Từng được coi là xu thế tất yếu mang lại sung túc cho hàng tỷ người, thế giới đang phải nỗ lực giải cứu thương mại toàn cầu

Nguồn: Bloomberg, The Economist, FT

clip_image002

Suy yếu sau nhiều năm bế tắc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có thể làm gì trước tình trạng các liên minh đa quốc gia rạn nứt và xuất hiện lo ngại về một thế giới phân mảnh thành nhiều cực?

clip_image004

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập để theo dõi sự phát triển của thương mại toàn cầu. Kể từ khi ra đời vào năm 1995, khối lượng thương mại đã tăng hơn gấp đôi và mức thuế trung bình toàn cầu đã giảm còn 9%. Hàng tỷ người đã thoát nghèo nhờ tham gia vào nền kinh tế chung.

Các công ty thành lập chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng lợi thế lao động rẻ hoặc nguồn nguyên liệu dồi dào từ các quốc gia đang phát triển.

Nhưng vào khoảng năm 2015, giai đoạn siêu toàn cầu hoá bắt đầu đi đến hồi kết. Việc Tổng thống Donald Trump đắc cử năm 2016, thổi bùng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và áp thuế đối với các đồng minh châu Âu, đã đe doạ đến nhiều năm hội nhập kéo dài.

Sau đó, nền kinh tế toàn cầu bị rung chuyển bởi các cuộc xung đột, các lệnh trừng phạt và giá cả hàng hoá không ngừng leo thang. Đó là chưa kể đến căng thẳng do đại dịch bùng phát khiến thương mại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng.

clip_image006

Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF, trong tháng này đã cảnh báo về một thế giới phân mảnh thành "các khối kinh tế riêng biệt với các hệ tư tưởng, hệ thống chính trị, tiêu chuẩn công nghệ, hệ thống thanh toán và thương mại xuyên biên giới cùng tiền tệ dự trữ".

Những rủi ro xảy ra song song với nhau đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với toàn cầu hoá mà WTO được thành lập để duy trì. Nhưng những thách thức trước mắt cũng là một cơ hội để tổ chức đang bị coi là hoạt động thiếu hiệu quả chứng minh khả năng của mình.

WTO trước nay thường tập trung vào việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại, tức là các biện pháp cách ly các nhà sản xuất khỏi sự cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên hiện nay, các mối đe doạ lớn nhất đối với thương mại tự do lại đến từ chính các chính sách bảo vệ an ninh và bảo vệ công dân của các quốc gia.

clip_image008

"Toàn cầu hoá đã tụt lại phía sau chúng ta". Đó là những gì ông Michael O’Sullivan, một cựu nhân viên ngân hàng và là nhà kinh tế học tại Đại học Princeton, nhận định.

Ông nói: "Chúng ta nên tạm biệt toàn cầu hoá và chú tâm vào thế giới đa cực đang nổi lên. Điều này sẽ bị chi phối bởi ít nhất 3 khu vực lớn: châu Mỹ, Liên minh châu Âu và châu Á với phần lớn là Trung Quốc. Họ sẽ ngày càng có những cách tiếp cận rất khác nhau đối với chính sách kinh tế, tự do, xung đột, công nghệ và xã hội".

Các quốc gia trên thế giới hiện đang ngày càng có xu hướng đưa ra những chính sách bảo hộ thương mại nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ công dân của họ khỏi những rủi ro liên quan đến sức khoẻ, môi trường hoặc lĩnh vực tiền điện tử.

Cựu Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy đã gọi việc sử dụng ngày càng nhiều các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, luật an ninh mạng, danh sách đen đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp thu dây chuyển sản xuất về và những thứ tương tự là "chủ nghĩa bảo hộ thương mại".

clip_image010

Chủ nghĩa bảo hộ thương mại hay còn gọi là bảo hộ mậu dịch là việc nhà nước nâng cao một số tiêu chuẩn hoặc áp thuế xuất nhập cao đối với một số mặt hàng nước ngoài để bảo vệ ngành sản xuất hàng hoá và dịch vụ trong nước.

Chủ nghĩa này đã gia tăng kể từ khi đại dịch bùng phát. Nhiều quốc gia khi ấy chuyến sang hạn chế xuất khẩu vật tư y tế và các nhu yếu phẩm khác. Covid-19 cũng gây ra lo ngại về chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương, đặc biệt là những chuỗi cung ứng có liên quan đến địa chính trị.

Hai quốc gia thương mại lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều đã tham gia vào chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Mỹ hiện đang tích cực theo đuổi chính sách "friend-shoring" (sản xuất tại các quốc gia bằng hữu) – chuyển dòng thương mại sang các quốc gia thân thiện.

Chiến lược "dual circulation" (vòng tuần hoàn kép) của Trung Quốc một phần nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài, đặc biệt là công nghệ. Trong khi đó, Trung Quốc từ lâu đã đặt ra các giới hạn đối với luồng dữ liệu ra vào nước này.

Với cuộc xung đột ở Ukraine, động lực dẫn đến tình trạng trên lại càng gia tăng. Trong khi đó, tình trạng thiếu lương thực và giá cả leo thang đã gây ra một đợt bảo hộ khác. Kể từ khi cuộc xung đột bùng nổ, 63 quốc gia đã áp đặt hơn 100 hạn chế xuất khẩu với phân bón và thực phẩm.

