Việc Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ xuất phát từ chính sách quản lý tài chính yếu kém của chính phủ, cũng như ảnh hưởng từ Covid-19 và “bẫy nợ” Trung Quốc.
Chính phủ Sri Lanka hôm 12/4 tuyên bố vỡ nợ vì không trả được khoản nợ nước ngoài lên tới 51 tỷ USD và đang chờ gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
“Chính phủ chỉ áp dụng biện pháp khẩn cấp này như một hành động sau cùng để ngăn tình hình tài chính của đất nước xấu thêm”, AFP dẫn tuyên bố của Bộ Tài chính Sri Lanka.
Thế nào là một quốc gia vỡ nợ?
Một quốc gia vỡ nợ khi chính phủ không thể thanh toán tiền gốc hoặc tiền lãi của các khoản vay.
Một nước cũng có thể được cho là vỡ nợ nếu phải thảo luận lại các điều kiện của khoản vay với chủ nợ. Chẳng hạn, khi một quốc gia phải gia hạn thời gian đáo hạn của trái phiếu và trả lãi suất cao hơn so với ban đầu thì cũng được coi là vỡ nợ, vì các điều khoản được điều chỉnh theo hướng bất lợi hơn trước.
Trong trường hợp của Sri Lanka, Thống đốc Ngân hàng Trung ương P. Nandalal Weerasinghe đã thông báo tạm ngừng việc thanh toán nợ nước ngoài và tiền lãi (vỡ nợ mềm), đồng thời tránh vỡ nợ cứng (tức hoàn toàn không còn khả năng chi trả).
Tại sao Sri Lanka rơi vào “núi nợ”?
Sri Lanka hiện ôm khoản nợ nước ngoài đến 51 tỷ USD. Nước này phải thanh toán 4 tỷ USD nợ nước ngoài trong năm 2022, trong đó gồm một tỷ USD trái phiếu chính phủ quốc tế đáo hạn vào tháng 7.
Dù vậy, nguồn dự trữ ngoại hối của Sri Lanka chỉ còn khoảng 1,93 tỷ USD, tính đến cuối tháng 3/2022. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhật Bản và Trung Quốc nằm trong danh sách chủ nợ hàng đầu của đảo quốc.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình cảnh này là chính sách kinh tế gây tranh cãi của các đời chính phủ Sri Lanka. Sri Lanka từ lâu đã ký nhiều thỏa thuận vay của nước ngoài nhằm đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, chính sách quản lý tài chính yếu kém cùng tác động từ đại dịch Covid-19 với ngành du lịch, vốn mang lại nguồn thu lớn cho đất nước, đã khiến Sri Lanka ngập trong “núi nợ”.
Bên cạnh đó, chi tiêu của chính phủ ở mức cao cùng việc cắt giảm thuế khiến nguồn thu của nhà nước bị thâm hụt. Ngoài ra, việc rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc và dự trữ ngoại hối ở mức thấp nhất trong một thập kỷ cũng là lý do chính.
Hàng loạt công trình ở Sri Lanka đã mọc lên từ “núi nợ” Trung Quốc, có thể kể đến hải cảng Hambantota – hay được gọi là cảng không tàu, sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa – được mệnh danh là sân bay vắng nhất thế giới và một sân thi đấu cricket hoành tráng gần nhưng bỏ không.
Những công trình không tạo ra lợi nhuận này đã dẫn đến tình cảnh lãi mẹ đẻ lãi con, khiến Sri Lanka rơi vào cảnh tiếp tục đi vay các khoản nợ mới từ Trung Quốc để trả các khoản vay cũ.
Tính đến cuối năm 2020, nước này nợ Trung Quốc khoảng 3,5 tỷ USD, nếu tính thêm những khoản vay cho doanh nghiệp nhà nước sẽ lên khoảng 5 tỷ USD.
Hậu quả khi vỡ nợ là gì?
