Tiêu thụ nông sản đâu phải chỉ hướng dẫn ‘sạch Covid’ qua Zalo!

Song Nghi

(KTSG Online) – Bài toán tiêu thụ nông sản cần được giải một cách căn cơ với nhiều giải pháp kết hợp trong khuôn khổ chiến lược dài hạn được hoạch định ở tầm vĩ mô. Bản thân người nông dân không thể chuyển đổi quy mô hay chất lượng canh tác khi hàng ngày họ phải đối mặt với bài toán ăn đong, xoay tiền theo từng mùa vụ và luôn đối diện với rủi ro thất mùa hay ế ẩm.

Cuối tuần qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) lại họp khẩn trực tuyến về thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh thành phía Nam trước thực trạng giá trái cây rớt thê thảm như thanh long chỉ 8.000 – 9.000 đồng/kg, mít 4.000 – 5.000 đồng/kg, chuối chỉ có 5.000 đồng/kg. Có giá nhất là sầu riêng thì tại Tiền Giang, đầu vụ giá 80.000 – 90.000 đồng/kg nhưng hiện tại chỉ còn 40.000 – 50.000 đồng/kg.

Tại cuộc họp này, lãnh đạo Bộ NNPTNT có đề cập đến kinh nghiệm của Thái Lan là thông tin cho nông dân về cách truyền thông đến người nông dân phòng chống Covid-19, tránh lây chéo lên bao bì nông sản xuất sang Trung Quốc. Lãnh đạo bộ cũng yêu cầu cung cấp thông tin tương tự cho nông dân qua Zalo, Viber để hạn chế tình trạng ùn ứ nông sản do phía Trung Quốc tăng cường kiểm dịch(*). Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói thì việc tiêu thụ nông sản tại Trung Quốc cần nhiều giải pháp cả vĩ mô lẫn vi mô một cách đồng bộ chớ không chỉ là truyền thông hướng dẫn cách “sạch Covid” qua Zalo.

Bản chất ngành xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện giờ vẫn rất mong manh. Chỉ một đợt đóng biên từ phía Trung Quốc với lý do kiểm soát dịch bệnh hay thay đổi quy trình, quy định là hàng ngàn xe tải nông sản kẹt cứng ở các cửa khẩu đường bộ phía Bắc, hàng trăm tấn nông sản hư thối phải đổ bỏ. Đây là điều đã tái diễn hàng chục năm qua và chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt. Chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc thông quan trở lại hôm 26-4, đến đầu tuần này giá thanh long mua xô tại vườn ở Long An từ 2.000-3.000 đồng/kg đã tăng lên 12.000-15.000 đồng/kg.

Trong khoảng 10 năm gần đây, rất nhiều giải pháp được các hội thảo, hội nghị bàn bạc, các báo cáo chuyên ngành đề xuất trong những năm gần đây. Nào là giảm xuất khẩu tiểu ngạch, chuyển qua canh tác theo tiêu chuẩn cao cấp GlobalGAP rồi mô hình hợp tác xã nông nghiệp hiện đại, xây dựng nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái … nhưng việc triển khai cho đến nay vẫn chưa được như kỳ vọng.

Việc xuất khẩu nông sản cấp cao của Việt Nam vào các thị trường như Mỹ, Úc, Nhật, Liên minh châu Âu (EU) vẫn chỉ còn ở mức rất thấp so với sản lượng. Ví dụ, dù được tiếp sức thêm bằng hiệp định thương mại tự do EVFTA, nông sản của Việt Nam mới chiếm 1% trong tỷ trọng nhập khẩu nông sản của thị trường EU, lại chỉ bán ở các tiệm tạp hóa gốc Á. Tương tự, tổng sản lượng Việt Nam xuất vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc của tất cả các doanh nghiệp cộng lại cũng chỉ bằng hai ngày xuất vào thị trường Trung Quốc.

Muốn thay đổi thị trường thì phải thay đổi canh tác, hiện đại hoá nông nghiệp nhưng với điều kiện hiện tại của nông dân thì đây không phải là việc dễ dàng và nhanh chóng. Để làm được những điều này, người nông dân cần được hỗ trợ dài hạn và bài bản. Kèm theo việc hỗ trợ nông dân còn cần hàng loạt chính sách vĩ mô đi theo một cách đồng bộ.

