Chí phí thực phẩm ở Việt Nam hiện không bị tác động nhiều trước đà tăng trên thế giới
Mặc dù ở vị trí tốt hơn nhiều nước trước cơn bão lạm phát nhưng áp lực lạm phát ở Việt Nam hiện nay là ‘rất lớn’, một kinh tế gia từ trong nước nhận định nhưng cho rằng Việt Nam ‘không nên chống lạm phát quá sức’.
Giá xăng dầu Việt Nam hôm 13/6 đã đạt mức cao kỷ lục là 32.300 đồng một lít và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng. Giá xăng dầu tăng đã gây áp lực rất lớn lên giá cả hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng tới đời sống người dân và đe dọa việc thực hiện mục tiêu kiềm giữ lạm phát của chính phủ Việt Nam trong năm nay.
Theo mục tiêu mà Quốc hội đề ra cho năm 2022, chính phủ phải cố gắng kiềm lạm phát dưới mức 4%. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25%, theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố. Do đó, từ nay đến cuối năm, Việt Nam phải giữ lạm phát không tăng quá 1,75% thì mới đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
‘Nên giảm thuế, phí xăng dầu’
Trao đổi với VOA, bà Phạm Chi Lan, cựu thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhận định rằng tình hình lạm phát ở Việt Nam hiện nay ‘là rất đáng ngại’.
“Việt Nam cần phải lưu ý hết sức khoảng tăng mà Quốc hội tính toán từ đầu năm khó lòng thực hiện được”, bà Lan cảnh báo.
Theo bà Lan, chính phủ Việt Nam ‘rất quan tâm đến kiềm chế lạm phát’ để không ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung cũng như cuộc sống người dân.
“Tuy nhiên, cũng có những nhân tố vượt ngoài khả năng và mong muốn của chính phủ ví dụ như giá xăng dầu trên toàn cầu”, bà nói. (2:38)
Bà Lan đề xuất chính phủ nên giảm hơn nữa thuế, phí các loại đánh vào xăng dầu hiện chiếm tới 44% giá xăng dầu trên thị trường và cho rằng việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường vừa qua ‘chỉ đỡ được một phần’. Ngoài thuế bảo vệ môi trường, xăng dầu còn phải chịu các mức thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.
Bà Lan cũng kêu gọi xem lại cách tính thuế, phí xăng dầu vì cách tính theo tỷ lệ hiện nay, tức là giá xăng dầu tăng thì thuế phí thu được từ xăng dầu cũng tăng lên, ‘rất bất lợi cho người tiêu dùng’. Bà nói thay vì đặt tỷ lệ, chính phủ nên đặt ra một con số thuế, phí cố định.
“Tôi thực sự lo ngại có vẻ như một số ngành không có động lực nhiều lắm để giảm giá xăng dầu bởi vì đối với họ nếu giá xăng dầu cao thì thuế phí họ thu được càng cao”, bà nói thêm. (3:18)
Bà cũng cho rằng không nên lo ngại về khả năng buôn lậu xăng dầu sang các nước láng giềng nếu giá xăng dầu được giữ ở mức thấp.
“Chảy máu xăng dầu có thể có nhưng không nhiều vì chỉ có thể loanh quanh sang Lào hay Campuchia”, bà phân tích. “Hai nền kinh tế đó cũng không phải là tiêu thụ xăng dầu quá nhiều”.
Cho nên, bà cho rằng ‘viện cớ buôn lậu xăng dầu mà không điều chỉnh giá xăng dầu là không hợp lý’ và rằng ‘kiểm soát buôn lậu là việc mà bộ máy Nhà nước phải lo’.
‘Không nên làm quá’
Về khả năng Việt Nam tăng lãi suất để chống lạm phát – động thái mà Mỹ và châu Âu đang thực hiện – bà Lan nói ‘thực tế ở Việt Nam hiện nay mặt bằng lãi suất đã là cao so với các nước khác và gần đây một số ngân hàng cũng đã có sự điều chỉnh lên’.
“Lúc này mà tăng lãi suất nữa thì lại khổ cho các doanh nghiệp người ta cũng đang bí nguồn vốn, và đang rất khó khăn để phục hồi sau Covid”, bà Lan chỉ ra. (5:07)
“Nếu lãi suất lên cao quá thì đơn giản những người sản xuất kinh doanh không có cách gì có thể kinh doanh nổi”, bà nói thêm. “Nếu họ ngưng hoạt động hàng loạt thì ảnh hưởng đến thu nhập người lao động, khiến họ mất công ăn việc làm”.
Cho nên khi chính phủ tính cách kiểm soát lạm phát thì ‘phải nên nhìn nhiều mặt chứ không chỉ nhìn vào chỉ một chỉ số lạm phát’, theo lời của chuyên gia kinh tế này, và ‘sẽ phải tính toán rất kỹ’.
Theo lời bà thì Việt Nam ‘không nên quá câu nệ về lạm phát khi nó đang là vấn đề chung của toàn thế giới, ngay cả những nước có nền kinh tế mạnh nhất và kiểm soát tốt nhất kinh tế vĩ mô’.
“Không nên thả lỏng lạm phát, nhưng kiềm chế quá, gắng sức nhiều quá cũng không thực tế trong tình hình hiện nay,” bà Lan chỉ ra. Thay vào đó, bà đề xuất có những giải pháp ‘thực tế hơn’, chẳng hạn như thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ Covid cho người dân đang chịu tác động của lạm phát hay tập trung kiểm soát giá xăng dầu.
‘Giá lương thực không tăng’
Giải thích lý do lạm phát ở Việt Nam thấp hơn so với Mỹ, châu Âu hay những nước xung quanh, bà Lan nói do ‘Việt Nam có nền nông nghiệp tương đối ổn định’.
“Thế giới bị tăng nhiều nhất về giá năng lượng và giá lương thực, trong khi Việt Nam tương đối ổn định về giá lương thực”, bà chỉ ra.
Còn về năng lượng, Việt Nam chỉ gặp khó khăn về xăng dầu, trong khi điện ‘thì đỡ hơn vì nguồn cung tương đối đủ’, cũng theo bà Phạm Chi Lan.
Nguồn: VOA Tiếng Việt