Ba tháng đầu năm 2022 ghi nhận 64 cuộc đình công của lao động, tăng 40% so với cùng kỳ, chủ yếu liên quan đến tiền lương, phụ cấp.
Chia sẻ tại hội thảo tiền lương và vấn đề ổn định thị trường lao động chiều 26/4, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động, cho biết cơ quan này thống kê tổng cộng 591 cuộc đình công tự phát, ngừng việc tập thể từ năm 2018 đến nay. Các cuộc đình công có xu hướng giảm qua từng năm song lại tăng đột biến trong quý I/2022. Đình công trong ngành dệt may chiếm tới 40%, da giày 15%, điện tử 10%, chế biến gỗ 7% và các ngành khác 28%.
Các cuộc này đều là tự phát, chủ yếu vì mục đích kinh tế, không có đập phá máy móc, tài sản và không do công đoàn cơ sở lãnh đạo. Nguyên nhân hầu hết do doanh nghiệp chậm chi trả lương, thưởng Tết, chất lượng ăn ca kém… Việc chậm điều chỉnh lương tối thiểu và tác động của đại dịch khiến lao động giảm sút thu nhập, mất việc làm, trong khi phát sinh chi phí phòng chống dịch cùng các mặt hàng đội giá khiến lao động cạn kiệt tích lũy. Họ ngừng việc ,yêu cầu tăng lương cơ bản, ăn ca, phụ cấp nuôi con nhỏ…
Đại diện công đoàn cho biết cùng thời điểm hội thảo, 1.500 công nhân làm việc tại doanh nghiệp sản xuất da giày ở Nam Định đang đình công, yêu cầu ông chủ người Đài Loan tăng lương. Đình công kéo dài từ 22/4 đến nay và 400 lao động đã viết đơn nghỉ việc khi yêu cầu không được đáp ứng.
“Nhiều doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh tăng tiền lương và chế độ đãi ngộ cho lao động, song có doanh nghiệp dù có điều kiện song vẫn trông chờ vào điều chỉnh lương tối thiểu để làm căn cứ thương lượng Việc Chính phủ sớm điều chỉnh lương tối thiểu là điều cần thiết trong bối cảnh này”, ông Quảng dẫn báo cáo của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Theo ông cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trước mắt là tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7 chứ không đợi đến 1/1/2023.
Advertising
Lãnh đạo Công ty TNHH Viet Glory (Nghệ An) đối thoại với công nhân ngừng việc tập thể, chiều 10/2. Ảnh: Phương Linh
Theo ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân Công đoàn, công nhân Việt Nam chiếm 15% dân số, 27% lực lượng lao động nhưng đóng góp 70% ngân sách và 65% GDP. Đóng góp nhiều nhưng họ chưa được hưởng thành quả tương xứng khi đời sống còn quá bấp bênh, nhiều vấn đề cấp bách về tiền lương, nhà ở, nuôi con… chưa được giải quyết thỏa đáng.
Khảo sát của công đoàn vào tháng 3 cho thấy, nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân đạt 4,92 triệu đồng mỗi tháng. Để không rơi vào túng quẫn, công nhân phải chấp nhận tăng ca. Lao động ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thuỷ hải sản, sản xuất gỗ… có khi tăng ca 60-70 giờ mỗi tháng. Mức độ hài lòng của người lao động với cuộc sống chỉ đạt 6,3 trên thang điểm 10.
“Có lẽ vì làm việc vất vả nhưng lương thấp, nên 72% công nhân cho biết không muốn con mình sau này theo nghề nghiệp của mình. Các cuộc khảo sát từ năm 2007 đến nay đều cho tỷ lệ dao động quanh mức này”, ông Tiến nói, nhấn mạnh rằng chỉ khi tiền lương, thu nhập được đảm bảo, họ mới có đủ sức chăm lo cho gia đình. Doanh nghiệp từ đó mới có thể phục hồi, địa phương phát triển.
Phòng trọ của một gia đình công nhân ở KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội, tháng 2/2022. Ảnh: Ngọc Thành
Hội đồng Tiền lương quốc gia hôm 12/4 thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7/2022 trên cơ sở 15/17 phiếu tán thành. Hai thành viên bỏ phiếu tăng từ 1/1/2023. Nếu đề xuất này được Chính phủ thông qua, đây là lần đầu tiên kể từ khi áp dụng lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp (năm 2009), tiền lương tăng vào giữa năm thay vì đầu năm và dự kiến kéo dài 18 tháng thay vì 12 tháng như thường lệ.
Đại diện VCCI đồng ý với mức tăng 6% song chưa hài lòng với thời điểm tăng từ 1/7/2022, mong muốn điều chỉnh từ 1/1/2023 để doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị. Ngày 14/4, tám hiệp hội doanh nghiệp có công văn gửi Chính phủ kiến nghị lùi thời điểm tăng lương sang đầu năm sau.