Chính trị thường thức

Kim Văn Chinh

1.Nhân chuyện trên facebook thảo luận chuyện ông Bộ trưởng Y tế có cần có chuyên môn bác sỹ không, nhiều người dẫn luôn các nước họ có bộ trưởng quốc phòng nữ dân sự mà nền quốc phòng của họ vẫn mạnh, rồi đặt luôn là nước ta cần học họ…

Đúng là cần học họ rồi (chứ không phải ngược lại là bảo họ phải học ta), nhưng học cũng phải học có đầu có đuôi.

Từ thời thượng cổ đến nay (đúng ra là từ thời Nhà Lê), nước ta vẫn phải đi học nước ngoài về tổ chức nhà nước, phương thức trị dân, thu phục lòng dân, bình định thiên hạ. Xưa thì học duy nhất Trung Quốc. Còn từ khi có Pháp vào và cụ Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, thực chất là học nền chính trị nước ngoài để áp dụng vào Việt Nam.

Trớ trêu là mô hình, phương pháp chính trị của nước ta hiện nay nó lửng lơ: ngô không ra ngô, khoai không ra khoai, chân không đến đất, cật không đến giời.

Cơ bản là cái cần học thì học chưa đến đầu đến đũa.

Thứ đến là cái học về thì nó không nghiệm vào cuộc sống, bị phủ định, đành bóp méo, thay đổi nó sao cho “chân vừa giày” chứ không phải mua giày cho vừa chân.

Lại được đám quần thần quen thói tự sướng, thấy có chút kết quả cứ thế tung hô nhất ta, nhất ta, nhất cả thế giời rồi không chịu học hoặc chỉ học cho qua quýt…

Cho nên nói đến chính trị cũng cần nói cho có gốc rễ.

2. Nền chính trị dân chủ (dù dưới hình thức gì đi chăng nữa thì cũng dựa trên nguyên lý quyền lực thuộc về nhân dân (điều này bác Hồ Chí Minh xưa và bác Nguyễn Phú Trọng hiện nay đều đồng ý giơ cả hai tay). Nó đối lập và ra đời để phủ định, xóa tan thể chế chính trị phong kiến quân chủ độc tài.

Các nhà lý thuyết đã nghĩ ra và được thực tế chấp nhận thể chế “tam quyền phân lập” với bộ ba cơ quan quyền lực nhà nước độc lập nhau, chế định nhau và bổ sung cho nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tương ứng với thể chế đó có 3 cơ quan quyền lực: Quốc hội, Chính phủ và Tòa án.

Ấy vậy nhưng về nước ta (học qua mô hình Liên Xô), các cơ quan đó được tiếp thu và học đưa vào thể chế. Rất thích vì nó thể hiện nền dân chủ – mục tiêu tối thượng của xã hội. Nhưng cái cốt lõi của thể chế là “tam quyền phân lập” thì những người cầm quyền không hiểu nổi, thậm chí như hiện nay còn coi đó là lý thuyết sai trái, thù địch, ai tuyên truyền nó bị quy kết là thù địch, bắt bỏ tù là bình thường…

Vậy có được gọi là học đến nơi đến chốn chưa?

Và như vậy, rất nhiều chi tiết của nền chính trị dân chủ có áp dụng được vào đất nước mà hầu hết người cầm quyền không hiều gì về tam quyền phân lập, thậm chí thù ghét nó?

3. Đến chuyện bộ trưởng.

Các nước dân chủ họ thực thi quyền lực nhà nước theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Công chức chỉ được làm gì pháp luật cho phép, dân lại được tự do làm gì pháp luật không cấm.

Để duy trì xã hội thượng tôn pháp luật, họ có bộ máy hành chính nhà nước và hệ thống quân đội, cảnh sát duy trì pháp luật, làm theo pháp luật, chỉ trung thành với pháp luật. Và do hệ thống pháp luật nó mang tính ổn định (rất ổn định), bộ máy hành chính cũng cần ổn định và rất chuyên nghiệp theo pháp luật quy định.

Trong một ngành (bộ), bộ máy này là các viên chức, công chức được tuyển dụng theo chuyên môn, biên chế ổn định, làm việc theo pháp luật, trung thành với pháp luật… Chính bộ máy này có quyền lực về hành chính rất lớn và họ duy trì sự ổn định, văn minh của xã hội theo pháp luật…

Nhưng Tổng thống/ Thủ tướng và nội các của ông lập nên (các bộ trưởng) lại là các chính khách thực thi các định hướng chính trị của người cầm đầu Chính phủ được bầu theo nhiệm kỳ.

Ranh giới quyền lực, cách thức tác động của bộ máy chính trị (nội các) được quy định rất rõ, và họ bắt buộc phải sử dụng bộ máy hành chính ổn định để thực thi các biện pháp được gọi là chính sách của nội các…

Khi nội các thay đổi, bộ trưởng thay đổi theo, nhưng hệ thống bộ máy hành chính (từ thứ trưởng trở xuống) vẫn ổn định với các công chức trung thành với luật pháp.

Do vậy ở các nước dân chủ, thứ trưởng trở xuống là các công chức chuyên nghiệp và biên chế suốt đời.

Nhưng bộ trưởng thì lại làm theo nhiệm kỳ do ông đứng đầu chính phủ bổ nhiệm.

Bộ trưởng không bắt buộc phải là người chuyên nghiệp về ngành nghề, nhưng lại rất thạo và nhạy cảm với định hướng chính trị của Chính phủ, rất giỏi sử dụng các công cụ chính sách chính trị…

Bộ trưởng ra lệnh cho thứ trưởng mà trái pháp luật, thứ trưởng có quyền cãi lại ngay và yêu cầu bộ trưởng cũng phải tôn trọng đúng pháp luật.

Nhưng thứ trưởng không có quyền chống lại các chính sách chính trị định hướng hoạt động của bộ trưởng.

Khi bộ trưởng nghỉ, không bao giờ (rất ít khi) thứ trưởng lên thay mà phải thay bằng một bộ trưởng khác có khi từ dân thường, nhưng đúng ý người đứng đầu chính phủ …

Những điều tôi nói trên, khi dạy cho các quan chức ở Việt Nam, chẳng có mấy người muốn hiểu. Thực ra họ không hiểu nổi.

Giống mấy thanh niên, khi lái xe ra đường thấy chỗ quyền ưu tiên cho người đi bộ sang đường, phải nhường đường cho người đi bộ. Xin lỗi, dạy mãi, phạt mãi mà chúng nó (đám lái xe ấy) có đứa nào chịu hiểu… Vậy mới có chuyện ông giáo sư toán nổi tiếng thế giới đến VN lần đầu, ra đường bị xe đâm chết tươi ngay vì ông ấy cứ tưởng quyền của ông ấy được sang đường, ô tô phải nhường…

Đã không hiểu thì học cái gì được? Hành lại càng không giống ai cả. Nó chỉ giống chính nó thôi.

K.V.C.

Nguồn: Fb Kim Van Chinh

This entry was posted in Chính trị. Bookmark the permalink.