“Nếu không có Wagner thì Nga không còn là một thế lực quân sự đáng gờm”

Sebastian Beug, Ex-Söldner: „Ohne Wagner ist die russische Armee nicht ernstzunehmen“, WELT, 05/07/2022.

Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài

Marat Gabidullin đã chiến đấu bốn năm trong hàng ngũ nhóm Wagner khét tiếng của Nga ở Ukraine và Syria. Vị cựu chỉ huy này đã rời nước Nga. Là cựu lính đánh thuê, ông là người đầu tiên tiết lộ chi tiết về “nghề” phục vụ Điện Kremlin của mình.

Marat Gabidullin gia nhập nhóm Wagner khi đã 43 tuổi. Đây là một đội quân tư nhân chiến đấu theo lệnh của Điện Kremlin ở Ukraine, Syria, Mali và nhiều nơi khác, nhưng chính thức thì tổ chức này không tồn tại. Gabidullin làm việc cho Wagner trong bốn năm, cuối cùng ông chỉ huy một đơn vị trinh sát 95 người.

Ông thực hiện nhiệm vụ đầu tiên của mình tại Ukraine. Ông từng đóng quân ở Syria bốn đợt. Năm 2016, Gabidullin bị thương nặng trong trận chiến giành Palmyra. Trong thời gian dưỡng bệnh ở Nga, ông đã viết lại những kỷ niệm về những chuyến công tác của mình. Năm 2019, Gabidullin rời nhóm Wagner. Hồi ký của ông được xuất bản ở Nga và Pháp trong năm nay và sẽ được xuất bản ở Đức trong tuần này.

Sinh năm 1967, Gabidullin đã có 10 năm làm quân nhân chuyên nghiệp trong Binh chủng lính dù của quân đội Nga. Sau khi Liên Xô sụp đổ, ông dính líu đến mafia Nga và bị tù 3 năm về tội giết người. Sau đó Gabidullin từng làm vệ sĩ và phục vụ các cơ quan an ninh trước khi gia nhập nhóm Wagner. Báo WELT (Thế giới) đã có cuộc gặp vị cựu binh đánh thuê để thực hiện một cuộc phỏng vấn qua video.

Hỏi: Ông Gabidullin, ông từng là một người lính, từng làm công tác an ninh ở Nga. Ông đã chuyển sang Nhóm Wagner năm 2015 như thế nào?

Đáp: Năm 2015 tôi đã trải qua một thời kỳ đầy khó khăn trong cuộc đời mình. Tôi rất chán nản, không thấy triển vọng và không biết phải làm gì với cuộc đời mình. Một người bạn kể với tôi về một tổ chức quân sự có tên là Wagner. Đây sẽ là cơ hội để tôi bắt đầu làm lại cuộc đời của mình. Tôi từng phục vụ trong quân đội Nga, tôi muốn tận dụng cơ hội này. Tôi đến trại ở Molkino, ghi danh và trở thành một phần của nhóm Wagner.

Hỏi: Quá trình tuyển dụng diễn ra như thế nào?

Đáp: Đại để nó giống như người ta đi xin việc bình thường vậy. Tôi mang theo các loại giấy tờ và họ đã kiểm tra các dữ liệu đó. Sau đó làm bài kiểm tra. Tôi đã thể hiện mình có kiến thức về quân sự. Sau đó là bài kiểm tra về năng khiếu, về thể chất và y tế. Nếu mọi thứ đều ổn, thì bạn sẽ trở thành thành viên của nhóm.

Hỏi: Wagner tìm kiếm loại người như thế nào?

Đáp: Khi đến đó, người ta thông báo chúng tôi sẽ tham gia vào cuộc chiến. Chúng tôi có thể bị chết, bị sang chấn tâm lý hay bị thương. Họ yêu cầu chúng tôi suy nghĩ kỹ, nếu chấp nhận các điều trên thì có thể được tiếp nhận và làm việc trong nhóm Wagner.

Hỏi: Nó có thực sự chỉ là một loại công việc bình thường? Hay tại sao những người đàn ông lại nộp đơn vào nhóm Wagner?

Đáp: Cái này phụ thuộc vào động cơ sống của mỗi người. Mong muốn của tôi là thoát khỏi tình trạng trầm cảm và cuộc khủng hoảng của mình và có một mục tiêu mới trong cuộc sống, tất nhiên ở đây còn có vấn đề tiền bạc.