Trong thời gian chuyển dịch nền nông nghiệp theo hướng mong muốn thì cần hàng loạt cải cách trong chính sách để hỗ trợ nông dân về vay vốn, giảm thuế, cung cấp giống cây trồng mới và hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chế biến, lưu kho…

Hệ thống phân phối và logistics bao gồm giao thông, kho vận, đường sá cũng cần được phát triển thêm để doanh nghiệp có thể vừa đẩy mạnh xuất khẩu vừa gia tăng lượng nông sản tiêu thụ trong nước.

Kèm theo đó là chính sách thuế hỗ trợ cho việc cơ giới hoá nông nghiệp như giảm thuế cho máy móc, vật tư nông nghiệp để góp phần kéo giảm chi phí và ứng phó được với tình trạng ngày càng thiếu nhân lực trong ngành nông nghiệp. Thực trạng hiện nay là nông thôn ngày càng thiếu lao động canh tác và thu hoạch vì nhiều thanh niên bỏ lên các vùng đô thị làm công nhân chứ không ở lại quê làm nông.

Phân bón và thuốc trừ sâu cũng là bài toán cần giải quyết rốt ráo vì đến thời điểm tháng 5 năm nay, giá phân bón tăng cao nhất trong 50 năm qua, lên 16-18 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, theo Bộ NNPTNT, chi phí phân bón chiếm tỷ trọng lớn, tới 50% trong giá thành sản xuất và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới(**). Không kéo giảm được chi phí này, giá thành nông sản sẽ tăng cao và người nông dân càng thêm bấp bênh trong thu nhập.

Một khi vẫn chưa mở rộng được thị phần nông sản cao cấp thì trong giai đoạn trước mắt, Trung Quốc vẫn là nơi tiêu thụ chính cho xuất khẩu nông sản Việt Nam theo đường tiểu ngạch và là nơi nông sản Việt Nam cần củng cố vị trí vì đã có chỗ đứng nhất định.

Số liệu do các doanh nghiêp cung cấp tại diễn đàn trực tuyến “Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long” do Bộ NNPTNT tổ chức hồi tháng 1 năm nay cho thấy Việt Nam xuất đi 50 nước cũng không bằng xuất vào thị trường Trung Quốc. Theo số liệu của Bộ NNPTNT, sản lượng thanh long của Việt Nam đạt khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Trong năm 2021 có gần 850 ngàn tấn trái cây gồm 9 loại được xuất chính ngạch vào Trung Quốc, trong đó có khoảng 500 ngàn tấn là thanh long (***).

Trong giai đoạn chuyển tiếp này, để giảm bớt tình trạng ùn tắc cho nông sản Việt Nam, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sâu hơn thị trường Trung Quốc về thị hiếu, khẩu vị, mùa vụ tiêu thụ, thị hiếu người tiêu dùng về chủng loại, màu sắc, kích cỡ…. Về chính sách, phải khai thác được sớm những quy định về pháp lý, tiêu chuẩn, thủ tục liên quan đến nhập khẩu nông sản vào Trung Quốc. Phải có cảnh báo sớm về các quy định sẽ có hiệu lực, quy định đang là dự thảo, đã ban hành và lộ trình áp dụng rồi từ đó đưa ra các dự báo dài hạn và lộ trình chuyển đổi cho nông sản Việt Nam.

Quan trọng nhất là dự báo về sản lượng các loại nông sản tự thay thế của họ như thanh long trồng ở Vân Nam sẽ đạt sản lượng bao nhiêu trong 5 năm tới đây chẳng hạn, để từ đó đưa ra các khuyến cáo cho nông dân và doanh nghiệp Việt Nam để tránh cảnh ế ẩm vì “đụng hàng”.

Với một thị trường đông dân như Trung Quốc, cách ứng xử thích hợp không phải là rời bỏ hay thu hẹp mà nên là chuyển từ tư thế bị động “chờ được thông quan” sang thế chủ động điều tiết về sản lượng cung cấp và nâng cao phẩm cấp hàng hoá để nước này “không mua không được” vì không dễ tìm nguồn hàng thay thế cho nông sản Việt Nam.

————

(*) https://tuoitre.vn/trai-cay-un-u-bo-truong-bo-nnptnt-hop-khan-20220508223656366.htm

(**) https://tuoitre.vn/gia-phan-bon-tang-cao-nhat-trong-50-nam-qua-len-16-18-trieu-dong-tan-20220509085332823.htm

(***) https://thesaigontimes.vn/san-luong-trai-cay-xuat-di-nhat-han-cong-lai-chi-bang-hai-ngay-ban-sang-trung-quoc/

S.N.

Nguồn: Thesaigontimes

This entry was posted in Nông sản. Bookmark the permalink.