Nguyễn Ngọc Chu
Muốn giúp người khác “tri thức hoá” thì trước hết phải tự “tri thức hoá” chính mình. Ở thời đại nền công nghiệp 4.0 và toàn cầu hoá, điều bất lợi cho Việt Nam là đa số cán bộ lãnh đạo chưa theo kịp tiến bộ công nghệ. Không theo kịp tiến bộ công nghệ thì làm hại đến sự phát triển của toàn bộ đơn vị mình quản lý.
Bởi thế, “TRI THỨC HOÁ CÁN BỘ” phải đi trước “TRI THỨC HOÁ NÔNG DÂN”.
1. Nông nghiệp Việt Nam nằm ở vị trí nào trên bảng xếp hạng thế giới?
Theo “Phân loại Công nghiệp Tiêu chuẩn Quốc tế (ISIC- International Standard Industrial Classification) thì nông nghiệp thuộc bộ phận 1-5 của ISIC, và bao gồm lâm nghiệp, đánh bắt cá, cũng như trồng trọt và chăn nuôi. Theo nguồn “Dữ liệu tài khoản quốc gia của Ngân hàng Thế giới và dữ liệu Tài khoản Quốc gia của OECD (Organization for Economic Co-operation and Development) năm 2020, thì bảng xếp hạng thế giới của top 10 quốc gia có tổng giá trị gia tăng về nông nghiệp cao nhất thế giới (tính theo USD) có thứ tự như sau (https://www.indexmundi.com/…/NV.AGR.TOTL.CD/rankings).
1/. Trung Quốc – 1,126,740,000,000 USD,
2/. Ấn Độ – 487,238,000,000,
3/. Mỹ -196,514,000,000 USD,
4/. Indonesia – 145,046,000,000 USD,
5/. Nigeria – 104,370,000,000 USD,
6/. Brazil – 85,319,720,000 USD,
7/. Pakistan – 60,743,920,000 USD,
8/. Nga – 54,892,330,000 USD,
9/. Nhật Bản – 51,851,370,000 USD,
10/. Thổ Nhĩ Kỳ – 48,097,010,000 USD.
Thái Lan giữ vị trí tiếp theo 11 với 43,297,570,000 USD.
Việt Nam giữ vị trí 17 với 40,275,600,000 USD.
Giá trị gia tăng là sản lượng ròng của một ngành sau khi cộng tất cả các đầu ra và trừ đi các đầu vào trung gian. Xin lưu ý rằng, xếp hạng các nước có tổng giá trị gia tăng nông nghiệp lớn nhất viện dẫn trên đây thì phần lớn là nhờ vào dân số lớn và đất đai nông nghiệp rộng. Các nước đứng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ đều là nhờ dân số khổng lồ, đất nông nghiệp bao la, chứ không phải cậy vào năng suất lao động cao nhất. Việt Nam hiện có dân số đứng thứ 15 trên toàn thế giới. Vị trí thứ 17 về tổng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp của Việt Nam có được là nhờ không nhỏ vào dân số – với khoảng 70% của gần 100 triệu người – thuộc vào lĩnh vực nông nghiệp.
Một chỉ số xếp hạng tiếp theo là tỷ trọng nông nghiệp trong toàn bộ sản phẩm thu nhập quốc dân (GDP). Đối với các nước chậm phát triển, tỷ trọng doanh số nông nghiệp trong thu nhập quốc dân cao. Còn ở các nước phát triển thì tỷ trọng doanh số nông nghiệp trong thu nhập quốc dân thấp. Theo bảng xếp hạng tỷ trọng doanh số nông nghiệp trong GDP của các quốc gia thì:
Sierra Leone – 58,15% thứ 1, Nigeria – 36.91% thứ 5, Ấn Độ – 16,68% thứ 46,
Việt Nam – 13,96% thứ 51, Indonesia -12,71% thứ 52, Thái Lan – 8,14% thứ 79, Trung Quốc – 7,14% thứ 85, Israel – 1,13% thứ 158, Nhật Bản – 1,01% thứ 160, Hoa Kỳ – 0,92% thứ 162, Singapore – 0,03% thứ 178 và đứng cuối cùng thứ 179 là San Marino – 0,02%.
