Y tế sẽ tốt hơn khi bộ trưởng là bác sĩ?

Nguyễn Tuấn

Nhiều người nghĩ như vậy, nên ở vài nơi trên thế giới (không nhiều) người ta hay bổ nhiệm bác sĩ hay người trong ngành y làm bộ trưởng y tế. Nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng tình hình y tế dưới thời bộ trưởng là bác sĩ không hẳn là tốt hơn dưới thời bộ trưởng không phải là bác sĩ. Tôi nghĩ nên tách Bộ Y tế hiện nay thành 2 bộ riêng: healthcare và public health.

Việc "giao quyền" Bộ trưởng Bộ Y tế cho một người phụ nữ không phải là bác sĩ hay trong ngành y đã là đề tài bản thảo của nhiều người. Có lẽ lần đầu ở Việt Nam người ta phá tiền lệ bằng cách giao quyền điều hành hệ thống y tế cho một người ngoài ngành y.

Trong cộng đồng y tế có ý kiến cho rằng người ngoài ngành y sẽ khó làm việc tốt, nhưng cũng có ý kiến cho rằng không cần phải là người trong ngành y mới là một bộ trưởng tốt. Nhưng tất cả các ý kiến chỉ là chủ quan (dễ hiểu) và chẳng có bằng chứng gì cả.

Câu hỏi là: có bằng chứng nào cho thấy bộ trưởng y tế là bác sĩ điều hành hệ thống y tế tốt hơn bộ trưởng y tế là người ngoài ngành y? Ở Đức, trong thời gian 1955 – 2017, có nhiều (đa số) bộ trưởng y tế không phải là bác sĩ, mà là chuyên gia từ các ngành khác như luật sư, thầy giáo, nhà kinh tế, nhà xã hội học, tâm lý học, y tá, thậm chí thợ mộc và nông dân.

Các nhà nghiên cứu Đức đã đã làm một phân tích rõ ràng để trả lời câu hỏi: dưới thời bộ trưởng không phải là bác sĩ, ngành y tế có tốt hơn so với thời bộ trưởng không phải là bác sĩ [1]. Kết quả phân tích cho thấy dưới thời bộ trưởng y tế là bác sĩ thì năng lực bệnh viện và cơ sở vật chất và tài trợ cho ngành y có tăng trưởng, nhưng "đầu ra" thì không thay đổi đáng kể so với thời kỳ bộ trưởng không phải là người trong ngành y. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng khi bộ trưởng y tế là bác sĩ thì người trong ngành y được hưởng lợi tốt hơn.

Kết luận trên dĩ nhiên nói lên rằng nếu bộ trưởng y tế là bác sĩ hay người trong ngành y thì sẽ dẫn đến tình trạng thiên vị (favoritism). Người có chuyên môn y tế điều hành hệ thống y tế có cái lợi là họ có kiến thức (và có khi kỹ năng liên quan) để có thể triển khai các chánh sách hay cải cách một cách có hiệu quả. Nhưng vì là người trong ngành nên họ có xu hướng thiên vị ngành của mình, và hậu quả là người trả thuế phải trả cái giá cho sự thiên vị của họ.

Vài năm trước, khi Mã Lai [Malaysia] bổ nhiệm một nhà khoa học làm bộ trưởng y tế, báo chí cũng có ‘lời ra tiếng vào’. Trả lời trước báo chí, ông tân bộ trưởng (là một tiến sĩ về độc chất học từ ICL) tóm tắt một câu quan trọng rằng (tạm hiểu):

"Nhiệm vụ của tôi không phải là giải quyết một vấn đề y khoa phức tạp (vì đó công việc của bác sĩ); nhiệm vụ của tôi là quản lý chiến lược và đem hệ thống chăm sóc y tế đến người dân".

Đem hệ thống chăm sóc y tế đến người dân. Đó nên là một lý tưởng và mục tiêu của Bộ Y tế.

Nhưng đó là tình hình ở bên Mã Lai và Đức, nơi mà thể chế chánh trị và trình độ cũng như cơ sở vật chất y tế rất khác với Việt Nam.

