Cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Newport, xứ Wales ngày 05/09/2014. AP – Jon Super
Đối với cựu tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cựu thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen, tổng thống Nga Vladimir Putin bị ám ảnh bởi ý tưởng khôi phục nước Nga vĩ đại, sẽ không dừng lại ở Ukraina.
Đã hơn một tháng kể từ khi chiến tranh ở Ukraina nổ ra, ông Rasmussen phân tích tình hình ở Ukraina và giải mã chiến lược của Vladimir Putin, người mà ông đã biết trong một thời gian dài. Người tiền nhiệm của Jens Stoltenberg (đương kim tổng thư ký NATO) cũng bày tỏ quan điểm về chiến lược của NATO.
RFI xin giới thiệu bài phỏng vấn ông Rasmussen đăng trên trang mạng tuần báo L’Express, ngày 02/04/2022.
Tuần báo L’Express: Ông phân tích như thế nào về chiến lược của Vladimir Putin sau khi Nga tuyên bố tập trung quân đội ở phía đông Ukraina tại Donbass?
Anders Fogh Rasmussen: Tổng thống Nga đã hy vọng vào một chiến thắng chóng vánh và sự thay đổi chế độ ở Kiev. Ông đã thất bại. Nhưng với tổng thống Putin, chúng ta phải học cách tin vào những gì chúng ta nhìn thấy chứ không phải những gì chúng ta nghe thấy. Trên thực tế, quân đội Nga không hề rút mà vẫn tiếp tục bắn tên lửa vào Ukraina. Do đó, phương Tây phải duy trì sức ép tối đa lên Matxcơva cho đến khi toàn bộ quân đội Nga rời khỏi lãnh thổ Ukraina.
L’Express: Ông đánh giá như thế nào về tình hình quân sự của hai bên?
A. F. Rasmussen: Chúng ta đã đánh giá thấp sự tàn bạo của Vladimir Putin, nhưng lại đánh giá quá cao sức mạnh của quân đội Nga. Quân đội Nga rất lớn, nhưng chất lượng rất thấp. Hơn nữa, quân đội Ukraina kháng cự rất mạnh mẽ. Cuộc xâm lược của Nga đã bị đình trệ trên một số mặt trận.
L’Express: Ông là người biết rõ về tổng thống Putin, liệu ông ấy sẽ làm gì nếu tình hình sa lầy?
A. F. Rasmussen: Vladimir Putin đã không đạt được mục tiêu chính ban đầu của mình. Phương án B của ông là tập trung vào khu vực Donbass phía đông Ukraina và kéo dài chiến tranh, như đã làm ở Gruzia bằng cách chiếm Abkhazia và Nam Ossetia và gây bất ổn cho các nước láng giềng. Mục tiêu của ông là sự sụp đổ của một Ukraina dân chủ và độc lập. Ông ấy bị ám ảnh bởi việc khôi phục sự vĩ đại của Nga giống như lãnh thổ từng hình thành Liên Xô, vì vậy ông ta sẽ không dừng lại ở đây.
Nếu chúng ta để ông Putin tự do hành động, thì sau Ukraina, ông ta sẽ phát động chiến tranh ở Moldova, rồi ở Gruzia, và sau đó là các nước vùng Baltic. Ông ta sẽ cố gắng tạo ra một sự liên kết trực tiếp giữa vùng Kaliningrad và Nga thông qua Litva. Điều này sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh giữa Nga và NATO. Chính vì thế, điều quan trọng là phải ngăn chặn Putin ở Ukraina. Nếu ông ta thành công, thì đây sẽ là sự khởi đầu cho một cuộc chiến tranh lâu dài ở châu Âu. Chúng ta phải rút ra những bài học của lịch sử. Những kẻ độc tài luôn tiến xa nhất có thể. Nếu chúng ta không thể hiện sự thống nhất và quyết tâm trong việc bảo vệ Ukraina, thì Putin sẽ lấn tới.
L’Express: Phương Tây đã thực sự mạnh tay với Nga chưa?
A. F. Rasmussen: Các biện pháp trừng phạt kinh tế do phương Tây ban hành đã có tác động rất lớn đến nền kinh tế Nga. Nhưng chúng ta vẫn trả hàng trăm triệu euro mỗi ngày cho Nga, nguồn vốn tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Putin. Để kết thúc chiến tranh, châu Âu phải ngay lập tức ngừng mọi hoạt động mua dầu và khí đốt của Nga.
L’Express: Nhưng châu Âu có thực sự từ bỏ được dầu khí của Nga không?
A. F. Rasmussen: Hoàn toàn có thể, chúng ta phải mua năng lượng từ các nguồn cung khác như Mỹ hay các quốc gia vùng Vịnh. Mặc dù chi phí sẽ tăng đáng kể, nhưng điều này rất nhỏ so với sự đau khổ của người dân Ukraina và cũng rất nhỏ so với sự mất mát của tự do mà tất cả chúng ta sẽ phải đối mặt nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ. Giá năng lượng sẽ tăng, nhưng đó là cái giá phải trả để ngăn cản Putin.
