01/07/2022
Nguyễn Ngọc Chu
1. KHÔNG LẤP AO HỒ VÀ PHÁT TRIỂN BẤT ĐỘNG SẢN Ở TRUNG TÂM NỘI ĐÔ
Những trận mưa gần đây, tuy chỉ mưa trong một thời gian ngắn, nhưng đã biến nhiều đường phố Hà Nội thành những dòng sông. Trong những nguyên nhân chính, có: hệ thống thoát nước kém; các ao hồ bị lấp để lấy đất xây dựng; không có nhiều công viên cây xanh, rừng, và đất trống trong thành phố cho nước thấm và thoát.
Điều nguy hại cho Hà Nội về ách tắc giao thông, ngập lụt và ô nhiễm không khí đang đợi chờ tồi tệ hơn ở phía trước. Ao hồ vẫn tiếp tục bị lấp. Hệ thống thoát nước chưa có triển vọng được cải thiện. Bất động sản tiếp tục bùng phát trong nội đô trong khi hệ thống giao thông không theo kịp. Lượng khí thải xấu ngày càng tăng. Tỷ lệ cây xanh trên đầu người ngày càng giảm.
Góp phần làm cho Hà Nội thêm ngập úng và ách tắc giao thông là việc tiếp tục lấp ao hồ, tiếp tục phát triển bất động sản ngay tại trung tâm Hà Nội, ở khu vực Hồ Tây.
2. QUY HOẠCH CHẠY THEO CHỈ ĐẠO CỦA NHÀ ĐẦU TƯ
Quy hoach Hà Nội mỗi ngày một tồi tệ là bởi vì quy hoạch bị điều chỉnh theo chỉ đạo của nhà đầu tư. Không chỉ khu vực trục đường Lê Văn Lương – Tố Hữu mà khắp Hà Nội, trong đó có khu vực cực kỳ quan trọng là Hồ Tây, đang bị quy hoạch theo chỉ đạo của các nhà đầu tư.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng đã từng khuyến cáo: “Điều chỉnh quy hoạch không chạy theo lợi nhuận của nhà đầu tư”. Nhưng đắng cay thay, “điều chỉnh quy hoạch là vì nhà đầu tư”.
Hãy nhìn vào bản đồ quy hoạch – trước điều chỉnh và sau điều chỉnh – khu vực Quảng An Tây Hồ. Tiêu đề đưa ra là bổ sung nhà hát (khoanh vòng tím). Nhưng đó chỉ là cái cớ để điều chỉnh quy hoạch. Mục đích chính là hợp thức hoá khối bất động sản khổng lồ (khoanh màu đỏ) không có trong quy hoạch, nhưng đã được phép xây dựng gần xong. Đây là khu bất động sản thuộc hàng ‘nhức mắt nhất Hà Nội’. Không chỉ xấu về kiến trúc trong toàn thể khung cảnh, mà về phong thuỷ, đó là những khối bê tông khổng lồ chồng chất lên lưng thổ thần và thuỷ thần Hồ Tây. Không chỉ một nhà hát, mà đến 10 nhà hát cũng không bù đắp được sự xúc phạm tạo hoá. Bời vì Tây Hồ diễm tuyệt mà tạo hoá ban cho đã bị “đâm chém” thành thương tích đầy mình.
3. ĐỪNG MANG DANH NHÀ HÁT
Cách đây vài năm, nhà hát Opera Thủ Thiêm được xướng lên như là mục tiêu nhân văn hòng át đi tiếng kêu mất đất oan trái của hàng chục ngàn đồng bào Thủ Thiêm. Thì mới đây, Hà Nội lại điều chỉnh quy hoạch một phường Quảng An cũng mang danh nhà hát Opera.