Một chỉ số khác nữa của nông nghiệp là giá trị gia tăng trên mỗi lao động – giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị đầu vào. Bảng xếp hạng thế giới về giá trị gia tăng theo đầu lao động của 10 nước đứng đầu theo thống kê năm 2019 như sau (https://www.indexmundi.com/…/NV.AGR.EMPL.KD/rankings).
1
Argentina
2,758,231.00
2
Iceland
126,734.10
3
Canada
113,112.70
4
Singapore
110,206.90
5
Norway
108,139.70
6
Israel
102,158.60
7
United States
100,061.60
8
Australia
86,838.25
9
Sweden
83,760.46
10
Netherlands
72,233.72
Bảng xếp hạng tính theo tỷ giá không đổi năm 2010 của đồng đô la Mỹ. Theo bảng xếp hạng này, trong khối các nước Asean, Việt Nam với 1,734.94 USD trên một lao động, đứng thứ 134 và xếp thấp hơn: Singapore – 110,206.90 USD, thứ 4, Indonesia – 3,600.52 USD thứ 106, Philippines – 3,530.52 USD thứ 107, Thái Lan – 3,216.55 USD thứ 111. Nhưng lại trên Campuchia – thứ 139, Myanmar – 1,389.59 USD thứ 143, Lào – 1,184.22 USD thứ 150.
Xét tổng thể, Hoa Kỳ là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới. Số lao động nông nghiệp Mỹ trung bình chỉ khoảng 1,5 triệu người, chiếm chưa đầy 1% tổng số 152,58 triệu lao động của Mỹ (2021, https://www.statista.com/…/employment-in-the-united…/…). Nhưng giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp Mỹ năm 2021 đạt 172 tỷ USD và dự báo tăng lên 191 tỷ USD vào cuối năm 2022. Nông nghiệp Mỹ (năm 2017) có khoảng 2,04 triệu trang trại, bao phủ diện tích khoảng 900 triệu mẫu Anh, trung bình 441 mẫu Anh (178 ha) mỗi trang trại (https://en.wikipedia.org/…/Agriculture_in_the_United….).
Nền nông nghiệp Mỹ có mức độ cơ giới hoá rất cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến ở mức hàng đầu. Lực lượng lao động nông nghiệp Mỹ vì thế sở hữu một nguồn tri thức tiên tiến, làm cho năng suất lao động nông nghiệp luôn ở hàng tiên phong của thế giới.
Qua các bảng xếp hạng thế giới dẫn ra ở trên cho thấy, trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam không nằm trong nhóm các nước phát triển. Giá trị gia tăng trên mỗi lao động nông nghiệp Việt Nam kém xa so với các nước nhóm hàng đầu. Mức độ cơ giới hoá, tự động hoá, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ rất thấp. Việt Nam cần phải nâng cao năng suất lao động để tăng giá trị gia tăng trên đầu lao động, cũng như tăng tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp của toàn quốc gia.
2. Những nghịch lý của nông nghiệp Việt Nam
Nông nghiệp Việt Nam đang hứng chịu những nghịch lý.
a/. Là đất nước nông nghiệp nhưng Việt Nam phải nhập khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp đáng lý ra không phải nhập khẩu, hay nhập khẩu ở mức độ thấp. Chẳng hạn như, năm 2021 Việt Nam phải nhập khoảng 22,3 triệu tấn thức ăn chăn nuôi gia súc (chiếm hơn 60%), trị giá 10 tỷ USD. Trong 10 tỷ USD thức ăn chăn nuôi gia súc phải nhập khẩu, có 10 triệu tấn ngô, 5 triệu tấn khô dầu đậu tương. Phân bón cũng phải nhập khẩu đến hơn 40%, năm 2021 là 1,54 triệu tấn, trị giá 1,45 tỷ USD. “Giống cây trồng, vật nuôi cũng chủ yếu nhập khẩu” (https://vnexpress.net/viet-nam-nhap-10-ty-usd-nguyen-lieu…).
