Phục sinh chính trị Công giáo việt nam và Đế chế Cộng sản

Nguyễn Hữu Liêm

Học giả Nguyễn Hữu Liêm vừa gửi đến BVN bài viết dưới đây như một dự phóng chính trị mà cá nhân ông chiêm nghiệm. Chúng tôi đăng lên với mong muốn được nhiều học giả trong ngoài nước quan tâm và cùng nhau trao đổi về đề tài có phần chắc sẽ gây tranh cãi này, như chính tác giả dự đoán trong lá thư ngắn gửi kèm. BVN mong mỏi sẽ là một diễn đàn với nhiều hội ngộ của các bậc anh tài trong văn giới.

Trân trọng.

Bauxite Việt Nam

“Trong suốt 30 năm hành trình truyền giáo [ở Á Đông]của tôi, đó chỉ là hoạt động của ơn Thánh nhằm chinh phục các linh hồn, là những chiến thắng của đức tin đối với sai lầm, sự thành lập Giáo hội Thiên Chúa ở nhiều miền đất nước xưa kia thuộc về ma quỷ.” (Alexandre de Rhodes, Hành trình và Truyền giáo (1653)).

“[Nếu] các em không được diễm phúc tử đạo [như các Thánh, thì ít nhất] các em hãy bắt chước lòng can đảm khẳng khái của họ.” (Tạp chí Nghĩa binh Thánh thể, 1945)

Nếu có một dự phóng chính trị và cách mạng trong tương lai gần ở Việt Nam thì chúng ta phải thấy có hai thế lực đang âm thầm trỗi dậy một cách vững chắc, hùng mạnh và khó có thể ngăn chặn: Khối tín đồ Công giáo (CG) và khối tư bản “đỏ” thân hữu. Đế chế Cộng sản (CS) hiện nay sẽ bị chuyển hóa, đào thải và chính trị quốc gia sẽ bị kiểm soát bởi hai nguồn năng lực đang lên nầy. Trong khi khối tư bản đỏ thì có tiềm lực kinh tế nhưng không có quần chúng. Nhưng khối Công giáo thì có cả hai, cộng thêm đức tin nhiệt thành vào mệnh lệnh Giáo hội và cơ cấu tổ chức – trong nỗi uẩn ức của kẻ ngoại cuộc chính trị quốc gia bấy lâu nay. Có thể nói rằng, tương lai chính trị Việt Nam gắn liền với sự phục sinh của khối tín đồ CG. Đảng Ta phải lắng nghe lại lời của Karl Marx: Một cảnh tượng lạ lẫm đang hiện lên trên chân trời Việt Nam – Viễn tượng Công giáo.

Trong khi cơn sóng Tư bản “đỏ” là đứa con nuôi khó trị và ương ngạnh trong nhà của Đảng ta, thì cộng đồng tín hữu Công giáo là một đế chế đức tin đứng im bên ngoài cửa nhà nhưng đang đón chờ và vận động cho một vận hội mới trong niềm căm hận đối với Đảng. Một đằng thì quyền lợi kinh tế, tiền bạc của giới tài phiệt đỏ sẽ làm sụp đổ cơ sở và gia sản tinh thần của Đảng; đằng kia thì niềm tin vào cõi khác của người Công giáo nay đang chuyển hóa thành nên một sức mạnh thế gian có tổ chức và kỷ luật chính trị. Đến khi hai giòng thác quyền lực nầy đồng quy thì đế chế chính trị Cộng sản sẽ bị phế bỏ.

Tại sao Công giáo?