Mặc dù lý do dẫn đến các chính sách như vậy có thể hiểu được, nhưng nếu xu hướng nay được vận hành mà không có biện pháp kiểm soát. Điều này sẽ khiến lạm phát gia tăng và tăng trưởng toàn cầu suy giảm.

01:40 / 09:23

Một nghiên cứu gần đây của WTO ước tính việc nền kinh tế bị tách thành hai khối thương mại "phương Tây" và "phương Đông" sẽ triệt tiêu gần 5% sản lượng toàn thế giới, tương đương 4.000 tỷ USD.

clip_image012

Một nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế chỉ ra, cách để giúp cho chuỗi giá trị toàn cầu bền bỉ hơn là đa dạng hoá chứ không phải loại bỏ toàn cầu hoá. Việc quay lưng với toàn cầu hoá sẽ chỉ khiến các quốc gia dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc kinh tế như chiến tranh, dịch bệnh hoặc thiên tai mất mùa.

Câu hỏi đặt ra là WTO có thể làm gì trong cuộc họp MC12, hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 12 trong lịch sử tại Thuỵ Sĩ. Liệu WTO có thể giữ các khối liên kết lại với nhau hay ít nhất là tìm được sự đồng thuận về một số vấn đề chính như an ninh lương thực, công bằng vaccine và quản trị WTO.

WTO rõ ràng là một phương tiện để tập hợp các hành động về những vấn đề phi toàn cầu hoá. Tuy nhiên, giống như những thể chế toàn cầu khác, tổ chức này đã bị suy yếu sau nhiều năm bế tắc.

Ngozi Okonjo-Iweala, cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria, người đã đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc WTO tại Geneva vào tháng 3 năm 2021, đã khẳng định uy tín của mình trong việc tìm ra câu trả lời. Bà kiên quyết rằng cuộc gặp nên được tiến hành, mặc cho những quan hệ căng thẳng và các cuộc đàm phán bị đình trệ.

Vào tháng 5, bà đã nói với các thành viên tổ chức để xem xét những gì đang bị đe dọa. Bà nói: "Tất cả chúng ta hãy nhớ rằng WTO là về con người, về việc sử dụng thương mại như một công cụ để nâng cao mức sống, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển bền vững. Vì vậy, chúng ta hãy nhân đôi nỗ lực của mình, hãy mang lại kết quả và hãy hồi sinh WTO".

Tại cuộc họp trong tháng 6, các nhà phân tích cho rằng WTO cần bắt đầu xây dựng động lực bằng một số đột phá nhỏ nhưng mang tính điển hình để cho thấy tổ chức này vẫn còn có thể huy động hành động chung.

clip_image014

Trước những mối đe doạ hiện nay đối với an ninh lương thực, ít nhất các thành viên nên thống nhất không hạn chế xuất khẩu lương thực được mua để dành cho Chương trình Lương thực Thế giới.

Một bước nữa là tuyên bố chung kêu gọi các thành viên giữ cho thương mại thực phẩm và nông sản luôn được cởi mở, tránh áp đặt những hạn chế xuất khẩu phi lý. Các quốc gia cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn để chuỗi cung ứng được thông suốt và tránh để các kênh logistic bị tắc nghẽn.

Một mục tiêu dễ dàng khác đó là đảm bảo từ bỏ các quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm liên quan đến Covid-19. Đề xuất này đã bị trì hoãn trong hơn 18 tháng nhưng hiện tại đã được tái soạn thảo để giải quyết các lo ngại từ Mỹ đến Liên minh châu Âu. Việc ký kết sẽ giúp mở rộng quyền tiếp cận toàn cầu đối với vaccine, thứ vẫn đang cần thiết ở nhiều nơi trên thế giới.

Sau tuần này, ban thư ký WTO và các thành viên cần xây dựng một chương trình làm việc để cải tổ tổ chức. Trong đó, điều cần thiết là phát triển một khuôn khổ để đảm bảo các quốc gia thực hiện một cách minh bạch dựa trên các quy định và không rơi vào các hình thức bảo hộ tiêu cực hơn.

Phục hồi cơ chế giải quyết tranh chấp tại rõ ràng là một ưu tiên của WTO. 25 thành viên đã đồng ý với một thỏa thuận tạm thời sẽ hoạt động tương tự cơ chế cũ. Các nhà phân tích nhận định rằng càng nhiều thành viên tham gia hiệp định này càng tốt, đặc biệt là Mỹ. Họ cũng nên bắt đầu đàm phán về việc khôi phục hoàn toàn một cơ chế liên kết. Các quốc gia thành viên cũng cần đặt ra các tiêu chí rõ ràng cho các biện pháp đề phòng hợp pháp liên quan đến an ninh quốc gia, chăm sóc sức khỏe và các vấn đề môi trường.

Một đột phá lớn ở Geneva lần này sẽ là điều khó có thể xảy ra. Nhưng các thỏa thuận thực tế về những ưu tiên trước mắt như an ninh lương thực và vaccine ít nhất sẽ giúp khẳng định lại sự phù hợp của WTO. Vào thời điểm khó khăn này, những chiến thắng dù là nhỏ cũng đáng được hoan nghênh.

Nguồn: Cafef

This entry was posted in Thương mại toàn cầu. Bookmark the permalink.