Ở Việt Nam, ngành y tế rất bộn bề chứ không ‘clean’ như mấy nước giàu có như Mã Lai, Đức hay Úc. ‘Bề bộn’ ở đây hiểu theo nghĩa có quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết, kể cả những vấn đề liên quan tới:

• y tế công cộng và dịch bệnh truyền nhiễm vẫn còn là mối đe doạ;

• hệ thống bệnh viện cũ kỹ và quá tải ở nhiều nơi;

• đào tạo và nhân lực ngành y tế;

• và nhứt là tình trạng tham nhũng hệ thống.

Nên tách Bộ Y tế thành 2 bộ

Nếu là ông PMC, tôi sẽ tách Bộ Y tế thành hai bộ riêng: một bộ tập trung vào việc phòng bệnh gọi là public health (y tế công cộng), và một bộ tập trung vào healthcare (thiên về y khoa và điều trị).

Ưu tiên số 1 của healthcare hiện nay là làm sao bảo đảm cho người dân mắc bệnh có được dịch vụ chăm sóc với cái giá vừa phải. Theo thiển ý, nên bổ nhiệm người trong ngành y phụ trách bộ healthcare.

Public health hay y tế công cộng phải là một ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Khi y tế công cộng không làm tốt thì các bệnh viện sẽ ‘lãnh đủ’ và quá tải. Bệnh truyền nhiễm vẫn là một đe doạ lớn ở Việt Nam. Thành ra, ưu tiên số 1 của y tế công cộng là phải ngừa bệnh không lây và các bệnh truyền nhiễm ở quy mô cộng đồng. Đối với bộ public health, bộ trưởng không nhất thiết phải là người trong ngành y.

Nói cho cùng, mục tiêu tối thượng của ngành y tế là kiến tạo một quốc gia khoẻ mạnh với người dân sống khoẻ, sống lâu, và an tâm. "Sống khoẻ" có nghĩa là giảm thiểu bệnh tật và hậu quả của bệnh tật, và qua đó nâng cao chất lượng sống cho người dân. Chất lượng sống rất quan trọng. "Sống lâu" là kéo dài tuổi thọ qua các biện pháp y tế cộng đồng. Và, "an tâm" có nghĩa là làm sao bảo đảm người dân không lo lắng cái túi tiền trong tuổi già hay lúc lâm bệnh. Tôi nghĩ hiện nay, Việt Nam chưa đạt được cả 3 lý tưởng này. (Thật ra, họ cũng chưa đặt ra mục tiêu như đề cập).

Những vấn đề mang tính hệ thống ở trên làm cho các bộ trưởng loay hoay giải quyết các vấn đề cục bộ và ngắn hạn, nên chẳng còn tâm sức đâu là suy nghĩ chuyện xa xôi như sống khoẻ, sống lâu, và an tâm, hay "medical excellence". Thành ra, không nên hy vọng và cũng chẳng nên kỳ vọng gì từ sự thay đổi nhân sự mới cả. Người trong hay ngoài ngành y cũng sẽ chẳng tác động gì khi mà “nghị quyết” là phương tiện quản lý chiến lược. Mọi việc rồi sẽ êm đềm trôi như dòng dòng sông lặng lờ mà thôi, để rồi cuối nhiệm kỳ thì lại tự tung hô với nhau là "đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc".

____

[1] Adam Pilny, Felix Roesel. Are Doctors Better Health Ministers? American Journal of Health Economics 2020. https://www.journals.uchicago.edu/doi/abs/10.1086/710331

Biểu đồ: Ảnh hưởng đến hệ thống y tế của các bộ trưởng là bác sĩ. Khi các đường ngang vắt ngang qua cột 0 thì có nghĩa là không có ý nghĩa thống kê. Chẳng hạn như số giường bệnh dưới thời bộ trưởng y tế là bác sĩ có tăng, nhưng không có ý nghĩa thống kê. Toàn bộ biểu đồ cho thấy hệ thống y tế dưới các thời bộ trưởng là bác có tốt hơn, nhưng không đáng kể.

clip_image002

N.T.

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

This entry was posted in Nhân sự thể chế. Bookmark the permalink.