Một đế chế chính trị phải mang một linh hồn hướng thượng và tinh thần hy sinh cho lý tưởng. Đảng Ta cho đến gần đây đã nuôi dưỡng được linh hồn dân tộc qua ý chí độc lập quốc gia và lý tưởng công lý. Và Hồ Chí Minh, qua bản sắc linh hồn đó, chính là Chúa Jê Su từ cõi Trời xuống trần gian cứu rỗi nhân dân. Nhưng nay thì linh hồn đó đang đi vào vũng thoái hóa từ cám dỗ vật chất trái ngược với niềm tin chân chất nơi người Cộng sản. Tiền bạc và vật chất hiện nay đối với cán bộ Cộng sản là máu của Chúa, là nước thánh Hồ Chí Minh mà họ đang cúi đầu đón nhận qua những màn thánh lễ rửa tội hiện kim – baptism of money – vốn mang đầy mặc cảm tội lỗi và lo sợ. Người Cộng sản VN nay đang là những tín đồ Công giáo nghịch đề – the antithesis of catholicism. Cả hai phía đều mang đức tin mãnh liệt và chắc nịch. Một đằng là tín lý Thánh kinh, một đằng là chủ thuyết vô ngôn của cám dỗ và hoan lạc vật chất.

Tuy nhiên, cái khác biệt lớn giữa cán bộ CS và tín đồ Công giáo là chiều hướng đức tin. Người CG tin vào cõi trên, cõi sau khi chết; người CS nửa tin, nửa ngờ vào cõi trên, kiếp sau. Cái tâm chất đức tin mơ hồ và nửa vời của người CS đã biến họ thành những con cọp kinh tế nhưng lại là những con cừu nơi ý chí công dân. Trong khi đó, người CG, khi mang đức tin vào cõi trên, họ phủ định đế chế CS, từ chối tham dự vào xã hội công dân đương thời để biến tín lý siêu hình thành nên một ý chí thế gian thuần ước vọng trong thầm lặng.

Sóng ngầm chính trị Công giáo

Hiện nay, ở VN, hãy điểm qua danh sách các trí thức bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động xã hội dân sự chống CS, thì gần như hầu hết là những tín đồ Công giáo và một số ít Tin lành. Đó chỉ là mặt nổi. Có môt làn sóng ngầm của quần chúng CG đang chuẩn bị tinh thần cho một biến chuyển chính trị mới. Mặc dầu các nhà hoạt động CG không nhân danh tôn giáo và đạo của họ để tham gia con đường chính trị, tuy nhiên họ cùng chia mẫu số chung khá đồng bộ và vững chắc với khối tín hữu. Đó là chiếc gươm đức tin vào tín lý. Những cán bộ tín lý CG nầy phủ định đế chế CS nhằm phục vụ cho đức tin? Hay là họ vì đức tin mà chống đối lại đế chế chính trị nầy?

Khi người CS còn đức tin vào lý tưởng quyền lực thế gian thì chủ thuyết chinh trị đó là một phản đề cho vương quốc CG. Nhưng nghịch ngẫu thay, khi người CS đã mất hết niềm tin vào chủ nghĩa vô sản thì tôn giáo thế tục vật chất của cán bộ CS lại càng làm cho người CG cảm thấy bất an hơn. Vì đức tin, người CG vốn cho rằng đế chế CS vô thần là của ma quỷ – như de Rhodes đã viết về các quốc gia Á châu gần bốn thế kỷ trước. Họ sẽ không tha thứ cho người CS; trong khi người CS thì không biết đối xử với thế lực CG như thế nào. Tình trạng lúng túng của Đảng ta trước sức mạnh tổ chức của cộng đồng CG lại làm cho tập thể CG càng quyết tâm dấn thân hơn vào dự án chính trị cho tương lai VN hậu CS.

Theo thống kê chính phủ, Việt Nam hiện có khoảng bảy triệu tín đồ Công giáo, tức hơn bảy phần trăm dân số, với 4000 linh mục, 22 ngàn tu sĩ, 2500 giáo xứ, hơn 240 dòng. Đây chính thức là tôn giáo lớn nhất, đông tín đồ nhất, có tổ thức chặt chẽ, trật tự đẳng cấp, truyền thống đức tin lâu đời – và cũng là một tập hợp chính trị ngầm mạnh hơn cả Đảng CS. Vấn đề chỉ còn là thời gian khi cơn sóng ngầm này sẽ trỗi dậy.

