Thế giới ba cực hình thành khi các quyền lực “trung lập” trỗi dậy (Tripolar world ushered in by the rise of ‘neutral’ powers)

Hiroyuki Akitabình luận viên Nikkei

Bauxite Việt Nam dịch

Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác đang mở rộng ảnh hưởng thông qua các chính sách cân bằng khéo léo.

clip_image002

Thế giới được chia thành ba khối chính trị lớn, phe thứ ba là các cường quốc "trung lập" như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, phe này giành được ảnh hưởng bằng cách giữ cho hai phe cũ là phương Tây và Nga-Trung chống lại nhau.

TOKYO – Nhật Bản là một trong những cường quốc ít bị ảnh hưởng nhất đối với những thay đổi trong trật tự thế giới, do họ được Hoa kỳ "đặc biệt" bảo vệ khỏi nguy cơ ngoại xâm, và Nhật Bản đã tiếp tục phát triển chính sách an ninh của mình trên cơ sở xem Hoa Kỳ luôn là lãnh đạo toàn cầu.

Điều đó không có gì sai lạc, nhưng những phát triển địa chính trị gần đây làm cho cấp thiết phải bình tĩnh sáng suốt đánh giá lại xem trật tự thế giới lấy Hoa Kỳ làm trung tâm liệu còn có thể tồn tại lâu dài.

Gần bốn tháng sau ngày 24 tháng 2 – ngày Nga xâm lược Ukraine – rõ ràng là trật tự thời hậu chiến được xây dựng trên sự lãnh đạo của Washington sắp sửa sụp đổ. Không thiếu dữ kiện để chứng minh quan điểm này. Khi Liên Hợp Quốc bỏ phiếu về nghị quyết tước ghế của Nga trong Hội đồng Nhân quyền vào ngày 7 tháng 4, có 100 quốc gia hoặc bỏ phiếu chống, bỏ phiếu trắng hoặc không bỏ phiếu, so với 93 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ.

Theo Economist Intelligent Unit, tính đến ngày 30/3, các quốc gia đã tham gia lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Nga, hoặc ít nhất là chỉ trích nước này vì hành vi xâm lược Ukraine, chỉ chiếm 36% dân số thế giới. Hầu hết là ở các nền dân chủ phương Tây.

Trong khi đó, 64% người dân thế giới sống ở các quốc gia hoặc trung lập về cuộc xung đột ở Ukraine hoặc bày tỏ "hiểu biết" hoặc "ủng hộ" Nga. Những người trung lập chiếm 32% dân số toàn cầu, bao gồm Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Phần còn lại, phe ủng hộ Nga, bao gồm Trung Quốc và Iran.

clip_image004

Bảng kết quả của cuộc bỏ phiếu loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc trong phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 7 tháng 4. © Reuters

Các nhà lãnh đạo của các nền dân chủ lớn của phương Tây, bao gồm cả Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, muốn nói rằng thế giới đoàn kết trong việc tố cáo sự xâm lược của Nga, nhưng rõ ràng không phải vậy. Thực tế này đã được nêu bật bởi Đối thoại Shangri-La, hội nghị thượng đỉnh quốc phòng hàng đầu châu Á, được tổ chức vào ngày 10-12/6 tại Singapore. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và các bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Australia lên án hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine. Tất cả đều cảnh báo về hành vi quân sự ngày càng hung hăng của Trung Quốc, kêu gọi đoàn kết để chống lại những gì họ coi là mối đe dọa của Trung Quốc. Nhưng những lời chỉ trích của họ đối với Matxcơva và Bắc Kinh không được nhiều nước ở Đông Nam Á hay Nam Thái Bình Dương hưởng ứng. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto cho biết đất nước của ông có quan hệ tốt với Nga, ông mô tả Nga là "một người bạn rất tốt". Ông cũng gọi Trung Quốc là đối tác thân thiết. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein nêu rõ quan điểm trung lập của đất nước mình, trong khi người đồng cấp Fiji, Inia Seruiratu, cho biết đảo quốc này sẽ cố gắng gặt hái lợi ích từ mối quan hệ với tất cả các nước, bao gồm cả Trung Quốc.

clip_image006

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ hai của Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 ở Singapore vào ngày 11 tháng 6. © Reuters

Những nhận xét như vậy sẽ là không thể tưởng tượng được trong một thế giới mà Hoa Kỳ là người bảo vệ. Nhiều thành viên Đông Nam Á và Ấn Độ tham dự hội nghị cho biết vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ đã suy giảm đều đặn khoảng 10 năm nay, với các dẫn chứng:

- Vào tháng 8 năm 2012, Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Barack Obama đã cảnh báo người đồng cấp Syria, Bashar al-Assad, rằng việc sử dụng vũ khí hóa học sẽ vượt qua "ranh giới đỏ" và Mỹ sẽ buộc phải can thiệp. Không nao núng, quân đội Syria đã giết hàng trăm người bằng khí sarin vào năm sau. Obama đã không làm gì. Cũng trong năm 2013, Obama tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không còn đóng vai trò là "cảnh sát của thế giới". Ông không có hành động nào để ngăn chặn việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 hoặc ngăn cản Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông.