Hà Nội với chỉ một nhà hát lớn mà suốt cả năm không có mấy vở Opera được biểu diễn. Tìm được khách xem rất khó. Sự xuất hiện các vở ballet lại còn hiếm nữa. Vậy xây thêm nhà hát Opera để làm gì? Lấy cớ xây nhà hát để để điều chỉnh quy hoạch cho bất động sản là một kế sách tồi. Nó làm tổn hại đến thanh danh của Opera. Còn nếu để biểu diễn ca nhạc thì ở Hà Nội còn có các cơ sở lớn đang bỏ phí, chưa được sử dụng hiệu quả. Chẳng hạn như Trung tâm hội nghị quốc gia có sức chưa 3.800 chỗ ngồi, một năm không có nhiều sự kiện; hay như nhà Hội trường Diên Hồng với hơn 900 chỗ ngồi, trừ 2 kỳ họp, mỗi kỳ khoảng 3 tuần, còn lại khoảng 10 tháng bỏ trống trong một năm.
Hà Nội chưa cần thêm nhà hát Opera. Đừng mang danh nhà hát Opera để làm bình phong cho thu hồi đất, lấp ao hồ nhằm mục đích buôn bán bất động sản.
4. HÀ NỘI CẦN MỘT CHỦ TỊCH TRÍ TUỆ VÀ TRONG SẠCH
TBT Nguyễn Phú Trọng nói “chọn Chủ tịch Hà Nội phải chính xác, không vội vàng”.
Nhưng chọn ông Nguyễn Đức Chung và chọn ông Chu Ngọc Anh có vội vàng đâu. Nhân sự đại hội 12 và 13 đều “làm rất kỹ”? Mất vài năm để chọn nhân sự chứ đâu chỉ một hay hai tháng? Thế mà cả tá UVTƯ vào tù và sẽ còn tiếp tục nối đuôi nhau vào tù nếu truy cho đúng sự thật.
Vấn đề không phải ở thời gian. Vấn đề ở cách thức tuyển chọn. Thực tiễn nhiều thập niên đã cho thấy cách thức chọn Chủ tịch Hà Nội cũng như các UVTƯ là có lỗ hổng. Những lỗ hổng lớn không thể trám vá.
Nhìn vào các UVTƯ đại hội 13, tất cả họ đều cùng trong một “phạm trù” (category) UVTƯ. Ai trong số họ sẽ đảm đương tốt vị trí Chủ tịch Hà Nội? Hiện chưa nhìn thấy.
Điểm lại 4 vị Chủ tịch Hà Nội gần đây – ông Nguyễn Quốc Triệu là bác sĩ, ông Nguyễn Thế Thảo là kiến trúc sư, ông Nguyễn Đức Chung là tướng công an, ông Chu Ngọc Anh là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. “Bác sĩ”, “kiến trúc sư”, “tướng công an”, “nhà khoa học” – tuy khác nghề nghiệp nhưng đều cùng một “phạm trù” UVTƯ. Kết quả là không ai thành công trong tư cách Chủ tịch Hà Nội. Từ đó để thấy, muốn thay đổi số phận Hà Nội, cần tìm một vị Chủ tịch thuộc một “phạm trù” khác.
Hà Nội cần cải tạo hệ thống giao thông và hệ thống thoát nước chứ không phải nhà hát Oprea. Tất cả đều rõ ràng, hầu như ai cũng thấy. Nhưng tại sao Hà Nội vẫn tiếp tục lấp ao hồ để xây dựng? Tại sao Hà Nội vẫn tiếp tục phát triển bất động sản ở trung tâm nội đô? Tại sao quy hoạch Hà Nội liên tục phải điều chỉnh? Có rất nhiều lý do, nhưng sau tất cả, là vì Hà Nội chưa có một vị Chủ tịch trí tuệ và trong sạch.
Thời buổi này nói đến trong sạch là xa xỉ. Trong sạch ở vị trí quyền lực lại càng xa xỉ. Thời buổi này, tìm được cán bộ lãnh đạo có trí tuệ không dễ. Tìm cán bộ ở vị trí quyền lực vừa có trí tuệ lại vừa trong sạch, theo cách thức tuyển chọn hiện thời – là bài toán không có lời giải.
Nhưng Hà Nội rất cần một vị Chủ tịch trí tuệ và trong sạch để dần thoát ra khỏi hoàn cảnh ách tắc, ngập úng, ô nhiễm.
Định luật số đông luôn là chìa khoá vạn năng để đưa đến quyết định cho mọi tình huống nhân sự quản trị quan trọng. Người đứng đầu Hà Nội cần được lựa chọn theo định luật số đông.
N.N.C.
Tác giả gửi BVN