L’Express: Liệu ông Putin có thực sự sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt khi không thể tuyên bố chiến thắng vang dội ở Ukraina không?
A. F. Rasmussen: Điều này có thể xảy ra. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng NATO không nên loại trừ bất cứ khả năng hành động nào. Chúng ta phải làm mọi cách để tránh xảy ra chiến tranh giữa Nga và NATO, nhưng NATO đã quá nhanh chóng loại trừ khả năng áp dụng các biện pháp nhất định, vì sợ khiêu khích Nga. Điều này đã mang lại cho Vladimir Putin một lợi thế về chiến thuật, cho phép ông leo thang chiến tranh một cách mạnh mẽ, đồng thời những áp lực nhỏ từ phương Tây bị ông Putin coi là hành động khiêu khích nghiêm trọng. Để giành lại thế chủ động, tôi cho rằng NATO nên tái áp dụng một chiến lược mập mờ nhất định về những lằn ranh đỏ không được vượt qua.
L’Express: Tổng thống Mỹ Joe Biden đe dọa NATO sẽ đáp trả nếu Nga sử dụng vũ khí hóa học. Cụ thể bằng cách nào?
A. F. Rasmussen: Khi chúng ta nói về cách đáp trả những hành động gây hấn bằng vũ khí sinh hóa, chúng ta không thể nói một cách quá rõ ràng, bởi Vladimir Putin sẽ sử dụng những thông tin này để điều chỉnh chiến thuật. Tuyên bố này của Joe Biden phù hợp với quan điểm mà tôi bảo vệ. Ông Biden nói: “Chúng ta sẽ hành động nếu điều này xảy ra”, nhưng ông ta không nói sẽ hành động như thế nào. Theo tôi, đây là cách răn đe hữu hiệu nhất để cố gắng tránh sử dụng các loại vũ khí này. Chúng ta phải duy trì sự mập mờ.
L’Express: Liệu NATO có khả năng thực sự ngăn cản được Putin tiến xa hơn?
A. F. Rasmussen: NATO đã được củng cố, các đồng minh và phương Tây đã thể hiện sự đoàn kết đáng kể cho đến nay, và vũ khí cung cấp cho Ukraina đã thực sự phát huy tác dụng trên chiến trường, đặc biệt là tên lửa chống tăng, vũ khí phòng không và máy bay tấn công không người lái. Chúng ta phải tiếp tục cung cấp các loại vũ khí này cho Kiev, để quân đội Ukraina có thể tiếp tục bảo vệ tổ quốc của mình. Tôi nghĩ đó là tất cả những gì NATO có thể và nên làm vào thời điểm này. Nhưng tôi không loại trừ bất cứ khả năng gì trong tương lai.
L’Express: NATO có nên thiết lập “vùng cấm bay” như tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky yêu cầu không?
A. F. Rasmussen: Tôi nghĩ rằng phương án này cần được xem xét. Nhưng chúng ta phải hết sức thận trọng cân nhắc về vấn đề này, bởi một vùng cấm bay có thể gây hại nhiều hơn là lợi, nếu cuộc chiến lan rộng ra ngoài biên giới Ukraina.
L’Express: Phải chăng để chấm dứt cuộc chiến này thì lãnh thổ Ukraina sẽ bị phân chia, nước này chấp nhận quy chế trung lập và từ bỏ dự án gia nhập NATO?
A. F. Rasmussen: Volodymyr Zelensky đã thể hiện khả năng lãnh đạo và lòng dũng cảm đáng nể. Ông là người có thẩm quyền nhất để quyết định chấp nhận giải pháp chấm dứt xung đột. Nếu Kiev từ bỏ việc gia nhập NATO và chấp nhận quy chế trung lập, thì sự trung lập này sẽ phải vững vàng, chắc chắn và khả tín. Tôi hiểu rằng Ukraina muốn gia nhập Liên Hiệp châu Âu (EU). Ukraina cũng phải có khả khả năng tự vệ, với một quân đội hùng mạnh. Ukraina phải có được sự bảo đảm thông qua việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.
Chúng ta không nên quên rằng vào năm 1994, Nga đã hứa bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina với việc Kiev từ bỏ vũ khí hạt nhân. Cuối cùng, Vladimir Putin đã chiếm Crimée vào năm 2014 và không giữ lời hứa đó. Do đó, điều quan trọng đối với Ukraina là phải nhận được các bảo đảm an ninh vững chắc và đáng tin cậy. Nếu chỉ có một văn kiện, hiệp định thôi, thì không đủ.
Nhưng tất cả các quyết định thuộc về Ukraina, Nga không thể áp đặt các quyết định và cộng đồng quốc tế phải tôn trọng các quyết định của Ukraina. Mặt khác, phương Tây phải gây áp lực tối đa với Vladimir Putin, để bảo đảm rằng Kiev thương lượng trên thế mạnh.
L’Express: Châu Âu đã quyết định tạo ra một lực lượng phản ứng nhanh. Liệu có nguy cơ trùng lắp với hoạt động của NATO hay không?
