAD) gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Đây là một mô hình an ninh đối phó với chính sách bành trướng của cường quốc quân sự đang trỗi dậy này.
Vì sao QUAD ra đời?
Trả lời câu hỏi của RFA về chiến lược đối phó với chính sách bành trướng của Trung Quốc, TS. Nagao chỉ ra rằng chiến lược của các quốc gia QUAD là lấp đầy những khoảng trống quyền lực để Trung Quốc không thể trám vào, bằng cách duy trì sự cân bằng quân sự.
Để làm được điều này, họ cần tăng ngân sách quốc phòng nhưng tăng ngân sách là một nhiệm vụ không dễ dàng. Do đó, họ thực hiện cách tiếp cận khác là tổ chức lại hệ thống an ninh của chính mình.
TS. Nagao Satoru, Hudson Institute
Đây thực sự là một chiến lược quan trọng. Nhà nghiên cứu Nagao giải thích về mô hình an ninh “trục bánh xe-và-nan hoa” lâu nay của Mỹ và đồng minh. Mô hình “trục bánh xe-và-nan hoa” là cách sắp xếp mạng lưới giống như chiếc bánh xe đạp, trong đó có một trục và các nan hoa đan với nhau để giữ cho bánh xe vững chắc khi chuyển động.
“Trong một thời gian dài, Mỹ và đồng minh duy trì trật tự ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bằng hệ thống an ninh theo mô hình “trục bánh xe-và-nan hoa” (“hub and spoke” system). Trong hệ thống theo mô hình “trục bánh xe-và-nan hoa” này, trục bánh xe là Hoa Kỳ và các nan hoa là những đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Philippines, Thái Lan và Hàn Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Một đặc điểm của hệ thống hiện tại là nó phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ. Bởi vậy, mặc dù Nhật Bản và Úc đều là đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng không có liên minh Nhật-Úc.
Những hành động khiêu khích gần đây của Trung Quốc cho thấy rằng hệ thống hiện tại đã không hiệu quả để ngăn cản chiến lược bành trướng của họ. Như đã đề cập ở trên, trong giai đoạn 2011-2020, Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự lên 76% và Mỹ giảm chi tiêu 10%.
Ngay cả khi chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ lớn hơn gấp ba lần so với Trung Quốc, hệ thống “trục bánh xe-và-nan hoa” hiện tại vẫn sẽ không đủ”.
Theo nhà nghiên cứu Nagao, bởi mô hình an ninh hiện tại không hiệu quả, một hệ thống an ninh dựa trên những mối liên kết mới đang hình thành. Các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ hợp tác với nhau và chia sẻ gánh nặng an ninh với Hoa Kỳ và với nhau.
Nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, ba bên, tứ giác hoặc đa phương khác, chẳng hạn như Mỹ-Nhật-Ấn, Nhật-Ấn-Úc, Úc-Anh-Mỹ, Ấn-Úc-Indonesia, Ấn-Úc-Pháp và Mỹ-Ấn- Israel-UAE, đang tạo ra một mạng lưới hợp tác an ninh mới.
Trong bối cảnh đó, QUAD chỉ là một trong số nhiều ví dụ về cách thức các quốc gia hợp tác với nhau và chia sẻ gánh nặng an ninh khu vực, khi đối phó với một cường quốc quân sự đang nổi lên.
QUAD hoạt động như thế nào?
QUAD có thể làm gì để ngăn cản sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc? Nếu các nước QUAD phối hợp tốt, họ có thể buộc Trung Quốc phải phòng thủ nhiều mặt trận cùng một lúc. Nhà nghiên cứu Nagao giải thích:
“Trong một kịch bản như vậy, Trung Quốc sẽ cần đồng thời thực hiện nhiều khoản chi tiêu quốc phòng chống lại Mỹ và Nhật Bản ở phía Thái Bình Dương cũng như chống lại Ấn Độ ở phía biên giới Ấn Độ – Trung Quốc. Loại hợp tác này sẽ cung cấp một cách thức duy trì sự cân bằng quân sự ngay cả khi chi tiêu quân sự của Trung Quốc đang tăng với tốc độ nhanh chóng.
Khả năng tấn công là bí quyết chủ chốt. Trong một thời gian dài, không có quốc gia nào ngoại trừ Mỹ có đủ khả năng tấn công Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đều sở hữu khả năng tấn công tầm xa, thì khả năng tổng hợp của họ sẽ buộc Trung Quốc phải phòng thủ trên nhiều mặt trận.
Ngay cả khi Trung Quốc quyết định mở rộng lãnh thổ ở biên giới Ấn Độ – Trung Quốc, họ vẫn cần phải chi một lượng ngân sách và lực lượng quân sự nhất định để tự vệ trước một cuộc tấn công tiềm tàng từ Mỹ và Nhật Bản.
Hiện tại, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đều đang có kế hoạch sở hữu các khả năng tấn công tầm xa 1000-2000 km như tên lửa hành trình và máy bay phản lực F-35 với bom lượn (glide bomb).
Và trên thực tế, Đài Loan, Việt Nam, Philippines và Hàn Quốc cũng đang tăng cường kho vũ khí tấn công bằng tên lửa đất đối đất. Những động thái này có thể rất quan trọng”.
Vào tháng 9 năm 2021, Australia, Anh và Mỹ thông báo thành lập AUKUS, một thỏa thuận an ninh ba bên ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong liên minh này, Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ Australia mua và duy trì 8 tàu ngầm hạt nhân.
Ông Nagao cho rằng nếu Australia sở hữu tàu ngầm hạt nhân với khả năng tấn công tầm xa, lực lượng hải quân Australia có thể hoạt động ở một khu vực rộng lớn hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và có khả năng chống lại mối đe dọa của Trung Quốc trong khu vực đó. Australia cũng sửa đổi tàu ngầm thông thường của họ để phóng tên lửa hành trình Tomahawk.
Chiến lược bành trướng của Trung Quốc và sự hình thành những mạng lưới an ninh mới trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để đối phó với cuộc bành trướng đó đã tạo ra một bối cảnh mới về an ninh mà các nước Đông Nam Á phải tìm cách thích ứng. Phần cuối của loạt bài này, RFA sẽ phỏng vấn TS. Nagao Satoru về vị trí của Đông Nam Á trong đó có Việt Nam trong mạng lưới an ninh đang tiến triển trong khu vực.
Nguồn: RFA Tiếng Việt