Trong khi đó xuất khẩu gạo năm 2021 (dù đứng thứ 2 thế giới), cũng chỉ được 6,2 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD (https://www.gso.gov.vn/…/phat-trien-lua-gao-theo…/….).
Tại sao nông nghiệp Việt Nam lại không thể sản xuất ra ngô, khô dầu đậu tương để phải nhập khẩu 10 tỷ USD thức ăn chăn nuôi gia súc? Tại sao nông nghiệp Việt Nam lại không tự sản xuất được phân bón? Tại sao nông nghiệp Việt Nam lại không đảm bảo được giống cây trồng và vật nuôi?
Những câu hỏi tại sao cũng nối đuôi nhau xếp hàng trong lĩnh vực phân phối. Vì trong lĩnh vực phân phối cũng đầy rẫy những nghịch lý. Sản phẩm làm ra không tiêu thụ kịp thời, bị ứ đọng, phải huỷ bỏ. Năm nào hàng hoá nông sản cũng phải chầu chực dãy dài hàng cây số suốt nhiều tuần lễ ở cửa khẩu biên giới. Trên phương diện chất lượng, nông sản Việt Nam đáp ứng được thị trường giá trị cao chưa nhiều, làm cho giá mua thấp, không chiếm lĩnh được thị trường. Kết quả là thu nhập của người nông dân rất thấp.
b/. Một nghịch lý khác nằm trong lĩnh vực áp dụng khoa học, công nghệ và kỹ thuật vào nông nghiệp. Việt Nam có nhiều nhà khoa học nông nghiệp. Việt Nam có một số quỹ khoa học dành cho nông nghiệp. Nhưng cơ chế quản lý đã không phát huy được năng lực của các nhà khoa học nông nghiệp. Cơ chế quản lý cũng làm cho các quỹ khoa học dành cho nông nghiệp hoạt động không hiệu quả. Lãng phí sức sáng tạo của các nhà khoa học nông nghiệp là một vấn đề cấp bách mà người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải đưa ra lời giải.
Chỉ bằng con đường áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và kỹ thuật vào nông nghiệp thì nông nghiệp Việt Nam mới có năng suất cao, chất lượng tốt, mới có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế, mới phát triển nhanh và bền vững. Bởi thế, vấn đề xương sống của nông nghiệp Việt Nam là áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học, công nghệ và kỹ thuật vào nông nghiệp.
c/. Nêu ra một số nghịch lý ở trên để thấy được những mục tiêu cụ thể phải làm. Mục tiêu cụ thể của nông nghiệp Việt Nam là xoá bỏ những nghịch lý, chứ không sa vào những lý luận mơ hồ.
Như ở chiến trường cần những chỉ huy ra mệnh lệnh tức thì, nông nghiệp Việt Nam đang cần những nhà lãnh đạo hành động giải quyết các vấn cụ thể, chứ không cần những nhà tuyên truyền “lý luận”.
3. Những con đường “tri thức hoá” nông dân
Nêu ra một số nghịch lý ở trên để thấy được những mục tiêu cụ thể phải làm. Mục tiêu cụ thể của nông nghiệp Việt Nam là xoá bỏ những nghịch lý, chứ không sa vào những lý luận mơ hồ.
Như ở chiến trường cần những chỉ huy ra mệnh lệnh tức thì, nông nghiệp Việt Nam đang cần những nhà lãnh đạo hành động giải quyết các vấn cụ thể, chứ không cần những nhà tuyên truyền “lý luận”. Các hình thức tuyên truyền, cổ động của thập niên 1960 thế kỷ trước đã không còn phù hợp với thời đại công nghệ mới của đầu thế kỷ 21. Những hình thức đó không giúp gì được nhiêù cho người nông dân trên con đường làm giàu tri thức. Thời đại công nghệ phải sử dụng các công cụ công nghệ. Dưới đây là một số con đường “tri thức hoá nông dân” nhanh chóng và hiệu quả.
a/. Sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ mới tiên tiến là con đường nhanh nhất để “tri thức hoá nông dân”.