A. F. Rasmussen: Không, hai lực lượng này tương hợp với nhau. Việc phát triển một lực lượng phản ứng nhanh của Liên Âu thậm chí là việc cần thiết để giúp cho châu Âu có khả năng hành động. Nhưng châu Âu sẽ luôn phải hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ, vì không có đủ khả năng quân sự cần thiết. Chúng ta phải phát triển khả năng phòng thủ của Liên Âu bằng cách củng cố khối này trong NATO và Liên Minh sẽ tiếp tục bảo đảm an ninh cho châu Âu.
L’Express: Tình đoàn kết mà phương Tây thể hiện phải chăng không che đậy được những bất đồng về thái độ chung cần có để đối mặt với Nga?
A. F. Rasmussen: Đây là điểm yếu của châu Âu. Cuộc xâm lược Ukraina của Nga đã tạo ra được một tình đoàn kết hiếm hoi tại châu Âu. Nhưng theo truyền thống, bên trong Liên Âu cũng như NATO, không có sự đồng thuận về cách tiếp cận với Nga. Đức rất cởi mở với Nga, Anh luôn luôn chỉ trích Nga, Pháp thì đứng ở giữa. Và xung quanh có các quốc gia nhỏ hơn mà sự thiếu đồng thuận này đã khiến những quốc gia nói trên cảm thấy căng thẳng và muốn có bảo đảm an ninh từ Hoa Kỳ.
L’Express: Hãy quay trở lại một trong những nguồn gốc của cuộc xung đột: năm 2008, NATO đã chấp thuận việc Gruzia và Ukraina gia nhập Liên Minh trong tương lai. Khi nhìn lại, đó có phải là một sai lầm không?
A. F. Rasmussen: Không, tất cả quốc gia có chủ quyền phải có khả năng quyết định chính sách và các liên minh của mình. Putin không thể trở thành người gác cổng của NATO. Tôi không hiểu phân tích của Nga mà theo đó NATO là một mối nguy hiểm. Thật nực cười, bởi đây là một liên minh phòng thủ, và liên minh này chưa bao giờ đe dọa Matxcơva. Ngoài ra vào năm 1997, chúng tôi đã cho phép Nga thành lập cơ quan đại diện thường trực trong tổng hành dinh NATO. Cùng với Liên Âu, NATO thậm chí đã thành công trong việc ổn định Đông Âu. Mục tiêu của Nga từ nhiều thế kỷ qua là có một biên giới và một khu vực lân cận ổn định ở phía tây. Chúng tôi đã làm được điều này thông qua việc mở rộng NATO và Liên Âu.
L’Express: Lúc còn là lãnh đạo Đan Mạch, ông đã từng giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên Âu và ông đã thúc đẩy việc mở rộng khối này sang các nước Đông Âu. Nhưng đây chẳng phải là một trong những nỗi sợ hãi của Putin, sự xuất hiện của nền dân chủ ở sát sườn Nga?
A. F. Rasmussen: Vladimir Putin sợ rằng các nền dân chủ sẽ trở thành tấm gương cho người dân Nga. Ông ta sợ dân chủ, tự do và đó là lý do tại sao ông ta phản ứng như thế. Nga có thể đã tấn công các nước Baltic và đe dọa Ba Lan và Rumani, nếu chúng ta không mở rộng NATO và Liên Âu vào năm 2004. Đây là một quyết định đúng đắn.
L’Express: Ông đã rút ra được gì từ những cuộc trao đổi với Putin?
A. F. Rasmussen: Ông ta đã thay đổi trong 20 năm qua. Năm 2002, ông ta từng muốn có một mối quan hệ khăng khít giữa Nga và NATO, và chúng tôi đã thành lập Hội đồng Nga-NATO. Năm 2010, chúng tôi quyết định phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Matxcơva, nhưng năm 2014 ông ta đã tấn công Ukraina! Thật phi lý. Trong một cuộc gặp với ông ta, ông ấy nói với tôi rằng phải “xóa bỏ NATO”. Đây là mục tiêu của Vladimir Putin: gây chia rẽ các nước phương Tây và phá hủy hai liên minh NATO và Liên Âu mà ông ta căm ghét.
L’Express: Nhưng mặc dù vậy, tổng thống Putin đã làm cho hai khối này đoàn kết hơn bao giờ hết…
A. F. Rasmussen: Vladimir Putin đã nhận được kết quả hoàn toàn trái ngược với mong muốn của ông! Ông ta đã củng cố phương Tây và gây ra một cuộc tranh luận ở Phần Lan và Thụy Điển, nơi phần lớn dân số của cả hai quốc gia đang ủng hộ việc gia nhập NATO, khi họ nhận thấy rằng sự ủng hộ của liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới là một sự bảo đảm về mặt an ninh. Cá nhân tôi cho rằng Helsinki và Stockholm nên thừa nhận thực tế mới này và gia nhập NATO không chậm trễ.
P.M.
Nguồn: RFI Tiếng Việt