Hỏi: Mỗi tháng người ta trả ông bao nhiêu?

Đáp: Năm 2015, là 80.000 rúp (hiện tương đương 1.400 euro) mỗi tháng cho những người lính đánh thuê bình thường khi ở trong trại ở Nga. Nếu thực hiện một nhiệm vụ ở nước ngoài, thì được nhận 180.000 rúp (khoảng 3.200 euro). Còn nếu trực tiếp tham gia chiến đấu, thì 240.000 rúp (khoảng 4200 euro) mỗi tháng. Tôi nghĩ thang lương hiện nay vẫn như vậy.

Hỏi: Tại Wagner, tất cả binh lính đều có bí danh. Ông có tên là “Ded”, tức ông nội?

Đáp: Trong đơn vị tôi là người lớn tuổi nhất. Đó là lý do tại sao tôi có tên là “Ông nội”.

Hỏi: Ông kể nhiệm vụ đầu tiên của ông là ở Ukraine vào năm 2015, đã diễn ra không mấy tốt đẹp. Tại sao?

Đáp: Khi tôi ở cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Luhansk, tôi nhận ra rằng trên thực tế, những gì tôi nhìn thấy tại đây không tương xứng với những gì được tuyên truyền, như chúng tôi từng nghe. Quản lý các thực thể này là những người hoạt động như những chỉ huy Hồng quân đầu thế kỷ 20. Những kẻ thua cuộc nào cũng được trao cơ hội để thực hiện tham vọng của mình. Dân chúng bị bắt bớ và sau đó đã phát triển cái gọi là Hội chứng Stockholm.

Hỏi: Dmitri Utkin là người đứng đầu Nhóm Wagner, bí danh của ông ta là Wagner. Y được coi là một tên tân quốc xã. Ông từng làm việc dười quyền ông ta ở Syria. Ông ta là loại người như thế nào?

Đáp: Ông ta là một người rất kiên quyết, một nhà tổ chức tốt. Về hệ tư tưởng, tôi thấy ông ta có xăm những biểu tượng của Đức Quốc xã. Một số người trong nhóm Wagner, giống như ông ta, là những người theo thuyết Rodism. Đây là một dòng ngoại giáo có yếu tố Quốc xã. Điều này bao gồm niềm tin người Nga là dân tộc siêu đẳng và bài Do Thái. Tôi chưa bao giờ phục tùng ý thức hệ này. Tôi nghĩ đó là điều tào lao, vớ vẩn.

Hỏi: Trong nhóm Wagner có lính đánh thuê nước ngoài không? Người Đức chẳng hạn?

Đáp: Ở Ukraine có những người Serbia trong đơn vị của tôi. Ngoài ra tôi không gặp bất kỳ người nước ngoài nào khác. Năm 2017, Wagner quyết định không cho người nước ngoài hoạt động ở nước ngoài, kể cả các nước SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập), do liên quan đến vấn đề về đi lại và kiểm soát biên giới.

Hỏi: Và tôi nghĩ cũng không có phụ nữ?

Đáp: Không có, Nga vẫn có đủ đàn ông để bù đắp cho sự thiếu hụt trong hàng ngũ Wagner. Nhưng tôi nghĩ ngày phụ nữ tham gia nhóm Wagner không còn xa khi số nam giới chết trận không ngừng tăng lên.

Hỏi: Có nguồn tin cho rằng lính đánh thuê Wagner phạm tội ác chiến tranh, chẳng hạn như hãm hiếp. Ông có tham gia vào những vụ như vậy chưa?

Đáp: Khi tôi ở Ukraine, tình hình thực tế đã rất yên bình. Còn khi ở Syria, không có dân thường trong khu vực có chiến sự. Bất kể chúng tôi đang ở đâu, trên núi cao hay trong sa mạc, đâu đâu cũng không có một bóng dân thường.

Hỏi: Nhưng đồng đội của ông chắc có tiếp xúc dân thường. Có một đoạn video từ Syria cho thấy một người dân thường bị lính đánh thuê chặt đầu. Ông nghĩ sao về chuyện đó?

Đáp: Tôi hiểu các vị đang đề cập đến cái gì. Đây là hai chiến binh đã rời bỏ hàng ngũ. Tôi thấy điều đó thật tàn bạo và vô nhân đạo, nhưng đây chỉ là một trường hợp cá biệt. Tôi nhắc lại, chúng tôi không có liên hệ với dân thường.