Không như phía Phật giáo với vốn liếng chính trị và năng lực nhiệt thành đã bị tiêu thụ khô cạn theo các phong trào quần chúng từ trước 1975, thì trái lại, cộng đồng CG vẫn còn dự trữ một nguồn năng lượng chính trị vốn chưa hề được sử dụng.

Trên thế giới mạng hôm nay, và ở nơi các khu phố, họ đạo, làng xóm CG, nếu ai chịu khó quan sát và tìm hiểu kỹ, sẽ thấy tín hữu CG – nhất là giới trẻ trí thức thành phố – đang ngấm ngầm hình thành những hình thái tổ chức không chính thức, nhưng với kỷ luật vững chắc, bất thành văn, không tuyên bố, cho một phong trào chính trị CG nhằm đến một cơ hội phục sinh chính trị CG hậu CS. Đây đang là một sự thật – dù bí mật nhưng đang trở nên hiển nhiên. Sẽ có ngày, một lãnh tụ CG, cỡ như Hoàng Quỳnh hay Lê Hữu Từ, Trần Hữu Thanh trước 1975, xuất hiện để dẫn đầu và điều hướng năng lực chính trị CG mới..

Khi đức tin huyền nhiệm mà người CG đang nuôi dưỡng được chuyển hóa thành ý chí chính trị thế tục thì người CS hãy coi chừng. Karl Marx sẽ lặp lại lời cảnh cáo hơn 170 năm trước về một làn sóng cách mạng mới – quyết liệt và dứt khoát hơn phong trào vô sản thưở trước.

Điều lạ lùng của năng lực biện chứng lịch sử nằm ở chỗ rằng, khi ta dứt khoát phủ định một đối thể thì chính ta sẽ trở nên đối thể đó. Kẻ thù của ta chính là ta phóng thác vào cõi ngoại thân. Người CS nhân danh chống tư bản để nay họ là những nhà tư bản hơn là tư bản. Cũng như thế, người CG khi phủ định nội dung và thể chế CS thì dần dần họ sẽ là những cán bộ chính trị mang đầy bản chất kỷ luật, cấu trúc tổ chức và chắc mãn về chân lý của họ như là của người CS đã. Cả hai phía đang dần dần hoán vị lẫn nhau. Người CG sẽ là cán bộ chính thể; người CS sẽ là kẻ mất linh hồn và đi tìm cứu rỗi từ cõi khác.

Bài học từ Đế chế La Mã và Thiên Chúa giáo

Có hai tác phẩm lừng danh về lịch sử và tôn giáo là “Kinh thành của Chúa” (426) của Thánh Augustine và “Sự suy tàn và sụp đổ của đế chế La Mã” (1776) của Edward Gibbon. Mặc dù ra đời cách nhau hơn thiên niên kỷ, nhưng hai tác phẩm mang hai cái nhìn đối nghịch về đế chế La Mã và nguồn gốc suy vong của nó.

Trong khi Augustine, một hồng y Công giáo, cho rằng chính đạo giáo đa thần Pagan là nguyên nhân của thối nát và hư hỏng cho đế quốc La Mã. Ông phủ nhận những cáo buộc đối với những quan điểm cho rằng tín lý đạo Chúa là nguyên nhân suy vong của đế chế. Ngược lại, Gibbon tố cáo đạo Chúa rằng với tín lý hoang đường, bi quan, yếm thế, phủ định trách nhiệm công dân đã làm suy yếu và cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ. Theo Gibbon thì Thiên Chúa giáo là một phản đề của chính trị công dân – bởi lẽ rằng thay vì linh động và bao dung thì đạo Chúa lại cứng ngắc, giáo điều, thay vì thực tiễn thế gian thì lại tin vào cõi khác, thay vì dựa vào lý tính lại đi tin vào những phép lạ hoang đường, thay vì tin vào “Kinh thành (City) của con người” thì lại tin vào “Kinh thành của Chúa.”