Khi người nông dân được sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ mới tiên tiến cũng chính là lúc người nông dân – chẳng những được tiếp cận mà còn sở hữu các tri thức mới nhất, tiến bộ nhất trong lĩnh vực nông nghiệp. Ở mặt khác, cách học trực quan qua máy móc thiết bị công nghệ là con đường nhanh nhất và hiệu quả nhất để nắm bắt tri thức. Thực tiễn chỉ ra, ở những nơi nào người nông dân sở hữu, máy móc, thiết bị, công nghệ mới, thì ở nơi đó chẳng những năng suất lao động cao, sản phẩm nhiều với chất lượng tốt, mà tri thức của người nông dân cũng rất mới và giàu có.
b/. Áp dụng tiến bộ khoa học là “tri thức hoá" nông dân
Khi nói đến “sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ mới tiên tiến” là nói đến hiện tại – những sản phẩm đã tồn tại trên thị trường. Còn nói đến “áp dụng tiến bộ khoa học” là bao gồm cả tương lai, bao gồm cả các đầu tư nghiên cứu cho tương lai. Ở phương diện này, tri thức của người nông dân không chỉ ở mức sở hữu các tri thức đã có của nhân loại, mà người nông dân còn trực tiếp tham gia tạo ra những tri thức mới. Khi nhiều người nông dân đạt đến đẳng cấp tự “tri thức hoá” ở bình diện này, thì đó là lúc quốc gia có một nền nông nghiệp chẳng những thịnh vượng mà luôn ở hàng đầu thế giới.
c/. Điện tử hoá, số hoá quá trình quản lý, sản xuất, lưu thông và thương mại là “tri thức hoá nông dân”.
Khái niệm điện tử hoá ở đây có bao gồm số hoá, tự động hoá. Nói số hoá riêng là để nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp thiết. Khi “điện tử hoá quá trình quản lý, sản xuất, lưu thông và thương mại” đạt đến mức độ cao thì đó cũng đồng nghĩa với nền nông nghiệp được tự động hoá ở mức độ cao. Lúc đó năng suất lao động và tri thức của người nông dân, là hệ quả, sẽ bước lên một cao tầng mới.
d/. "Tri thức hoá nông dân" bằng cách giúp cho người nông dân giải quyết được các vấn đề của mình.
Để người nông dân có tri thức trong lĩnh vực nông nghiệp, hoặc là nhờ từ tác động của các nhân tố bên ngoài, hoặc là nhờ sự tự thân vận động của người nông dân, hoặc kết hợp cả hai. “Tri thức hoá” nông dân không chỉ bằng những phương pháp cụ thể, chẳng hạn như những biện pháp nêu trên, mà còn bằng cách giúp cho người nông dân giải quyết được các vấn đề của mình. Trong khía cạnh này, các biện pháp đưa ra làm ví dụ sau đây cũng là những công cụ giúp cho người nông dân tiến nhanh trên con đường thu nhận tri thức.
– Giải quyết vấn đề thức ăn gia súc và phân bón để không phải nhập khẩu là giúp "tri thức hoá" nông dân.
– Giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản, không để nông sản ứ đọng là giúp "tri thức hoá" nông dân.
– Giải quyết vấn đề giống cây trồng vật nuôi không phải nhập khẩu cũng là giúp "tri thức hoá" nông dân …
Có thể viện dẫn tiếp hàng loạt các biện pháp khác nữa, tưởng là không liên quan, nhưng lại là những biện pháp thiết thực để người nông dân được nhanh chóng "tri thức hoá". Bởi người nông dân biết học từ những biện pháp từ bên ngoài. Nghĩa là từ ngoại biến thành nội – một sự biến hoá biện chứng của tự nhiên.
