Hiến pháp là “Tài liệu phản động”?!

Mạc Văn Trang

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'VIỆTNAM HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HFA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM UANAAQUIA.STHAT NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰT THẬT'

Chuyện lạ ở xứ ta: Chị K. bảo, chồng cháu trong “nhóm Hiến pháp” bị bắt đi tù. Mình hỏi, “Nhóm Hiến pháp” là gì? Dạ, nhóm này có 5-6 anh chị em đem Hiến pháp phát cho bà con dân oan và hướng dẫn đấu tranh theo đúng Hiến pháp. Nhưng bị công an bắt, thu hết các “Tài liệu phản động” và quy cho tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”… Anh Lê Dũng (Vova) và Lê Trọng Hùng (ứng viên ĐBQH) cũng mua, photo mấy trăm cuốn Hiến pháp phát cho dân oan… Lê Trọng Hùng còn tuyên bố, nếu trúng ĐBQH sẽ đề xuất lập Toà Bảo Hiến… Nhưng 2 anh này cũng vào tù cả rồi.

Tại sao đòi thực thi đúng Hiến pháp ở nước ta lại gặp nhiều rắc rối như vậy? Xin trích một số điều để bà con xem, sẽ hiểu:

Chương II.

QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN

Điều 14.

1. Ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Điều 15.

1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.

2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.

3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội.

4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Điều 16.

1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Điều 17.

1. Công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam.

2. Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác.

3. Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ.

Điều 18.

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

2. Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Điều 19.

Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.

Điều 20.

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án Nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm sát Nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.

3. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm.

Điều 21.

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Điều 22.

1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

3. Việc khám xét chỗ ở do luật định.

Điều 23.

Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Điều 24.

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Điều 25.

Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

M.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Hiến Pháp, tù nhân lương tâm. Bookmark the permalink.