Người kế nhiệm của ông, Donald Trump, áp dụng chính sách "Nước Mỹ trên hết", trên thực tế đã nhường quyền lãnh đạo của Hoa Kỳ trong các vấn đề thế giới. Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine diễn ra trong bối cảnh địa chính trị này.

Với hy vọng làm suy yếu thêm ảnh hưởng của Mỹ, Matxcơva đã và đang tăng cường sức ép đối với châu Á. Ví dụ, họ đã đe dọa sẽ ngừng bán các thiết bị quân sự cho các quốc gia Đông Nam Á nếu họ ủng hộ việc phương Tây lên án "hoạt động quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine, theo một nguồn tin ngoại giao trong khu vực.

Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất Đông Nam Á. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Nga đã bán khoảng 10,9 tỷ USD vũ khí cho các nước trong khu vực từ năm 2000 đến năm 2021, nhiều hơn so với lượng bán của Mỹ cho khu vực này.

Những khách hàng lớn mua vũ khí của Nga, đặc biệt là Việt Nam, Malaysia và Indonesia, sẽ gặp khó khăn trong các hoạt động quân sự nếu Nga cắt nguồn cung các thiết bị quân sự. Chắc chắn rằng Matxcơva cũng gây áp lực tương tự đối với các quốc gia Trung Đông và châu Phi đang dựa vào thiết bị quân sự của Nga.

Trung Quốc không chỉ sử dụng sức ép ngoại giao mà còn dùng cả viện trợ kinh tế và đầu tư để chi phối các nước đang phát triển.

Sự phát triển này chỉ ra sự kết thúc của trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo, và thay vào đó không phải là một thế giới không có các cực, hay "G-zero", như một số chuyên gia đã dự đoán, mà là một thế giới ba cực, nơi ba khối quốc gia cạnh tranh để giành ảnh hưởng toàn cầu.

Nhóm đầu tiên bao gồm các nền dân chủ ở phương Tây và châu Á, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Anh và Canada. Khối thứ hai gồm Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên và các quốc gia độc tài khác. Khối thứ ba là một liên minh lỏng lẻo của các quốc gia "trung lập" không liên minh với phương Tây cũng không liên minh với khối Trung Quốc-Nga. Khối này bao gồm Ấn Độ, Nam Phi, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil.

Khi cuộc đối đầu giữa "phương Tây" – bao gồm cả các thành viên châu Á – và khối Trung Quốc-Nga ngày càng gia tăng, phe trung lập cảm thấy có cơ hội để mở rộng ảnh hưởng của mình thông qua một chính sách cân bằng thận trọng. Được khích lệ bởi thành công của chính mình, các quốc gia lớn trong nhóm thứ ba này, như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đang theo đuổi một cách tích cực hơn các chương trình nghị sự của riêng họ.

clip_image008

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, bên phải, gặp Ngoại trưởng Anh Liz Truss tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 23 tháng 6. © Reuters

Chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, sau đó tổ chức một cuộc họp ngoại trưởng với Anh vào ngày 23/6 để tìm cách chấm dứt việc Nga phong tỏa các cảng ở Biển Đen.

Về phần mình, Ấn Độ đã tăng cường nhập khẩu dầu của Nga kể từ tháng Ba, nhưng đồng thời cũng đang hợp tác với Nhật Bản, Mỹ và Úc như một phần của nhóm Quad để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.

Vì nhiều quốc gia "trung lập" này không dựa vào một liên minh an ninh với bất kỳ cường quốc hàng đầu nào, họ tránh những tuyên bố lớn về nguyên tắc, mà tập trung vào những lợi ích hẹp hơn. Điều này khiến họ khó thống nhất trong bất kỳ vấn đề nào như các nền dân chủ phương Tây hoặc liên minh Trung – Nga.

Các cường quốc hàng đầu của phương Tây cần kéo những người trung lập này về phía mình và khôi phục nguyên trạng. Nhưng không dễ làm điều đó. Để có hy vọng thành công, các nước phương Tây phải xác định nhu cầu của các quốc gia này và kiên nhẫn xây dựng mối quan hệ với họ dựa trên lợi ích chung. Phương Tây có thể không có nhiều lựa chọn: Trung Quốc cũng đang thực hiện các nỗ lực ngoại giao với cùng một mục tiêu.

H.A.

Nguồn bản gốc: Nikkei Asia

  

This entry was posted in Quan hệ quốc tế. Bookmark the permalink.