Nói đến nông nghiệp là nói đến cây trồng vật nuôi, là nói đến năng suất, là nói đến thuỷ lợi, phân bón, giống má, là nói đến chế biến, bảo quản, lưu thông, thương mại; là nói đến sở hữu đất đai. Nông nghiệp Việt Nam phải được áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ trong toàn bộ các quá trình sản xuất, chế biến, lưu thông và thương mại. Nông nghiệp Việt Nam cần phải tự chủ trong mọi lĩnh vực. Nếu tất cả đều nhập khẩu, người nông dân Việt Nam chỉ biết lấy công làm lời, thì muôn đời nông nghiệp Việt Nam không thoát khỏi nghèo khó.
4. Vai trò của cán bộ lãnh đạo trong “tri thức hoá” nông dân
Ở trên, chúng ta đã đề cập đến một số biện pháp về "tri thức hoá" nông dân. Nhưng còn một nhân tố khác có ảnh hưởng quan trọng đến không chỉ ‘tri thức hoá’ mà là thành quả chính của nông nghiệp: đó là vai trò quản lý. Cán bộ quản lý, ở mọi cấp độ, đều có ảnh hưởng lên thành quả của người nông dân.
a/.Đề xuất chính sách
Không riêng gì nông nghiệp, mà trong mọi lĩnh vực, vai trò quan trọng nhất của lãnh đạo là đề xuất chính sách. Nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp, người lãnh đạo phải nhìn thấy đặc tính riêng sau đây – xuất hiện chung ở nhiều quốc gia.
– Lĩnh vực nông nghiệp chịu nhiều bất lợi so với công nghiệp.
– Lĩnh vực nông nghiệp chậm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hơn lĩnh vực công nghiệp.
– Lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng nhiều từ các yếu tố thiên nhiên, và thiên tai có thể đưa đến nhiều thảm hoạ cho nông nghiệp.
– Đời sống người dân nông thôn thấp hơn thành thị.
Chỉ với bốn đặc thù vừa nêu, nếu lãnh đạo không có chính sách hỗ trợ tốt thì nông nghiệp luôn tụt hậu so với công nghiệp.
Nông nghiệp Mỹ phát triển tốt trước hết là nhờ chính sách hỗ trợ tốt. Nhiệm vụ của người lãnh đạo là đưa ra các chính sách hỗ trợ tốt cho người nông dân. Cụ thể về các chính sách hỗ trợ không phải là mục tiêu đề cập ở đây. Nhưng chính sách là quan trọng nhất.
b/.Tạo môi trường cho người nông dân tự chủ, sáng tạo, phát huy hết năng lực
Con người giữ vai trò trung tâm trong hoạt động của xã hội loài người. Cũng như vậy, trong lĩnh vực nông nghiệp, người nông dân là nhân tố quyết định. Chỉ trong một môi trường sống và lao động ‘tối ưu’ người nông dân mới ‘phô diễn’ được toàn bộ khả năng của mình. Trong tiến trình phát triển của xã hội, mội cá nhân là một ‘động cơ’. Khi mỗi cá nhân được tự thể hiện hết khả năng ‘động cơ’ của mình thì đó là sự huy động tối đa năng lực của toàn xã hội.
c/. Tự "tri thức hoá"
Muốn giúp người khác "tri thức hoá" thì trước hết tự mình phải "tri thức hoá" chính mình. Trong thời đại của nền công nghiệp 4.0, nhược điểm lớn nhất của Việt Nam là đa số hàng ngũ cán bộ không theo kịp công nghệ. Không theo kịp tiến bộ công nghệ, thì hại không chỉ cho mỗi cá nhân mình, mà còn làm chậm sự phát triển của toàn bộ đơn vị mình quản lý. Bởi thế, "tri thức hoá" cán bộ phải đi trước "tri thức hoá" nông dân.
5. Học ai?
‘Tri thức hoá’ nông dân không phải tuỳ tiện. Không phải tri thức đến từ đâu cũng chấp nhận được trong quá trình “tri thức hoá” nông dân. Nghĩa là phải lựa chọn nguồn gốc của tri thức.