Hỏi: Sự khác nhau giữa lính đánh thuê Wagner và lính chính quy là như thế nào?

Đáp: Bản thân họ có lẽ không quá khác biệt so với những người trong quân đội Nga. Nhưng nói chung lính đánh thuê thường nhiều tuổi hơn lính thường trong quân đội. Họ tham gia chiến trận nhiều hơn, dày dạn kinh nghiệm trận mạc hơn. Còn sự khác biệt giữa Wagner và Quân đội Syria là ở chỗ, quân Wagner biết chiến đấu còn Quân đội Syria thì không.

Hỏi: Tại sao ông lại quyết định bỏ tất cả để chuyển sang viết sách?

Đáp: Đó là một chuỗi sự kiện. Tôi càng ngày càng ít thông cảm hơn với ban chỉ huy. Giọt nước tràn ly là những hoạt động an ninh của Wagner. Họ tìm số điện thoại của một đồng nghiệp và lục tung cả đồ đạc của tôi trong lúc tôi không có mặt ở đó. Họ coi đó là chuyện bình thường, nhưng tôi thì không.

Hỏi: Năm nay ông đã rời nước Nga và chuyển sang Pháp. Tại sao vậy?

Đáp: Tôi sợ rằng tôi sẽ không còn được rời nước Nga khi cuốn sách của tôi được phát hành và quảng bá ở Pháp. Do đó chúng tôi đã quyết định rời khỏi đất nước.

Hỏi: Bà nhà và cô con gái có đi cùng với ông không?

Đáp: Tôi không muốn đề cập tới gia đình mình, đến việc họ là ai và đang ở đâu.

Hỏi: Ông sợ bị bắt hay bị đánh thuốc độc như các ông Alexei Navalny hay Alexander Litvinenko?

Đáp: Tôi nghĩ điều đó là có thể. Tôi nên đề phòng và phải cẩn thận.

Hỏi: Vậy tại sao ông lại kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của mình?

Đáp: Một người có điều gì đó muốn nói thì không được phép im lặng.

Hỏi: Có thể ông muốn đề cập đến cuộc chiến tranh ở Ukraine, trong đó có sự tham gia của lực lượng lính đánh thuê Wagner. Ông nghĩ sao về điều đó?

Đáp: Phải, ý tôi là cuộc chiến ở Ukraine, một sự kiện bi thảm trong lịch sử của đất nước tôi. Nga xâm lược Ukraine, đây là một cuộc can thiệp vũ trang. Thái độ của tôi đối với cuộc chiến tranh này tất nhiên là tiêu cực. Người ta bịa đặt ra các nguyên nhân khác nhau. Mục tiêu thực sự của cuộc chiến tranh này hoàn toàn khác. Nhưng người dân Nga bị tung hỏa mù và bị tác động mạnh mẽ bởi bộ máy tuyên truyền.

Hỏi: Tại sao người của Wagner và Tổng thống Chechnya Ramzan Kadyrov lại hoạt động ở Ukraine? Phải chăng vì quân đội Nga có quá yếu?

Đáp: Nếu không có Wagner và không có Kadyrov, thì quân đội Nga không phải là một thế lực quân sự đáng gờm. Quân đội Nga mà không có lực lượng Wagner thì khó có thể thu được thắng lợi ở Ukraine.

Hỏi: Trong giới quân sự Nga hoặc trong nhóm Wagner có một phong trào muốn chấm dứt cuộc chiến này hay đây chỉ là mong muốn của riêng ông?

Đáp: 80 đến 85% dân chúng Nga tin tưởng vô điều kiện vào bộ máy tuyên truyền. Có lẽ chỉ có khoảng 15 đến 20% là có khả năng có chính kiến riêng và hiểu những gì đang diễn ra. Đối với Wagner tình hình cũng tương tự.

Hỏi: Theo ông liệu cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc như thế nào?

Đáp: Để có thể tiên lượng, người ta cần phải thấy trước các hành động của Tổng thống Nga. Nhưng ông ta đang ở trong thế giới của riêng mình. Ông ấy mơ về một sứ mệnh lịch sử. Rất khó đoán định ông này sẽ đưa đất nước đi tới đâu.

S.B.

Nguồn bản dịch: nghiencuuquocte.org

This entry was posted in Lính đánh thuê Wagner, Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.