Bắc Kinh đặt cơ sở pháp lý cho ‘‘can thiệp quân sự’’ ngoài Hoa Lục

Trọng Thành

Trung Quốc đặt nền tảng pháp lý cho các hoạt động can thiệp quân sự bên ngoài lãnh thổ, với khái niệm mới ‘‘hoạt động quân sự phi chiến tranh’’. Chính sách nói trên có thể mở đường cho các can thiệp quân sự quy mô hạn chế của Trung Quốc. Đài Loan và một số quốc gia ven Biển Đông có thể là đối tượng nhắm đến hàng đầu của chính sách này, theo một số nhà quan sát.

 

Báo chí Úc dẫn thông tin từ Hoàn Cầu Thời Báo, ấn bản Anh ngữ, theo đó chính sách mới liên quan đến ‘‘các hoạt động quân sự phi chiến tranh’’ của Trung Quốc bắt đầu được triển khai thử nghiệm kể từ hôm nay, 15/06/2022. Đề cương về ‘‘các hoạt động quân sự phi chiến tranh của quân đội’’, gồm 6 chương, 59 điều, quy định các hoạt động của quân đội ‘‘nhằm ngăn chặn và hóa giải các rủi ro và thách thức, xử lý các tình huống khẩn cấp, bảo vệ con người và tài sản, bảo vệ chủ quyền quốc gia…’’. Hiện tại, Bắc Kinh chưa công bố toàn văn bản đề cương này.

Truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh đến các hoạt động của quân đội trong việc cứu trợ thiên tai, thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ và gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, giới quan sát đặc biệt chú ý đến khả năng Bắc Kinh sử dụng cơ sở pháp lý này để biện minh cho các can thiệp vũ trang.

Theo một số chuyên gia, chính sách mới  của Bắc Kinh có điểm giống với chính sách của Nga, được đưa ra cách đây ít tháng, cho phép quân đội tiến hành các ‘‘chiến dịch quân sự đặc biệt’’ ở nước ngoài, mà không tuyên bố chiến tranh, cụ thể trong cuộc xâm lăng Ukraina hiện nay. Hành động xâm lăng một quốc gia có chủ quyền của Nga bị cộng đồng quốc tế lên án như một cuộc chiến tranh xâm lược, nhưng chính quyền Nga khẳng định đây chỉ là một chiến dịch can thiệp quân sự quy mô hạn chế. 

Các hướng dẫn này cũng nhằm ‘‘tạo cơ sở pháp lý’’ để Trung Quốc can thiệp quân sự tại nhiều nơi, như quần đảo Solomon (Nam Thái Bình Dương), nơi Bắc Kinh vừa ký kết một hiệp định hợp tác. Quân đội Trung Quốc có thể can thiệp, nếu tình hình bất ổn do đảo chính hoặc các vấn đề an ninh khác.

Trả lời báo Úc ABC, nhà phân tích độc lập Wu Qiang, ở Bắc Kinh, từng giảng dạy tại trường đại học hàng đầu của Trung Quốc Thanh Hoa (trước khi bị sa thải vì ‘‘lý do chính trị’’), nhấn mạnh đến trường hợp Đài Loan. Theo ông, “nhìn từ quan điểm của Bắc Kinh, sứ mệnh thống nhất Đài Loan trong tương lai sẽ chỉ là sự tiếp nối của cuộc nội chiến còn dang dở năm 1949”, ‘‘như vậy, đây là nỗ lực để xác định rằng một cuộc can thiệp quân sự trong tương lai vào Đài Loan sẽ là một hoạt động ‘phi chiến tranh’.’’ 

Chuyên gia Eugene Kuo Yujen, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Đài Loan, cũng khẳng định chính sách nói trên của Bắc Kinh là ‘‘bản sao’’ chính sách can thiệp quân sự hạn chế của Nga. Theo ông, ‘‘sau những gì đã xảy ra ở Ukraina, điều này gửi đi một tín hiệu đầy đe dọa đến Đài Loan, Nhật Bản và các quốc gia ven Biển Đông’’.

Theo tiến sĩ Eugene Kuo Yujen, chính quyền Tập Cận Bình đang cố gắng tăng cường ‘‘các hoạt động trong vùng xám’’, tức các hành động với mục tiêu gây tổn hại cho các quốc gia khác, nhưng nằm dưới mức ‘‘chiến tranh’’.

T.T.

Nguồn: RFI Tiếng Việt

This entry was posted in Âm mưu Tàu Cộng. Bookmark the permalink.