Việt Nam có nhiều hình mẫu để học tập. Học ai? là câu hỏi rất quan trọng. Trả lời sai sẽ làm chậm bước tiến. Trong lĩnh vực nông nghiệp, học ai? gắn liền với mục đích và lợi ích.
Ai là thị trường nông nghiệp quan trọng nhất cho nông nghiệp Việt Nam (Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc…)?
Quốc gia nào có nền nông nghiệp tiên tiến?
Từ mục đích và lợi ích, có thể thấy nước đầu tiên Việt Nam cần phải học là Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đáp ứng cả hai câu hỏi vừa nêu trên. Hoa Kỳ chẳng những là quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới, mà còn là thị trường quan trọng nhất của Việt Nam. Nghiên cứu Hoa Kỳ sẽ mang đến cho Việt Nam vừa khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến, vừa khả năng xâm nhập mở rộng thi trường.
Thị trường tiềm năng thứ hai của Việt Nam là châu Âu. Trung Quốc là thị trường lớn hơn của Việt Nam so với châu Âu hiện nay. Nhưng châu Âu quan trọng hơn đối với Việt Nam ở mặt công nghệ so với Trung Quốc. Và từ công nghệ, có thể nhìn thấy, trong tương lai thị trường châu Âu đối với Việt Nam sẽ quan trọng hơn thị trường Trung Quốc. Học tập châu Âu, cũng như Hoa Kỳ, vừa được tiếp cận công nghệ tiên tiến, vừa mở ra khả năng mở rộng thị trường.
Trong số các nước ở châu Âu, Hà Lan là quốc gia đáng để Việt Nam lựa chọn làm đối tượng nghiên cứu, học tập. Hà Lan làm ngạc nhiên không chỉ cho Việt Nam và Nghệ An mà toàn thế giới. Hà lan chỉ có diện tích 41 543 km2 (Việt Nam – 310 060 km2, Nghệ An – 16 494 km2 ) với dân số 17,44 triệu người ( Việt Nam – 98,991 triệu người, Nghệ An – 3,547 triệu người), nhưng lại là quốc gia xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp lớn thứ 2 thế giới. Xuất khẩu nông sản Hà Lan cấu thành từ ba lĩnh vực. Sản phẩm nông nghiệp: 61 tỷ USD. Vật tư nông nghiệp, tri thức và công nghệ: 9 tỷ USD. Còn thêm 24 tỷ đô la xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu. Tổng cộng lại đạt đến 94 tỷ đô la Mỹ.
Quốc gia nữa rất đáng để cho Việt Nam lưu tâm về nông nghiệp chính là Israel. Những cách tân trong nông nghiệp của Israel mang đến cho người nông dân nhiều tri thức hiện đại. Đó là các giống mới với năng suất cao, chất lượng tốt. Đó là các sản phẩm xanh, an toàn, ít tồn đọng hoá chất. Đó là những công nghệ người máy chăm sóc cây trồng hiện đại, cho cả trong điều kiện khắc nghiệt (https://www.israel21c.org/israeli-agricultural…/).
Hiển nhiên, không ai ngăn chặn hay từ chối nguồn tri thức đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các quốc gia khác. Hãy rộng mở đón nhận. Nhưng ba quốc gia Hoa Kỳ, Hà Lan, Israel đủ tạo nên một bộ “tam quốc” “kinh điển” để Việt Nam soi chiếu.
Chưa bàn đến đến Hoa Kỳ, tri thức và công nghệ của Hà Lan, Israel trong nông nghiệp cũng đủ cho thấy con đường mà nông nghiệp Việt Nam có thể chia sẻ.
"Tri thức hoá" nông dân không phải là điều xa lạ. "Tri thức hoá" nông dân là các biện pháp cụ thể, chứ không phải là những chồng tài liệu “lý luận” viển vông nằm mối mọt trong tủ.
Tác giả gửi BVN