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, quy luật vận hành lịch sử lại sinh ra những điều trớ trêu. Như Immanuel Kant, triết gia Đức, đã phải viết lên những nguyên lý chính trị quốc tế với tác phẩm “Hòa bình vĩnh cửu” (1795) khi ông nhìn lại lịch sử Âu Châu. Chính từ giáo điều và tín lý cứng ngắc và bất dung – với ý chí phủ định trần thế – mà Thiên Chúa giáo, qua tổ chức Giáo hội Công giáo, đã là đầu mối của chiến tranh và cách mạng chính trị ở Âu châu bắt nguồn từ sự suy vong của đế chế La Mã. Hầu hết các cuộc chiến ở Âu châu từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18 đều phát xuất từ sự chia rẽ trong các cộng đồng đạo Chúa và tham vọng chính trị vương quyền của Giáo hội La Mã. Từ tinh thần mệt mỏi và chán chường chiến tranh vì tôn giáo mà phần lớn những đại trí thức Âu châu từ cuối thế kỷ 16 cho đến gần đây đều phản biện đạo Chúa bằng học thuyết dân chủ cộng hòa.

Tức là tính biện chứng của đức tin tôn giáo luôn luôn trở nên phản đề chính nó. Khi ta càng tin vào cõi khác để phủ nhận thế gian thì ta lại càng dấn thân vào cuộc cờ quyền lực thế tục. Tín đồ Phật giáo ở miền Nam trước 1975 đã cho thấy điều đó. Người CG Việt Nam cũng đang đi vào giai đoạn phản đề tín lý nầy. Họ đang phủ định chế độ và giáo điều CS – để rồi chính thế lực CG sẽ dấn thân rất quyết liệt vào chính trị quốc gia trong giai đoạn tới.

Khải Huyền và Marx: Khi đức tin cộng với nhiệt thành

Viễn tượng Công giáo đang ló dần ở chân trời VN. Trong vòng vài thập niên nữa thôi, thay vì màu đỏ và vàng của CS vốn đang tràn ngập phố phường, làng xóm, thì mầu đen và trắng của đạo Chúa sẽ lên ngôi. Một chiến dịch tương tự như the Catholic Conquista chống Hồi giáo vào cuối thế kỷ 15 ở Tây Ban Nha sẽ kéo dài nhiều thế hệ, hay là một trường binh biến nổi dậy như Thái bình Thiên quốc ở Trung Hoa thời Mãn Thanh ở thế kỷ 19. Chữ Thập sẽ thay thế Búa liềm; đoàn Thanh sinh Công thay vì Thanh niên Hồ Chí Minh. Những anh hùng của đế chế CS hôm nay sẽ bị khai tử; tượng đài hoành tráng sẽ bị kéo sập. Một đoàn quân Thập tự chinh mới, kiêu hãnh, cực đoan hơn, sẽ làm chủ chính trường và lịch sử Việt Nam.

Có phải đã đến lúc Vương quốc Công giáo Việt Nam không chỉ muốn im lặng cứu rỗi linh hồn từng cá nhân con người – mà là cho cả quốc gia? Liệu đây là thời điểm mà lời Nguyền từ Khải Huyền đang được tác hành:

Ôi, Ta biết lắm con đường của các ngươi: không lạnh cũng không nóng. Ước chi các ngươi hoặc là nóng, hoặc là lạnh – chứ không là nguội lạt như bây giờ, không lạnh cũng không nóng; cho nên Ta sẽ khạc nhổ các ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Khải Huyền 3)

Khi đó, Karl Marx sẽ lăn mình trăn trở trong mộ ngoái nhìn lại một lịch sử gần 200 năm qua để nhận ra rằng tôn giáo không phải là thuốc phiện cho quần chúng. Mà hơn thế, khi đức tin được nung nấu với lòng nhiệt thành, thì nó chính là niềm hưng phấn chính trị, là nồi nước sôi bỏng, là nhuệ khí cách mạng cho khối tín đồ Công giáo Việt Nam khi thời điểm đã chín mùi.

N.H.L.

Tác giả gửi BVN

Quan điểm trong bài là thuộc về người viết.

This entry was posted in Công giáo và Cộng sản. Bookmark the permalink.