Vỡ nợ có thể dẫn đến tình trạng bất ổn trên mọi khía cạnh, từ kinh tế cho đến xã hội ở một quốc gia.
Lo ngại nội tệ mất giá, người dân và nhà đầu tư trong nước có thể đổ xô rút tiền ra khỏi ngân hàng để chuyển ra nước ngoài. Trong bối cảnh đó, các chính phủ sẽ phải đóng cửa ngân hàng và áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn.
Một hậu quả khác là khó tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Để trừng phạt quốc gia vỡ nợ, thị trường vốn sẽ tăng mạnh lãi suất cho vay, hoặc hoàn toàn từ chối cho vay.
Trầm trọng hơn, các doanh nghiệp và cá nhân cũng khó vay vốn nước ngoài. Ngoài ra, các tổ chức xếp hạng tín dụng chắc chắn sẽ cảnh báo nhà đầu tư không nên rót tiền vào một quốc gia vỡ nợ.
Từ năm 2021, nhiều tổ chức đã hạ mức tín dụng của Sri Lanka, khiến quốc gia này gần như không thể tiếp cận với thị trường vốn nước ngoài để vay thêm tiền trang trải chi phí nhập khẩu hàng hóa.
Kết quả là nước này gặp khó khăn trong nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu hay thuốc men.
Nhiều người đã phải xếp hàng dài để mua thực phẩm và dầu ăn, trong khi chính phủ Sri Lanka phải áp dụng biện pháp cắt điện luân phiên hay phát hành tem phiếu với sữa bột, đường, đậu lăng và gạo.
Khoản nợ còn lại xử lý thế nào?
Chính phủ vỡ nợ khác với một doanh nghiệp bị phá sản, vì các chủ nợ sẽ khó thu hồi tài sản của một đất nước hơn tài sản của một công ty. Chủ nợ có thể kiện ra tòa án, nhưng kể cả nếu được xử thắng thì cũng gần như không thể ép buộc một quốc gia trả nợ.
Chẳng hạn, Argentina đã thua kiện hơn 100 lần, nhưng vẫn từ chối trả các khoản tiền còn thiếu khi nước này vỡ nợ hồi năm 2001.
Tuy nhiên, thông thường, để không bị mất uy tín trên thị trường quốc tế, thay vì từ chối chi trả, các quốc gia vỡ nợ sẽ chọn cách tái cấu trúc nợ bằng cách giảm tiền lãi, tiền nợ gốc hoặc gia hạn thời gian để xoay xở.
Dù vậy, trong trường hợp này, các chủ nợ vẫn phải chịu thiệt hại. Vào năm 2012, khi Hy Lạp vỡ nợ, các chủ nợ đã buộc phải chấp nhận khoản lỗ lên đến 50%.
Hôm 12/4, Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết các chủ nợ, bao gồm cả những chính phủ nước ngoài đã cho vay, được tự do vốn hóa chi phí lãi vay (tiền lãi được cộng vào số dư cho vay) đáo hạn từ chiều 12/4, hoặc chọn hoàn vốn bằng đồng rupee Sri Lanka.
Giới chức Sri Lanka cũng thông báo họ đang tìm kiếm gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để cải thiện tình hình, giải quyết một phần khoản nợ nước ngoài và tăng cường dự trữ ngoại tệ.
Ngân hàng Trung ương Sri Lanka đang kêu gọi người dân ở nước ngoài gửi tiền về nước (kiều hối) thông qua các kênh chính thức để hỗ trợ đất nước.
Trước đó, quốc gia này đã xin được xóa nợ từ Ấn Độ và Trung Quốc, song cả hai nước trên chỉ đồng ý tăng hạn mức tín dụng để Sri Lanka mua thêm hàng hóa.
Vào năm 2018, Sri Lanka cũng từng chấp nhận cho chủ nợ Trung Quốc thuê lại cảng chiến lược Hambantota trong 99 năm để giảm áp lực tài chính.
M.A.
Nguồn: ZINGNEWS.VN