‘Bão giá’ năng lượng, kinh tế châu Âu căng thẳng

Vĩ Cường

Lạm phát tại các nước dùng đồng euro tiếp tục tăng cao, buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu tính toán giải pháp mạnh tay để ổn định tình hình.

Hãng tin Reuters dẫn số liệu sơ bộ được Văn phòng Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 1-7 cho thấy lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 6 là 8,6%, cao hơn mức 8,4% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Mức tăng mạnh của lạm phát tại khu vực này cho thấy chi phí sinh hoạt trong khối đang ở mức rất cao.

Tình hình nghiêm trọng

Theo Eurostat, lạm phát đã leo lên mức hai con số ở 19 quốc gia thuộc Eurozone. Lạm phát ở Đức và Hà Lan giảm nhẹ trong tháng 6 nhưng Tây Ban Nha lập kỷ lục lần đầu tiên đạt hai chữ số kể từ năm 1985. Tại ba quốc gia vùng Baltic ở đông bắc châu Âu – Latvia, Lithuania và Estonia – lạm phát cao là hiện trạng kéo dài liên tục trong nhiều tháng qua.

Tại Eurozone, tỉ lệ việc làm bị thiếu hụt lao động trong quý I năm nay đã tăng lên mức cao kỷ lục là 3,1%. Trong đó, ngành dịch vụ đối mặt với nhiều thách thức hơn cả khi có tỉ lệ việc làm không tìm được lao động lên tới 3,6%. Điều này đồng nghĩa với việc các sân bay, nhà hàng, khách sạn tại đây sẽ phải đối mặt với tình trạng căng thẳng trong mùa du lịch cao điểm năm nay.

Nhiều nước Eurozone phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch của Nga để sưởi ấm, cũng như cung cấp năng lượng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, lượng năng lượng, đặc biệt là khí đốt từ Nga sang châu Âu, đã giảm hơn một nửa kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, dẫn đến việc giá cả lên mức kỷ lục, đồng thời chính phủ các nước châu Âu buộc phải vào cuộc đua tìm nguồn thay thế. Giá năng lượng ở châu Âu trong tháng 6 tăng 41,9%, gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước. Giá thực phẩm cũng tăng tới 8,9% trong năm qua.

Chuyên gia Mateusz Urban thuộc Công ty phân tích kinh tế Oxford Economics (Anh) nhận định tháng 6 có thể là đỉnh điểm của lạm phát khu vực Eurozone nhưng tốc độ tăng “sẽ chỉ chậm lại dần dần trong suốt năm 2022”.

clip_image002

Người dân Đức tại một khu chợ ở TP Bonn hồi tháng 4. Ảnh: GETTY

Trong khi đó, hai chuyên gia Kerstin Bernoth và Marcel Fratzscher thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế Đức lưu ý: “Có rất nhiều sự không chắc chắn về tình hình kinh tế và lạm phát trong khu vực đồng euro sẽ diễn biến ra sao trong những tháng tới”.

Tờ The New York Times cho rằng dữ liệu lạm phát mới sẽ củng cố kế hoạch của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về việc tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập niên tại cuộc họp sắp tới, cũng như tăng thêm lãi suất vào cuối năm trong bối cảnh lo ngại nguy cơ lạm phát cao liên tục trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế đang xấu đi.

Lo ngại suy thoái

Với cam kết chống lại sự leo thang giá cả, ECB dự kiến sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ trong tháng 7 này. ECB cũng có kế hoạch sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 9, đồng nghĩa lãi suất cơ bản của khu vực Eurozone sẽ chuyển sang trạng thái dương trong năm nay. Lãi suất âm đã được ECB duy trì suốt từ năm 2014, đài CNBC cho hay.

Chuyên gia Andrew Kenningham thuộc Công ty tư vấn kinh tế Capital Economics (Anh) nói rằng mức lạm phát 8,6% có lẽ chưa đủ để ECB tăng lãi suất với “bước nhảy” 0,5% trong cuộc họp tháng 7, mà nhiều khả năng ECB sẽ chỉ tăng khoảng 0,25% trong lần điều chỉnh này.

“Khi các nhà hoạch định chính sách ngày càng không thoải mái với chính sách lãi suất âm, họ có thể nâng lãi suất mạnh hơn từ tháng 9 trở đi. Lãi suất tiền gửi có thể tăng lên mức dương 0,75% vào cuối năm nay” – ông Kenningham dự báo.

Hiện có nhiều câu hỏi về tương lai chính sách tiền tệ trong Eurozone, trong bối cảnh những lo ngại về suy thoái kinh tế có thể xảy ra trong những tháng sắp tới. Nếu ECB tăng lãi suất quá nhanh, việc này có thể gây tổn thất cho tăng trưởng kinh tế giữa lúc nền kinh tế đã bắt đầu có dấu hiệu giảm tốc.

Các số liệu về hoạt động kinh tế gần đây cho thấy nền kinh tế Eurozone đang mất đà. Vấn đề bao trùm đặt ra là liệu khu vực này có tránh được một cuộc suy thoái trong năm nay, hay suy thoái có thể xảy đến trong năm 2023. Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Berenberg (Anh) dự báo Eurozone sẽ suy thoái vào năm sau, với GDP của khu vực giảm 0,8%. Tuy nhiên, sức ép gia tăng từ xung đột Nga – Ukraine, nhất là giá năng lượng và giá lương thực, thực phẩm có thể đẩy nền kinh tế khu vực vào một cuộc suy thoái sâu hơn dự báo ban đầu.

Chuyên gia kinh tế trưởng Philip Lane của ECB nói rằng sự cảnh giác là cần thiết trong những tháng sắp tới.

“Chúng ta cần phải quản lý hai rủi ro. Một mặt, đó là những lực lượng có thể khiến lạm phát tăng cao hơn và lâu hơn dự kiến. Mặt khác, đó là nguy cơ giảm tốc của nền kinh tế nhưng chính việc này cũng có một lợi thế bổ sung là có thể làm giảm áp lực lạm phát” – ông Philip Lane cho hay. •

Tốc độ dự trữ khí đốt của châu Âu giảm mạnh

Số liệu do tổ chức Gas Infrastructure Europe (GIE) công bố mới đây cho thấy trong tháng 6, các kho chứa ngầm châu Âu đã được bổ sung 12,75 tỉ m3 khí đốt, thấp hơn gần 3 tỉ m3 so với tháng 5 và nâng tổng lượng khí dự trữ lên 62,5 tỉ m3. Con số này mới chỉ đạt 58,18% năng lực dự trữ các kho ngầm và thấp hơn gần 2% so với mức trung bình trong năm năm trở lại đây.

Theo hãng thông tấn Nga TASS, một trong những nguyên nhân khiến tốc độ dự trữ khí đốt của châu Âu giảm là do lượng khí đốt của Nga chuyển cho châu Âu qua tuyến đường ống Nord Stream chỉ đạt 40% công suất. Ngoài ra, Nga cũng đã dừng cung cấp khí đốt cho một loạt công ty của châu Âu.

V.C.

Nguồn: plo.vn

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.